BIết chấp nhận
BIẾT CHẤP NHẬN
Trong đời sống, cách đặc biệt là trong thân phận làm người, khi gặp khó khăn về sức khỏe, về kinh tế ... thì người thân quen khuyên người đó hãy chấp nhận với hoàn cảnh. Thế nhưng để chấp nhận cái thân phận, cái giới hạn của mình lại là điều cực khó.
Với người bình thường, gọi là chấp nhận với cái giới hạn của mình đã là khó. Càng khó hơn với những người đã từng ngồi ở những vị trí cao trong Xã Hội và cả trong Giáo Hội nữa.
Một lần kia, có duyên cùng chuyến bay về miền cao với một đức giám mục đã nghỉ hưu. Trong tình thân, tôi cũng thi thoảng gặp cũng như thăm hỏi Đức Cha. Khi nghỉ hưu, Đức Cha ưu ái tặng cho tôi tập hồi ký của Ngài. Chính vì lẽ đó, khi ngồi đợi chuyến bay cất cánh, những câu chuyện thân tình được chia sẻ.
Tưởng nghĩ sẽ có thầy hay cha nào đó đi cùng. Khi hỏi ra thì Đức Cha cho biết rằng Ngài vẫn tự đi một mình như vậy. Đức Cha nói chưa đến lúc cần phải trợ giúp. Đến khi hỏi thăm sức khỏe thì Đức Cha không ngần ngại nói : “Thôi thì mình cũng phải chấp nhận cái sức khỏe của mình. Đến tuổi này thì phải chấp nhận”.
Tâm tình của Đức Cha thật là hay : chấp nhận !
Đường đường chính chính là giám mục của một giáo phận có số tín hữu đông nhất nước. Thế nhưng rồi đến tuổi nghỉ hưu, Đức Cha vui vẻ nộp đơn và được như lòng sở nguyện.
Bao nhiêu năm tu học, bao nhiêu năm kinh nghiệm và nhất là gắn bó mật thiết với Chúa, Đức Cha đã hơn một lần muốn biến giáo phận mà Đức Cha coi sóc thành giáo phận của lòng Chúa thương xót. Đức Cha ao ước nhà nhà, người người trở nên chứng nhân của lòng Chúa thương xót.
Thật thế, không đơn giản để cảm và sống điều đó trong cuộc đời. Phải gắn kết cách mật thiết với Chúa thì mới sống, mới diễn tả tâm tình đó ngay trong đời sống thực tại của mình.
Đặc biệt, xuyên qua các bài giảng tĩnh tâm cho các linh mục giáo phận miền cao, Đức Cha cách này cách khác, lúc này lúc kia cứ nhấn nhá về lòng thương xót của Chúa mà mỗi linh mục phải có trong đời mình. Đức Cha nói rằng để yêu thương người thương mình và người bình thường thì dễ và cũng chả co gì để nói. Để thương cái người mang trong họ thân phận của người nghiện ngập, người tội lỗi, người ngang bướng trong giáo xứ mới là chuyện quan trọng.
Với tất cả tâm tình, khi nghe qua các bài giảng tĩnh tâm của Đức Cha, người nghe sẽ kín múc được một tâm hồn thanh thoát với mọi vướng bận của cuộc đời. Nhờ và với kinh nghiệm đó, Đức Cha đã truyền lại cho những ai Đức Cha gặp gỡ.
Hỏi thăm về Trung Tâm Lòng Chúa Thương Xót – nơi Đức Cha khởi xướng thành lập – thì Đức Cha nói rằng mỗi thứ Sáu đầu tháng thì Đức Cha vẫn về đó để dâng Lễ. Sự hiện diện của Đức Cha như một chứng nhân sống động về lòng Chúa thương xót.
Để có những tâm tình đó, ta bắt gặp được tâm tình, thái độ sống hiền lành và khiêm nhường nơi Đức Cha. Đức Cha đã chấp nhận giới hạn của tuổi tác, của sức khỏe và nhât là giới hạn của con người để có thể ôm chầm lấy những người tội lỗi.
Vậy đó, trong cuộc sống nói chấp nhận thì dễ nhưng để sống chấp nhận như Đức Cha Giuse quý yêu không phải là chuyện đơn giản. Nhất là với những người đương chức và có quyền. Đôi khi họ ở vị trí cao quá mà họ quên đi với định luật của thời gian và tuổi tác thì con người không thể làm điều mình muốn.
Nhìn 2 đức cha già hưu, ta sẽ thấy rõ hơn về giới hạn của con người.
Đức Cha già Phêrô gần trăm tuổi nay sống như một trẻ thơ. Đơn sơ và vui vẻ với tràng chuỗi trên tay. Đặc biệt nhất vẫn phì phèo với điếu thuốc trên tay. Đức Cha Micae phải nói rằng sức khỏe của Ngài xuống nhanh quá. Dường như giờ đây Đức Cha không thể tự chủ được những sinh hoạt thường ngày. Dẫu thế, những hoài niệm, những ký ức khi được nhắc thì Đức Cha vẫn thương vẫn nhớ và vẫn khóc. Còn nhớ ở đám tang của Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng, Đức Cha ngậm ngùi vì sự ra đi của một người anh em, của một cộng sự.
Rồi khi nhìn đến dãy nhà hưu dưỡng của giáo phận. Ta lại thấy những khuôn mặt thân thương, những nhà truyền giáo đã một thời rảo bước trên mọi nẻo đường. Nay các Ngài sống đời sống kết hiệp mật thiết hơn với Chúa và để cầu nguyện cho Giáo Phận qua các tràng chuỗi, lời kinh và Thánh Lễ.
Phận làm người, ai ai cũng vậy thôi, rong ruỗi một đời rồi cuối cùng cũng phải dừng chân nghỉ. Nên chăng ta luôn nghĩ đến phía trước, đế tương lai nhưng không quên nghĩ đến giới hạn của phận người.
Khi chìm đắm với Đức Kitô, khi ý thức được thân phận mỏng giòn và non yếu và nhất là giới hạn của sức khỏe của mình như Đức Cha Giuse thì cách hành xử của ta sẽ khác. Ý thức như vậy ta sẽ hành xử cách nhân hậu hơn, cách có tình có nghĩa hơn để khi ta không còn khả năng điều khiển sinh hoạt của ta, khi ta hạn chế về mọi mặt thì nhiều người sẽ ở bên cạnh, yêu thương và nâng đỡ ta.
Cuộc đời này nó lạ lắm ! Mình hành xử như thế nào khi còn chức còn quyền, còn tiền và còn sức khỏe thì khi hết chức hết quyền và hết sức khỏe ta sẽ được đón nhận lại những gì mà ta hành xử. Nếu như ta nhân hậu cũng như biết giới hạn của mình để đối xử nhân hậu với người khác thì đến khi già nua tuổi tác hay không còn chút khả năng gì nữa ta vẫn nhận được tình yêu thương và lòng mến của mỗi người.
Thế cho nên, nên chăng trong cuộc sống ta luôn ý thức về giới hạn của mình như Đức Cha Giuse quý yêu ý thức vậy.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: