Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sinh tử: Một Màu Nhiệm

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

SINH TỬ : MỘT MẦU NHIỆM

 

Chiều hôm nay đùa vui với “nhỏ” thân quen.

 

Gửi hình mấy nhóc nhỏ đang ăn me, “hắn” bảo “hắn” cũng thèm chua. Tôi chọc “hắn” là làm như ốm nghén vậy. “Hắn” bảo cũng có thể ! “Hắn” nói 2 năm nữa đứa út gái đi học xa nhà coi như còn 2 vợ chồng già ở nhà nên “hắn” tính sinh thêm đứa gái út để ở nhà có người hụ hị tuổi già.

 

“Hắn” còn chọc thêm là “hắn” muốn đẻ nhưng chồng “hắn” hết nòng nọc. Tôi nói luôn là chưa biết ai hết à nha ! Đàn ông thì nòng nọc vô tư ...

 

Đùa vui qua lại cho vơi đi những nỗi nhọc nhằn trong cuộc đời.

 

Thật thế, khi nhìn đến sự chào đời của một con người ta sẽ thấy rằng quả thật đó là nhờ ơn Chúa và với ơn Chúa. Cha mẹ tôi bao nhiêu lần gần nhau nhưng chỉ sinh được 3 đứa và út chính là tôi. Mỗi đứa trong cái gia đình ấy lại có tính cách khác nhau và chả ai giống nhau.

 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì dù rằng anh chị em sinh đôi đi chăng nữa nhưng vẫn có những điều khác nhau. Như 2 chiếc lá, nhìn bề ngoài vô cùng giống nhau nhưng cấu trúc bạch lục diệp trong chúng lại khác nhau. Con người cùng khác nhau như thế.

 

Dừng lại một chút để ta thấy sự sinh ra của mỗi chúng ta quả thật là một mầu nhiệm, là một ơn riêng mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Gần đây, khi nói chuyện với người cực thân, Cô cũng nói về 2 đứa con gái của Cô. Tính cách 2 đứa hoàn toàn không giống nhau. Dường như cô em tinh tế hơn cô chị. Cô chị thì nhìn tưởng chừng mạnh mẽ nhưng không cứng cỏi như cô em.

 

Quả thật là sự xuất hiện của con người trong cuộc đời này là mầu nhiệm và chỉ một mình Thiên Chúa biết và Thiên Chúa đã tác tạo nên hình hài của con người trong chiều kích niềm tin. Bản thân tôi khi suy nghĩ về chính mình, tôi cũng thấy tôi xuất hiện trên cuộc đời này như một ân ban của Thiên Chúa.

 

Trong những ngày gần đây, có những cái tang ập đến gia đình thân bằng quyến thuộc làm cho con người hết sức bàng hoàng và sửng sốt. Có thể là trẻ hay già nhưng sự ra đi đó hoàn toàn bất ngờ và bất ngờ đến độ không ai hiểu được.

 

Một cha rất trẻ, chịu chức linh mục chưa tròn 3 tháng đã ra đi. Cha ra đi để lại trong lòng người thân biết bao nhiêu nhung nhớ và phải nói là đắng lòng. Tương lai, nhiệt huyết của linh mục ấy còn và còn nhiều nơi mảnh đất truyền giáo mà Cha được sai đến. Thế nhưng rồi không lâu, Cha đã ra đi.

 

Một cha nữa, xem chừng ra nhiều người ngưỡng mộ trong đó có cả tôi. Cha ra trường và được gửi giúp ở giáo xứ Chính Tòa. Cha đã hết mình phục vụ cộng đoàn dân Chúa cũng như cố gắng học thêm để tương lai đi du học ở Mỹ.

 

Con bé con ở trọ trong nhà chúng tôi là người Jrai hiện đang học ở Đà Nẵng  rất ngưỡng mộ Cha. Cha giảng dạy rất dễ hiểu cùng với cung cách dễ mến của Cha. Tiếc nuối và đau lòng khi Cha ra đi ở độ tuổi 33. Điều mà it ai ngờ tới đó chính là vị thân sinh ra Cha cũng ra đi ở độ tuổi 33, ở độ tuổi còn biết bao nhiêu hy vọng và dệt bao mơ ước cho gia đình và bản thân như Cha vậy. Cha đi rồi để lại nỗi trống vắng và tiếc thương của Bà Cố cũng như những ai có liên hệ cách này cách khác với Cha.

 

Rồi đến Cha cố ở vùng miền Tây sông nước. Cha ra đi ở cái tuổi tuy không còn trẻ. Sức khỏe của Cha dường như bình thường, dĩ nhiên có chút chút thay đổi do tuổi tác nhưng Cha vẫn là Cha quản hạt và là cha quản xứ của một xứ lớn của Thành Phố lớn ở miền Tây. Cha ra đi cũng để lại nỗi đau buồn và chua xót cho gia đình, cho giáo xứ và cho cả giáo phận.

 

Sự ra đi của Cha, tôi nói đùa với một nữ tu : “Cha Đaminh khôn quá ! Cha ra đi đúng vào trong tuần tĩnh tâm của các linh mục trong giáo phận để rồi lễ an táng của Cha cực đông. Tất cả các linh mục triều và dòng đang phục vụ ở giáo phận đang trong kỳ tĩnh tâm đều dự lễ an táng của Cha. Thánh Lễ an táng của Cha cố Đaminh chắc không thiếu vắng một ai trừ các cha già đau yếu bệnh tật. Một Thánh Lễ an táng xem chừng chưa từng có ở trong giáo phận.

 

Rồi cũng nên kể đến thân mẫu của một cha xứ ở trong Giáo Phận Sài Gòn. Cha thuộc khóa đầu của Đại Chủng Viện và cũng là bạn của Đức Cha Tân Cử phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Lẽ ra Thánh Lễ an táng của Bà Cố rất trang trọng cùng với nhiều linh mục. Thế nhưng rồi Thánh Lễ an táng của Bà Cố chỉ gói gém trong tầm khoảng 2 chục cha ngoài Giáo Phận cùng với vài vị Đấng Bậc trong Giáo Phận. Nếu như không vướng kỳ tĩnh tâm thì Thánh Lễ an táng cầu nguyện cho Bà Cố đông cha lắm.

 

Nhìn trong chiều kích con người như vậy, ta lại thấy sự sống, sự chết của con người thật mầu nhiệm.

 

Trong Thánh Lễ tại gia cầu cho Bà Cố, Đức Cha Tân Cử chia sẻ rằng không biết rằng giữa Đức Cha và Cha bạn đây không biết ai đi trước ai bởi lẽ sự ra đi của mỗi người chỉ mình Chúa biết.

 

Thật thế ! Sự sống của con người hoàn toàn phụ thuộc vào quyền năng và quyết định của Thiên Chúa.

 

Một nữ tư thân quen kể lại câu chuyện của nữ tu nguyên giám tỉnh dòng của Sơ. Ngày kỷ niệm ngọc khánh khấn dòng của Sơ nguyên giám tỉnh trong dự địn sẽ cực đông vì lẽ Bà là người có tài và đức độ. Từ những ngày còn trẻ, Bà đảm nhận những chức vụ cao. Tính ra với tất cả những gì Bà đã cống hiến thì Lễ Ngọc Khánh Khấn Dòng của Bà sẽ rất đông đảo. Thế nhưng trong dịch bệnh, Thánh Lễ diễn ra trong bầu khí âm thầm với 3 cha dâng Lễ mà thôi.

 

Tưởng nghĩ cũng nên nhắc đến những Thánh Lễ an táng, những dịp mừng của quý Cha, quý Bà Cố trong thời kỳ giãn cách thấy mà thương. Lẽ ra những Thánh Lễ rất đông người tham dự nhưng có Cha ở xa không được về nhà và mọi người cầu nguyện cho Ông Bà Cố qua Thánh Lễ trực tuyến.

 

Vậy đó, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, ta thấy sự sống và sự chết của con người thật là mầu nhiệm. Chẳng ai có thể định liệu cho mình ngày nào mình chết. Chỉ duy nhất mình Thiên Chúa mới là Đấng cầm quyền sinh tử trong đời ta. Ý thức được như thế, mỗi chúng ta hãy khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa cũng như hãy dọn lòng và tỉnh thức vì không biết ngày nào và giờ nào Chúa đến với đời ta.

 

Lm. Anmai, CSsR