Mua người chứ đâu mua gà đâu anh !
MUA NGƯỜI CHỨ ĐÂU MUA GÀ ĐÂU ANH !
Hê lô ! Xin chào mọi người ! Mình là linh mục Ammai đây ! Mình xin trở lại với trang viết của mình !
Gọi là đùa vui một chút ! Trước là để thay đổi không khí, sau là để mang lại niềm vui sau những nhọc nhằn đau khổ của phận người chúng ta.
Lại là câu chuyện đi chợ mọi người ơi !
Chuyện là như thế này. Cha Sở về thăm nhà, mang theo về ổ bánh mì mọi người thấy ớn vì ... nó quá lớn ! Lấy thước đo đâu bề ngang 20 xen ti mét và chiều dài là 45 xen ti mét !
Hai ngày qua chưa có dịp ăn. Nay nghĩ ra ăn món gì với bánh mì ? Món lâu rồi chưa ăn đó là món cà ri gà.
Cái tiệm gà mổ sẵn hay mua chưa dọn hay nghỉ bán. Đến tiệm gà sống hỏi :
- Chị ơi ! Chị có bán gà thịt không ?
- Hình như anh là cha nhà thờ phải không ?
- Chị cứ lo bán gà đi ạ. Làm cho em 1 con đi ! Em hay mua loại 90 ngàn 1 ký ở đáng kia kìa !
- Anh nấu gì ?
- Dạ ! Em nấu cà ri !
- Em khuyên anh nha ! Gà 90 ngàn là gà công nghiệp. Gà bên này là gà đồng bào, giá 130. Anh ăn cà ri nấu gà này ngon hơn.
- Ủa ! Nhưng sao phân biệt được chị ?
- Trời ơi ! Anh ơi ! Đi chợ người ta mua người chứ ai mua gà !
Nghe lạ lạ, thấy trầm ngâm suy nghĩ chị bán gà nói :
- Em nói anh là mua người ! Ý là em đâu có bán em đâu. Em bán gà nhưng tin là tin người bán chứ ai tin gà ! Anh nhìn đi (chị chỉ vào cái bội gà 90 ngàn và bội gà 130 ngàn 1 ký). Em bán lâu năm. Ai thích ăn gì em bán đó. Người mua lầm chứ người bán sao lầm anh !
- Thôi thôi ! Lấy em 1 con 130 đi chị !
Chợ xong, về nhà ngẫm nghĩ đi chợ cũng có cái vui của nó. Ông bà ta nói mà : “Học ăn học nói học gói học mở” là đúng !
Đi chợ hôm nay lại học được cái câu : “Người ta đi chợ mua người chứ đâu mua gà đâu anh”. Quả thế ! Ham rẻ và lơ tơ mơ là dính chưởng ngay. Nhất là khi nhìn thấy gà đã lên mâm. Gà lên mâm thì nhìn con nào cũng như con nào và làm sao phân biệt được. Chỉ có nước cực công đứng chờ làm ngay trước mắt thì mới tạm tin. Có khi đứng ngay trước mắt đó mà cũng chả tin được nữa là đàng khác.
Có người kể chuyện là ra miền biển chơi. Thích ăn cá. Người bán đưa ra giá. Người mua trả thấp và người bán vẫn đồng ý bán. Vui vẻ cho đến khi đưa con cá lên cân ngay trước mặt và hết vui khi thấy người bán cá gỡ ngay cục chì nặng trình trịch trong bụng con cá.
Còn nữa, ở vùng kia, người ta đi mua chồn. Ham rẻ nên trả giá thật thấp. Người bán cũng đồng ý bán. Về đến nhà khi làm thịt con chồn thì ôi thôi người bán đã dồn 2 quả chuối xanh vào cho đầy bụng con chồn. Dân kinh nghiệm mua bán nói với tôi “Lời ở 2 trái chuối đó ! Bởi vì người mua ép giá quá nên người bán phải làm như vậy đó mới có lời !”
Thiệt cái là tình ! Ở đời, ngày mỗi ngày ra đường sao thấy bao nhiêu cái gian xảo ở chợ. Bao nhiêu thực phẩm ôi thối được người ta nhúng hay rưới hóa chất lên để mà bán. Người mua nhìn miếng thịt, con cá của mình thật tươi và ngon nhưng có ngờ đâu là bên trong con cái hay miếng thịt tươi rói đó đó là một đống hóa chất ướp cho tươi.
Như ngày hôm nay, nếu mình không tận mắt chứng kiến để thấy và chọn con gà 130 ngàn 1 ký thì mình cũng không thể nào phân biệt được gà nào chín chục và gà nào là gà một trăm ba.
Câu nói “Tiền nào của nấy” là có thật và đúng trong mọi thời nhé mọi người ơi. Chính vì thế, đi chợ cũng đừng ham rẻ quá vì người ta vẫn hay nói “của rẻ là của ôi !”.
Cũng sáng nay, lúc chờ làm gà thì chợt thấy 1 túi chân gà thật to đông lạnh để trong cái bao nilon có in chữ Trung Của ! Lại một lần nữa hoảng vì đàng sau cái chân gà nướng thơm phức hay chân gà rút xương hay chân gà xả tắc gì đó lại là cái chân gà đông lạnh nhập từ cái xứ nào đó mà chất lượng thì ai ai cũng hiểu. Ham rẻ thì rước hóa chất độc và lạ vào người thôi. Cũng không có gì là khó suy tưởng
Cứ ham rẻ cũng như ham trả giá để rồi thứ mà mình mua nó sẽ xứng với cái giá mà mình trả. Cũng nên đặt vị trí mình vào người bán thì dễ hiểu. Khi người mua ép giá thì người bán cũng tìm cách nào đó để vừa lòng người mua nhưng chất và lượng cũng sẽ đúng với những gì người mua mong muốn.
Tôi thì thà mua mắc một chút nhưng cũng chỉ mong là có chất và có lượng. Dĩ nhiên cũng bị lừa nhưng nhiều người cũng nể mặt “anh là cha nhà thờ phải không ?” để bán hàng cho.
Thực sự cũng có điều này vì những hàng quen biết họ đã từ chối thẳng thừng khi tôi hỏi rau và thịt nhìn tươi rói nhưng kém chất lượng. Có lẽ người ta thương con trai đi chợ nên người ta bán thật hơn các bà thì phải.
Đi chợ cũng có những bài học hay mà trong sách vở không có. Đi chợ để hiểu được nhân tình thế thái hơn và cũng tự mình nhớ cái câu “ Chưa chắc cái gì lóng lánh đã là vàng !”. Con người cũng vậy thôi ! Chưa hẳng dẻo miệng và khéo nói mà là thật ! Có khi vụng về, chuệch choạc nhưng lại thật và dễ thương. Khổ một nỗi là ở đời, người ta thích khéo nói và cái gì lóng lánh bên ngoài hơn là thẳng tính và xù xì.
Đi chợ cũng đúng như chị ấy nói : Người ta mua người chứ đâu mua gà đâu anh !
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: