Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tình yêu cháy bỏng và thanh tẩy - Một đời tìm kiếm

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TÌNH YÊU CHÁY BỎNG VÀ THANH TẨY

 

“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”.

 

Trên một bia mộ, người ta đọc dòng này, “Chỗ bạn đang đứng là chỗ tôi đã đứng. Nơi tôi đang nằm là nơi bạn sẽ nằm!”. Chúng ta sẽ rời khỏi cõi tạm này; vì vậy, tốt nhất, ngay khi đang sống, hãy để ‘tình yêu cháy bỏng và thanh tẩy’ của Chúa kịp đốt cháy và tẩy sạch mọi bợn nhơ!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Hãy để ‘tình yêu cháy bỏng và thanh tẩy’ của Chúa kịp đốt cháy và tẩy sạch mọi bợn nhơ!”.Lời khuyên này cần được suy nghĩ trong ngày cầu cho Các Đẳng Linh Hồn. Lời Chúa đưa chúng ta về “Luyện ngục”, một khái niệm thường bị hiểu lầm. Luyện ngục là gì? Nơi chúng ta chịu trừng phạt vì tội lỗi mình? Cách Thiên Chúa nhắc lại những sai phạm của mỗi người? Đó là kết quả cơn giận của Ngài? Không câu hỏi nào thực sự trả lời câu hỏi về Luyện ngục. Luyện ngục không gì khác hơn là ‘tình yêu cháy bỏng và thanh tẩy’của Chúa dành cho những người Chúa chọn. Sách Khôn Ngoan hôm nay nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”.

 

Khi ai đó chết trong ân điển Chúa, rất có thể họ không được hoán cải 100% và hoàn hảo về mọi mặt. Cả những vị thánh vĩ đại nhất cũng có một số khiếm khuyết trong cuộc sống. Luyện ngục không gì khác hơn là sự thanh tẩy cuối cùng tất cả những ràng buộc còn lại với tội lỗi. Hãy tưởng tượng, bạn có một cốc nước tinh khiết 100%. Chiếc cốc này tượng trưng cho thiên đàng. Hãy tưởng tượng, bạn muốn thêm vào cốc nước đó, nhưng những gì bạn có là nước tinh khiết 99%. Nước tinh khiết 99% này đại diện cho người lành thánh đã chết với một số chấp trước nhẹ đối với tội lỗi. Nếu bạn thêm nước đó vào cốc,bấy giờ, cốc sẽ có một số tạp chất,ít nữa là 1%. Vấn đề là thiên đàng không được chứa bất kỳ tạp chất nào, dù là nhỏ nhất. Vì thế, 1% đó vẫn cần được lọc sạch. Luyện ngục là quá trình đốt cháy những ràng buộc sau hết để chúng ta có thể vào thiên đàng, giải thoát 100% mọi thứ liên quan đến tội. Ví dụ, thói quen xấu của bạn là thô lỗ, hay mỉa mai, thì cả khuynh hướng và thói quen này cũng phải được loại bỏ.

 

Làm thế nào điều này xảy ra? Chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết nó có. Nhưng cần biết rằng, đó là kết quả của ‘tình yêu cháy bỏng và thanh tẩy’ vô hạn của Thiên Chúa, giải phóng chúng ta khỏi những ràng buộc. Có đau không? Rất có thể. Nhưng đau đớn theo nghĩa là buông bỏ mọi ràng buộc rối loạn. Nhưng kết quả cuối cùng là tự do thực sự, đáng giá cho bất kỳ nỗi đau nào mà chúng ta có thể trải qua. Vì vậy, Luyện ngục là đau đớn;nhưng đó là nỗi đau ngọt ngào cần có để đạt đến kết quả cuối cùng là một người kết hợp 100% với Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi”; và chúng ta sẽ đến dự tiệc trong Nước Ngài với chiếc áo và trái tim tinh tuyền tuyệt đối!

 

Tưởng nhớ các linh hồn, chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công. Các linh hồn trải qua cuộc thanh tẩy cuối cùng này vẫn hiệp thông với Chúa, với Giáo Hội dưới thế và Giáo Hội thiên quốc. Chúa sử dụng lời cầu nguyện của chúng ta dành cho các linh hồn như những công cụ thanh tẩy của Ngài; Ngài cho phép và mời chúng ta tham gia vào cuộc thanh tẩy cuối cùng của họ. Điều này tạo nên một mối quan hệ liên đới chặt chẽ của chúng ta với các linh hồn.

 

Anh Chị em,

 

“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”. Như vàng trong lửa, vào một ngày kia, tất cả chúng ta rồi cũng được thanh luyện như các linh hồn. Và không nghi ngờ gì nữa, các thánh trên trời, đặc biệt dâng lời cầu nguyện cho họ trong cuộc thanh tẩy cuối cùng này đang khi họ chờ đợi hiệp thông trọn vẹn với các ngài. Đó là một suy nghĩ đáng hoan hỷ và một niềm vui lớn lao khi chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa đã sắp xếp toàn bộ quá trình này cho mục đích cuối cùng của sự hiệp thông thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi! Như vậy, cuộc thanh tẩy chót này rõ ràng là cần thiết, nó là sáng kiến từ ‘tình yêu cháy bỏng và thanh tẩy’ của Chúa!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chớ gì kinh nguyện và hy sinh của con góp phần thánh hoá các linh hồn khỏi mọi ràng buộc, chấp trước; nhờ đó, họ sớm hưởng kiến thánh nhan!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

MỘT ĐỜI TÌM KIẾM

 

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

 

Alexander Đại Đế thấy Diogenes triết gia, đang chăm chú nhìn vào một đống xương người. Vua hỏi nhà triết học rằng,“Ông đang tìm kiếm điều gì?”. Diogenes trả lời, “Điều mà tôi không thể tìm thấy!”; và Diogenes thú nhận, ông đã để cả ‘một đời tìm kiếm’ điều không không thể tìm thấy!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Diogenes đã để cả ‘một đời tìm kiếm’ điều ông không thể tìm thấy! Và Cuộc đời mỗi người, xét cho cùng, là ‘một đời tìm kiếm!’. Vậy mà thật thú vị, Lời Chúa hôm nay còn cho biết, không chỉ con người tìm kiếm; cả Thiên Chúa, Ngài cũng ‘một đời tìm kiếm!’.

 

Từ phút chào đời, con người đã rành rọt trong việc kiếm tìm!Chưa cần phải mở mắt, đứa bé đỏ ỏng đã biết tìm vú mẹ. Quá trình trưởng thành của nó,rốt cuộc, cũng là một quá trình tìm kiếm. Con người tìm kiếm cái ăn, cái mặc; tìm kiếm tri thức, của ăn tinh thần; tìm kiếm lẽ phải, sự thiện, sự thật; và tuyệt vời nhất,cái đáng tìm kiếm nhất của nó chính là Thiên Chúa, Chân - Thiện - Mỹ. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

 

Trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô biệt phái tâm sự. Gần nửa cuộc đời,dường như Phaolôđã hoài sức tìm kiếm sự hoàn thiện khi nỗ lực chu tất lề luật; mãi cho đến khi biết được Chúa Kitô. Tìm được Ngài, Phaolô không thiết tha gì đến quá khứ; Phaolô thú nhận, “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi!”.

 

Và thật bất ngờ, bản thân Thiên Chúa, chính Ngài cũng ‘một đời tìm kiếm!’. Từ thuở địa đàng, Ngài đã tìm kiếm, “Ađam, ngươi ở đâu?”. Với con người, tìm kiếm một cái gì,là tìm kiếm cho chính nó; với Thiên Chúa, thì không như thế. Điều Thiên Chúa kiếm tìm không cho bản thân Ngài mà cho chính đối tượng Ngài tìm kiếm; vì lẽ, với Thiên Chúa, tìm kiếm là xót thương, là cứu vớt ! Dụ ngôn “Con Chiên Lạc” và “Đồng Bạc Bị Mất” trong Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó! Chúa Giêsu thường xuyên ‘giao du’ với những người thu thuế và tội lỗi đến nỗi nên cớ vấp phạm cho giới biệt phái. Qua hai dụ ngôn,Chúa Giêsu ví mình như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc hay như người phụ nữ chong đèn, quét nhà tìm bằng được đồng bạc bị mất. Với Ngài, mỗi tội nhân đều quý. Như người mục tử và người phụ nữ, Chúa Giêsu ‘say mê tìm kiếm’. Đúng thế, Thiên Chúa say mê tìm kiếm con người; và như vậy, ngoài những tên gọi thường ngày, Thiên Chúa còn có một cái tên khác, “Đấng Tìm Kiếm”, ‘một đời tìm kiếm!’.

 

Ngoài việc tìm kiếm, Tin Mừng hôm nay còn nói đến niềm vui tìm được! Luca viết, “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác chiên lên vai”; đây là chi tiết ‘ly kỳ’ mà chỉ một mình Luca có! Để rồi, người chăn chiên và người phụ nữ “mời bạn bè, hàng xóm” đến chung vui; và niềm vui đạt tới đỉnh điểm khi Chúa Giêsu kết luận, “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Đó chính là lý do và mục đích cuối cùng khi Thiên Chúa, Đấng ‘một đời tìm kiếm’ sai Con Một Ngài xuống thế làm người!  

 

Anh Chị em,

 

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”. Tại sao? Người tìm kiếm Chúa hoan hỷ vì biết rằng, Thiên Chúa đi tìm nó trước! Gioan nói, “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước!”.Vì thế, trên hành trình tìm kiếm Chúa, bạn và tôi biết rằng, Thiên Chúa luôn ngược chiều với chúng ta, Ngài đi tìm chúng ta trước. Ngay khi bạn vừa đặt chân xuống dòng suối, tìm lên ngọn nguồn, thì chính dòng nước đã ôm chầm bạn! Việc tìm kiếm Chúa còn là một hồng ân, chính nhờ sự dun dũi của Thánh Thần mà con người mới có khả năng tìm kiếm Ngài. Một điều quan trọng khác chúng ta phải lưu ý là bạn và tôi phải xin ơn nhận biết mình lạc lối. Phải, tất cả chúng ta đều lạc lối mỗi người mỗi kiểu, theo những cách khác nhau. Chúa Giêsu, Đấng ‘một đời tìm kiếm’ đang tìm kiếm chúng ta; Ngài tìm kiếm mỗi người tận đồi Canvê; và mỗi ngày, Ngài tìm kiếm và đợi chờ chúng ta trong Thánh Thể, trong các biến cố, trong anh chị em mình.Và điều quan trọng nhất, hãy kíp nhận ra Ngài, và hãy ‘cho phép mình được tìm thấy!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Đấng ‘một đời tìm kiếm’, Chúa say mê tìm con; xin cho con say mê kiếm Chúa; và nhất là, ban cho con sức mạnh để con có thể‘cho phép mình được tìm thấy!’, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)