Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một sự thật khó nghe! -Một cuộc tạo dựng mới

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT SỰ THẬT KHÓ NGHE

 

“Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.

 

Năm 1886, Benz lái chiếc xe đầu tiên qua các đường phố Munich; ông gọi nó là Mercedes theo tên con gái. Cỗ máy khiến chủ các xe ngựa tức giận. Họ vận động các quan chứcgiới hạn tốc độ cho “cỗ xe không ngựa” này là 5km/giờ, nội thành; và 11km /giờ,ngoại thành. Với Benz, đó là ‘một sự thật khó nghe!’. Ngày kia, ông mời thị trưởng thử xe. Benz sắp xếp một xe sữa đứng đợi; khi Benz và thị trưởng tới, con ngựa già vượt xe họ. Thị trưởng tức giận, yêu cầu Benz vượt; Benz xin lỗi, “Dẫu luật vô lý, nhưng tôi không được phép chạy nhanh”. Ít lâu sau, luật thay đổi!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Như Karl Benz, các biệt phái trong Tin Mừng hôm nay cũng phải nghe ‘một sự thật khó nghe!’ từ Chúa Giêsu, dẫu Ngài biết rõ, điều này hẳn sẽ tạo thêm căng thẳng giữa họ với Ngài. Ngài muốn nói, họ là những kẻ giả hình, những kẻ mà qua Isaia, Ngài trích dẫn,“Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta!”.

 

“Lòng chúng ở xa Ta!”, đó là lời thở than của một Thiên Chúa muôn trùng cao cả, Đấng dựng nên muôn loài; trong đó, con người là đỉnh cao của tạo thành.Bài đọc Sáng Thế hôm nay viết, “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài”. Vì thế, lẽ ra Thiên Chúa phải được con người tôn thờ và yêu mến “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”; và lẽ ra, ai ai cũng phải thưa lên rằng, “Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu!” như lời Thánh Vịnh đáp ca; thì đàng này, Ngài chỉ được kính tôn ngoài môi miệng ! Đó là một sự thật Chúa Giêsu phải nói, dẫu là ‘một sự thật khó nghe’.

 

Xót xa thay! Sự thật này không được nói cho ai khác, nhưng trước hết, cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Ngài. Vậy nếu ‘sự thật’ này được đón nhận và những người biệt phái biết hoán cải thì điều gì sẽ xảy ra? Chúa Giêsu sẽ nói sao về họ một khi họ được biến đổi? Có lẽ Ngài sẽ nói thế này, ‘Sự tôn thờ của các ngươi đối với Thiên Chúa thật là thánh thiện vì các ngươiđã thực sự đón nhận ý muốn thiêng liêng của Ngài; lời ngợi khen các ngươi trao về Chúa phát xuất từ một đôi môi chân thành, một tấm lòng thuần khiết, kính tin và yêu mến’.

 

Vậy Lời Chúa hôm nay nói gì với bạn và tôi? Trước hết, Lời Chúa nói, lề luật được coi là ý muốn của Thiên Chúa, nó phải trở thành cơ sở và nền tảng cho đời sống; yêu mến là linh hồn của lề luật. Thứ đến, việc đón nhận lề luật và ý muốn cụ thể của Thiên Chúa sẽ làm cho sạch trong,giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc vụ hình thức vốn thường được thêm thắt hay giải thích cốt theo chiều hướng có lợi cho một số người, kể cả những có lợi thiêng liêng như tỏ ra mình là công chính.Được như thế, Thiên Chúa sẽ được phụng thờ bằng cả trái tim chân thành của những ai yêu mến Ngài, họ sẽ trào tuôn lời ngợi khen Ngài qua lời nói và hành động.

 

Anh Chị em,

 

“Lòng chúng ở xa Ta!”.‘Sự thật khó nghe’này hôm nay cũng được nói với bạn và tôi ! Lòng chúng ta có thể thiếu sự thờ phượng thật. Phụng vụ của Giáo Hội và việc cầu nguyện của bạn và tôi phải chuyển từ các hành động bên ngoài sang việc thờ phượng bên trong. Chuyển động mà không có lòng yêu mến là vô nghĩa. Hãy để Thiên Chúa hành động trên chúng ta, trong chúng ta khi chúng ta cử hành các Bí Tích. Điều Chúa muốn là sự thờ phượng thuần khiết và chân thành. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu mến Ngài bằng một lòng sùng kính nội tâm sâu xa; Ngài muốn chúng ta cầu nguyện, lắng nghe và phục vụ thánh ý Cha với tất cả sức mạnh của linh hồn. Và điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta biết thờ phượng và cầu nguyện như Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con và toàn thể Giáo Hội luôn biết nội tâm hoá các hành vi thờ phượng bên ngoài bằng một sự hoán cải bên trong. Có như thế, con mới có thể yêu mến Chúa thực!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

 

*************

 

CUỘC TẠO DỰNG MỚI

 

“Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất”.

 

Franz Joseph Haydn, “Cha đẻ của nền âm nhạc giao hưởng”; “The Creation”, “Tạo Dựng” là một trong những kiệt tác của tác giả. Ngày kia, ông được mời đến Vienna Opera, nơi trình tấu tuyệt phẩm này. Suy yếu vì tuổi tác, Haydn ngồi trên xe lăn. Tác phẩm được hợp tấu, khán giả bị cuốn hút bởi những cảm xúc vô tận. Đến đoạn cao trào “Hãy có ánh sáng!”, ban hợp xướng bùng nổ đến mức mọi người đứng dậy, tiếng vỗ tay như sấm, đến nỗi phần trình tấu phải gián đoạn. Haydn gắng gượng đứng lên, làm hiệu xin mọi người im lặng; và với bàn tay run run, ngón trỏ chỉ lên trời, ông nói, “Không, không! Không phải tôi, nhưng là Ngài, tất cả đã có!”. Sau khi dành sự tôn vinh và chúc khen cho Đấng Tạo Thành, ông ngã ra ghế, kiệt sức và ngất lịm!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Không! Không phải tôi, nhưng là Ngài”. Cùng với F. J. Haydn, phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ, không chỉ một mà có đến hai cuộc tạo dựng: một từ nguyên thuỷ; một từ Chúa Giêsu. Thế nhưng, nói, “Tất cả những ai chạm tới Ngài, đều được khỏi”. Không chỉ chữa phần xác, Chúa Giêsu chữa cả phần hồn. Việc chữa lành này được gọi là cứu độ, hay một ‘cuộc tạo dựng mới!’.

 

Bài đọc Sáng Thế nói đến những ngày Thiên Chúa tạo dựng! “Hãy có ánh sáng!”; “Hãy có vòm trời!”; “Hãy có những vật sáng trên vòm trời!”. Qua những buổi chiều và những buổi sáng, Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm hân hoan, “Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan”. Như người mẹ chuẩn bị mọi thứ cho đứa con, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể trước khi tạo dựng con người. Và như thế, mỗi ngày, khi hít thở, vui hưởng ánh sáng, sử dụng những gì Chúa ban... con người sờ đụng Thiên Chúa, sờ đụng huyền nhiệm!

 

Vậy mà, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng, nhưng trong Chúa Giêsu, Ngài còn cứu độ. Marcô mô tả, “Dân chúng rảo chạy khắp miền; nghe tin Người ở đâu thì khiêng những kẻ đau yếu nằm trên chõng đến đó”. ‘Rảo chạy’ có nghĩa là ‘bước những bước ngắn vội vã’, ‘chạy tới chạy lui’; nhưng họ chạy, chỉ để mang đến những con người muốn được lành phần xác; điều này khá dễ dàng, vì họ chỉ cần chạm đến gấu áo Ngài. Vậy mà Chúa Giêsu lại ước ao chữa lành một điều gì đó quan trọng hơn, bên trong hơn; Ngài muốn chữa lành linh hồn. Để một khi linh hồn được chữa lành, thì việc lành lặn nội tâm này mang một tên gọi khác, “cứu độ”, ‘cuộc tạo dựng mới!’.

 

Anh Chị em,

 

“Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất”. Như F. J.Haydn nói, “Với Ngài, tất cả đã có!”. Nhưng với Chúa Giêsu, “Tội anh được tha!”; “Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”; “Hãy theo tôi!”; “Hãy xuống mau!”,thì với Ngài, đây là những ‘cuộc tạo dựng mới!’. Mỗi khi chữa lành bên trong một ai, mọi người vui mừng nhìn Chúa Giêsu; thế nhưng, như Haydn, Ngài cũng sẽ chỉ ngón trỏ lên trời và nói, ‘Không ! Không phải Tôi! Nhưng là Cha, tất cả đã có!”. Không chỉ ngửa ra ghế, Ngài đã gục xuống trong mồ ba ngày và nay chôn mình trong các nhà chầu, trở nên của ăn nuôi sống bạn và tôi. Ngài mong chữa lành chúng ta, hẫu mỗi người thêm chất Chúa, bớt chất người; và “qua những buổi chiều và những buổi sáng”, Ngài tiếp tục làm những gì có thể để mỗi ngày có thêm những‘cuộc tạo dựng mới’ đáng ao ước nhất! Như con nhộng xấu xí được lột xác, bạn và tôi, nhờ Ngài, ngày kia sẽ bay lên như những con bướm đẹp xinh!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin chữa lành nội tâm con, hầu con trở nên ‘một tạo vật mới’, một tạo vật đã chuyển mình, biến đổi, lột xác bằng ‘cuộc tạo dựng mới’; và bấy giờ, con cũng có thể bay lên!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)