thầm lặng và kín đáo - Rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện
THẦM LẶNG VÀ KÍN ĐÁO
“Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.
Trong nhật ký của một tử tù, người ta đọc thấy những dòng này, “Lạy Chúa, Ngài làm con bầm dập; nhưng con vô cùng mãn nguyện, vì nó đến từ tay Ngài. Chúa thầm lặng sửa phạt con, nhưng kín đáo chữa lành con! Ôi, Đấng ‘kín đáo và thầm lặng’ yêu thương con miên viễn!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ôi, Đấng ‘kín đáo và thầm lặng’ yêu thương con miên viễn!”. Sẽ khá bất ngờ khi tâm tình của người tử tù được gặp lại qua hai bài đọc hôm nay. Lời Chúa phản ánh rất rõ một trong những tính cách của Thiên Chúa,‘thầm lặng và kín đáo!’. Ngài thầm lặng xót thương và kín đáo chữa lành! Với Chúa Giêsu, Matthêu viết, “Thấy đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng xót thương họ!”.
Trong ngôn ngữ của bài đọc thứ nhất, Isaia tiết lộ,Thiên Chúa thầm lặng xót thương và kín đáo chữa lành dân Ngài, “Đấng Thánh của Israel phán, ‘Hỡi Sion, ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Ngài liền đáp lại!’”. Đó là “Ngày Chúa băng bó thương tích của dân, và chữa lành da bầm thịt giập”. Thánh Vịnh đáp ca nói,“Phúc cho ai biết chờ đợi Chúa!”; họ chờ đợi Ngài, bởi lẽ, Đấng ‘thầm lặng và kín đáo’ sẽ “chữa lành những tấm lòng tan nát và băng bó mọi vết thương của họ”.
Lời hứa của Thiên Chúa qua ngôn sứ Isaia trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Matthêu trình bày sự hiện thực này theo hai cách.Trước tiên,Chúa Giêsu thường xuyên di chuyển; Ngài giảng dạy trong các hội đường, loan báo triều đại Thiên Chúa và chữa lành mọi kẻ ốm đau. Matthêu bày tỏ lòng trắc ẩn sâu xa của Chúa Giêsu cách đặc biệt đối với tất cả những ai bị loại trừ, những người không có định hướng trong cuộc sống; họ vất vưởng như chiên không người chăn. Chúa Giêsu nhất định là người có thể dẫn họ về nơi họ thuộc về.
Thứ đến, Chúa Giêsuthổ lộ với các môn đệ rằng, một mùa gặt lớn đang chờ gặt. Cho đến nay, có thể nói, Ngài đã ‘thầm lặng và kín đáo’ làm việc một mình; nhưng đã đến lúc Ngài cần sự giúp đỡ. Vụ mùa vẫn bội thu và nhu cầu thợ gặt vẫn lớn hơn bao giờ hết. Đó không là công việc của riêng ai, nhưng là sứ vụ chung của mọi Kitô hữu. Từ ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi chúng ta là thợ gặt vốn có thể đến một góc của cánh đồng mà không ai có thể thay thế.Những người này bao gồm gia đình tôi, hàng xóm, đồng nghiệp và những con người bước vào đời tôi. Tôi có thể là người duy nhất mang sự chữa lành và lòng trắc ẩn của Chúa vào cuộc sống họ.
Anh Chị em,
“Ngài động lòng xót thương họ!”. Để có thể ‘ra tận cánh đồng’, nhất định chúng ta phải có một tấm lòng xót thương như Chúa Giêsu ! Thật tuyệt vời, Ngài còn tiết lộ cho chúng ta một cách thức ‘ra tận cánh đồng’ không kém hiệu quả khác. Đó là cầu nguyện, “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về!”. Lửa truyền giáo còn được khám phá trong việc cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện mỗi ngày, bạn gần Chúa Giêsu hơn;và Ngài cũng nói với bạn như đã nói với các môn đệ hôm nay, “Hãy chữa lành kẻ bại liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ”. Vậy, với bạn, ai là người bại liệt, người chết, phong cùi và quỷ ám? Rất có thể họ ở chung quanh bạn, ở mức độ này hay mức độ khác. Thế giới có thể khắc nghiệt và tàn nhẫn; một số người có thể thấy mình lạc lõng và cô đơn. Ai cần một chút khuyến khích, hiểu biết và xót thương ? Chúa Giêsu giao cho bạn một nhiệm vụ hàng ngày mà Ngài không giao cho ai khác, và vì lý do đó, một số người cần đến bạn. Hãy tìm kiếm họ, ‘thầm lặng và kín đáo’ tiếp cận họ, chia sẻ Chúa Kitô với họ, và ở đó vì họ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin gửi con ‘ra tận cánh đồng’ những ai cần Chúa nhất. Cho con xác tín rằng, dù không ai biết việc con làm, nhưng Chúa đang ‘thầm lặng và kín đáo’ dõi mắt nhìn con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
********
RẤT DỮ DỘI NHƯNG CŨNG RẤT THÁNH THIỆN
“Nòi rắn độc kia! Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”.
Nói về việc biện minh cho tội lỗi, Ancil Jenkins tóm tắt một cách rất thú vị, “Biết bao lần chúng ta biện minh cho tội lỗi bằng cách gọi nó bằng một tên khác! Chúng ta bào chữa cho tính tham lam bằng cách gọi đó là “thận trọng” hay “cần kiệm”;một cuộc sống dục lạc là “sống với sự thích thú”. Trả lời một nhà phê bình, A. Lincoln đã hỏi, “Con bò có mấy chân?”, “Bốn!” là câu trả lời. “Nếu bạn gọi cái đuôi của nó là một cái chân, thì nó có mấychân?”, Lincoln hỏi. “Năm!”. “Không! Chỉ gọi cái đuôi là chân, không có nghĩa nó là một cái chân!”. Chúng ta đã phạm một sai lầm tương tự? Chúng ta nghĩ, tội không phải là tội, chỉ vì chúng ta không gọi đúng tên nó?”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chỉ vì chúng ta không gọi đúng tên nó!”. Nhận định của Jenkins được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi Gioan Tẩy Giả gọi ‘đúng tên’ những người Pharisêu và Saduccêô,“Hỡi nòi rắn độc kia!”. Rất dữ dội. Đúng! Vậy mà lời Gioan ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện!’.
Nó rất dữ dội khi Gioan, người đã trở nên khá nổi tiếng và được kính trọng, được coi là một tiên tri vĩ đại, đã gay gắt gọi những người Pharisêu và người Saduccêô là “Nòi rắn độc”.Đây không phải là cách họ thường nghe! Gioan phải nói theo cách này, bởi đó là sự thật. Các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã không dẫn dắt bất cứ ai đến gần Chúa hơn. Chỉ cần suy gẫm những gì Chúa Giêsu, cuối cùng, sẽ nói với hai hạng người này để hiểu các nhà lãnh đạo này đã trở thành loại người nào.Ngài đã gọi họ là “mả tô vôi”, là “những kẻ dẫn đường đui mù…”. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là những lời xót thương! Vì vậy, những lờicủa Gioan chắc chắn là dữ dội; tuy nhiên, ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện!’. Nó là thánh vì “nòi rắn độc” này cần được thanh tẩy. Họ cần bị lên án và thách thức. Họ cần phải khiêm tốn. Và không có gì khiêm tốn hơn là chân thành ăn năn tội lỗi của mình một cách công khai.
Hãy lưu ý,Gioan không thẳng thừng loại trừ các nhà lãnh đạo này; thay vào đó, Gioan đòi hỏi họ phải có “bằng chứng” về sự ăn năn, “Các anhhãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Tại sao? Vì những thiệt hại thiêng liêng mà những người này đã gây ra cho dân chúng vì tính kiêu ngạo, tự cho mình là công chính, giả hình, thích được trọng vọng, lên án người khác… là quá lớn. Họ đã bóp méo đức tin và lề luật đến nỗi lợi ích của các linh hồn đòi hỏi họ phải có một sự thống hối công khai. Nó đòi hỏi mọi người phải nhìn thấy những hoa trái tốt lành chân thành trổ sinh từ cuộc sống của họ như một dấu hiệu cho thấy họ đã thay đổi. Mặc dù đây là một yêu cầurất cao đối với người Pharisêu và người Saduccêô, nhưng đó là con đường nên thánh dành cho họ. Nó ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện’ là vậy!
Anh Chị em,
“Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Nếu bạn và tôi đã để mình rơi vào một số cạm bẫy giống như người Pharisêu và người Saduccêô, thì chúng ta cũng sẽ được lợi rất nhiều từ một sự thay đổi công khai rõ ràng và khiêm tốn. Nếu đã bảo thủ với tính tự cho mình là đúng, thái độ ‘thánh thiện hơn người’ hoặc hay phán xét người khác, thì bạn có thể rất cần một sự ăn năn khiêm nhường và công khai.Hôm nay, hãy suy gẫm về hai nhóm người này; hãy cố gắng hiểu tội lỗi của họ và lý do Gioan gọi họ là “nòi rắn độc”. Nếu bạn thấy bất kỳ sự kiêu ngạo và tự cao tự đại nào của họ trong tâm hồn mình, hãy lắng nghe lời khuyên của Gioan như thể nó được nói trực tiếp với bạn; nó ‘rất dữ dội nhưng cũng rất thánh thiện’. “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!”. Hãy làm điều này, và Chúa sẽ giải thoát bạn ngang qua món quà khiêm nhường đích thực mà Chúa Thánh Thần sẽ ban!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa,xin giúp con nhìn ra tội lỗi mình và không ngại đối mặt với nó, hầu Chúa có thể giải thoát con khỏi mọi uế nhơ để con có thể vững bước trên đường nên thánh!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: