Truyền giáo, còn đó nhiều nỗi lo
TRUYỀN GIÁO : CÒN ĐÓ NHIỀU NỖI LO
Ai ai cũng biết truyền giáo là sứ mạng của Kitô hữu. Có người cứ nhầm tưởng rằng truyền giáo là nhiệm vụ của linh mục, tu sĩ hay của ai nào đó dính dự đến truyền giáo. Thế nhưng tận căn, là người Kitô hữu thì phải ý thức sứ mạng của mình là truyền giáo.
Mỗi năm, Giáo Hội dành riêng một ngày đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hẳn nhiên, ai ai cũng hướng đến ngày này và muốn làm một chút gì đó gọi là ghi dấu trong ngày khánh nhật truyền giáo. Thường ta thấy có các cuộc hội thảo, nói chuyện xoay quanh về truyền giáo.
Điều không thể thiếu sót trong những hội thảo, hội nghị hay nói chuyện về truyền giáo đó chính là các con số thống kê.
Vô tình xem con số thống kê của Giáo Phận Phú Cường trong ngày khánh nhật truyền giáo thì quả là âu lo. Ngày thành lập Giáo Phận thì tỷ lệ người Công Giáo là 7,6 %. Thế nhưng ngày hôm nay tỷ lệ người Công Giáo rất khiêm tốn ở con số 3,8 %.
Thoạt nhìn, ta thấy số tín hữu theo Chúa thật đông và năm nào cũng gia tăng. Thế nhưng khi dừng lại và suy nghĩ ta không nên vội mừng. Đơn giản là vì con số tăng đó là con số tăng tự nhiên. Tăng tự nhiên đó là con cái sinh ra trong gia đình là Công Giáo thì con cái sin ra được cha mẹ mang đến Nhà Thờ để rửa tội theo đạo của cha mẹ. Và, một phần tăng nữa là do người ta rửa tội để theo đạo của vợ hay của chồng. Phần còn lại nữa xem chừng rất khiêm tốn là những người tự nguyện theo Chúa vì thấy đạo Công Giáo hay Chúa là chỗ dựa niềm tin cho đời họ.
Và như vậy, ta cũng nên suy nghĩ về truyền giáo của Giáo Hội.
Vui thì cũng có vui nhưng nỗi lo còn đó nhất là số người tin và theo đạo. Đó là chưa kể tình trạng xa Chúa, xa nhà thờ.
Nếu như những năm trước đây, ta nghe số tín hữu Công Giáo ít hay không lui tới Nhà Thờ nữa ở Tây Phương nhưng rồi hiện nay ở “ta phương” tình trạng không đến Nhà Thờ không phải là ít. Con số không đến Nhà Thờ nữa của người Công Giáo cũng là con số đáng báo động.
Mới đây, trong những lời huấn từ nhân dịp Lễ khánh thành Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Tống Viết Bường, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng không ngần ngại nói về thực trạng đau lòng này. Đức Tổng nói hiện nay có một số phụ huynh đến xin Đức Tổng cầu nguyện cho con chúng con ... đi Lễ.
Vậy đó, tình trạng người Công Giáo thờ ơ với Nhà Thờ cũng là vấn nạn lớn trong việc truyền giáo. Những người xung quanh họ nhìn vào người Công Giáo mà còn thờ ơ với Chúa như vậy thì lấy gì họ theo ?
Một góc cạnh khác nữa mà chúng ta đừng vội mừng đó là chuyện nhà thờ được xây mới. Trong thực tế những năm gần đây, chúng ta thấy có khá nhiều Nhà Thờ được xây mới và xây một cách nguy nga tráng lệ. Trong đó có cả các Trung Tâm Mục Vụ, cơ sở phục vụ cho việc sinh hoạt phụng tự. Mừng nhưng lo vì đó chỉ là bề nổi, còn xung quanh những tháp chuông cao và nhà thờ hoành tráng đó là những ngôi nhà thờ lụp xụp và thậm chí có nguy cơ sập bất cứ lúc nào không biết.
Một linh mục thân quen vừa cho hạ giải ngôi Nhà Thờ cũ xuống cấp trầm trọng kẻo nguy hiểm đến sinh mạng. Giờ đây để xây mới đối với Cha là chuyện không tưởng vì chưa có sự đồng ý của Đấng Bản Quyền. Mà nếu như có sự đồng ý của Đấng Bản Quyền đi chăng nữa thì tìm đâu ra kinh phí vì lẽ xứ đạo của Cha là một xứ đạo nghèo và vây quanh là người đồng bào Khmer.
Nhà Thờ xây mới rất nhiều nhưng Nhà Thờ mới xây ở những vùng dân cư mới dường như không có. Những khu dân cư mới mở dường như không có Nhà Thờ theo xu hướng phát triển của xã hội.
Có người quen kể lạ gia đình họ vì hoàn cảnh phải định cư ở vùng ven đô Sài Gòn. Cứ đến Chúa Nhật tìm Nhà Thờ để dự Lễ quả là điều khó bởi lẽ chung quan khu dân cư mà họ mới định cư đó không có Nhà Thờ. Dù lòng thì muốn dự nhưng Nhà Thờ có đâu ra mà dự.
Cùng với nhịp độ phát triển của xã hội, ta thấy nhiều vùng ven, vùng ruộng ngày xưa nay đã thay da đổi thịt. Chắc chắn những vùng đất mới này có người Công Giáo. Thế nhưng rồi xã hội thì phát triển, mở rộng nhiều vùng dân cư nhưng Nhà Thờ thì hoàn toàn không có.
Có thể nói hàng ngàn lý do để không có Nhà Thờ hay khó xin giấy phép. Thế nhưng thật sự một khi lòng con người muốn cùng với sự cầu nguyện thì dù lâu nhưng cũng sẽ có những ngôi nguyện đường để phục vụ cho dân ở những vùng đất mới.
Nghe kể lại ở những cái siêu thị lớn ở Mỹ, trong siêu thị có một không gian nho nhỏ dành phần cho Nhà Nguyện. Nơi đây phục vụ nhu cầu đời sống phụng tự và tâm linh. Nếu như vậy thì ở các chung cư lớn, nếu ta mua vài căn liền kề nhau ta cũng có thể “chế biến” thành một nguyện đường để phục vụ cho dân Chúa.
“Xa mặt thì cách lòng”. Một khi xa Nhà Thờ như thế thì chính những người gọi là đạo Công Giáo cũng không thể tham dự Thánh Lễ hay học Giáo Lý ... Như thế thì làm sao có thể truyền giáo cho những người chưa biết Chúa ở những nơi quy hoạch theo chiều hướng phát triển của xã hội.
Đó là về cơ sở vật chất, về không gian để phụng tự. Không có những không gian mở ra cho đời sống đạo thì e rằng giữ đạo cũng là khó chứ đừng nói đến truyền giáo.
Một chút suy tư về nơi chốn để sống đạo, giữ đạo và truyền giáo. Điều trăn trở và đau đầu nhức óc hiện nay đó là chuyện giáo sĩ trị. Người có vị thế cao nhất của Giáo Hội cũng phải lên tiếng về câu chuyện buồn này.
Trong thực tế, bản thân là linh mục, tôi nghe quá nhiều điều về chuyện giáo sĩ trị. Đó là chưa kể đến chuyện Ban Hành Giáo trị, Hội Đoàn trị, Ca Đoàn trị ...
Rất buồn với những người trong Ban Hành Giáo, Ca Đoàn hay Hội Đoàn đã để lại dấu ấn không đẹp cho những người đồng đạo huống hồ chi là người ngoại đạo. Thử hỏi người ngoài Công Giáo có can đảm theo đạo khi gặp những người hống hách lên mày lên mặt hay không. Đó là chưa kể đến những câu chuyện Bà Bếp trị. Có những giáo xứ thật đau lòng khi thấy quyền lực của bà bếp. Bà bếp muốn là coi như không ai cản được.
Cũng trong ngày Lễ mừng ở giáo xứ Thánh Bường, Đức Tổng Giuse không ngần ngại nhắc nhớ giáo dân Tống Viết Bường là có Nhà Thờ mới rồi phải siêng năng tham dự Thánh Lễ và đặc biệt nhất khi Đức Tổng nói về hiệp hành. Đức Tổng nói thẳng rằng hãy sống chứ đừng hô khẩu hiệu.
Vâng ! Truyền giáo cũng vậy ! Sống chứ đừng hô khẩu hiệu. Hô khẩu hiệu thì có lẽ ai ai cũng có thể hô và hô thật to. Kèm theo đó là những bài tham luận. Có lẽ bớt tham luận, có lẽ bớt nói đi mà hãy sống sứ vụ truyền giáo của mỗi người.
Tôi tưởng nghĩ : Truyền giáo khởi đi tự cung cách sống của mỗi người chúng ta.
Mang trong mình sứ vụ truyền giáo của một Kitô hữu, hơn nữa là một linh mục. Tôi vẫn luôn tự nhủ thầm rằng mình phải luôn luôn sám hối, luôn luôn phản tỉnh về đời sống của chính bản thân mình. Một khi con người của mình, cách hành xử của mình không họa lại hình ảnh của Đức Kitô thì đừng nghĩ gì hay nói gì về truyền giáo. Suy nghĩ như vậy, bản thân tôi luôn cố gắng cân chỉnh cuộc đời của mình để ai đó nhìn vào tôi có sự hiện diện của Chúa nơi tôi. Chỉ khi có Chúa trong mình thì mình mới nói về Chúa cho người khác được.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: