Trời trở lạnh
TRỜI TRỞ LẠNH
Cả tháng nay, khí hậu vùng nơi tôi đang ở đột nhiên trở lạnh. Cái lạnh ở đây có lẽ không thấm đâu so với thành phố Pleiku hay Đà Lạt. Cái lạnh ở đây không rét buốt như Sapa hay Tam đảo. Lạnh nhè nhẹ thôi nhưng nhiều người ở đây cảm thấy như lòng “buốt giá”.
Cái lạnh đến với vùng này như là chuyện xưa nay chưa từng có. Nhiều người lớn tuổi ở vùng này chắc có lẽ cảm nghiệm được khí hẫu như mấy bữa nay. Tôi ít là mấy năm trời chưa biết cái lạnh là gì. Có chăng là mát mát nhưng thời gian gần đây là lạnh. Chính cái lạnh đột ngột này đã làm đảo lộn cuộc sống vốn dĩ đã nghèo ở nơi đây.
Ở đây, có lẽ không buốt như những vùng để trâu bò phải mặc “áo ấm”. Mà có trâu có bò đâu để mà sợ buốt. Họa chăng thì vài gia đình có bò để chăn chứ làm gì có nhiều để mà lo. Tỷ lệ gia đình có bò để nuôi cực thấp. Nếu như họ có bò để nuôi thì ít ra đời sống của họ cũng bớt phần kham khổ. Thật đơn giản để hiểu vì sao người ở đây “buốt” dẫu khí trời không đủ rét. Dễ hiểu lắm vì cái nghèo yêu thương người dân ở đây lắm.
Cái nghèo dường như không muốn buông ta những người ở quanh cái làng này và ngay cả cái làng ngay trung tâm thị xã thì cũng có khá gì hơn so với những làng khác đâu. Vì kế sinh nhai để rồi họ cứ phải đi làm thuê làm mướn. Tỷ lệ người đến Nhà Thờ để dự Lễ cũng thật khiêm tốn vì kế sinh nhai. Thật khó nói nhưng đúng theo cái kiểu “có thực mới vực được đạo”.
Có ai dám nói hay rằng mình giữ đạo ít là chuyện tham dự Thánh Lễ đều đặn trong khi đời sống kinh tế gặp quá nhiều khó khăn. Đôi khi cũng buồn vì nhà thờ văng vắng nhưng chạnh lòng khi nghĩ đến anh chị em.
Cả một vùng bao la rộng lớn và được gắn với cái tên gọi là Thị Xã nhưng thật sự thua cả địa danh gọi là Thị Trấn. Cả một cái Thị Xã to đùng nhưng không tìm ra được một cái siêu thị. Chỉ vì đời sống và mức sống thấp quá để rồi mở siêu thị để làm chi.
Cái nghèo vốn dĩ đã yêu thương vùng này và khi trời trở lạnh thì cái nghèo lại yêu tha thiết hơn những con người vốn dĩ đã nghèo. Những gia đình quanh tôi sống nhờ bó rau ngọn cải sống qua ngày. Người thì đi làm thuê làm mướn, phụ quán cho những người Kinh để đắp đổi với cuộc sống. Khi trời trở lạnh thì điều đầu tiên xảy đến là mầm của các loại rau trong vườn không lên nổi. Rau cỏ dường như đã quen với khí hậu sẵn có. Bỗng dưng trời trở lạnh nên không thể nẩy mầm như mong muốn. Thế là sản lượng rau thấp đi và dĩ nhiên càng cơ cực.
Người đồng bào có chăng được ít buồng chuối và và cây đu đủ. Thế nhưng rồi khi đem ra chợ thì bị tư thương ép giá. Đứng chờ mua hàng mà thấy tư thương ép giá người đồng bào sao thấy mà thương ghê.
Càng nghe càng chua xót cho cái vùng không may mắn này.
Chưa hết ! Đó là chuyện cây rau ngọn cỏ. Đất khô và cằn cùng với khí hậu khắc nghiệt nóng quanh năm để rồi chỉ còn được khoai mì, mía và thuốc lá. Thế nhưng rồi cái nghiệt ngã nó vẫn đè nặng người nông dân đó là chuyện phân bón và thuốc trừ sâu. Tất cả đầu tư và đó, kể cả công cán nhưng có khi thu hoạch chỉ là mong đủ vốn.
Giật mình khi nghe về cây thuốc lá. Một người quen nói : “Cha biết không ? Trồng thuốc lá như đánh bài vậy ! Người ta trồng nhưng rồi không biết thắng hay thua. Trồng theo cái kiểu được ăn cả ngã về không vậy”.
Rồi đâu đó nghe đâu về giá cả. Nếu như đâu đó được 18, 20 gì đó thì dân còn dễ thở. Thế nhưng làm gì có giá đó.
Mới hôm qua ra chợ thôi ! 1 cân ớt được bán ra với giá 35 ngàn. Trong khi đó mới vài hôm mua với giá 60 ngàn 1 ký. Ngạc nhiên hỏi chị bán ớt tại sao giá cả như thế thì chị nói : “Tại người ta muốn đưa lên là người ta đưa. Đưa xuống là người ta đưa !”.
Người ta là ai ? Câu hỏi vẫn không bao giờ có lời đáp vì người ta mãi mãi là vô hình.
Như cái chuyện gần nhất là vào ngày mà người ta gọi là Thần Tài gì đó. Người ta đổ xô nhau đi mua vàng với giá thật cao để gọi là lấy hên. Thế nhưng rồi vài ngày sau đó giá xuống thậm tệ. Tất cả mối lợi đều dành về cho người kinh doanh. Và, “người ta” trong giới kinh doanh đưa vàng lên vàng xuống là ai ?
Đó là chưa kể đến chuyện xăng dầu ! Xăng dầu cứ nhảy lăm ba đa với lời biện luận là giá của thế giới tăng. Thế nhưng có bao giờ những người cầm quyền, những nhà lãnh đạo tự hỏi rằng mức thu nhập đầu người có tăng hay không mà cho là giá xăng dầu tăng là hợp lý. Điều bi đát nhất là ai ai cũng thấy khi xăng dầu tăng thì mọi thứ đều tăng theo. Có một thứ mãi không tăng hay tăng như rùa bò đó là tiền lương. Tiền lương bao nhiêu năm rồi cũng thế nhưng tiền xăng cứ tăng theo thời gian. Và như vậy, cái nghèo nó cứ mãi ôm chầm đến những người kém may mắn. Còn ai đó thì cứ ngày mỗi ngày càng giàu thêm. Nói ra thật đắng lòng.
Trời trở lạnh ! Tôi không lạnh hay chỉ là mát mát một chút so với những ngày nắng nóng nhưng lòng tôi buốt ! Lòng tôi buốt vì dân trong làng càng ngày càng đói và càng khổ. Không buốt sao được khi người dân ngày ngày chỉ có lá mì và cá khô. Có khi cá khô cũng chẳng có để mà ăn. Thế là cọng rau ngọn cỏ cứ đắp đổi qua ngày. Thử hỏi bao giờ dân ở đây mới khá lên được ?
Lòng cứ tự hỏi : sao cái nghèo nó lại tha thiết và da diết với nơi tôi đang ở như vậy. Và tôi cũng tự nói : Nghèo ơi ! Nghèo đi chỗ khác cho ta và dân ta nhờ !
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: