Thương !
THƯƠNG ...
1. - Sao ! Ama Ky ! Hôm qua sao vắng ?
- Ama Ky lên rẫy hái đậu ?
- Sao ! Được nhiều không ?
- Hư hết rồi ama ơi !
- Sao hư vậy ?
- Mấy nay lạnh và mưa nên đậu nó thúi hết rồi !
“Thúi hết rồi !”. Nghe thương quá !
Nhà ama Ky có đến 7 miệng ăn. Đậu thúi làm sao có để mà trang trải. Chạnh lòng thương dặn : “Ê ! Tí Lễ xong ghé lấy mấy bao gạo về ăn đỡ nhé ! Hàng tháng ra lấy về ăn ở chứ nhà của ama Ky khổ quá !
Thật thế, làng của ama Ky là làng nghèo. Nhà ama Ky được vây bằng những tấm tôn với nền xi măng đơn giản. Có tiền đâu để làm nhà sàn hay làm nhà tươm tất. Cái nghèo nó thương ama Ky cũng như thương người đồng bào lắm !
2. Cơm trưa, Cha Sở kể chuyện Ama Yưt :
- Sáng nay Lễ gặp nó ! Hỏi thăm sao hôm qua nó không đi tĩnh tâm nó nói nó đi lấy tiền mì. Hỏi nó được nhiêu ? Nó nói được 3 triệu ! Tưởng 3 triệu cũng ngon. Nó nói 3 triệu là 3 đứa !
Đó là tiền đi làm công của 3 đứa sau những ngày vất vả.
Tết này coi như mỗi gia đình được 1 triệu gọi là tiêu Tết !
Jrai đâu có Tết nhưng rồi thấy người này người kia mua bánh trái nên cũng phải mua chút cho nó vui.
Thương thật là thương gia đình của ama Yưt
3. Đang làm việc, mở tin nhắn thấy hết hồn : “Năm nay gia đình con không có tiền xin lễ, vậy còn xin "ăn mày" cha cầu cho tiên nhân, linh hồn Anrê và Maria”.
Đọc xong hồi đáp ngay : “Anh an tâm ! Em sẽ cầu nguyện theo ý ạ !”.
Trước đó ít lâu thì anh này cho biết là đến kỳ đáo hạn ngân hàng nhưng anh không có đồng nào cả. Tiền lời cũng không có để mà đóng và cũng chả biết xoay làm sao. Vừa mới đây anh lại chia sẻ là tiền học và tiền trọ của con anh cũng không có để mà đóng. Đứng trước nỗi đau này chỉ biết thêm lời cầu nguyện cho anh.
Chuyện “ăn mày” xin Lễ như anh này thật dễ thương. Chả phải ai cũng dư dả hay có tiền để gửi tiền đâu. Biết và ý thức như vậy để rồi vài năm nay, cứ mỗi buổi chiều tôi xin ghi ý nguyện để rồi những ai có nhu cầu gửi về, tôi sẽ dâng tất cả những ý nguyện đó lên Chúa trong Thánh Lễ misa. Tôi trộm nghĩ chả lẽ nào Chúa lại không nhận lời của những đứa con nghèo sao ? Chắc không đâu ! Trước mặt Chúa có lẽ ai cũng như ai và giàu cũng như nghèo. Nghèo đâu phải là cái tội. Cần và cần lắm những tấm lòng. Rất thích kiểu xin lễ “ăn mày” như thế này ! Nhận những ý cầu nguyện này lòng rất vui.
4. Đi chợ, thấy cụ già khòm lưng bán cái mẹt bánh bèo. Thương, ghé lại dúi vào tay bà cái phong bì.
Hỏi thăm thì bà năm nay 76 tuổi. Nhà cũng không xa nhà thờ lắm.
Chia sẻ với một Chú thân quen thì Chú nói : “Cha ơi ! Có cả triệu người khổ như thế đó ! bà cụ này dù sao vẫn còn sức khỏe để đi bán đó Cha !”
Vâng ! Nhận định của Chú quá đúng và quá chính xác ! Còn và rất còn biết bao nhiêu mảnh đời đau khổ và bất hạnh quanh ta.
Nhìn thấy cụ già khòm lưng như thế mà vẫn còn đi bán mẹt bánh bèo để kiếm sống thì chợt nghĩ đến chuyện giá như bà được sống ở cái đất nước “Tư Bản giãy chết” chắc có lẽ bà được chu cấp tối thiểu để lo phần sống của mình. Tiếc thay bà đang ở xứ sở gọi là ... thiên đường.
Và rồi đâu đó có quá nhiều mảnh đời đáng thương như thế. Họ vất vả với kiếp phù sinh này.
Thân phận nhỏ bé, cũng chả có làm được gì hơn, chỉ mong làm một chút gì đó gọi là cho những anh chị em bất hạnh. Đơn giản rằng thì là mình cũng là người đã từng trải cũng như đang trải nghiệm cuộc sống khó khăn và thiếu thốn cơ mà. Vẫn thầm nguyện ước cho những người nghèo khổ và bất hạnh có một cuộc sống ổn định hơn.
Chiều những ngày cuối năm
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: