Giấc mơ Sa Loong
Giấc mơ Sa Loong
Vô tình, tôi được nghe bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến. Không chỉ nghe mà cò được nhạc sĩ Trần Tiến trần tình về sự ra đời của bài hát Giấc mơ Chapi thật hay.
Khi nghe bài này, tôi lại nhớ và tôi lại mạo muội xin phép nhạc sĩ Trần Tiến cho tôi sửa lại lời bài hát Giấc mơ Chapi thành Giấc mơ Sa Loong :
Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao
Có những người, chỉ có những người yêu nhau
Họ đã sống trong tình Chúa, trong tình người với nhau
Có mối tình, chỉ có mối tình Giêsu
Ở nơi ấy đàn trâu trắng nhởn nhơ quanh đồi
Một mái tranh thờ
Một nhà thờ đơn sơ
Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình
Ai nghèo cũng hướng lòng về Sa Loong
Ai yêu thương nhau trong tình yêu sẽ yêu “người” Sa Loong
Ôi, Cha Thanh yêu rừng cây ngọn núi mang tiếng lòng Sa Loong
Ai yêu tự do, yêu truyền giáo thì lên núi nghe tấm lòng Cha Thanh
Tôi yêu Cha Thanh không còn cô đơn
Không hờn không ghen
Tôi thương Cha Thanh chợt thấy nao lòng
Về một giấc mơ
Ôi Cha Thanh
Sa Loong
Sa Loong
Chả biết có hay hay không nhưng tôi vẫn nghêu ngao : Ôi Cha Thanh ! Sa Loong ! Sa Loong !
Mỗi người có một cách nhìn khác nhau và cảm nhận khác nhau. Đơn giản đó là quyền tự do của mỗi người mà không ai cấm được. Với tôi, câu chuyện tình giữa Cha Thanh và Sa Loong như là một mối duyên tình.
Lúc sinh thời, chắc Cha Thanh cũng như tôi và những ai sống đời tận hiến đều nghe, đều hát và suy tư về bài hát thật dễ thương nói về đời tận hiến : Có một điều con hằng ước mơ, hằng ước mơ, hằng ước mơ là được ở trong nhà Chúa suốt đời con, suốt đời con. Để con được chung mối duyên tình, để con được chung mối duyên tình, với Đấng con hằng mến yêu, với Đấng con đã tôn thờ. Đấng đã dựng con từ giữa hư không, Đấng đã gọi con giữa cuộc trần gian, Đấng đã cùng con hôm nay hát câu sắt cầm.
Vâng ! Với đời tận hiến, qua lời của Bề Trên, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh đã lên đường để phục vụ anh chị em sắc tộc vùng Sa Loong. Giáo họ Sa Loong thuộc Giáo xứ Đăk Mót, Giáo phận Kon Tum, Việt Nam.
Hẳn mọi người còn nhớ ngày 29 tháng 1 năm 2022, vào buổi chiều định mệnh, Nguyễn Văn Kiên đã ra tay sát hại Cha Giuse Trần Ngọc Thanh trong khi Cha Thanh đang ngồi tòa giải tội.
Được biết Cha Thanh, một Linh mục Dòng Đa Minh, được thụ phong linh mục năm 2018, năm 2019 đã xung phong lên giúp xứ Đak Mot và lên phó xứ, và sau đó phụ trách nhiều giáo họ trong xứ, trong đó Đak Xú là một nơi gắn bó với Cha từ ngày lên nhận xứ, tình yêu thương người nghèo, thương những em nhỏ vùng biên nơi tới trường phải đi chân đất lội bộ cả chục km, nơi các em cơm ăn trộn với cơm trắng, Cha đã cố gắng tìm nhiều ân nhân, xin nhiều nơi bằng nhiều cách để mong sự quan tâm của họ tới nơi vùng xa mặt trời này.
Sự ra đi của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một mất mát lớn cho Giáo Phận, cho Dòng Đa Minh và cho những người thân yêu của Cha. Từ đây, Giáo Phận mất đi một cánh tay đắc lực cho việc phục vụ giáo dân và cho việc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên Kon Tum này...
Cha ra đi nhưng nhiều người vẫn nhớ đến Cha và thương tiếc Cha.
Dĩ nhiên không ai muốn sự ra đi đột ngột và đau đớn này nhưng rồi trong biến cố đau thương này ta hướng đến niềm tin bởi lẽ người Kitô hữu là người sống đức tin và luôn luôn nhìn đến góc cạnh của đức tin. Trong cái rủi như người đời thường nói thì ta thấy Chúa muốn nói với mọi người điều gì đó về sứ mạng truyền giáo.
Truyền giáo ! Còn đó nhiều và nhiều nỗi lo. Chỉ những ai đến, ở lại và sống ở những vùng sâu, vùng xa như Cha Thanh và những ai đang miệt mài trên cánh đồng truyền giáo.
Nơi tôi ở, dẫu còn đó những khó khăn nhưng Sa Loong, nơi Cha Thanh phục vụ và mất đi có lẽ còn khó khăn hơn nữa. Từ ngôn ngữ, văn hóa cũng như điều kiện sống là những thách đố lớn lao với các nhà truyền giáo. Thế nhưng Cha Thanh, tuy còn trẻ nhưng Cha đã chấp nhận dấn thân và dấn thân một cách hết mình và hết tình với anh chị em sắc tộc.
Chỉ những ai đang sống sứ mạng truyền giáo như Cha Thanh mới thấu và mới cảm được phận người truyền giáo. Âm thầm, lặng lẽ và nhân hậu là những đức tính sẵn có nơi Cha Thanh. Cũng chính từ đó mà sự ra đi của Cha Thanh đã để lại trong lòng nhiều người bao nỗi nhớ thương.
Dòng máu của Cha Thanh đổ ra sẽ không vô nghĩa ! Dòng máu ấy sẽ trổ sinh những bông hạt như lòng Chúa mong muốn. Có thể nói rằng cuộc đời của Cha Thanh là một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn, một của lễ toàn thiêu đẹp lòng Chúa vì Cha ra đi trong khi Cha đang thi hành sứ vụ.
Nghĩ về Sa Loong, tôi lại thấy và tôi tin rằng tình yêu mà Cha Thanh chia sẻ sẽ được lan tỏa từ thế hệ này và thế hệ khác. Mọi người sẽ làm chứng và loan truyền với nhau một tình yêu phục vụ hết mình và hết tình.
Một giấc mơ Sa Loong thật đẹp mở ra, đơn giản là anh chị em sẽ mãi mãi không quên hình ảnh của một Tình Yêu mang tên Giuse Trần Ngọc Thanh đã đến, đã sống và đã chết giữa họ.
Tôi thương Cha Thanh chợt thấy nao lòng
Về một giấc mơ
Ôi Cha Thanh
Sa Loong
Sa Loong
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: