Đời người “ta ru” - Bổn phận và trách nhiệm
ĐỜI NGƯỜI “TA RU”
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là Công Giáo loan tin về 1 nữ tu người Ý rời khỏi nhà tu để theo sự nghiệp ca hát của mình. Cô sang Tây Ban Nha để thực hiện đam mê và sở thích của mình. Thôi thì đủ thứ bình luận kèm theo bản tin ấy. Có người thì đồng tình và cũng có người chỉ trích rằng nữ tu ấy thích chạy theo danh vọng, tiền bạc.
Chả phải vị nữ tu này rời khỏi nhà tu hay gọi là chuyển hướng ơn gọi. Lâu nay cũng có những người đi một chặng đường trong con đường tu trì nhưng rồi một lý do nào đó hay đến lúc nào đó họ chuyển hướng. Xem chừng cũng là bình thường vì đó là tự do chọn lựa của mỗi người.
Thật sự nói và nghĩ một cách nghiêm túc thì ơn gọi tu trì đến từ Thiên Chúa và qua lời đáp trả của con người. Chả phải nói vào nhà tu là vào hay nói ra là ra. Tu là một hành trình dài cho đến chết cũng như là một hành trình mời gọi người sống đời thánh hiến đáp trả.
Như đã nói, không phải ai bước vào đời tu cũng sẽ đi trọn vẹn con đường của mình đã chọn. Đâu đó ta vẫn thấy những người gọi là xuất tu. Chuyện xuất tu của những người đó đều có lý do và họ là người hơn ai hết hiểu chọn lựa của họ. Những người đứng ở ngoài hay bàn tán cũng như bình luận bằng những lối suy nghĩ riêng của mỗi người.
Với tôi, rời bỏ nhà tu hay chuyển hướng đó là tự do chọn lựa của người đó. Miễn sao người đó vui vẻ và bình an với chọn lựa của mình còn hơn là mình cứ cố gắng nai lưng mình sống trong đời tu trì. Thật sự nai lưng một ngày, một tháng, một năm thì có thể nhưng để nai lưng cả đời xem chừng là khó. Khi nai lưng hay ép mình để sống đời tu vì bất cứ một lý do nào đó thì người khổ nhất vẫn là đương sự.
Vì cha mẹ, vì danh dự hay danh vọng hay vì một điều gì đó, người ta cố gắng ép mình theo khuôn khổ của đời tu thì kỳ thực họ không bình an. Chắc chắn tiếng nói lương tâm trong họ một ngày nào đó trổi lên để họ chuyển hướng.
Có những người chuyển hướng hay gọi là xuất tu hay hồi tục họ vẫn vui vẻ, bình an và hoàn thành sứ mạng, trách nhiệm trong con đường họ chọn. Có người rời khỏi nhà tu nhưng vẫn không lập gia đình. Có người thì chọn cho mình sống đời hôn nhân. Âu cũng là chuyện thường tình.
Ngay trong lớp của chúng tôi, có một vài anh em chuyển hướng. Chúng tôi vẫn kết nối với nhau và vẫn họp lớp chung với nhau mỗi khi có dịp. Những người anh em đó vẫn là người cha, người chồng mẫu mực cũng như chu toàn trách nhiệm bổn phận gia đình của họ. Có điều họ cũng rất tự hào vì họ là cựu tu sĩ hay là những người đã từng tìm hiểu ơn gọi của Nhà Dòng. Họ vẫn quy tụ với nhau để chung chia với nhau niềm vui cũng như những lo lắng, ưu tư của Nhà Dòng.
Tôi cũng quen và biết được một số vị trước đây là linh mục nhưng rồi sau đó các vị đó về sống đời hôn nhân gia đình. Những vị đó đã hoàn thành trọng trách ơn gọi đời sống hôn nhân của họ.
Hiện tại, có thể nói là tôi rất thân với một linh mục đã hồi tục. Tôi thật nể phục vị này bởi lẽ vị này rất vui vẻ và bình an với lựa chọn của mình. Trong cuộc sống hiện tại, dù không khá giả về kinh tế kèm theo căn bệnh khá trầm trọng của vị hôn phu nhưng rồi người cha cũng như người chồng trong gia đình ấy vẫn chu toàn bổn phận làm cha, làm chồng của mình. Chúng tôi vẫn qua lại với nhau bằng những câu chuyện đời cũng như những bữa cơm tự nấu của nhau. Vui và vui lắm để chung chia cuộc sống, niềm vui cũng như những âu lo của nhau. Tôn trọng nhau và trân quý thánh chức, tôi vẫn gọi vị lấy là Cha. Đơn giản dẫu rằng hồi tục để sống đời gia đình nhưng tôi vẫn trân trọng vị này và càng trân trọng hơn khi vị này ngày mỗi ngày sống trọn nghĩa yêu thương và chu toàn bổn phận trong gia đình.
Chỉ sợ ai đó vẫn sống trong đời tu nhưng không chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình. Có khi còn dùng cái gọi là tu của mình để trục lợi cho mục đích cá nhân hay cho lợi ích cho phe nhóm của mình. Chuyện lợi dụng tu hành để làm lợi cho bản thân hay phe nhóm của mình chắc chắn sẽ gây tổn hại rất nhiều cho dòng tu cũng như cho Hội Thánh. Và đơn giản, mỗi người phải trả lẽ trước mặt Chúa về cung cách sống của mình.
Cuộc sống mà, đâu có thể trách ai được. Đơn giản là 9 người mà có đến 10 ý. Có người dành cho những người “ta ru” (tu ra – xuất tu) bằng ánh mắt không vui hay thậm chí khinh miệt. Có người có tâm không tốt còn lầm bầm nguyền rủa những kẻ gọi là “ăn cơm nhà Chúa”. Thế nhưng xét cho bằng cùng thì những người đó chả đụng gì đến mình cũng như họ chả xin xỏ hay làm phiền gì mình để rồi đừng bao giờ dùng những lời lẽ chua cay cho họ.
Chưa chắc những người “ta ru” là không tốt. Họ vẫn ý thức và sống trọn vẹn thân phận của con người cũng như là những chứng nhân của Chúa Kitô giữa cuộc đời. Có những người không còn ở trong nhà tu nữa nhưng lòng của họ luôn hướng về các tu sĩ linh mục để chia sẻ vì họ ý thức rằng họ không phù hợp với ơn gọi nhưng họ vẫn và rất trân quý ơn gọi. Chỉ tiếc là có ai đó vì lý do nào đó mà vẫn khoác trong mình chiếc áo của nhà tu nhưng lại không sống đúng với phẩm giá của mình.
Đâu đó cũng có những khuôn mặt, những con người dù ở trong nhà tu đó nhưng để lại cho người khác những suy nghĩ không hay rằng thì là người này người kia chỉ đội lốp nhà tu. Như thế xem chừng ra đau lòng hơn là những ai can đảm thấy mình không phù hợp hay không bình an trong đời sống ơn gọi.
Vẫn là sự tự do chọn lựa của mỗi người về ơn gọi, về hướng đi của mình. Chính vì thế, ta không nên xét đoán hay để lại những lời bình luận không hay về người này người khi khi họ rời bỏ đời tu hay không còn khoác trên mình chiếc áo tu sĩ nữa. Hãy trân quý tự do suy nghĩ cũng như chọn lựa cung cách sống của mỗi người.
Lm. Anmai, CSsR
************
BỒN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM
Là người, sống trong đấng bậc nào, ơn gọi nào thì cần lắm sự vuông tròn bổn phận và trách nhiệm. Đừng vì cái tôi ích kỷ hay lòng tự mãn và nhất là sống bề ngoài để mình quên hay đánh mất đi bổn phận chính yếu của mình nơi cộng đoàn hay trong gia đình mình sinh sống.
Cũng khá lâu, như là đồng hành với một người phụ nữ. Ở cái tuổi 40 thì cũng chưa gọi là già nhưng chắc chắn không còn trẻ với vai trò là người vợ cũng như là người mẹ của 2 con trong gia đình.
Có lẽ vì ham vui hay là vì nhiệt huyết để rồi Cô ta cứ lăn tăn trong nhiều lĩnh vực. Đi làm đã mệt nhoài với bao áp lực của công việc, lẽ ra phần thời gian còn lại của Cô là để nghỉ ngơi bên gia đình cũng như chăm sóc và làm tròn bổn phận của một người vợ và người mẹ. Thế nhưng rồi chả hiểu làm sao ngoài việc tham gia ca đoàn Cô cũng tham gia thêm vài việc khác nữa. Dĩ nhiên những việc đó cuốn hết quỹ thời gian còn lại sau giờ làm việc của Cô.
Chưa dừng ở đó, muốn cầu toàn, Cô cũng đã ý kiến ý cò về vị ca trưởng. Trong lòng thì đầy bức xúc nhưng vẫn cứ tham gia. Đã hơn một lần tôi nói với Cô rằng muốn bình an thì xin ra ca đoàn. Cô không nghe lời khuyên và vẫn cứ dấn thân vào cái việc chả mang sự bình an.
Cho đến một ngày đẹp trời, Cô đã tự thú rằng Cô đang rất buồn và có cảm giác như trầm cảm. Cô nói rằng hiện tại cô cảm thấy rối như đứng trước mớ bòng bong.
Tôi rất nhẹ nhàng để hỏi rằng ai là người làm cho Cô rối : Chồng ? 2 con ? Cha Mẹ ? ...
Và tôi nghĩ rằng người làm cho Cô rối đó chính là bản thân của Cô khi Cô không đủ tĩnh lặng để nhìn về bổn phận và trách nhiệm trong gia đình của Cô. Cái gì Cô cũng muốn ôm vào nhưng sức người dường như có hạn.
Tôi nhã nhặn nhắn nhủ Cô về bổn phận và trách nhiệm chưa nói đến là người vợ đó là người mẹ của 2 con. Đứa con gái lớn chưa đủ lớn còn đứa nhỏ chỉ mới vừa thôi nôi. Cô đâu hình dung ra và Cô đâu có biết rằng 2 đứa con của Cô rất cần mẹ và nhất là đứa trẻ vừa thôi nôi.
Có thể cô biện minh và vì đam mê ca hát nên tham gia ca đoàn hay là vì phục vụ Chúa qua tiếng hát của mình để chống chế cho việc bỏ bê trách nhiệm trong gia đình cũng như bổn phận của mình nhưng tất cả đều là ngụy biện. Không thể nào biện minh cho việc chưa chu toàn bổn phận và trách nhiệm trong gia đình của mình.
Tôi cũng trộm nghĩ về Chúa. Chắc có lẽ Chúa cũng sẽ không vui khi ai đó bỏ trách nhiệm và bổn phận của mình để tham gia ca đoàn hay phục vụ ở Nhà Thờ. Đó là chưa nói đến có những chuyện phát sinh sau chuyện tham gia ca đoàn hay hội đoàn nữa. Chúa sẽ không hài lòng để sử dụng cũng như cần đến một ai đó mà không chu toàn bổn phận và trách nhiệm thường nhật trong gia đình.
Tham gia ca đoàn, hội đoàn hay phục vụ trong Nhà Thờ là điều tốt và điều cần thiết của người tín hữu. Thế nhưng dù có tốt hay cần thiết đi chăng nữa nhưng bỏ bê vun vén xây đắp hạnh phúc cho gia đình mình thì chẳng nên.
Những gia đình có cha mẹ già cũng thế ! Có những người khi mất cha hay không còn mẹ thì mới tỏ ra sự tiếc nuối. Những ngày đau bệnh, cha mẹ rất cần sự hiện diện cũng như chăm sóc của con cái ở cạnh bên, thế nhưng rồi cũng có những người vì lý do nào đó mà để cha mẹ ở nhà nằm bệnh trong nỗi cô đơn và chua xót. Những người không lo chu toàn bổn phận làm con mà bỏ nhà để đi tham gia các hội nhóm xem chừng ra cũng là điều cần suy nghĩ.
Gia đình là số 1 ! Gia đình là trên hết để rồi ai ai cũng phải có bổn phận và trách nhiệm xây dựng gia đình của mình.
Một chút chia sẻ suy nghĩ của tôi với cái cô đang gặp bối rối đó là chuyện nếu như Cô không tham gia ca đoàn thì ca đoàn vẫn có người hát. Còn nếu như Cô rời khỏi gia đình mà không chăm lo cho chồng và 2 con thì không còn ai chăm sóc nữa. Cô vẫn là nơi mà chồng cũng như 2 con nhất là thằng cu tí mới vừa thôi nôi cần lắm tình mẫu tử. Tôi cứ hình dung ra thằng bé, nó đang khao khát một tình mẹ, nó đang khát khao một sự ủ ấp trong lòng của mẹ nó. Nhất là trẻ nhỏ luôn luôn cần có cha và mẹ ở bên để giỡn, để nô đùa với nó và cũng như tập nói, tập đi cho nó. Cô đã không nghĩ ra sự quan trọng về sự hiện diện của Cô trong mái ấm gia đình.
Trong tình thân, tôi phân tích tất cả những thiệt hơn trong việc tham gia ca đoàn hay việc gì đó ở Nhà Thờ. Tôi nói nếu cần thiết thì ngay cả việc tham gia ca đoàn cũng nên tạm ngưng một thời gian đợi đến khi thằng bé biết đi và biết nói hay ổn định về tâm lý. Cứ như thế này không gần gũi cũng như ủ ấp thằng cu thì thật ư là tội nghiệp.
Có lẽ chả phải mình người mẹ này đến với tôi để chia sẻ. Có lẽ cũng có và còn nhiều người khác quá vô tư và vui vẻ để tham gia này nọ mà chuyện cần thiết nhất là gia đình lại bỏ lơ. Mãi mãi gia đình vẫn là nơi mà con người tìm về cũng như nơi mà con người sống, bày tỏ bổn phận và nhiệm vụ của mình.
Một khi mình lơ đãng, một khi mình không gắn kết cũng như chu toàn bổn phận trong gia đình thì dần dần tình yêu thương sẽ mờ nhạt. Từ từ cái sự mờ nhạt và sự vô trách nhiệm của ta tăng dần để rồi mái ấm trở thành mái lạnh, gia đình trở thành nơi nặng nề mà ta không muốn bước về và dĩ nhiên sẽ tan vỡ. Hãy thận trọng và chọn lựa cho mình lối đi đúng, lối đi phù hợp và nhất là lối đi luôn luôn tròn bổn phận và trách nhiệm trong gia đình.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: