Đồ "Cái thằng mít ướt"
ĐỒ “CÁI THẰNG MÍT ƯỚT”
Chiều, thấy hình một nữ tu về thăm gia đình trong những ngày tết mà ...
Hình ảnh đẹp của 2 người cháu đang đút yến cho ông ăn. Chả phải gia đình mình, chả phải ông của mình mà dòng lệ bỗng tuôn. Vô duyên thật !
Nước mắt chảy, đơn giản là không còn Cha và không còn Mẹ nữa.
Nhiều người thân cứ hỏi Cha có về Tết không ? Còn Cha còn Mẹ đâu mà về. Nếu như còn chắc chắn sẽ về chứ không ai ở lại vì một năm có dăm ba ngày tết. Còn Anh Chị và các Cháu thì ngày nào cũng gọi điện thấy mặt nhau.
Nhìn hũ nước yến mà thấy sao sao đó ! Nếu như bây giờ Cha và Mẹ còn sống chắc có lẽ không chỉ có 1 mà có thể có 10 và có thể có đến 100. Thế nhưng rồi dù có bao nhiêu đi chăng nữa thì giờ đây vẫn vô nghĩa.
Sự vô nghĩa kèm theo nỗi nhớ và lòng biết ơn lại trào tràn hơn nữa khi nghĩ về Mẹ - Cha cùng với gia đình nhỏ.
Thời qua bao cấp một chút, ổ bánh mì Lan Huệ (xéo rạp Thanh Vân ở đường Cách Mạng Tháng 8) là điểm hẹn của cuối tháng. Đơn giản là lãnh lương xong Mẹ mới có tiền và đạp xe đạp ra Lan Huệ để mua bánh. Còn nhớ 1 ổ chỉ có 2.000 đồng thôi nhưng sao thời đó khó tìm ra 2.000 đồng quá. Mỗi cái áo sơ mi may gia công có 1.300 hay 1.400 đồng 1 cái thôi mà. Mỗi ngày ráng lắm được 25 đến 30 cái là cùng.
Ăn trước trả sau và cái nghèo nó cứ như muốn ôm chầm lấy gia đình nhỏ.
Trước ngày định mệnh chắc gia đình không đến nỗi. Chỉ vì cái ngày ấy mà không phải chỉ mình gia đình tôi khổ mà bao nhiêu gia đình khổ. Bọn trẻ 8x hay 9x làm sao biết được những ngày gian truân ấy. Đôi khi chả dám kể vì sợ chúng bảo “ông già khó tính”.
Hủ nước yến bây giờ chắc có lẽ vài chục, 100 hủ chắc có lẽ chừng vài triệu. Nhiều thì không có chư chừng trăm hủ có. Có nhưng để làm gì ? Có cũng như không mà thôi.
Nhìn hình ảnh cháu bên ông đó mà chạnh lòng. Thương và nhớ đấng sinh thành và dưỡng dục thật nhiều.
Ngày xưa, Mẹ bị ung thư giai đoạn cuối. Chạy vạy đủ điều để lo cho Mẹ. Mọi sự hoàn tất cũng là hoàn tất mọi sự. Hai bàn tay trắng để rồi tự bươn chải và mưu sinh. Nhìn bọn trẻ bây giờ sao mà sướng quá. Và, có khi trong cái sướng đó mà nó không có tình thương cha mẹ như tuổi tụi mình. Có lẽ sống trong gian khổ thì chữ hiếu nó lại càng sâu đậm và da diết hơn trong lòng mình. Lũ trẻ ngày nay có khi tính trước ba ngày Tết để du lịch xa cho khỏi nặng gánh ông bà. Nghĩ cũng có lý của chúng nhưng công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn lắm.
Có lẽ chả phải mình tôi. Đứa nào sinh ra trong gia cảnh càng khốn khó thì lại càng mang ơn cha mẹ. Đứa nào cùng với cha mẹ lam lũ kiếm sống chắc có lẽ mới thấy trân quý tình Cha và nghĩa Mẹ hơn. Nhiều khi chúng kiếm tiền nhanh và sớm quá nên rồi chúng đánh mất đi cái cảm thức về Cha Mẹ. Có khi cứ nghĩ mang tiền và mang quà về nhiều cho Cha Mẹ là đã tròn chữ hiếu ! Không đâu ! Già rồi Cha Mẹ chẳng còn ăn uống được bao nhiêu. Điều mà Cha Mẹ cần khi tuổi già sức yếu đó là sự quan tâm và chăm sóc.
Cứ thử nhớ lại đi, ngày còn nhỏ Cha Mẹ tốn biết bao nhiêu là công sức để nuôi ta lớn khôn. Từ từ nhẩm sẽ ra bài toán công lao của Cha Mẹ liền.
Lởn vởn đâu đây câu chuyện dù đọ đã lâu : Hai cha con ngồi đọc báo trong vườn, người cha ngoài 70 tuổi, trông có vẻ hơi chậm chạp, mắt ông nhìn quanh khu vườn trong khi con trai ông ngoài 30 tuổi đang chăm chú đọc báo… Bỗng có một con chim sẻ đậu trên cành cây gần nơi 2 người ngồi.
Người cha cất tiếng hỏi con: Con gì vậy con?
Người con liếc mắt trả lời: Con chim sẻ ba ạ. Xong lại đọc tiếp tờ báo.
Con chim sẻ tiếp tục chuyền cành. Người cha lại hỏi: Con gì thế con?
Người con liếc mắt trả lời: Vẫn là con chim sẻ ba ạ….
Con chim bay lên tán cây, lần này ông bố lại hỏi: Con gì thế con?
Lần này, người con bực mình, đứng bật dậy và gào vào mặt người cha: Con chim sẻ, chim sẻ, chim sẻ… ba có nghe không???
Người cha lẳng lặng đứng lên và đi vào trong nhà…
… mang ra một cuốn nhật ký nhỏ, nhẹ nhàng lật từng trang và đưa cho người con đọc: ”Ngày… tháng … hai cha con đi chơi trong công viên, lúc ấy con 4 tuổi, lần đầu tiên con nhìn thấy con chim sẻ và con đã hỏi: “Ba ơi, con gì thế?”, ba đã trả lời cho con rằng: “Đó là một con chim sẻ, con yêu ạ”.
… Hôm ấy, vì không nhớ tên con chim mà con đã hỏi ba tổng cộng 21 lần, 21 lần ba đều nhẹ nhàng trả lời câu hỏi của con… Mỗi lần trả lời, ba lại ôm đứa con ngây thơ, bé bỏng vào lòng và cười hạnh phúc…
… Đọc xong người con òa khóc và ôm lấy ba: Ba ơi, con xin lỗi… con xin lỗi…
Lẽ ra người ta khóc và nhớ ngày mùng 2 Tết thôi nhưng đến mùng 6 vẫn nhớ và vẫn khóc. Và, có lẽ khóc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay vì công Cha và nghĩa Mẹ làm sao nói cho cùng.
Già rồi mà vẫn còn mít ướt !
Đồ “cái thứ vô duyên”
Mùng 6 Tết
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: