Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thời của những hạt giống

Tác giả: 
Lm Minh Anh

THỜI CỦA NHỮNG HẠT GIỐNG

“Mọi sự đã hoàn tất!”.

Trong bối cảnh giữa hai cuộc chiến tranh thế giới vốn đã lấy đi hàng chục triệu sinh mạng con người, ngày 11/12/1925, Đức Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Với lễ này, Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội năm châu cầu nguyện cho loài người biết suy phục vương quyền của Chúa Kitô và xây dựng Vương Quốc Tình Yêu của Ngài; may ra nhờ đó, con người có thể không còn đối xử với nhau tựa loài lang sói, “Homo homini lupus”, như một triết gia nhận định.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Thế nhưng, không như các vua chúa trần gian, vương quyền của Đức Kitô thực thi một cách hoàn toàn khác. Ngài không quản cai bằng quyền lực, nhưng bằng tình yêu; không cưỡng bách bằng áp chế nhưng bằng nhẫn nhịn, không triệu hồi bằng mệnh lệnh nhưng bằng tìm kiếm. Đường lối của Ngài là phục vụ; hiến pháp của Ngài là Bát Phúc; phong cách của Ngài là tự hiến. Thập giá là nơi vương quyền Ngài tỏ lộ rõ nét hơn cả, thẳm sâu hơn cả. Ngài đã yêu thương đến cùng, đến chết; một cái chết mà Ngài có thể nhẹ nhõm thưa lên, “Mọi sự đã hoàn tất!”. Như một bông hoa đã khoe hết sắc hương và nay là ‘thời của những hạt giống’, hơn cả nở hoa!

Tin Mừng hôm nay nói đến những phút cuối của bông hoa Giêsu trên thập giá; ở đó, Ngài tỏ lộ vương quyền tình yêu qua một lời hứa long trọng cho anh trộm lành, ban cho anh điều vượt quá mong ước, “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. “Hôm nay!”. Ôi, nhanh biết mấy; “ở với tôi”, thân tình biết bao; “thiên đàng”, ủi an nhường nào! Như thế anh trộm là người đầu tiên hưởng ơn cứu độ; kẻ gian phi, người trước nhất hưởng phúc thiên đường. Sau khi Ngài tắt thở, viên đại đội trưởng nhìn nhận Ngài là người công chính, dân chúng đấm ngực ra về; và đó là lúc bông hoa Giêsu thực sự đi vào ‘thời của những hạt giống’, hơn cả nở hoa!

 

Anh Chị em,

Cha Ron Rolheiser đặt câu hỏi, vậy nếu bạn là một bông hoa, thì khi nào bạn đi vào ‘thời của những hạt giống?’. Henri Nouwen cho rằng, với một số người, đó là khi họ tận hưởng hào quang của danh tiếng; số khác, khi năng lực sáng tạo triển nở; số khác nữa, khi họ đạt đến tột đỉnh quyền lực. Ngược lại, với những người khác, khi họ yếu đuối và bất lực; số khác, khi họ mất hết tự tin; số khác nữa, khi họ được hoàn toàn quên lãng! Với Chúa Giêsu, đó là lúc nào? Ngay sau những phép lạ khiến dân chúng kinh ngạc? Khi Ngài đi trên mặt nước? Hoặc khi danh Ngài vang dậy khắp cõi Israel đến nỗi dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua? Không! Với Chúa Giêsu, mọi sự đến hồi viên mãn, khi Ngài mất hết tất cả, mất hết quyền uy để lên tiếng và chữa lành, mất hết thành công và ảnh hưởng, mất môn đệ và những người thân, thậm chí là mất cả Chúa Cha. Chính xác là khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá, bị tước hết nhân phẩm, tước hết những gì thế gian ban tặng; chính xác là khi Ngài nói, “Mọi sự đã hoàn tất!”.

 

Anh Chị em,

“Mọi sự đã hoàn tất!”. Bông hoa Giêsu chết đi để tạo thành hạt giống thật hợp lý khi đây là lời cuối cùng của Ngài. Trên thập giá, Ngài trung tín đến cùng, trung tín với Cha, trung tín với những ai đã nghe lời Ngài giảng dạy; trung tín với cả nhân loại mà Ngài muốn cứu. Đó là lúc Ngài thôi sống và bắt đầu chết, là khi thần khí của Ngài bắt đầu ngấm vào thế giới và Ngài đạt đến tâm điểm thâm sâu nhất của mình, cuộc đời Ngài đã viên mãn và thật sự đi vào ‘thời của những hạt giống!’. Phần chúng ta, vậy thì khi nào chúng ta đi từ đoá hoa hé nụ đến tạo thành hạt giống? Nhìn qua lăng kính cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy, chính khi mờ nhạt như một bông hoa đã qua thời nở rộ, chúng ta mới bắt đầu tạo ra một điều gì đó còn hấp dẫn hơn cả nở hoa. Đó là khi chúng ta cũng có thể nói, “Mọi sự đã hoàn tất!”. Chớ gì cuộc sống chúng ta là cuộc sống của ‘một Giêsu khác’; và chúng ta cũng có một hoàn tất viên mãn trước khi chết như Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chiều đã xuống, hoa đã tàn, nhuỵ đã phai… nhưng hạnh phúc cho con biết bao, vì sau một đời dâng hiến, ngay giờ này, con đã nhìn thấy. Kìa, ‘thời của những hạt giống’ của con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)