Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tết với Jrai và Jrai với Tết

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

TẾT VỚI JRAI VÀ JRAI VỚI TẾT

 

            Dẫu sống cùng trên dải đất hình chữ S, cùng chung chia vận mệnh với đất nước nhưng có lẽ vận mệnh của anh chị em sắc tộc thiểu số có lẽ bi đát hơn người Kinh. Người Kinh thì dẫu sao họ vẫn đông và phát triển hơn mọi mặt về người thiểu số. Chính vì thế, đời sống của người Jrai bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào người Kinh rất nhiều.

 

            Người Kinh có tết Tây và có cả tết Âm Lịch. Và với văn hóa Á Đông thì tết Âm Lịch mới thật sự là Tết của người Việt Nam cách riêng là người Kinh. Người thiểu số xem chừng ra văn hóa Tết của họ hiếm. Với những anh chị em sắc tộc khác thì tôi không biết. Với anh chị em Jrai thì dường như họ không có Tết. Văn hóa của họ là ngày Lễ cầu mùa, ngày mừng lúa mới ... Chính vì vậy, bản thân tôi cũng thắc mắc trước khi biết rằng người Jrai có Tết hay không ?

 

            Jrai không có Tết như kiểu văn hóa của người Kinh. Thế nhưng rồi sống chung, sống gần với Kinh nên phần nào họ cũng “ngửi” thấy mùi Tết của người Kinh.

 

            Nghe nói mới lãnh tiền công nhổ khoai mì được 1 triệu. Cha Sở hỏi : “Mi làm gì 1 triệu đó ?”. “Dạ mua ít ít gì đó cho gia đình ! Kinh “nó” ăn Tết, mìn (mình) cũng ăn chút chút cho vui chứ !”

 

            Thương là vậy ! Hì hà hì hục được 1 triệu mà phải lo cho cái Tết.

 

            Thật sự được 1 triệu tiền công nhổ mì (một ngày 150 ngàn) không phải là chuyện dễ vì không dễ mà có việc làm. Chính vì thế đời sống ở đây cứ quanh quẩn với cái nghèo và cái nghèo quanh quẩn với người Jrai (nơi khác tôi không biết nên không dám nói) vậy.

 

            Những ngày này, người Kinh dù nghèo nhưng chắc có lẽ cũng chút chút gì đó lo cho ba ngày Tết. Người Jrai có lẽ không ! Đơn giản là cái nghèo cứ muốn ôm chầm lấy đời họ để rồi họ lấy gì mà biết Tết nếu như họ có Tết. Chính vì thế, tôi thấm với cái câu : “Có tiền thì ngày nào cũng là Tết, không tiền có Tết cũng như ngày thường”

 

            Đúng như vậy, chả phải chỉ với Jrai nhưng với người Kinh và nhiều người khác cũng như vậy đó. Không có tiền thì Tết cũng như không thôi.

 

            Năm nay, nhiều anh chị em di dân và xa quê phải về quê sớm vì mất việc. Kẻ mất việc, người bị nợ lương để rồi với họ đủ ăn đủ mặc là quý rồi chứ mơ màng chi đến Tết.

 

            Tết với tôi là gì ? Là những ngày ngồi lại tính sổ với Chúa và với anh chị em. Những ngày này ngồi thầm tính để thấy rằng Chúa cũng như anh chị em thương mình nhiều quá trong khi mình chả là gì cả. Ngày mỗi ngày tôi lại cứ cảm và thấm cái câu trong Thánh Vịnh : “Tình thương và lòng nhân hậu của Chú ảu ấp tôi suốt cả cuộc đời”.

 

            Vài tuần trước Tết, một khuôn mặt thân quen nhưng thích ẩn danh hỏi : “Cha ơi ! Năm nay mình cho cha 500 cái bánh tét nhé !” Nghe Cô nói mà mừng rơn ! Mừng không phải vì mình có bánh tét ăn cho bằng dân có. Thế nhưng rồi với con số khiêm tốn ấy làm sao đủ cho dân. Sau vài ngày suy nghĩ bèn nói : “Cô ơi ! Con nói cái này con ngại quá ! Con vốn dĩ ngại đi xin. Cô có lòng thì Cô cho thêm nhé !”.

 

            Không suy nghĩ : “Thôi ! Cha nói vậy con gửi Cha 1.000”

 

            1000 là cũng ngại lắm rồi ! Dẫu biết rằng để có 1000 cái bánh tét không phải là chuyện dễ từ khâu chuẩn bị các cái cho đến thành phẩm.

 

            Đang làm việc, Cô làm “cầu truyền hình” gửi về hình ảnh của xứ bạn đang gói bánh tét gửi về. Cô hỏi người chủ xị làm bánh : “Tính ra như vậy thì mỗi nhà được 1 cái không ?”. Người kia nói : “Được 2 cái !”. Nghe thương quá ! Cô và ân nhân tặng 1.500 cái mà mỗi nhà được 2 cái là “ngon” rồi. Nơi đây 1000 cái cho 8.500 giáo dân thì cũng chả thâm vào đâu. Thế nhưng rồi có còn hơn không. Chả dám mè nheo nữa. Mè nheo nữa sợ cúp luôn có mà toi.

 

            Căng não chứ không phải đùa ! Bản thân mình không thiếu (vì hiện tại đang giảm cân) nhưng thương dân làm sao đó. Và rồi, phút 89 đến ! Quyết định luôn 2.000 cái bánh ngọt tặng dân ra ngày đầu năm mới. Nghĩa là mừng Xuân mới, mừng Chúa Xuân xong thì mỗi người 1 chiếc bánh gọi là. Chia sẻ với vài người quen, người quen nói như thế cũng bộn đó cha ! Không sao ! Chủ tiệm cho thiếu mà ! Cùng lắm rao bán “con trâu” này cũng là xong.

 

            Đùa vui vậy cho bớt căng thẳng. Trong niềm tin vẫn xác tín rằng mình đừng lo cho bản thân mình, mình lo cho người khác thì Chúa chả bao giờ để mình thiếu cả. Đừng tính toán với Chúa thì Chúa sẽ không tính toán với mình. Cứ như vậy vui vẻ và bình tĩnh mà sống cho qua ngày.

 

            Chiều qua, hai vợ chồng con thiêng liêng của Cha Sở lì xì cho 100 tờ tiền 10 ngàn “để Cha lì xì cho mấy nhỏ”. 100 làm sao đủ với lủ khủ cái đám thiếu nhi ở xứ này. Thế nhưng giống như 1000 đòn bánh tét vậy ! Có còn hơn không có còn hơn không !

 

            Vậy đó, Tết nghèo nhưng vẫn vui. Mình chả có gì với dân nghèo. Có chút tấm lòng của những người ẩn danh chia sẻ và xin chia sẻ đến người nghèo trong tư cách là ẩn danh luôn. Được một cái là những ai đến với mình đều dặn “Cha đừng đưa con lên mạng nhé !”

 

            Ơ hay ! Rảnh đâu mà đưa ! Mình có giúp được họ có chăng chỉ là chút quà mọn. Đưa hình ảnh họ lên mạng làm chi tội nghiệp lắm ! Mình cứ đặt mình là người nghèo thì mình sẽ cảm thấy sao ? (Dĩ nhiên hình ảnh vẫn có để gửi và báo đến những nơi cần gửi chứ không bỏ sỉ ở trên mạng). Chả là gì hết mà đưa họ lên mạng mình thấy xốn lắm.

 

            Tạ ơn Chúa, cảm ơn những tấm lòng ẩn danh đã chung chia chút gì đó với anh chị em thiểu số nơi cái vùng tôi đang sống. Tết với Jrai và Jrai với cái tết ở vùng nghèo có vậy thôi : dăm ba ba gạo, vài đòn bánh tét cùng với mấy chiếc bánh ngọt. Có nhiêu đó nhưng lòng vẫn vui vì vẫn luôn xác tín rằng : Dù mình nghèo khó mà vẫn thương nhau còn hơ giàu có đổi thay mau !

 

            Vẫn xin Chúa cho mình luôn cảm thấy mình nghèo để mình đón nhận và xin cho mình cảm thấy mình giàu để mình cho đi.

 

            Tạ ơn Chúa vì tất cả là hồng ân.

 

            Cảm ơn anh chị em vì anh chị em là quà tặng mà Chúa trao ban cho kẻ mọn này.

28 âm lịch 2022

 

Lm. Anmai, CSsR