Một cơ duyên - Một trái tim không chia cắt
MỘT CƠ DUYÊN
“Tôi nghe nói anh sao đó?”.
Một Kitô hữu đi qua đường hầm tăm tối có xu hướng tập trung vào những điểm yếu và thất bại tội lỗi của mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể sử dụng thời gian này cách tích cực để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân điển toàn vẹn và tràn đầy của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, một linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘một cơ duyên!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Thời khắc này có thể trở thành ‘một cơ duyên!’”. Đó cũng là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta khi bạn và tôi đặt mình trong vai người quản lý của dụ ngôn hôm nay. Ông chủ nói với anh, “Tôi nghe nói anh sao đó?”. Vậy nếu chúng ta coi những lời này là lời của chính Chúa đang nói với mình, “Ta nghe nói con sao đó?”thì đây cũng có thể là ‘một cơ duyên!’. Và thật thú vị, trong tiếng Anh, “cơ duyên, grace”, còn có nghĩa là “ân sủng!”.
“Ta nghe nói con sao đó?”. Tất nhiên, đây chỉ là một dụ ngôn. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết tất cả, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa”. Tuy nhiên, Ngài vẫn rất có thể nói với chúng ta những lời ấy khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người; Ngài nhắc cho chúng ta rằng,bạn và tôi phải chịu trách nhiệm vềmọi hành vi tự do của mình. Giờ đây, trong bầu khí cầu nguyện, chúng ta hãy nhìn vào Ngài, một người Cha, cũng là người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Có thể những lời này sẽ tiết lộ một nỗi lo lắng về một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, về một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là những con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài, một vị Cha nhân từ!
Vâng, chúng ta sẽ phải cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì chúng ta đã lãnh nhận, nó sẽ bao gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta cảm thấy mình đã tận dụng tối đa những gì đã nhận lãnh cho việc xây dựng Nước Chúa và cho vinh hiển Ngài ? Bí Tích Hoà Giải, được chuẩn bị bằng một cuộc kiểm tra lương tâm chu đáo, cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình, từng phần một, như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra cuối cùng. Thật là ‘một cơ duyên!’.Vậy bạn có đang tận dụng nó không? Chúa nhân lành có gọi chúng ta là kẻ phung phí? Đứa con hoang đàng bị buộc tội phung phí tài sản của cha mình. Chắc chắn, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo léo, lãng phí hoặc xa hoa.
Còn về tất cả những ân sủng khác thì sao ? Đức tin của chúng ta, Giáo Hội Công Giáo, các Bí Tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian được cung cấp, những tài năng đã lãnhnhận! Chúng ta có phải là kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô trong thư Philipphê hôm nay, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? Hãy cậy trông vào Ngài, “Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài!”.
Anh Chị em,
“Ta nghe nói con sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là ‘một cơ duyên ’đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta sốt sắng và quảng đại hơn, biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và lợi ích các linh hồn Chúa đã đặt bên cạnh mình.Ước gì, nhờ việc xét mình, và nhờ sức mạnh và ơn tha thứ của Đấng sẵn sàng ban chính Thịt Máu Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, chúng ta trở nên một quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thanh khiết để tận hưởng chính Ngài như phần thưởng thiên đàng.Diễn tả niềm hân hoan của ngày phúc kiến đó, Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con chểnh mảng với ơn Chúa. Chớ gì câu hỏi Chúa dành cho con hôm nay là ‘một cơ duyên’, cũng là thời khắc ân sủng, để con biết điều chỉnh lại cách sống!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
MỘT TRÁI TIM KHÔNG CHIA CẮT
“Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được!”.
Bốn cách để tìm hiểu mọi thứ bạn cần biết về một người đàn ông trước khi quyết định kết hôn với người ấy. Quan sát anh ấy lái xe trong tình trạng giao thông đông đúc.Lắng nghe anh ấy nói chuyện với mẹ khi anh ấy không biết bạn đang lắng nghe.Xem cách anh ấy đối xử với những người phục vụ. Và quan trọng nhất, để ý xem anh ấy sẵn sàng chi tiền để mua gì, làm gì. Từ đó, bạn có thể đoán được phần nào ‘một trái tim không chia cắt’ bạn cần đến mai ngày!
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến ‘một trái tim không chia cắt!’. Ngài đi sâu vào trái tim của người quản lý bất lương, nhân vật của dụ ngôn trước đó. Ngài nói về trái tim của một người,hoặc đặt trên Chúa, hoặc đặt trên tiền;và Ngài dạy chúng ta hãy có cho mình ‘một trái tim không chia cắt!’.
Hoặc trên Chúa, hoặc trên Tiền ! Một trái tim không thể được thiết lập trên cả hai. Trong loạt bài linh thao của mình, thánh Ignatiô cũng nói đến hai phần chọn lựa của trái tim;ngài mời những người tĩnh tâm nhận ra phẩm chất và hệ quả của lời mời gọi và xét xem họ muốn đứng dưới ngọn cờ của ai; dưới cờ Chúa Kitô hay dưới cờ Lucifer. Một cái dẫn đến cuộc sống đích thực; và cái kia, trong khi có vẻ hấp dẫn, lại dẫn đến cái chết. Chúa Giêsu đặt sự chọn lựa này trước những người Pharisêu như một bài kiểm tra lương tâm đối với họ, Ngài mời họ thoáng nhìn động cơ sâu xa của trái tim mình. Điều Ngài chờ đợi ở họ là ‘một trái tim không chia cắt’.
Hoặc trên Chúa, hoặc trên Tiền! Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy để cho trái tim mình lựa chọn một cách trung thực. Vấn đề không phải là từ chối tiền bạc mà là lựa chọn sử dụng những gì chúng cung cấp một cách khôn ngoan. Ignatiô gọi đó là “thờ ơ”, một “thờ ơ” mang ý nghĩa ‘không dính bén’, nhưng có khoảng cách! Khác xa với việc không quan tâm, người biết sử dụng của cải quan tâm đến những gì quan trọng. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc, của cải , sẽ tạo ra một sự khác biệt; và quan trọng, mối quan hệ với nólại đáng nói hơn. Tìm kiếm của cải nhưng không tìm nó vì lợi ích cá nhân, hay vì bất kỳ một động cơ ích kỷ nào; trái lại, tìm kiếm và sử dụng nó cho vinh quang Chúa và mưu ích cho đồng loại ! Nghĩa là làm sao sử dụng chúng theo một tầm nhìn vĩnh cửu để xây dựng Vương Quốc ngay hôm nay trên trái đất.Về căn bản, sự chọn lựa xác định những gì chúng ta đang thực sự tìmkiếm.Chọn lựa này là vấn đề của trái tim, nhưng phải là ‘một trái tim không chia cắt’.
Thật trùng hợp, Phaolô, trong thư Philipphê hôm nay, cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời về ‘một trái tim không chia cắt’ đối với của cải, “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em”. Rõ ràng, Phaolô coi của cải Chúa ban là để phục vụ, để tặngtrao; đặc biệt đối với các cộng đoàn đang thiếu thốn. Tắt một lời, để làm vinh danh Chúa qua việc phục vụ tha nhân.
Anh Chị em,
“Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được!”. Chúa Giêsu đã sống tất cả những gì Ngài dạy. Trước khi thi hành sứ vụ, Ngài ẩn mình trong sa mạc bốn mươi đêm ngày; ở đó, ma quỷ cám dỗ, gạ gẫm tặng trao Ngài tất cả các nước thiên hạ, nhưng Ngài đã từ chối. Trên thế gian, ai giàu có bằng Ngài. Phaolô nói, “Ngài phận là phận của một vì Thiên Chúa mà không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc thân nô lệ, nên giống người phàm”. Ngài đã hoá nên nghèo khó để chúng ta giàu có. Trái tim Ngài dứt khoát chọn lựa, Ngài chọn Chúa Cha và một chỉ làm vui lòng Cha. Chúng ta, môn đệ Ngài, ước gì bạn và tôi cũng có một thái độ rõ ràng với của cải. Như một quản lý khôn ngoan, noi gương Chúa Giêsu, noi gương Phaolô, chúng ta quân bình trong việc sử dụng tiền của. Tất cả là chỉ phương tiện phục vụ cho Nước Chúa và mưu ích các linh hồn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thường thì “tiền vào, Chúa ra”. Cho con biết mở rộng cửa mỗi ngày, để Chúa không chỉ vào mà luôn ở lại trong tim con, ‘một trái tim không chia cắt!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: