Lên núi -Một sự mất trí đáng ao ước
LÊN NÚI
“Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Ngài muốn gọi”.
Napoléon tiến quân chinh phục Ai Cập. Sau nhiều tuần vượt biển, đoàn quân của ông đổ bộ tại một chân núi; lập tức, ông buộc mọi người tiến lên đỉnh. Một buổi sáng, từ đỉnh núi, ông yêu cầu mọi người nhìn xuống ; bên dưới, tất cả xà lan, tàu thuyền của họ đang bốc cháy theo lệnh ông! Thông điệp ông gửi cho đoàn quân là “Quyết thắng!”, không còn chọn lựa nào khác. Đoạn, ông gọi tên các vị chỉ huy và một số binh lính mà ông đã nghiên cứu lý lịch từng người; ông hỏi han gia đình, gốc gác, chiến tích mà người ấy đã có được. Bằng cách này, ông truyền cảm hứng cho họ. Và ông đã chiến thắng! Napoléon quả là một thiên tài quân sự bẩm sinh!
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh Napoléon được gặp lại nơi Chúa Giêsu; có khác chăng, Ngài không đốt một chiếc thuyền nào, cũng không cần nghiên cứu trước lý lịch củamột ai. Như Napoléon và binh lính lên núi, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng lên núi; ông gọi tên, Ngài cũng gọi tên!Đó là “những kẻ Ngài muốn gọi”; và Ngài trao cho họ sứ vụ. Thế nhưng, trao sứ vụ và gọi tên chỉ xảy ra sau khi Thầy trò ‘lên núi’. Tại sao? Một câu hỏi thú vị!
Hành động đem môn đệ ‘lên núi’ của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa sâu sắc. Núi là biểu tượng cho hành trình của người môn đệ tiến về phía Chúa Cha, điểm đến cuộc đời họ; đó là dấu chỉ cho thấy người môn đệ đang mỗi ngày tiến về phía Ngài; và núi cũng tiết lộ rằng, người môn đệ chỉ được gọi tên, được trang bị để lên đường chỉ sau lần gọi đầu tiên họ ‘lên núi’ gặp Ngài.
‘Núi’ mà người môn đệ được mời gọi đi lên trước hết là cầu nguyện. Hàng ngày, họ ‘lên núi’ để gặp Chúa của mình trong cầu nguyện; họ tìm kiếm Ngài cách bền bỉ, mật thiết và thâm tín. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với Ngài, đến nơi Ngài mong mỏi để mỗi người “ở với Ngài”, cùng Ngài đắm chìm trong sự hiện diện vinh quang của Cha. Trừ khi ‘lên núi’ với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không bao giờ trang bị đủ cho mình những gì cần thiết để hoàn thành sứ vụ. ‘Lên núi’ không chỉ với xácthân, lời cầu, nhưng cả với tư tưởnglẫn tâm hồn. Người môn đệ Giêsu phải luôn hướng thượng, suy nghĩ và hành động vượt trội chứ không tầm thường, bé nhỏ.
Tin Mừng còn nói đến việc gọi tên Nhóm Mười Hai. Không ai biết điều này có liên quan đến việc Thầy trò ‘lên núi’ hay không, nhưng một điều thú vị là, sau khi Thầy trò ‘lên núi’, Marcô liệt kê danh sách mười hai vị, và điều này cũng mang một ý nghĩa đặc biệt! Trong mọi đấng bậc, Chúa Giêsu gọi tôi bằng tên để tôi ở bên Ngài. Gọi tên tôi, Ngài chạm đến nơi sâu thẳm tâm hồn tôi; ở đó, Ngài đào sâu những vực thẳm. Ngài biết tôi là ai, tôi thế nào; tâm tưởng tôi làm sao. Gọi tôi bằng tên chỉ vì Ngài xót thương, bất chấp tôi bất xứng đến mức nào, kể cả đến mức ‘Giuđa Iscariot’; bởi lẽ, Ngài luôn hy vọng, vì Ngài là Thiên Chúa xót thương. Thư Do Thái hôm nay thổ lộ, “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng”.
Anh Chị em,
“Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Ngài muốn gọi”.Không khôn ngoan kiểu thế gian như Napoléon, Chúa Giêsu mời bạn và tôi ‘lên núi’ với Ngài trong yêu thương để gặp Chúa Cha mỗi ngày; Ngài không cưỡng bức nhưng ‘làm gương’, vì Ngài biết việc ‘lên núi’ là sống còn của hồn tông đồ. Ngài gọi tên mỗi người mà không cần hỏi ai trước; Ngài gọi bạn và tôi với tất cả những gì chúng ta là; Ngài không đòi hỏi, cũng không đợi bạn và tôi tốt hơn. Không! Ngài gọi tên chúng ta từng ngày để bạn và tôi liên kết với Ngài, ở với Ngài; từ đó, truyền cho chúng ta tình yêu, sinh lực và sức sống, ngõ hầu mỗi người ra đi làm chứng cho Ngài cách tự do và tự nguyện.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa gọi con ‘lên núi’ để con được ở với Ngài. Xin cho con không ngại mỗi ngày‘lên núi’ để múc lấy sức sống, hầu con sẵn sàng ‘xuống núi’ làm chứng cho Tin Mừng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
********
MỘT SỰ MẤT TRÍ ĐÁNG AO ƯỚC
“Họ nói, ‘Người đã mất trí’”.
Ngày 04/5/1897, nữ công tước Sophie Alenjon đang chủ trì một vũ hội từ thiện ở Paris thì hội trường bốc cháy. Trước sự hoảng loạn, nhiều phụ nữ và trẻ em tìm lối thoát, lính cứu hoả lao vào giải cứu. Một số tiếp cận nữ công tước, người vẫn bình tĩnh ngồi ở bục chủ toạ; họ giục giã, nhưng cô cự tuyệt; nhiều người bảo cô mất trí ! Cô nói, “Vì tước hiệu của tôi, người đầu tiên vào đây; tôi sẽ là người sau hết rời đây!”. Từ chối đề nghị giúp đỡ, Sophie Alenjon ở lại và chịu thiêu sống với hơn 120 người khác. Người gác cổng nói, “Ôi, ‘một sự mất trí đáng ao ước!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Một sự mất trí đáng ao ước!’, chủ đề được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Không thể tin được, một số người thân của Chúa Giêsu đã coi Ngài như người ‘mất trí’. Vậy mà chi tiết ngộ nghĩnh này lại bất ngờ tiết lộ hành trình đức tin của chúng ta; trên hành trình đó, vì Chúa Giêsu, bạn và tôi có thể bị người khác coi là mất trí, nhưng đây sẽ là ‘một sự mất trí đáng ao ước!’.
Chúng ta hãy bắt đầu với tiền đề hiển nhiên rằng, Chúa Giêsu hoàn hảo về mọi mặt. Ngài là sự khôn ngoan của Chúa Cha, là “Đấng Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai” như thư Do Thái hôm nay xác quyết. Với Ngài, không gì quan trọng hơn việc chu toàn thánh ý Chúa Cha và cứu rỗi các linh hồn, đến nỗi Ngài bỏ mặc việc lo cho chính mình; Ngài say mê Thiên Chúa và say mê con người mà đỉnh cao là sự hiến dâng xác hồn trọn vẹn trên thập giá. Đúng!Vớithế gian, Ngài đã ‘mất trí’ như một số người thân nhận định. Thú vị thay! Đây cũng là những gì có thể xảy ra nơi chúng ta,những con người hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân hết lòng, đến nỗi ‘được’ thế gian coi là ‘mất trí’, ‘một sự mất trí đáng ao ước!’.
Nếu ‘mất trí’ được gán cho Chúa Giêsu, thì nó cũng được gán cho bạn và tôi nếu chúng ta nên giống Ngài. Việc đi theo Chúa Giêsu, thực hiện ý muốn của Ngài không phải lúc nào cũng được người khác chấp nhận! Chẳng hạn, những hành động nhân từ và thương xót, cách chung, được coi là tốt và đạo đức; nhưng nhiều khi, điều này lại dẫn đến sự chỉ trích của người khác, ngay cả những người trong gia đình. Khi điều này xảy ra, bạn không nên ngạc nhiên, tổn thương hoặc cay đắng; ngược lại, bình tĩnh, khoan dung và hiền lành; đừng tức giận hoặc bất bình. Đúng hơn, hãy vui mừng khi thấy mình đang giống Chúa Giêsu và nhớ lại những phán đoán sai lầm người ta dành cho Ngài. Chúa Giêsu còn được cho là ‘mất trí’, phương chi chúng ta. Đừng để người khác ngăn cản việc chúng ta làm theo ý muốn của Thiên Chúa và nên giống Ngài.
Anh Chị em,
“Họ nói, ‘Người đã mất trí’”. Hôm nay, bạn và tôi hãy suy gẫm về bất cứ trải nghiệm nào mà chúng ta đã có như Chúa Giêsu đã có, đã làm, và đã đón nhận ! Hãy ngưỡng mộ sự ứng xử quý tộc của nữ công tước Sophie Alenjon; và gẫm xem lòng trung thành của chúng ta tỏ ra đối với Thiên Chúa và sứ mệnh Ngài trao cho chính mình! Đừng trở nên cay đắng khi phải nghe những lời này lời kia; thay vào đó, học biết đón nhận những điều ấy như là những gì Chúa Giêsu đã chịu và cầu xin cho được nên giống Ngài. Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn và tôi, hãy gạt bỏ một bên sự khôn ngoan, kể cả sự cao thượng nhân loại để chúng ta thật sự say mê Thiên Chúa và say mê các linh hồn. Như thế, nếu phải chịu tiếng mất trí, thì đó là ‘một sự mất trí đáng ao ước!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con chỉ tìm Chúa và ý muốn của Chúa trong mọi việc, bất chấp mọi hiểu lầm của người khác; bởi lẽ, con cũng muốn ‘một sự mất trí đáng ao ước’ vì Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: