Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VII thường niên A

Tác giả: 
Lm Phạm Hồng Thái

 

 

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A

 

          Chúng ta ai cũng thuộc câu: “Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,16)” của thánh Gioan tông đồ. Để thể hiện tình yêu đối với tha nhân thì hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Các con hãy yêu thương địch thù các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con”. Trong khi luật Cựu ước trong sách Lê vi 24,20 cho phép: “Mắt đền mắt, răng đền răng” tức là được báo thù tương đương với điều người khác gây thiệt hại cho mình. Đây cũng là một điều luật công bằng và tiến bộ vì thời đó và ngay cả ngày nay nhiều người có khuynh hướng báo thù leo thang hơn tổn hại tha nhân gây ra cho mình. Nhưng sau này luật pháp chỉ bắt bồi thường bằng tiền thay vì  gây ra tổn hại cho thân xác, ngoại trừ hành vi giết người thì vẫn phải mạng đền mạng. Có những hiền nhân tiến bộ hơn khuyến khích việc tha thứ chứ không có báo thù. Nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn không những Chúa dạy ta  không được báo thù mà còn phải yêu thương kẻ thù nữa tức là không có ăn miếng trả miếng mà lấy đức báo oán, lấy  tình yêu tha thứ đáp lại hận thù. Cụ thể Chúa dạy ta thể hiện tình yêu đối với kẻ thù bằng cách cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi bách hại mình. Thời giáo hội sơ khai đạo Chúa bị bách hại gắt gao. Các tín hữu làm theo lời Chúa dạy đã cầu nguyện cho vua quan bách hại đạo và làm khổ mình trăm chiều noi gương Chúa Giêsu trên cây Thánh giá, Chúa xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Chúa.

 

Chúa cũng dạy: “Hãy làm lành cho những kẻ ghét các con”. Thay vì làm điều dữ cho kẻ ghét mình thì hãy làm điều lành cho họ; chúng ta lấy một ví dụ nhỏ ở nơi Chúa Giêsu: khi ông Phêrô bức súc chém đứt tai đầy tớ của thượng tế trong vườn Cây Dầu, Chúa bảo ông: “Hãy xỏ gươm vào bao (Ga 8, 18,10)” rồi  Chúa chữa tai cho anh ta được lành trở lại.

 

          Chúa cũng dạy: “Ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa”. Có lẽ lời này không nên hiểu theo nghĩa đen nhưng ý Chúa muốn chúng ta tạo không gian giúp kẻ thù nhận ra lầm lỗi của họ và hi vọng có thể cảm hóa được họ, nhờ đó có thể biến thù thành bạn. Hãy nhìn vào trường hợp Chúa Giêsu khi Chúa bị nộp và đứng trước mặt thượng tế Caipha, Caipha tra hỏi Chúa về giáo lý Chúa giảng dạy. Chúa trả lời: “Tôi đã giảng dạy công khai trước mọi người, tôi đã giảng trong hội đường và đền thờ nơi mọi người Do thái hội họp, tôi không nói điều gì lén lút cả. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những kẻ đã nghe tôi, chính họ biết tôi đã nói gì”. Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị  thượng tế như thế ư?” Khi đó Chúa không đưa má kia cho nó vả mà Chúa đáp lại: “Nếu Tôi nói sai thì hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi? (Ga 18, 19-23)”. Chúng ta biết Giáo lý công giáo cho phép chúng ta được tự vệ và chống lại điều bất công.

 

          Chúa Giêsu dạy tình yêu đối với tha nhân không hạn hẹp nơi đồng loại, đồng hương Israel như người Do thái quan niệm nhưng phải mở rộng tới hết mọi người không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo noi gương tình yêu của Chúa Cha: Chúa ban ơn lành mưa móc cho hết mọi người, cả người lành lẫn người dữ; cả người tội lỗi lẫn người lành thánh. Chúa Giêsu đòi người tin Chúa phải làm cái gì hơn người ngoại giáo : “Nếu các con chỉ yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công chi? nào dân ngoại không làm như vậy sao?” Và Chúa khuyên chúng ta: “Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành”. Chính lòng yêu thương kẻ thù giúp ta nên trọn lành như Chúa Cha trên trời.

 

Chúng ta phải chân nhận rằng yêu kẻ thù như Chúa dạy là rất khó nhưng đó là lí tưởng chúng ta phải phấn đấu thi hành với ơn Chúa Thánh Thần. Vậy mỗi người hãy nắm chắc điều cốt lõi của luật Chúa là tình yêu, lòng thương xót và thành tín để chúng ta ngày một nên giống Chúa hơn và để được như lời thánh Gioan Thánh giá: “Vào lúc cuộc đời xế bóng, chúng ta sẽ được Chúa phán xét về tình yêu”.  Amen  .                                                                                                         

  lm GB Phạm Hồng Thái