Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một cuộc xuất hành mới - Toàn trí, toàn tri, toàn trị!

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT CUỘC XUẤT HÀNH MỚI

 

“Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng ; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”.

 

Trong tác phẩm“The Adversary”, “Kẻ Thù” của mình, Mark Bubeck viết, “Xác thịt, một hỏng hóc cố hữu, khiến con người tự nhiên không thể phụng sự Thiên Chúa hoặc làm vui lòng Ngài. Nó sở hữu một nội lực hấp dẫn ‘thừa hưởng’ từ sự sa ngã ; nên tự nó, thể hiện một sự nổi loạn nói chung; và cách riêng, chống lại Thiên Chúacùng sự công chính của Ngài. Xác thịt không bao giờ có thể được cải tạo hoặc cải thiện, hy vọng duy nhất để thoát khỏi quy luật sa ngã của nó là thực hành và thay thế hoàn toàn bằng một cuộc sống mới,‘một cuộc xuất hành mới’ trong Chúa Kitô!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi rọi ý tưởng của Mark Bubeck; nhất thiết cần có ‘một cuộc xuất hành mới’ trong Chúa Kitô! Isaia nói đến ‘một cuộc xuất hành mới’ khi “Thời nô lệ chấm dứt, tội lỗi được ân xá”, thời mà Thiên Chúa Mục Tử hồi hương dân Ngài; Chúa Giêsu cũng nói đến ‘một cuộc xuất hành mới’ của con chiên lạc được chủ chiên vác trên vai, đem về nhà.

 

Bài đọc “Sách An Ủi” mở đầu với những lời trấn an ngọt ngào nhất từ miệng Thiên Chúa, “Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”.Thời nô lệ đã mãn, Israel hồi hương ! Việc trở lại Giêrusalem được coi là ‘một cuộc xuất hành mới’; trong đó, Thiên Chúa sẽ đích thân “Ấp ủ vào lòng lũ chiên con;bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Đây là cuộc xuất hành mà Israel sẽ vĩnh viễn xa rời đất lưu đày, một cuộc ra đi mà tất cả các chướng ngại phải được loại bỏ, “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”. Và “Mọi người sẽ được thấy vinh quang Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca cũng thấy trước điều đó, “Kìa Thiên Chúa chúng ta quang lâm hùng dũng!”.

 

Nếu thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã phát động ‘một cuộc xuất hành mới’ để tái đoàn tụ dân, thì thời Tân Ước, điều tương tự cũng được thực hiện trong Chúa Giêsu. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy, Ngài là mục tử đi tìm tội nhân trong một nhân loại tội luỵđể đưa nó về. Ngài sẽ cứu cả nhân loại thương tích bằng chính mạng sống Ngài; qua đó,Ngài phục hồi phẩm tính con cái Thiên Chúacho mọi tội nhân. Đó là lý do của lễ Giáng Sinh ! Hình ảnh con chiên lạc là biểu tượng cho cả nhân loại, trong đó cómỗi người chúng ta.Ngài sẽ vác từng con chiên, nghĩa là vác từng tội nhân, rửa sạch, chữa lành, hầu nó có thể thực sự trải nghiệm ‘một cuộc xuất hành mới’.

 

Anh Chị em,

“Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng;bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Để có thể ấp ủ vào lòng lũ chiên, Thiên Chúa nhất định thực hiện bằng được cuộc xuất hành cho chúng! Xuất hành nào cũng có cái để xót xa và tiếc nuối; nhưng không cuộc xuất hành nào hạnh phúc hơn cuộc xuất hành trong Chúa Kitô. Đó là “thay thế hoàn toàn bằng một cuộc sống mới” trong Ngài như Mark Bubeck đề cập.Bản thân Ngài, Chúa Kitô cũng đã trải qua cuộc xuất hành này bằng cái chết thập giá; để từ cuộc phục sinh của mình, nhân loại được tái sinh. Tuy nhiên, cuộc xuất hành này không chỉ đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm, nhưng ngay hôm nay, trên các bàn thờ, nó đang được tái diễn; và Giêsu Mục Tử vẫn đang rong ruổi đi tìm từng người. Mùa Vọng, mùa chúng ta bỏ lại tất cả vướng bận để có thể chóng vánhrời khỏi hố sâu, bụi rậm; mùa ra khỏi những vách đá tội lỗi khiến chúng ta không nghe tiếng Ngài.Từ nơi đã rơi vào, hãy thật im ắng bên trong lẫn bên ngoài hầu cho phép linh hồn mình được nghe tiếng Ngài; hãy la lên, “Con đang ở đây!”; Ngài sẽ vội đến,vác chúng ta lên vai, ẵm chúng ta vào lòng, đưa về, băng bó và chữa lành. Từ đó, bạn và tôi được “biến đổi hoàn toàn bằng một cuộc sống mới”; đó là ‘một cuộc xuất hành mới’đáng chờ đợi nhất.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con đứng dậy sau mỗi lần gục ngã, vì biết rằng, Chúa đang đợi để nắm tay con, hầu con có thể bắt đầu lại bằng ‘một cuộc xuất hành mới’ ngay hôm nay!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

TOÀN TRÍ, TOÀN TRI, TOÀN TRỊ

 

“Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”.

 

Ngày kia, Hudson Taylor, nhà truyền giáo vĩ đại, được khen ngợi như một Phaolô khổng lồ của lục địa Trung Hoa thế kỷ 19, đã viết cho một người bạn, “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới một người đủ yếu để làm công việc của Ngài; và khi tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’”; “Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những người yếu. Họ không cậy sức mình, một chỉ cậy sức Ngài, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm một Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nơi Chúa Giêsu, Đấng đã lên tiếng, “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”.Dẫu là Vua Trời, Ngài xuống thế mặc lấy hình hài của một thơnhi để làm người cứu chuộc chúng ta; đó chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh.

 

Vậy Giêsu là ai? Người đang nói những lời này là ai ? Ngài là người có cái nhìn xuyên thấu những nơi kín đáo nhất trong tâm hồn con người và khám phá ra ở đó những điều ẩn giấu.Ngài là người nhận ra rằng,bạn và tôi đang vất vả nhọc nhằn; rằng,chúng ta nặng gánh bởi những đòi hỏi của cuộc sống, bị đè nặng bởi tội lỗi và sự bất toàn của mình; và rằng, phải căng thẳng dưới sức đè của những đam mê và ước muốn điên rồ không được thoả mãn. Ngài là người dám hứa hẹn điều mà bạn và tôi luôn khát khao cho nơi tôn nghiêm bên trong lương tâm mình những gì chưa bao giờ chúng ta được phép hy vọng, hơn cả những gì chúng ta có thể thấy mình xứng đáng.“Hãy đến với tôi!”. Ai có thể thốt ra một lời mời đơn giản, nhẹ nhàng và hấp dẫn đến thếnếu không phải là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị?’.

 

Bài đọc Isaia hôm nay cho thấy điều tương tự. Giữa chốn lưu đày, dân sa sút niềm tin; họ tưởng rằng, Thiên Chúa ở rất xa và dường như Ngài bỏ rơi họ, “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”. Biết rằng, họ đang hoang mang ngờ vực,khi so sánh Ngài với các thần ngoại ;Ngài lên tiếng, “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào!”. Nói như thế, khác nào nói, Ngài là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’;vì rồi đây, Ngài sẽ đưa họ về, băng bó và chữa lành. Và họ sẽ cảm nghiệm được Ngài là Đấng xót thương để mỗi người sẽ nhủ linh hồn mình rằng, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

 

Anh Chị em,

 

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Vậy làm thế nào chúng ta có thể đến với Ngài? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường!”- Mang lấy ách của Ngài, nên khiêm nhường như Ngài! Ngài khiêm nhường đến nỗi không đợi chúng ta đáp lại lời Ngài mời, Ngài cất công tìm kiếm mỗi người để họ có thể sà vào vòng tay Ngài, khám phá Ngài, bất chấp những gánh nặng ích kỷ và những đam mê ngổn ngang không kiềm chế. Vậy,hãy đến gần máng cỏ nơi Vua các vua đang nằm bất lực; ở đó, toát lên phẩm tính khiêm nhường và hiền hậu! Không cần một lời hay một bài phát biểu, Ngài cho chúng ta một bài học sống động mà chúng ta cần cảm nhận với tất cả cường độ có thể. Trước trẻ thơ bất lực này, Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nhập thể vì yêu con người, bạn và tôi chỉ biết lặng thinh; ở đây mọi tham vọng hão huyền tan biến, mọi giận dữ và đam mê phải dịu lại và tất cả những gì viễn vông mụ mị bị xua đuổi khỏi trái tim.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin dạy con biết chìm sâu vào trong khi nhìn vào máng cỏ Bêlem, nơi Vua các vua, Chúa các chúa đã trở nên một bé thơ vô tội và bơ vơ vì con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)