Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vươn tới sự mới mẻ trong đức tin

Tác giả: 
Lm Minh Anh

VƯƠN TỚI SỰ MỚI MẺ TRONG ĐỨC TIN

“Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?”.

 

Augustinô nói, “Sự hiểu biết là phần thưởng của đức tin. Vì vậy, đừng tìm hiểu để bạn có thể tin, mà hãy tin rằng, bạn có thể hiểu!”; Stanley Jones thì nói, “Đức tin không chỉ đơn thuần là việc bạn nắm giữ Thiên Chúa - mà là Thiên Chúa nắm giữ bạn. Ngài sẽ không để bạn đi! Nhưng mời gọi bạn ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’ mỗi ngày!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài sẽ không để bạn đi! Nhưng mời gọi bạn ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’ mỗi ngày!”. Ý tưởng của Stanley Jones được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Các môn đệ của Gioan được thầy mình đặt vào một hoàn cảnh thật tế nhị khi họ được sai đến với Chúa Giêsu để hỏi Ngài, “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?”. Rõ ràng, câu hỏi này không phải cho Gioan mà là cho chính các học trò của Gioan, những con người được mời gọi ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin!’.

Chúng ta đừng quên, trước đó, Gioan đã nói về Chúa Giêsu, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Vậy nếu đã biết Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”, thì tại sao Gioan lại sai các môn đệ đến hỏi Ngài điều này? Rõ ràng, Gioan làm điều đó không phải vì Gioan không biết Chúa Giêsu, nhưng vì Gioan muốn các môn đệ của mình đi theo Chúa Giêsu sau khi Gioan bị giết. Đây là cách Gioan hướng các môn đệ đến với Chúa Giêsu, khuyến khích họ chấp nhận một sự thay đổi; nói cách khác, ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin!’.

Chúa Giêsu hiểu ý muốn của Gioan. Kết quả là Ngài đã ban cho họ những gì họ cần để tin. Ngài chỉ cho họ những công việc Ngài làm với tư cách là Đấng Kitô, những gì được báo trước, chẳng hạn những gì Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay loan báo. Để từ đó, họ có thể tự mình giải thích những công việc này; nhờ đó, ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin!’. Kìa “Người mù được thấy, người què được đi, người phung được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại, và người nghèo được rao giảng tin mừng”. Ai có thể tranh luận về những dấu lạ từ trời này? Và Ngài rất tinh tế khi đi xa hơn, “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!”. Với lời này, Ngài nhẹ nhàng khiển trách các môn đệ Gioan; bởi lẽ, đây là cuộc đấu tranh cá nhân của chính họ với sự thay đổi vị lãnh đạo tinh thần của mình. Ngài thầm xác định rằng, đã có một “sự vấp ngã” nào đó mà họ đang đối phó. Họ có thể vấp ngã bởi một sự thật rằng, Ngài đang thực sự phải lớn lên trong khi Gioan, thầy họ, đang dần nhỏ lại.

 

Đây là một kinh nghiệm phổ biến trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Khi một điều gì đó mới mẻ chợt đến, chúng ta thường phải vật lộn với nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống luôn phải thay đổi, được biến đổi và trở nên tươi mới. Và điều này là tốt! Chúng ta phải thay đổi, được biến đổi, xây dựng những mối quan hệ mới mẻ và tốt đẹp hơn, học những cách mới để yêu thương và ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’; đồng thời, trở nên thoải mái với bất kỳ trải nghiệm mới mẻ nào mà Chúa gợi hứng trong cuộc sống mình.

 

Anh Chị em,

“Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?”. Câu hỏi này hay một câu hỏi tương tự nào đó cũng có thể dấy lên trong đời sống chúng ta. Vậy bạn đã phải vật lộn với những thay đổi nào trong đời sống tinh thần của mình? Thông thường, những điều chúng ta đấu tranh thực sự là những cơ hội quý báu để sống đức tin và đức ái Kitô giáo của mình ở một cấp độ mới. Tìm kiếm những thay đổi mà Chúa đang kêu gọi bạn nắm lấy trong cuộc sống và biết rằng ngay cả khi chúng khó khăn, lắm thách thức, thì chúng vẫn là con đường chắc chắn nhất dẫn đến một cuộc sống thánh thiện hơn cho bạn!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con cởi mở với tất cả những gì Ngài mời gọi con hy sinh để liên tục ‘vươn tới sự mới mẻ trong đức tin’, trở nên một tạo vật mới trong ân sủng Ngài!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)