Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tương tác với lương tâm - Chọn lựa gián đoạn

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TƯƠNG TÁC VỚI LƯƠNG TÂM

 

“Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”.

 

James Packer nói, “Ân sủng là gì? Ân sủng là việc Thiên Chúa lôi kéo một tội nhân ngày càng đến gần Ngài hơn. Bằng cách nào Thiên Chúa làm điều đó? Không phải bằng cách che chở chúng ta khỏi sự tấn công của thế gian, xác thịt và ma quỷ; giúp thoát khỏi hoàn cảnh nặng nề và bực bội; khỏi những rắc rối do tính khí và tâm lý của bản thân…nhưng đúng hơn, là phơi bày con người chúng ta trước tất cả những điều này, khiến bạn và tôi cảm thấy mình kém cỏi để bám chặt vào Ngài hơn. Tắt một lời, giúp chúng ta có khả năng ‘tương tác với lương tâm!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Hêrôđê trong Tin Mừng hôm nay là một người không có khả năng ‘tương tác với lương tâm!’. Không chỉ không tương tác, ông chống lại lương tâm; và rốt cuộc, đánh mất ân sủng!

 

Trước hết, bản án của lương tâm luôn tự lên tiếng! Tội giết chết Gioan của Hêrôđê phóng chiếu vào hiện tại như một ký ức đầy ám ảnh;ông đại diện cho những ai từ chối Thiên Chúa ! Và cho dù, họlà những người quyền lực, giàu có, thông minh hoặc sở hữu những khả năng tuyệt vời khác… nhưng cuối cùng,họ là những con người bất an nhất trần gian. Bởi lẽ, khi một điều thiện xuất hiện trong cuộc sống họ, họ cảm thấy bị đe doạ và lên án bởi nó;và với nó, họ cảm thấy thù nghịch. Tất cả những điều này chỉ là sự phản ánh trạng thái tâm hồn của họ trước Thiên Chúa. Vậy mà, đó là những khoảnh khắc ân sủng, khoảnh khắc của lương tâm, vốn đang gióng tiếng Thiên Chúa muốn nói mà họ đang chống lại. Trước ‘những Hêrôđê’ của thế gian này, chúng ta không thể làm gì; và như Chúa Kitô, như Gioan Tẩy Giả, chúng ta chỉ có thể im lặng và cầu nguyện cho họ, may ra họ hoán cải để có thể ‘tương tác với lương tâm’, với ân sủng!

 

“Nghe Gioan nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe”. Trong cuộc sống, kể cả cuộc sống của kẻ ác, điều thiện được ban đủ cho họ để họ được rỗi; Chúa cũng ban cho họ đủ chân lý cứu rỗi trong phạm vi tự do của họ. Thế nhưng, ân sủng chỉ tồn tại trong một thời gian. Những khoảnh khắc này không được coi là khoảnh khắc tạm thời xoa dịu lương tâm, chỉ để cho phép chúng ta tiếp tục phạm tội và chống lại việc sống một cuộc sống nên thánh, nhưng là cơ hội cho bạn và tôi hoán cải. Hêrôđê kính sợ Gioan, cảm nhận sức hấp dẫn và thánh thiện trong lời Gioan, nhưng ông không làm gì để đáp lại. Ân sủng đến rồi đi, và có thể không bao giờ trở lại. Bạn không thể đùa giỡn với Chúa để giành chiến thắng. Hêrôđê đã thua cuộc vì chống lại ân sủng, chống lại những gì ông biết ông nên yêu mến và làm theo. Bi kịch này dạy chúng ta đừng bao giờ giam cầm tiếng lương tâm; ngược lại, sử dụng tự do của mình để ‘tương tác với lương tâm’ đang lôi kéo chúng ta lại gần Ngài.

 

Anh Chị em,

 

“Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu”. Vinh dự cuối cùng mà Chúa Kitô có thể ban cho một môn đệ trung thành như Gioan, người đứng vững trong sự thật để chống lại những khiêu khích vặn vẹo của sự dữ quanh mình, là - theo một nghĩa nào đó - tham gia “trọn vẹn” vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài, “Gioan, trẫm đã chặt đầu”. Điều mà Gioan đã bắt đầu như một chứng từ kêu gọi người khác hoán cải, giờ đây được kết thúc bằng cái chết; đúng hơn, bằng một chứng từ về niềm hy vọng mà những người được chúc phúc có được trong Chúa Kitô. Ước gì bạn và tôi , chấp nhận con đường trung thành với Chúa; đón nhận những bất trắc, để ‘tương tác với lương tâm’ cho dù “được sửa phạt đôi chút” hầu xứng đáng với niềm hy vọng “đầy sự bất tử!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, dẫu phải hy sinh, đau khổ, chớ gì cuộc sống con vẫn luôn nở tươi với những cánh hoa bất tử; để được vậy, cho con biết luôn ‘tương tác với lương tâm’, hầu hoán cải để được lại ân sủng!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*****************

 

CHỌN LỰA GIÁN ĐOẠN

 

“Hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

 

Đang đi nghỉ ở Ireland, nhà sản xuất xe hơi, Henry Ford, được yêu cầu đóng góp cho một trại mồ côi. Ford ký một tấm check trị giá 2.000 bảng, và thông tin đó đã xuất hiện trên các báo. Oái oăm thay, biên tập viên đã bất cẩn đăng món quà là 20.000 bảng. Giám đốc trại mồ côi lo lắng điện thoại xin lỗi Ford, “Tôi sẽ gọi và yêu cầu biên tập viên sửa lại”, giám đốc nói. “Không cần phải như vậy!”, Ford trả lời; và ông nhanh chóng viết thêm tấm check 18.000 bảng bổ sung.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Không cần phải như vậy!”, Henry Ford đã đón nhận sự bất tiện cách vui lòng. Với Tin Mừng hôm nay, cư xử hào hiệp của Ford có một tên gọi khác, một ‘chọn lựa gián đoạn!’. Chúa Giêsu cũng đã chọn lựa như thế khi Ngài có một kiểu đi nghỉ khác thường dành cho các môn đệ của mình; một kiểu đi nghỉ kiến tạo và phục hồi nơi họ một con tim cứu độ và xót thương, một con tim dám ‘chọn lựa gián đoạn!’.

 

Trở về sau những ngày rao giảng, các môn đệ không tài nào giấu được sự mệt mỏi bởi đôi mắt tinh tường của Thầy. Và họ không ngạc nhiên khi nghe Ngài bảo, “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”; rồi họ xuống thuyền, chèo tới một nơi hẻo lánh. Ấy thế, khi thuyền vừa cập bến, đã có một đám rất đông đợi ở đó. Kìa, một đám người mà lòng họ đang khát khao mãnh liệt được ở gần Ngài! Phải chăng đây là cách đám đông ‘nghỉ ngơi’, cũng là cách mà Chúa Giêsu muốn bạn và tôi ‘nghỉ ngơi?’. Lạ thay! Ngài không bực nhọc; thay vào đó, “chạnh lòng thương”; Ngài giữ cho mình một con tim cứu độ và xót thương ngay trong khoảng trời riêng của mình. Ngài chấp nhận thay đổi kế hoạch vì người khác, Ngài ‘chọn lựa gián đoạn!’.

 

Trong cuộc sống, sau khi tận tuỵ phục vụ, ai trong chúng ta cũng muốn nghỉ ngơi; Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế. Vậy mà, có một điều đã cho phép Ngài gián đoạn chương trình của Ngài chính là sự khát khao của những con người muốn ở bên Ngài, được nuôi dưỡng bởi Lời. Vì thế, Ngài sẵn sàng gác lại mọi chương trình để thoả mãn mong ước của họ. Ở Chúa Giêsu, xem ra không có ‘vacation’, kỳ nghỉ; chỉ có ‘salvation’, cứu độ! Cũng thế, với bất cứ bậc sống nào, bạn có quyền và có thể nghĩ đến một kỳ nghỉ; nhưng, đôi khi bác ái buộc phải chọn lựa một cách khác. Bạn và tôi hãy làm như Chúa Giêsu: ‘chọn lựa gián đoạn!’; nghĩa là chọn cho mình con tim cứu độ và xót thương ở bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả kỳ nghỉ và giờ nghỉ.

 

Chìa khoá để có một con tim như thế chính là sự sẵn sàng; sẵn sàng với thời gian, của cải và sức lực. Khi điều này xảy ra, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai; Ngài ban những ơn bạn không bao giờ ngờ tới để mỗi người có thể rộng rãi trao ban. Và tuyệt vời hơn, chính trong những thời điểm ngặt nghèo ‘bất tiện’ nhất này, khi vui tươi làm những gì chợt đến, thì Thiên Chúa lại thường cho bạn gặt hái những hoa trái mà đôi lúc suốt nhiều tháng, nhiều năm, chúng ta vất vả mà luống công. Thư Do Thái hôm nay nói, “Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng với những của lễ như thế”; Thánh Vịnh đáp ca thì bảo đảm phần phúc, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!”.

 

Anh Chị em,

 

Dẫu bị quấy rầy giữa kỳ nghỉ, nhưng Ford đã có một tấm lòng nhân ái đáng trân trọng. Với chúng ta, được ‘vacation’ bên Chúa Giêsu, nên giống Ngài, con tim chúng ta đầy sự cứu rỗi, ‘salvation’ hơn Henry Ford biết bao ! Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, với một Kitô hữu, việc nghỉ ngơi không mâu thuẫn với việc nghĩ đến và phục vụ tha nhân. Trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu luôn hoạt động, cả khi Ngài nghỉ ngơi, Ngài vui lòng hiến mình cho những ai cần Ngài. Ngài sẵn sàng ‘chọn lựa gián đoạn!’. Ước gì trái tim của bạn và tôi cũng nên giống trái tim Ngài!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cho con luôn vui tươi, sẵn sàng ‘chọn lựa gián đoạn’ khi lòng bác ái đối với tha nhân đòi hỏi. Có như thế, con tim của con mới có thể mới mẻ như con tim Chúa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)