Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Giá của một linh hồn - Môn đệ vô danh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

GIÁ CỦA MỘT LINH HỒN

 

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”.

 

Một giáo sư Hà Lan đã nghiên cứu về chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại . Ông ước tính, thời Julius Caesar, để giết một người lính của đối phương, phải tốn ít hơn 1dollar; thời Napoléon, chi phí tăng lên đáng kể, hơn 2,000$; cuối đệ nhất thế chiến, con số đã nhân lên gấp bội, khoảng 17,000$; ở đệ nhị thế chiến, khoảng 40,000$. Và vào năm 1970, để giết một người lính đối phương, Hoa Kỳ phải tốn đến 200,000 dollars!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nhân ngày Giáo Hội mừng kính thánh Têphanô, tử đạo tiên khởi, một câu hỏi đặt ra là,“Để giết chết một môn đệ Giêsu,phải tốn bao nhiêu?”. Xem ra không tốn đồng nào cả! Và sẽ rất thú vị khi chúng ta đặt một câu hỏi ngược lại,“Vậy để cứu lấy sự sống đời đời của một người, thì ‘giá của một linh hồn’ sẽ là bao nhiêu?”. Các bài đọc hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.

 

Trình thuật Công Vụ Tông Đồ cho thấy, giá Têphanô phải trả để cứu một linh hồn là chính mạng sống và sự tha thứ của ngài. Câu chuyện cho biết, họ ném đá Têphanô cho đến chết khi ngài vừa kịp nói, “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ!”; và “Các nhân chứng để áo của Têphanô dưới chân một thanh niên tên là Saolô”. Rõ ràng, trong số những người Têphanô cầu xin để họ được ơn tha thứ, có Saulô, một người đã từng bách hại và tìm cách tiêu diệt Hội Thánh. Để ít lâu sau, Saulô trở thành Phaolô, một Tông Đồ Dân Ngoại. Như vậy, chính Phaolô là người đầu tiên hưởng nhận ơn tha thứ của Têphanô. Và có thể nói không do dự rằng, ‘giá của một linh hồn’ mà Têphanô phải trả để Hội Thánh có được Phaolô là chính mạng sống Têphanô cùng với sự tha thứ của ngài ; nói cách khác, nhờ Têphanô, Phaolô được sinh ra trong ân sủng!

 

Làm sao một con người có thể làm được điều đó? Trước hết, Têphanô đầy Thánh Thần! Công Vụ Tông Đồ cho biết, “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời”.Chính Thánh Thần ban đủ sức mạnh để Têphanô bắt chước Thầy mình ; Têphanô sống trong Thánh Thần, đầy Thánh Thần, được dẫn dắt bởi Thánh Thần. Và sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta đọc lại lời Chúa Giêsu hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Trong giờ đó, sẽ cho các con biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính các con nói, mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con!”.

 

Tha thứ đích thực là ‘giá của một linh hồn’;vì dẫu có hy sinh đến chết nhưng lòng không nguôi ngoai, không tha thứ, thì cái chết cũng trở nên vô nghĩa.Trên thập giá, Chúa Giêsu nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; cũng vậy, khi sắp chết, Têphanô đã thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Và bắt chước Thầy, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”, Têphanô cũng đã phó thác trọn vẹn, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con!”. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ sâu sắc tâm tình này, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

 

Anh Chị em,

 

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói trước những lời mà Têphanô sẽ lặp lại. Và thật thú vị, “Họ” ở đây còn bao hàm bạn và tôi! ‘Giá của một linh hồn’bất cứ ai trong chúng ta đều được Chúa Giêsu mua lấy bằng chính mạng sống, cái chết và sự tha thứ của Ngài. Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra từ sự tha thứ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu; nhờ Ngài, chúng ta được tái sinh trong ơn nghĩa thánh. Vì thế, mỗi lần nhớ đến hồng ân trọng đại này, chúng ta ý thức hơn về ơn gọi của mình. Bạn và tôi được gọi để trở nên chứng nhân của sự tha thứ, chứng nhân của ánh sáng, những chứng nhân Kitô sẽ sẵn sàng trả giá cho các linh hồn trong một thế giới tối tăm cừu hận.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ‘giá của một linh hồn’thật đắt, nhất là linh hồn con. Cho con biết trân quý ân sủng Chúa; để trở nên một môn đệ luôn trăn trở cho việc đánh bắt các linh hồn về cho Ngài!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

MÔN ĐỆ VÔ DANH

 

“Ông đã thấy và đã tin!”.

 

Một tác giả viết, “Niềm tin nhỏ đưa linh hồn bạn lên thiên đàng, niềm tin lớn đưa thiên đàng xuống linh hồn bạn!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Hơn cả tác giả vô danh kia, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều gì đó‘hơn cả thiên đàng’ mà người ‘môn đệ vô danh’ của Tin Mừng thứ tư có được ! Thật bất ngờ, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, chúng ta được nghe Phúc Âm đại lễ Phục Sinh; bởi lẽ, hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một chứng nhân phục sinh, Gioan tông đồ, thánh sử.

 

Theo truyền thống, Gioan được đồng nhất với “môn đệ kia” trong Tin Mừng của mình. Môn đệ này thực sự không bao giờ được ‘nêu tên’ trong Tin Mừng thứ tư, ông luôn được gọi đơn giản là “người Chúa Giêsu yêu”; vậy mà, môn đệ này luôn là mẫu mực đáng cho chúng ta ao ước ! Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu yêu Gioan hơn những người khác;Ngài đã nói với tất cả các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy yêu mến các con”. Tất cả, trong đó, có bạn và tôi ! Dẫu vậy, Phúc Âm vẫn cho biết, ‘môn đệ vô danh’ này đã đáp lại tình yêu cách trọn vẹn hơn các môn đệ còn lại; bằng chứng là, đang khi tất cả bỏ chạy, môn đệ này vẫn ngoan cường đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ.Vì thế, ông vẫn là kiểu mẫu cho tất cả môn đệ mọi thời.

 

Tin Mừng cho biết, chính tình yêu tín trung đã cho phép ông linh cảm một điều gì đó về Thầy nhanh hơn những người khác. Chẳng hạn, cả Phêrô và ông nhìn thấy những dải vải gấp gọn trong ngôi mộ trống; tuy nhiên, chỉ với môn đệ này, “Ông đã thấy và đã tin!”. Môn đệ này nhận ra sự hiện diện của ‘một Ai đó’ ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’. Cũng thế, chúng ta hãy nhìnmọi sự bằng đôi mắt tín trung vốn cho phép nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ngay trong những khoảng không đời mình, những khoảng không xám xịt, chẳng có hy vọng, chẳng có sự sống!

 

“Ông đã thấy và đã tin!”. Ông thấy gì ? Thư thứ nhất của Gioan hôm nay trả lời, “Điều chúng tôi đã nghe,điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Ôi, ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ máng cỏ, môn đệ này như sách Khải Huyền cho biết, là “chim phượng hoàng”chấp cánh bay cao lên tận mút cùng thời gian, mút cùng không gian để chiêm ngắm Ngôi Lời; ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ ngôi mộ trống, môn đệ này mời chúng ta tin nhận Chúa Phục Sinh! Đấng mà từ nguyên thuỷ, đã có; hằng ở với Cha; là Ánh Sáng và là Sự Sống! Đó là Giêsu, Đấng mà môn đệ này đã nghe, đã thấy, đã chạm đến; là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm hèn yếu như chúng ta mà đại lễ Giáng Sinh mừng kính, cũng là Đấng Phục Sinh đang sống, đang hoạt động với Thánh Thần của Ngài trong Hội Thánh.

 

Anh Chị em,

 

“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ ông tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, môn đệ này đã để những gì ông thấy, ông nghe từ Thầy mình đi vào tâm trí,đi vào con tim; từ đó, ông khám phá dần , Ngài là ai. Vì thế, môn đệ này đã trầm lắng dưới chân thập giá, bình tâm trong cơn khủng hoảng. Cũng thế, đầu mùa Giáng Sinh, khi cho con cái lắng nghe Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội muốn hỏi bạn và tôi, “Con thấy gì?”.Thấy nhân loại nhẫn tâm đẩy Con Thiên Chúa ra tận đồng vắng; thấy con người ác tâm treo Đấng Cứu Độ lên giá tội nhân! Đổi lại sự vô tâm, Giáo Hội mời chúng ta gẫm suy tình yêu của Gioan đối với Thầy; và còn hơn thế,chiêm ngắm tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành cho chính mình. Đúng thế, chỉ người ‘môn đệ vô danh’ mới biết trầm mình và dám trầm lắng để thấy Chúa đang nhìn, đang yêu; và niềm tin của Gioan đã kéo thiên đàng Giêsu xuống tận linh hồn ông!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ước gì con cũng có một con tim yêu mến, một đức tin kiên cường như Gioan, người ‘môn đệ vô danh’; nhờ đó, thiên đàng cũng kéo xuống tận linh hồn con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)