Khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện - Chiến thắng của trái tim
KHOẢNG CÁCH CHỈ LÀ MỘT LỜI CẦU NGUYỆN
“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”.
Charles Haddon Spurgeon nói, “Tôi xem những khó khăn của việc đọc Thánh Kinh tựa hồ những bàn quỳ mà trên đó, tôi quỳ gối để thờ phượng và chiêm ngắm Chúa hiển vinh. Những gì chúng ta không thể hiểu bằng sự hiểu biết sẽ được hiểu bằng trái tim. Kính sợ Lời Chúa là yếu tố quyết định; trong đó, tình yêu các giới răn của Ngài mang lại cho tôi một bình an lớn lao và thẳm sâu. Giữa tôi với Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Giữa tôi với Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’”. Ý tưởng độc đáo của Charles Haddon Spurgeon được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Nó ở rất gần; nhưng thật thú vị, nó cũng ở rất xa ! Gần khi giữa nó và chúng ta, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện’; xa khi chúng ta chưa hoàn toàn muốn điều đó!
Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin điều này, “Nước Cha trị đến!”. Nhưng bạn có thực sự ước ao điều đó mỗi khi cầu nguyện? Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”, nghĩa là nó đã có đó, chính Ngài; và một khi nó ở gần, nó sẽ gần theo nghĩa gấp đôi. Trước hết, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong tất cả sự huy hoàng và vinh quang của Ngài, Ngài làm cho mọi vật trở nên mới mẻ; bằng cách này, Triều Đại vĩnh viễn của Ngài sẽ đến, sẽ được thiết lập. Thứ hai, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”; vì lẽ, giữa Triều Đại đó và chúng ta ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện’;chỉ cần chúng ta nói “Vâng” và cho phép Ngài đi vào, vì khao khát của Chúa Giêsu là làm sao có thể đến để thiết lập Vương Quốc Ngài trong lòng chúng ta.
Thế mà, thật không may, chúng ta thường không để Ngài được toại nguyện! Chúng ta thường giữ Ngài ở một khoảng cách xa xa, để Ngài đi đi lại lại trong tâm trí,vì lẽý muốn của chúng ta chưa hoà nhập hoàn toàn với ý muốn của Ngài. Chúng ta thường do dự trong việc trọn vẹn đón nhận Ngài và cho phép Vương Quốc Ngài được thiết lập trong lòng mình;vì thế, Ngài không vào được trái tim chúng ta.Như vậy,Triều Đại của Ngài vẫn trở nên rất xa!
Thật trùng hợp, trong bài đọc Khải Huyền hôm nay, Gioan nói đến “thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa”; nói đến “trời mới đất mới”; hoặc như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!”. Những lời này nói lên điều gì nếu không phải là nói đến “Triều Đại Thiên Chúa” và vương quyền Ngài?“Triều Đại Thiên Chúa” là chính Chúa Kitô ! Bạn có nhận ra Vương Quốc của Ngài ở gần đến mức nào không? Bạn có biết,chỉ một lời cầu nguyện và một hành động theo ý muốn của Ngài thì Chúa Giêsu có thể đến, chiếm lấy cuộc sống chúng ta nếu mỗi người đón nhận Ngài, Đấng có thể biến chúng ta thành một tạo vật mới ! Bấy giờ, linh hồn trở nên “trời mới đất mới”, nên “nhà tạm của Thiên Chúa ở cùng nhân loại”. Ngài mang bình an và sự hoà hợp hoàn hảo cho tâm hồn. Ngài sẽ làm những điều tuyệt diệu và đẹp đẽ trong trái tim mỗi người. Chỉ cần chúng ta nói một lời, “Vâng”; và Ngài sẽ đến!
Anh Chị em,
“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về khát khao cháy bỏng của trái tim Chúa Giêsu muốn đến với bạn và Ngài những muốn thiết lập Vương Quốc Ngài trong đời sống bạn. Ngài khắc khoải được trở thành Đấng Cai Quản và là Vua của bạn; trị vì tâm hồn bạn trong sự hoà hợp và tình yêu hoàn hảo. Hãy để Ngài đến, đi vào và thiết lập Vương Quốc trong bạn. Tâm hồn bạn sẽ là một “trời mới đất mới”; và như thế, nhất định bạn sẽ trở nên “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!”. Thế nhưng, bạn phải bắt đầu bằng cách dâng trí lòng và ước muốn cho Ngài; nói với Ngài rằng, bạn muốn có Ngài, cần Ngài, khát khao Ngài, và điều đó thật dễ dàng. Vì lẽ, giữa bạn và Ngài, ‘khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!’.
Chúng ta có thể thầm thĩ,
“Lạy Chúa, xin hãy đến và chiếm hữu linh hồn con. Cho con chọn Ngài là Chúa của con,Vua của con; cho con biết từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống mình và giao hẳn nó cho Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
CHIẾN THẮNG CỦA TRÁI TIM
“Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.
Một thành viên của hội “Những Người Nghiện” đã từng gửi cho chuyên mục Ann Landers: “Chúng tôi uống vì hạnh phúc và trở nên bất hạnh; chúng tôi uống để cảm thấy như thiên đường và cảm thấy như địa ngục; chúng tôi uống để quên và mãi mãi bị ám ảnh; chúng tôi uống vì tự do và trở thành nô lệ; chúng tôi uống để xoá bỏ các vấn đề và thấy chúng nhân lên; chúng tôi uống để chống chọi với sự sống nhưng lại đã mời gọi sự chết. Cuối cùng, chúng tôi nghiệm ra rằng, vấn đề không phải chiến thắng của lý trí mà là ‘chiến thắng của trái tim!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, những trải nghiệm trên đây được Chúa Giêsu gợi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ngài cho thấy, cuộc sống chúng ta là một thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn vĩnh cửu với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của những “gian khổ” phải đến trước. Và điều quan trọng là ‘chiến thắng của trái tim!’.Để được như thế, chúng ta phải được chiếm ngự bởi Ngài. Ý nghĩa biết bao vớiThánh Vịnh đáp ca, một lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Tân Ước, “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.
Cuộc chiến thiêng liêng là có thật, dù nó được nhận thức hay không được nhận thức, dù chúng ta muốn hay không muốn. Trước hết, chúng ta chiến đấu mỗi ngày và theo nhiều cách, nhưng cuộc chiến cuối cùng vẫn là ‘chiến thắng của trái tim ’tận nơi sâu thẳm của tâm hồn. Sự thường, tất cả những gian khó trường kỳ khiến trái tim chúng ta mệt nhoài và ‘buồn ngủ’; và tự nhiên, chúng mang lại một cảm giác an toàn giả tạo. Tôi có thể không “chè chén say sưa” theo nghĩa đen, nhưng có thể đang lang thang “say sưa” tìm kiếm những thoả mãn mà thế giới chào mời ! Vậy mà, bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm sự thoát ly nhất thời khỏi cuộc sống mà không hướng về Chúa, chúng ta cho phép mình trở nên uể oải thiêng liêng.
Thứ hai, Chúa Giêsu xác định, đó còn là những “lo lắng sự đời”, nguồn gốc của việc trái tim buồn ngủ. Đối mặt với những tân toan, chúng ta có thể cảm thấy quá tải và quá nặng nề bởi điều này hay điều khác; và mỗi khi cảm thấy gánh nặng cuộc sống, chúng ta có xu hướng tìm cho mình một lối thoát. Nhưng rất thường xuyên, những “lối thoát” này lại là những gì khiến chúng ta phải uể oải nhiều hơn và ‘chiến thắng của trái tim’ là một điều khá xa vời.
Biết rõ điều đó, Chúa Giêsu căn dặn, “Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”.Ngài thách thức chúng ta luôn tỉnh thức và cảnh giác trong đời sống đức tin của mình. Điều này xảy ra khi chúng ta giữ vững lẽ thật trong tâm trí và trái tim; đồng thời, đôi mắt tâm hồn phảiluôn dõi theo ý muốn của Chúa. Vì lẽ, khi chúng ta hướng mắt về những gánh nặng của cuộc sống và không nhìn thấy Chúa giữa mọi sự và công việc, chúng ta bắt đầu chìm vào mê muội.
“Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời, giữ cho lòng chúng ta luôn hướng về Chúa. Có Chúa Giêsu, chúng ta không còn mê mải. Sách Khải Huyền hôm nay nói, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời”. Đúng thế, có Chúa Giêsu, ‘chiến thắng của trái tim’ nơi chúng ta là một điều gì đó thật khả thi.
Anh Chị em,
“Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Chúasẽ ngự đến trong con tim yếu nhược của chúng ta; Ngài biết những khó khăn, yếu kém và thiếu sót của mỗi người. Và Ngài bảo đảm rằng, chúng ta không cần phải đơn thân gánh lấy gánh nặng của mình cũng như không phải vật lộn mà không có sự giúp đỡ của Ngài. Ngài hiện diện và sẵn sàng ban cho chúng ta bất cứ sức mạnh, hướng dẫn và trợ lực nào để chúng ta chiến đấu và đi đúng con đường Ngài đã đặt ra cho mỗi người. Nhưng có một điều Ngài không chịu được, đó là sự thờ ơ; một thái độ không quan tâm và không làm gì cả! Cầu nguyện và tỉnh thức phải luôn đồng hành. Nếu không làm cho lời cầu nguyện trở thành không khí chúng ta hít thở, chúng ta sẽ chết ngạt trong một thế giới ô nhiễm. Và nếu cầu nguyện là một điều gì đó thường xuyên liên lỉ nơi chúng ta, thì cầu nguyện cũng chính là ‘chiến thắng của trái tim’ vậy.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con nghiệm ra rằng, chỉ có Chúa mới có thể giúp con vượt qua những cơn buồn ngủ thiêng liêng và giúp con có được ‘chiến thắng của trái tim’ mình!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: