Được gọi để ẩn dật - Tự hiến liên lỉ
ĐƯỢC GỌI ĐỂ ẨN DẬT
“Ông này chẳng phải anh thợ mộc con bà Maria sao?”.
“Time-lapse” là kỹ thuật chụp nhanh, ghép nhiều ảnh, tạo thành một đoạn phim hoàn chỉnh. Trong một video trên TedTalk, Anand Varma giới thiệu quá trình chào đời của một con ong. Ông nói, “Tôi sẽ cho các bạn thấy 21 ngày ẩn dật đầu đời của một con ong, cô đọng trong 60 giây. Từ trứng, ấu trùng… cho đến khi một con ong, một bầy ong có thể bay lên. Thật huyền nhiệm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Thật huyền nhiệm!”. Nếu Anand Varma phát hiện một con ong chỉ cần đến 21 ngày để ẩn dật trước khi có thể bay lên, thì Chúa Giêsu phải mất đến 30 năm! Tin Mừng hôm nay bất ngờ tiết lộ một sự thật thú vị về ơn gọi của Chúa Giêsu.Trước hết, Ngài ‘được gọi để ẩn dật!’.
Rõ ràng, những người Nazareth không hề hay biết Chúa Giêsu là một con người rất ‘khác người’. Điều này thể hiện khá rõ khi họ nghe lời Ngài nói, thấy việc Ngài làm…bởihọ quá đỗi kinh ngạc vì quyền năng lạ lùng phát xuất từ Ngài. Và xem ra, không ai trong họ ‘mong đợi’ tất cả những điều đó lại có thể đến từ một Giêsu, “anh thợ mộc, con bà Maria”. Những 30 năm đầu đời, thật hiển nhiên, Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống thường nhật ‘bình dị’, nếu không nói là ‘bình thường’. Như vậy, ơn gọi của Ngài khi đến trần gian,trước tiên, là ‘được gọi để ẩn dật!’.
Sự thật sâu sắc này cho biết, do ý muốn của Thiên Chúa, trước hết, ai trong chúng ta cũng phải trải qua một cuộc sống ‘bình dị’ như Chúa Giêsu; và hầu hết mọi người đều như vậy ! Hoặc nếu có ai nghĩ rằng, đó là thời gian Thiên Chúa thanh luyện, sửa dạy… thì thư Do Thái hôm nay bảo, “Anh em hãy bền chí, Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái!”; Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người!”. Thật dễ dàng để nghĩ rằng, chúng ta nên làm một điều gì đó ‘vĩ đại’ cho Chúa! Thế mà, điều vĩ đại mỗi người được mời gọi trước hết, là nên giống Chúa Giêsu ; nghĩa là sống bình lặng, dung dị, và đôi khi, chỉ đơn giản là sống tốt!
Thứ đến, tuỳ theo ngày giờ của Chúa Cha; một lúc nào đó, mọi sự có thể thay đổi. Điều này được thấy nơi Chúa Giêsu. Khi Chúa Cha có một quyết định trên Chúa Giêsu, thì tại một thời điểm, Chúa Con bước ra ánh sáng. Cũng thế, hầu hết chúng ta xem ra cũng ‘được gọi để ẩn dật’ năm này qua năm khác; đây là thời gian để trưởng thành trong các nhân đức, cho đi những điều nhỏ bé tốt lành ẩn tàng và tận hưởng nhịp sống yên tĩnh của một cuộc sống. Nhưng một lúc nào đó, chúng ta được mời gọi bước ra để thi hành một sứ vụ cụ thể; bậc tu trì, bậc gia đình. Điều quan trọng là bạn sẵn sàng, lưu tâm đến ý muốn của Thiên Chúa; phó mình như một công cụ để Ngài sử dụng theo một cách thức mới mẻ dưới sự dạy dỗ của Thánh Thần. Chúa đang mời gọi tôi bước ra hay tiếp tục ẩn dật để trưởng thành hơn trong các nhân đức? Hãy biết ơn Ngài về bất cứ điều gì Ngài dành cho tôi lúc này; và tôi sẽ ôm nó thật chặt bằng cả trái tim!
Anh Chị em,
“Ông này chẳng phải anh thợ mộc con bà Maria sao?”. Nếu cuộc đời của “anh thợ mộc Giêsu” hoặc nếu cuộc đời của bạn và tôi được chụp lại với kỹ thuật Time-lapse thì những đoạn phim này hẳn sẽ huyền nhiệm hơn đoạn phim của loài ong bội phần ! Bàn tay của Thiên Chúa Cha đã can dự vào cuộc sống của Con Một Ngài và của chúng ta từng ngày, nếu không nói là từng phút giây;quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Ngài đã chuẩn bị cho mỗi người chúng ta đến từng chi tiết,dù đó là những ngày mà chúng ta tiếp tục ‘được gọi để ẩn dật’hay đang công khai hoạt động. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn và tôi đều ý thức rằng, cùng Chúa Giêsu, Đấng đang ẩn dật trong các nhà chầu, trong các Bí Tích, chúng ta đang mở rộng Vương Quốc của Cha!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con luôn cởi mở với ý muốn và kế hoạch của Cha; cho con mỗi ngày, sẵn sàng thưa “vâng”, bất kể Chúa muốn con ở đâu, làm gì!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*************
TỰ HIẾN LIÊN LỈ
“Cha mẹ Chúa Giêsu đem Ngài lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa”.
Lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ hôm nay được ví như một chiếc kính vạn hoa! Những tên gọi, ý nghĩa và truyền thống khác biệt chồng ghép lên nhau tựa hồ những mảnh thuỷ tinh nhảy múa trong một chiếc kính muôn màu. Thật thú vị! Với vòng xoay đầu tiên, kính vạn hoa hé lộ lễ Thanh Tẩy Của Đức Mẹ; vòng xoay thứ hai, lễ Tỏ Mình Của Chúa, một lễ Hiển Linh của anh em Đông Phương; và xoay nữa, đó là lễ Nến, Con Thiên Chúa, ánh sáng xua tan bóng tối.
Kính thưa Anh Chị em,
Vậy mà, đằng sau những tên gọi giàu ý nghĩa ấy, Luca coi biến cố dâng Chúa Giêsu vào đền thánh là việc chu toàn lề luật của cha mẹ Ngài sau bốn mươi ngày sinh con. Ngài sẽ vào đó một lần nữa khi lên mười hai;và ở tuổi trưởng thành, còn vào đó nhiều lần. Đặc biệt, Chúa Giêsu tự coi thân xác Ngài như một đền thờ mà Ngài sẽ dựng lại trong ba ngày. Và như thế, từ đầu cho đến cuối đời, cuộc sống Ngài thực sự là một cuộc ‘tự hiến liên lỉ’ cho Thiên Chúa Cha.
Chúa Con, giờ đây,trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên vào đền thờ. Sách Malakia hôm nay viết, “Đấng Thống Trị các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”; thư Do Thái thì nói, “Người phải nên giống anh em mình mọi đàng”. Như vậy, Con vào nhà Cha, Chúa vào đền thờ! Chiên Con vẹn toàn mà không cung thánh nào đủ thánh cho Ngài, lại chấp nhận được thánh hiến tại một nơi do tay người phàm làm ra, nơi được dành để tưởng nhớ các dấu chỉ vốn được mong đợi từ Ngài. Chiên Con đích thực cuối cùng cũng đến nơi hiến tế. Ở đây, trong vòng tay Mẹ Maria, lễ hy tếvĩnh cửu duy nhất “Giêsu” đã đến ! Không có Ngài,chẳng một hy lễ nào có ý nghĩa, dù là nghi lễ thánh hay những hy sinh trong cuộc sống cá nhân của mỗi người. Và cuộc ‘tự hiến liên lỉ’ của Chúa Giêsu sẽ đạt tới chóp đỉnh khi Ngài phó dâng toàn thân trên thập giá cho Thiên Chúa Cha và các linh hồn, cũng trong tay Mẹ Maria, chiều thứ Sáu thánh.
Hãy chiêm ngưỡng cảnh tượng này qua trái tim Mẹ Maria! Trong nghi thức thánh hiến đơn sơ này, Chúa Con nhận ra mình thuộc về Chúa Cha, nhưng Ngài chỉ làm được điều này nhờ sự trung thành với lề luật của Đức Mẹ. Tuy nhiên, ai có thể nói thay cho đứa trẻ này? Ai có thể nói thay cho lửa sốt mến của Ngài, ai sẽ nói thay cho cơn đói các linh hồn mà trái tim Ngài đang chịu đựng? Trái tim vẹn sạch và khiêm hạ của Mẹ Maria nổi bật như một phát ngôn viên của Ngài, nó nói lên ngôn ngữ của sự ‘tự hiến liên lỉ’ và trao ban, dẫu theo các nghi thức của lề luật, “Vì họ, Con xin thánh hiến mình Con!”. Mẹ Maria phản ánh cho thế giới những gì Con của Mẹ, Đấng bằng xương bằng thịt, đang thổn thức, cũng là những gì Ngài đã chuyển trao cho Mẹ.
Anh Chị em,
Mỗi ngày, Chúa Giêsu đang tự hiến trên các bàn thờ, trong các nhà chầu. Chúng ta đến với Ngài trong phép Thánh Thể, vốn thường được cử hành trong các nhà thờ. Chúa sẽ là ‘Chúa hơn’ trong không gian linh thánh của Ngài ! Ở đó, chúng ta trải nghiệm một Thiên Chúa đích thực, cùng lúc trải nghiệm con người thực của mình; nghĩa là, bạn và tôi sẽ là ‘mình hơn’ khi Chúa là ‘Thiên Chúa hơn’. Trong nhà thờ, Chúa Giêsu được bảo vệ khỏi sự hiểu sai; Ngài được bao quanh và bảo vệ bởi các thánh, các linh mục, các Bí Tích, thánh nhạc, nghệ thuật và sự thờ phượng. Trong nhà thờ, Chúa mặc cẩm bào, trang thiết bị và mão giáp; Ngài không thể bị hiểu lầm. Vì vậy, lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ nhắc chúng ta hãy đi tìm Ngài ở đó, để hiến thân cho Ngài, Đấng ‘tự hiến liên lỉ’; và cũng ở đó, chúng ta nhận lãnh ân sủng từ Thánh Thể và các Bí Tích để cũng có thể ‘liên lỉ tự hiến’ như Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ ngày còn đỏ ỏng, con được vào đó từ thuở mới sinh.Giúp con ‘liên lỉ tận hiến’ cho Chúa hầu có thể ‘tự hiến liên lỉ’ cho Ngài và các linh hồn!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: