Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Không gian Thánh - Người đầu tiên trong trái tim người khác!

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

KHÔNG GIAN THÁNH

 

“Trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần”.

 

Trong một tập sách nói về các Giáo Xứ, tác giả ví von so sánh các ‘nhà thờ sống’ và các ‘nhà thờ chết’ như thế này:“Chi phí của các ‘nhà thờ sống’ luôn nhiều hơn thu nhập của họ; các ‘nhà thờ chết’ không cần nhiều tiền ! Các ‘nhà thờ sống’ luôn có vấn đề về chỗ đậu xe; các ‘nhà thờ chết’ có thừa mặt bằng trống! Các ‘nhà thờ sống’ có thể ồn ào vì một số trẻ em chạy nhảy và la hét; các ‘nhà thờ chết’ vắng lặng như một nghĩa trang đìu hiu! Các ‘nhà thờ sống’ tiếp tục thay đổi cách thức hoạt động, luôn cần những ‘không gian thánh’; các ‘nhà thờ chết’ không cần đổi thay!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Góp phần làm nên một Hội Thánh sống động, thì không chỉ những ‘không gian thánh’ của các Giáo Xứ; nhưng quan trọng hơn, đó còn là những con người, cũng là những ‘không gian thánh!’.Trong bài thánh thư ngày kính hai thánh Simon và Giuđa hôm nay, Phaolô viết, “Cả anh em, anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần”.  

 

Tân Ước cho biết rất ít về Simon và Giuđa, hai cái tên nằm cuối danh sách nhóm Mười Hai, chỉ trước Giuđa Iscariot, kẻ phản bội; thế nhưng, kinh ngạc thay, họ là những ‘không gian thánh’ đầu tiên làm nên toà nhà Hội Thánh.Như vậy, giữa các trụ cột tiên khởi làm nên toà nhà Hội Thánh, có “Simon nhiệt tâm”, phân biệt với Simon Phêrô, thủ lãnh; và “Giuđacon Giacôbê”, hay “Giuđa Tađêô”,phân biệt với Giuđa Iscariot, kẻ nộp Thầy.

 

Simon được biết đến như một người nhiệt thành,có lẽ vì ông thuộc nhóm cực đoan, chống lại Rôma. Còn Giuđa,được biết đến như vị tông đồ cuối cùng mà các tín hữu sơ khai cầu cứu; việc cầu nguyện với Giuđa Tađêô nhắc nhở mọi người về kẻ phản bội tuyệt vọng cùng tên với ngài. Và nếu đúng như vậy, thì trong sự quan phòng của Chúa, Giuđa Tađêô trở thành vị tông đồ cuối cùng được cầu xin, trở nên niềm hy vọng sau hết cho nhiều người; và chúng ta không ngạc nhiên khi truyền thống gọi Giuđa Tađêô là thánh bảo trợ cho những người thực sự vô vọng. Dẫu sao, Simon và Giuđa cũng là những Giám mục đầu tiên được chọn để đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất; Thánh Vịnh đáp ca ghi nhận, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

 

Ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, như các tông đồ, mỗi chúng ta được kêu gọi để trở nên một ‘không gian thánh’,“trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần”, những con người sẽ ra đi loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Như vậy, trong mọi đấng bậc, mỗi người sẽ loan báo theo cách thức riêng phù hợp với sứ vụ Chúa Kitô đã trao phó cho mình một cách đặc thù. Dẫu hình thức có khác nhau nhưng tất cả đều được kêu gọi để tạo nên một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của những con người chúng ta phục vụ. Và nếu trung thành với sứ mệnh, chúng ta tin chắc, Thiên Chúa đang sống giữa chúng ta qua Thần Khí của Ngài; trong Thần Khí, chúng ta, những ‘không gian thánh’, nơi cuốn hút và quy tụ mọi người đến với Chúa; tác động tông đồ của chúng ta sẽ tác động trong cuộc sống của vô vàn anh chị em từ mút cùng thế giới.

 

Anh Chị em,

 

Để Hội Thánh có thể trở thành một ‘Không Gian Thánh’ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không chọn hạng khôn ngoan, giàu có, hay những người thuộc tầng lớp quý tộc; Ngài chọn những ngư dân, thu thuế, những con người bình thường mà Ngài sẽ giáo dục. Phải chăng, vì sợ rằng, họ sẽ lôi kéo một số người bằng sự khôn ngoan của chính họ, mua chuộc những người khác bằng của cải riêng họ, hoặc hấp dẫn những người khác bằng những tài năng và sự hào hiệp của họ… nên Ngài đã chọn gọi những con người yếu hèn như thế để chứng tỏ rằng, chính quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần đang điều khiển Hội Thánh,dẫn dắt từng người, chứ không phải một ai khác. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân được gọi để trở nên một ‘không gian thánh’ của Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin dùng con như một công cụ nhiệt tâm và trung thành, cho con trở nên một ‘không gian thánh’;ở đó, bất cứ ai cũng có thể gặp Chúa, đặc biệt,những ai đang tuyệt vọng!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

NGƯỜI ĐẦU TIÊN TRONG TRÁI TIM NGƯỜI KHÁC

 

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên!”.

 

De Haan nói, “Tôi tin rằng, thử thách đầu tiên của một người thực sự vĩ đại chính là đức khiêm tốn của người ấy! Người thực sự vĩ đại biết rằng, sự vĩ đại không phải ở họ; nhưng qua họ, Chúa làm tất cả! Khiêm tốn là điều phải thường xuyên cầu xin, nhưng đừng bao giờ cảm ơn Chúa vì có nó! Được như thế, hãy tin tôi, bạn sẽ là ‘người đầu tiên trong trái tim người khác!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Hãy tin tôi, bạn sẽ là ‘người đầu tiên trong trái tim người khác!’”. Thật thú vị, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tỏ ra đồng tình với De Haan; quả thế, Thiên Chúa đã làm bao việc vĩ đại qua những con người khiêm tốn. Thông thường, người ấy không chỉ chiếm chỗ trong trái tim Thiên Chúa, hoặc trái tim người khác,nhưng còn là ‘người đầu tiên trong trái tim người khác!’.

 

Sự việc xảy ra vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu được mời dùng bữa, Ngài thấy nhiều người chọn cỗ nhất, Ngài dạy họ đừng làm thế, vì chủ nhà có thể mời họ xuống cỗ dưới, và họ sẽ phải xấu hổ. Ngài kết luận, “Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên!”. Không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều cảm thấy không hài lòng khi ở cạnh một người luôn tự đề cao. Vậy mà, oái oăm thay; chính chúng ta đã làm điều đó mà không nhận ra, khiến những người chung quanh nhờm tởm như thế nào. Tôi nhớ mình đã làm việc với một người như vậy. Đó là một anh chàng đẹp trai nhất thế giới, nhưng anh ấy luôn nói về bản thân. Đó là khuyết điểm đáng chú ý duy nhất cũng là khuyết điểm chết người của anh. Tôi chắc rằng, anh ấy đã không nhận ra điều đó. Anh ấy có rất nhiều đức tính khác, và tôi tin chắc, nếu loại bỏ được khuyết điểm lớn nhất của mình, anh ấy sẽ là ‘người đầu tiên trong trái tim người khác’. Vậy mà, vì luôn đặt mình ở vị trí đầu tiên, nên anh ấy luôn chiếm một vị trí cuối cùng trong trái tim chúng tôi.

 

Mặt khác, đôi khi bạn gặp được những con người không bao giờ nói về mình; dường như họ tồn tại để giúp đỡ người khác. Có thể bạn không luôn để ý sự có mặt của họ, nhưng lại thấy những tác động từ họ: mọi người hạnh phúc hơn, ít căng thẳng hơn, và có vẻ bớt lo lắng hơn. Có thể gọi họ là những người “bôi trơn”. Nếu bạn cần giúp đỡ, người ấy sẵn sàng; thậm chí bạn không cần yêu cầu. Họ đang cho đi tình bạn, điều mà bạn có thể tin tưởng. Họ là ‘tài sản’ ở bất cứ nơi nào họ hiện diện vì họ biết cách làm cho những người chung quanh trở nên hiệu quả. Mọi người yêu quý họ. Có thể người ấy không có những nhân cách tốt nhất hoặc nhiều kỹ năng xã hội, nhưng không ai quan tâm điều đó; vì từ họ, dường như chỉ có lòng tốt tuôn ra. Dù họ có vẻ không quan trọng, nhưng mọi người chung quanh đều đánh giá cao họ; thậm chí họ không hề nhận ra rằng, họ đang ở vị trí cao nhất và cũng là ‘người đầu tiên trong trái tim người khác!’.

 

Anh Chị em,

 

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên!”.Chúa Kitô đã hạ mình xuống và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài lên. Không chỉ mình Chúa Kitô được nhắc lên; quan trọng hơn, mỗi chúng ta và cả nhân loại, nhờ Ngài, được nhắc lên. Chính sự hiện hữu của bạn và tôi trên hành tinh này chứng tỏ mỗi chúng ta là ‘người đầu tiên trong trái tim Thiên Chúa!’. Và còn hơn thế, mỗi ngày,Chúa Giêsu thân hành mời chúng ta đến, Ngài thết chúng ta bằng Thịt Máu Ngài. Như vậy, trong con mắt và trái tim Thiên Chúa, chúng ta cao trọng biết bao. Vì thế, bạn và tôi có là gì, ngồi ở đâu, chức vụ nào… sẽ không là vấn đề; và cũng chẳng giá trị gì so với tước vị làm con Thiên Chúa và là ‘người đầu tiên trong trái tim’ Ngài. Phaolô đã cảm nhận hồng ân trọng đại đó; qua thư Philipphê hôm nay, ngài tuyên bố, “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô”; để suốt quãng đời còn lại, Phaolô chỉ khao khát Ngài, những muốn sống chết cho Ngài, như nai rừng khát khao dòng suối. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để có thể là ‘người đầu tiên trong trái tim người khác’, xin giúp con tập trung vào những gì thực sự quan trọng-‘yêu thương’- hơn là những gì thế giới trao giải-‘huyễn danh’, vốn quá ư trống rỗng!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)