Cho phép mình ngạc nhiên - Lặng như tờ
CHO PHÉP MÌNH NGẠC NHIÊN
“Hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật là tuyệt khi chúng ta suy cứu cách thức Lời Chúa biến đổi cuộc sống của một con người! Tin Mừng hôm nay tiết lộ, bằng cách nào hạt giống phát triển thành cây rồi sinh quả? Với người nông dân, đó là một bí ẩn, vì “Người ấy không hay biết”; nhưng sau đó, người ấy ‘cho phép mình ngạc nhiên’ bởi “Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, đâm bông, rồi kết hạt”.
Điều tương tự cũng xảy ra với Lời Chúa. Một khi Lời bén rễ trong một tâm hồn, thì chính Lời cũng như chính linh hồn đã bắt đầu đi vào một ‘quy trình thánh’; bởi lẽ, Lời đã “đâm mầm và mọc lên ngày đêm” trong tâm hồn họ. Ai biết dừng lại, quan sát sự lớn lên của Lời;sau đó, dâng lời cảm tạ Thiên Chúa,người ấy đang áp dụng một ‘thực hành thánh’. Cụ thể, bạn đang ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước cách thức bí ẩn mà một cuộc sống được biến đổi. Thật thú vị, đó có thể là cuộc sống của bạn và tôi; cũng có thể là của một người mà chúng ta quen biết. Còn gì sung sướng hơn, gợi hứng hơn khi thấy một linh hồn bắt đầu từ bỏ tội lỗi, tìm kiếm nhân đức, thiết lập một đời sống cầu nguyện và lớn lên trong tình yêu Chúa ! Nói cách khác,chính chúng ta hay người anh em chúng ta đang bước đi trên con đường nên thánh, trở lại‘phẩm tính thần linh’ của mình.
Hãy thử chiêm ngắm ‘bí ẩn’ của một linh hồn trải nghiệm quá trình đổi thay và phát triển tâm linh này ! Nó có thể rất chậm! Thư Do Thái hôm nay nói, “Anh em đừng mất lòng kiên nhẫn!”. Nếu bạn và tôi cảm thấy khó để có một tấm gương như vậy, hãy nghĩ đến cuộc đời của một vị thánh; các ngài là nhân chứng vĩ đại của việc để cho Lời thẩm thấu vào cuộc sống để trở nên một tạo vật mới, được biến đổi bởi ân sủng. Hãy chiêm ngắm cuộc đời của các chứng nhân này và ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước những buông bỏ và cam kết của họ; đồng thời, hãy để mình được cuốn hút vào lòng biết ơn và kinh ngạc của họ ‘như của chính mình’với những gì đang trải qua !
A.Lincoln có thói quen tham dự các buổi tôn vinh Lời Chúa tại một nhà thờ gần toà bạch ốc; ông thường đến đó với nhóm mật vụ. Một buổi tối, sau khi tham dự, một đặc vụ hỏi, “Ngài nghĩ gì về bài giảng tối nay?”; Lincoln nói, “Bài giảng xuất sắc, đúng Thánh Kinh, thiết thực, phù hợp và rất lôi cuốn!”. “Đó là một bài giảng tuyệt vời?”; “Không!”, Lincoln nói, “Đó là một bài giảng không thành công, nếu không nói là thất bại. Tiến sĩ Gurley đã không yêu cầu bạn và tôi làm một điều gì đó tuyệt vời; không khuyến khích ai ‘cho phép mình ngạc nhiên’ về một điều gì đó!”.
Anh Chị em,
“Hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên”. A. Lincoln có lý khi một bài giảng không đưa ra một thách đố hoặc một yêu cầu khiến người nghe ao ước một sự biến đổi bên trong mà Lời Chúa tác động; chính sự biến đổi bên trong đó sẽ đưa con người đến những đổi thay bên ngoài: một hành vi tha thứ, một nghĩa cử xót thương, một lần đi xưng tội… đó chính là điều ‘cho phép mỗi người ngạc nhiên’ trước sức biến đổi của Lời. Để Lời có thể biến đổi bên trong, tâm hồn bạn và tôi phải được tưới mát bằng cầu nguyện, sám hối và cho phép những tia nắng của Thiên Chúa rọi chiếu với tất cả những gì Ngàimuốn và đã hoạch định ‘từ thời sáng thế’. Xa hơn, việc gieo Lời vào tâm hồn người khác vẫn rất cần sự cởi mở đối với hoạt động của Thánh Thần; nó đòi hỏi chúng ta để Thánh Thần soi dẫn hầu biết cách thức hợp tác với bàn tay kỳ diệu của Ngài và ‘cho phép mình ngạc nhiên’ trước sự biến đổi của ân sủng trong tâm hồn người anh em, chị em mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết tưới mát tâm hồn mình bằng ân sủng của các Bí Tích, lượm sạch sỏi đá bằng hoán cải và không ngừng tắm nắng Thánh Thần bằng việc ‘bước đi trong ánh sáng’; từ đó, con có thể ‘cho phép mình ngạc nhiên’khi con thật sự được Lời biến đổi!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
LẶNG NHƯ TỜ
“Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”.
Cách đối phó những con trăn đói, dành cho các tân binh vùng Amazon: “Đừng chạy, trăn phóng nhanh hơn bạn! Điều bạn cần là nằm ngửa, hai chân chụm lại, hai tay đặt ngang hông, đầu cúi xuống. Trăn sẽ tìm cách đẩy đầu nó xuống dưới bạn. Cứ để nó nuốt chân bạn; yên tâm, không đau; sẽ mất nhiều thời gian. Nếu bạn vùng vẫy, nó sẽ nhanh chóng siết bạn; điều bạn cần là bình tĩnh,‘lặng như tờ!’, nó sẽ tiếp tục nuốt. Kiên nhẫn đợi cho đến khi nó nuốt trọn đầu gối; bấy giờ, cẩn thận lấy con dao ra và nhanh chóng rạch vào hai bên miệng của nó; vậy là bạn sống!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Điều bạn cần, là bình tĩnh,‘lặng như tờ!’”. Thật thú vị! ‘Lặng như tờ’ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.“Lặng như tờ” không chỉ nói đến sự lặng sóng của biển, nhưng còn nói đến sự lặng tĩnh của mọi loại hình xáo trộn trong Giáo Hội, trong thế giới, trong đất nước và trong lòng người. Chúa Giêsu luôn làm “lặng như tờ” mọi tình huống tréo ngoe của cuộc đời mỗi người.
Trước hết, đây là hình ảnh sống động của Giáo Hội, con thuyền vượt bão mà đôi khi tưởng như sắp chìm. Điều cứu nó không phải là tài năng và lòng dũng cảm của các thuỷ thủ, nhưng là ‘đánh thức Chúa dậy’, điều này đồng nghĩa với việc sống niềm tin ‘có Chúa’. Ngài đang ở giữa lòng thuyền; niềm tin cho phép con thuyền tiến về phía trước, cả trong bóng tối, giữa bão tố. Niềm tin bảo đảm sự hiện diện của Ngài; bàn tay Ngài nắm lấy, kéo chúng ta khỏi mọi nguy biến. Tất cả chúng ta ở trên con thuyền này và cảm thấy yên tâm, mặc dù có những hạn chế và điểm yếu của mỗi người. Chúng ta được an toàn khi kêu xin Chúa; sẵn sàng quỳ gối, tuyên xưng niềm tin vào Ngài, Thiên Chúa duy nhất; bấy giờ, mọi hỗn mang rồi cũng sẽ “lặng như tờ”.
Chúa Kitô cho phép ‘thuyền đời’ mỗi người bị quăng lên quật xuống bởi những khó khăn tưởng như không thể vượt qua; và việc có Ngài trong thuyền cũng không là một bảo đảm mọi thứ sẽ suôn sẻ. Cần khám phá rằng, Ngài có mặt, đang hoạt động giữa những khó khăn. Vấn đề là chúng ta có biết lặng yên để hướng lòng tin về Ngài;và để Ngài làm những gì còn lại không? Giữa nguy khốn, nếu chúng ta đến gần Ngài hơn, van xin nhiều hơn thì chắc chắn, ân sủng thực sự sẽ hoạt động. Thông thường, chúng ta chỉ hướng về tâm bão, để nỗi sợ và lắng lo chi phối; thế nhưng, mỗi cơn bão là một cơ hội để tin cậy Chúa ở một cấp độ mới mẻ hơn, một tầm cao sâu sắc hơn. Mỗi cơn bão phải là một trải nghiệm của một niềm tin chuyển mình, bất chấp mọi việc tức thời xảy ra thể nào. Vì với Chúa, mọi rối bời, hoảng loạn rồi cũng sẽ “lặng như tờ”.
Tác giả thư Do Thái hôm nay cũng nói đến niềm tin giữa những thử thách, “Đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi”; Abraham, Sara là những kẻ tin, “Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã nhận lại con”. Với Thiên Chúa, bão tố rồi ra cũng đã “lặng như tờ” cho gia đình tổ phụ.
Anh Chị em,
Có Chúa Giêsu, “gió ngừng biển lặng như tờ”.Việc người tân binh Amazon ứng phó với con trăn đói khác nào bão tố trong đời sống; việc nạn nhân chụm chân, hai tay đặt ngang hông, đầu cúi xuống… khác nào việc chúng ta cầu nguyện! Vấn đề còn lại ở đây là anh ta ‘có con dao’ hay không; cũng thế, chúng ta cúi đầu, quỳ gối mỗi khi bão tố, nhưng vấn đề là chúng ta ‘có đức tin’ hay không? Mất niềm tin, mọi sự sẽ trở nên khó khăn; đặt niềm tin vào Chúa, mọi sự “lặng như tờ”. Sóng gió cuộc đời là điều không tránh khỏi, nhưng nếu biết quỳ gối, vững tin vào Chúa Giêsu, quyền năng và lòng thương xót của Ngài sẽ làm cho mọi bão tố nên “lặng như tờ”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng thi thoảng ‘ngủ’ khi con cần; cho con tin rằng, Chúa có đó, ngủ hay thức, không thành vấn đề. Bão sẽ giữ con gần Chúa hơn và mọi sự sẽ “lặng như tờ” khi niềm tin con chuyển mình và được nâng lên một tầm cao mới!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: