Không gian cho Chúa - Biến đổi và trở nên phong phú hơn
KHÔNG GIAN CHO CHÚA
“Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.
Đọc Giêrêmia 23, 24: “Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy. Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn sao?”, một nhà thần học nói, “Một thuộc tính chỉ riêng một mình Thiên Chúa có, là sự hiện diện của Ngài bao trùm mọi lúc và mọi nơi. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Điều đó không có nghĩa thiên nhiên là một phần của Chúa; và do đó, chúng đáng được tôn thờ. Tạo vật tách biệt với Tạo Thành nhưng không phải là không tuỳ thuộc vào Ngài; tuy nhiên, nơi bất cứ một tạo vật nào, vẫn cần có một ‘không gian cho Chúa!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cần có một ‘không gian cho Chúa!’”. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ Chúa Giêsu tuyên bố qua trình thuật Tin Mừng hôm nay. Để Thiên Chúa có thể tiếp cận và ở với dân Ngài, Chúa Giêsu cho biết, mỗi người cần có một đền thờ, một ‘không gian cho Chúa’, một không gian được dọn sạch hầu xứng đáng cho Ngài ngự trị. Bởi lẽ, không ít đền thờ đã bị chiếm dụng trái phép; Chúa Giêsu nói, “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.
Chúa Giêsu vàođền thờ Giêrusalem, nơi Thiên Chúa hiện diện; Ngài thấy nó được vận hành bởi kẻ mua người bán, nên nhanh chóng đuổi họ ra khỏi đó và lấp đầy nó bằng sự hiện diện và Lời giảng dạy của Ngài. Nhân biến cố này, Luca mời gọi mỗi người chúng ta đánh giá đền thờ nội tâm lòng mình ! Trong thư thứ nhất Côrintô, Phaolô nói, “Nào anh em chẳng biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Đây là một câu hỏi cấp bách giúp chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, hầu xem liệu trong đó có đủ ‘không gian cho Chúa’ tự do hoạt động không, một không gian lắng đọng để lắng nghe tiếng Chúa; và ở đó, Lời phải lớn lên và sinh hoa kết trái. Thật trùng hợp, Gioan, tác giả Khải Huyền hôm nay viết những gì thiên thần bảo ông, “Hãy cầm lấy cuốn sách mà nuốt đi!”; “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước!”. Gioan đã nuốt cuốn sách và cảm nhận, “Lạy Chúa, con cảm thấy lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Thứ đến, hãy nhìn vào đền thờ tâm hồn, xem ở đó,có sự bề bộn nào không; vì lẽ, sự ngổn ngang có thể ngăn chặn tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở đó, có thể có những tổn thương do chính mình hoặc do người khác mà chúng ta không thể buông bỏ. ‘Không gian cho Chúa’ bên trong có thể bị chiếm dụng bởi tức giận, phẫn uất, cay đắng và bất khoan dung; chúng đang cướp mất sự chữa lành,sự giao hoà và bình an của Thiên Chúa. Hoặc đền thờ của chúng ta cũng có thể bị lấn chiếm bởi những cảm giác tội lỗi hoặc sai lầm trong quá khứ,khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào bản thân và những thiếu sót làm cho linh hồn phải sống trong lo lắngvà sợ hãi. Vì thế, chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước cửa, hoặc ngay trước mặt mình; Ngài đem cho chúng ta lòng thương xót, sự tha thứ; giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc, hứa hẹn một tương lai thanh thản,ắp đầy niềm vui.
Anh Chị em,
“Nhà Ta là nhà cầu nguyện!”. Phải, tâm hồn chúng ta phải là nơi cầu nguyện! Hôm nay, bạn và tôi dành một chút thời gian để mời Chúa Giêsu, Đấng “không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian” vào đền thờ lòng mình; xin Ngài dọn sạch nó, trả lại ‘không gian cho Chúa’ hầu mỗi người có thể cảm nghiệm tình yêu, niềm vui và ân sủng của Ngài. Giêsu, Mục Tử Nhân Lành đang đứng ngoài cửa đền thờ tâm hồn bạn và tôi, Ngài đang gõ; hãy hé mở cho Ngài ! Hãy mở toang cho Ngài vào, và hãy để sự hiện diện yêu thương của Ngài lấp đầy không gian đó. Đền thờ tâm hồn chúng ta chỉ có thể là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa, một đền thờ đầy ắp Giêsu và tình yêu của Ngài trong thế giới này. Từ đó, bạn và tôi trở thành những nhà tạm di động, những ốc đảo yêu thương giữa một đại dương lạnh lùng với Thiên Chúa, một đại dương nhốn nháo dẫy đầy những con người không biết Chúa hoặc đang chống lại Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con sợ hãi và bồn chồn khi phải để Chúa ‘phát quang’ lòng con; xin lấp đầy con bằng sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, Lời mới có đất tốt và ánh nắngđể lớn lên!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*************
BIẾN ĐỔI VÀ TRỞ NÊN PHONG PHÚ HƠN
“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống!”.
J. C. Ryle nói, “Đến như một tên cướp trên thập giá mà còn được cứu, thì không ai có thể cho phép mình tuyệt vọng. Và cũng chỉ bởi một người làm được điều đó, thì không ai có thể giả định cứu độ thay Ngài. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, Đấng ‘biến đổi và làm cho phong phú hơn!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, Đấng ‘biến đổi và làm cho phong phú hơn!’”. Ý tưởng của J. C. Ryle được xác nhận qua Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu trả lời cho người Sađuccêô về việc sống lại. Qua đó, Ngài tiết lộ, tình yêu không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’.
Kịch bản lố lăng mà những người Sađuccêô đưa ra để gài bẫy Chúa Giêsu là một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em có chung một người vợ; câu hỏi đặt ra là, “Đến ngày sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ ai?”. Đặtvấn đề như thế, họ tìm cách dèm pha những ai đặt niềm tin vào một thế giới bên kia sau khi chết; họ thách thức Chúa Giêsu rằng, bất kỳ niềm tin nào vào một loại thế giới sau thế giới này thì điều đó trông có vẻ nực cười ! Với sự điềm tĩnh, Chúa Giêsu trả lời, “Con cái đời này, cưới vợ lấy chồng, con cái đời sau thì không!”; nói cách khác, hôn nhân chỉ thuộc thời đại này,nó không thuộc thời đại phục sinh.
Từ câu trả lời, Chúa Giêsu cho biết , sau cuộc sống đời này, là một cuộc sống khác, chất lượng hơn, thiêng liêng hơn. Đó là một cuộc sống nói lên sự liên tục của một tình yêu nơi một Thiên Chúa đời đời. Tình yêu - dù của Thiên Chúa hay của loài người - thì không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’. Chúa Giêsu cho biết, sau cuộc sống đời này, chúng ta sẽ sống một cuộc sống bất tử; vì lẽ,“Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”. Ngài là bạn các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp khi họ còn sống; và tình bạn này không thể chấm dứt bởi cái chết. Họ gọi Thiên Chúa là Đá Tảng ngàn năm bền vững như Thánh Vịnh đáp ca xác thực, “Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!”. Nghĩa là các tổ phụ đã chết hàng trăm năm trước vẫn sống; rõ ràng, tình yêu Thiên Chúa dành cho các ngài không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’.
Cũng vậy, Chúa Kitô Phục Sinh cũng ở trong sự liên tục với một Giêsu đã chết và đã sống lại. “Đức Kitô, hôm qua cũng như hôm nay, chỉ là một”. Tuy nhiên, Giêsu đó cũng phải trải qua một sự biến đổi từ cõi chết để vươn tới cõi sống vĩnh cửu. Sau phục sinh, Ngài hiện diện với những người khác theo một cách khác; Ngài tiếp tục gọi họ bằng tên. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta được lôi kéo đến gần Ngài; và khi lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, Ngài cũng lôi kéo chúng ta đến gần nhau.Cũng thế, sau khi chúng ta chết, Thiên Chúa vẫn ở trong mối quan hệ cá nhân với chúng ta; bằng cách đó, chúng ta có thể yên tâm rằng, những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta sẽ không bị cái chết phá hủy nhưng đó là một cuộc sống được ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’. Điều này thật ý nghĩa khi chúng ta sống mầu nhiệm các thánh thông công trong tháng cầu cho các linh hồn.
Anh Chị em,
“Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”, mỗi ngày chúng ta sống với Chúa Kitô Phục Sinh. Vậy, cuộc sống của bạn đang hướng về đất hay hướng về trời? Hướng xuống thế gian hay hướng lên thiên đàng? Người Sađuccêô không thể hình dung về thiên đàng ngoài những gì họ có thể nhìn thấy bằng mắt! Không phải chúng ta cũng giống như họ sao? Chúng ta không nhận ra những thực tại tâm linh bởi chúng ta tìm cách biến thiên đàng thành một hình ảnh dưới thế. Khác nào người Sađuccêô, không ít lần lòng trí chúng ta dựa trên một thiên đàng ở trần gian, và Chúa Giêsu cho biết, đó là một sai lầm. Ước gì bạn và tôi, chúng ta luôn sống như những con cái Chúa, không chỉ tin vào hạnh phúc Chúa hứa mai ngày, nhưng ngay hôm nay, khi chúng ta sống yêu thương, quảng đại; sống mầu nhiệm phục sinh thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang kéo dài một Giêsu, một Giêsu Phục Sinh đang sống và hằng sống.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhìn vào cách sống của con, chớ gì người ta biết có ‘một Ai Đó’ đang ‘biến đổi’ con và làm cho con ‘phong phú hơn!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: