Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi

 

            Thiên Chúa cho con người tự do. Tự do trong suy nghĩ, tự do trong hành động và tự do trong cả phán xét.

 

            Thế nhưng rồi, Thiên Chúa lại đòi buộc con người phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự tự do mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Bài học từ ngàn xưa mà nay ta vẫn còn nghe thấy đó là bài học tự do ở trong vườn Địa Đàng.

 

            Thiên Chúa thương yêu con người. Thiên Chúa tạo dựng nên tất cả và cho con người hưởng tất cả mọi thứ cây ăn trái trong vườ, chỉ trừ cây biết lành biết dữ ở giữa vườn. Tưởng chừng mối tình ấy đẹp nhưng con người đã phá vỡ. Cũng chỉ vì con người suy nghĩ khác với suy nghĩ của Thiên Chúa nên tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người bị đổ vỡ.

 

            Địa Đàng ngày xưa đã thế và ngày nay vẫn thế. Có những mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa bị đổ vỡ vì con người không nhận ra Thánh ý của Thiên Chúa trên đời họ. Và cũng có  những tương quan giữa con người bị đổ vỡ vì không hiểu nhau và không cùng tư tưởng với nhau.

 

            Ngày hôm nay, đời sống hôn nhân gia đình đổ vỡ nhiều vì người ta không cùng suy nghĩ với nhau và dẫn đến không cùng nhịp đập của con tim. Rồi tình bằng hữu, tình máu mủ ruột thịt, tình anh chị em với nhau và cả tình trong đời tu cũng đổ vỡ vì không cùng tư tưởng với nhau dù ở chung một nhà, dù ở chung một tu viện.

 

Lời cảnh tỉnh về tư tưởng đã được ngôn sứ Isaia nói từ rất lâu : “Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”. (Is 55, 8.9)

 

Và lời Chúa ngay ngày hôm nay đáng cho ta suy nghĩ. Ngày hôm nay ta nghe thánh Phêrô rất quyết đoán. Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô".

 

Dẫu trả lời như thế nhưng dường như vẫn bị la : "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

 

Vì sao bị la ? Vì : ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người"

 

Tại sao Chúa lại la Phêrô và các môn đệ ? Vì các môn đệ và ngay cả môn đệ Phêrô là người đứng đầu nhóm 12 mà còn không hiểu được Thầy mình. Thầy mình đến thế gian không vinh quang cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ và được nâng “lên hành khinh tướng” như con người nghĩ. Thầy Giêsu đến trong trần gian này để : “Chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”

 

Mấu chốt của vấn đề, căn cốt của vấn đề là câu chuyện : “Bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi”.

 

Người môn đệ của Thầy Giêsu đích thực cũng phải là người sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi. Bằng chứng đích thực là các môn đệ kia bị xử như Thầy mình, chỉ trừ Gioan được coi là chết già.

 

Và rồi, người môn đệ nào dù là ai, dù trong ơn gọi hay đấng bậc nào cũng là con người vác thập giá đời mình đi theo Chúa. Theo ngôn ngữ mà người ta vẫn thường an ủi nhau : “Chúa thương ai Chúa cho người đó thập giá nặng”. Lý giải như thế để lòng được bình an.

 

Và, chuyện quan trọng nhất là mỗi người gọi là môn đệ của Chúa đứng trước thập giá Chúa gửi sẽ phản ứng thế nào. Có người thoái lui, có người tìm cách chối bỏ, có người tìm cách cưa bớt thập giá đời mình. Nếu như các vị tử đạo không chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì Thầy Giêsu thì đâu được gọi là tử đạo. Các thánh tử đạo đã hy sinh cả mạng sống của mình.

 

Ngày hôm nay, không còn chuyện tử đạo rằng là phải ra pháp trường nhưng tử đạo bằng những chuyện rất gần trong cuộc sống như từ bỏ ý riêng của mình, từ bỏ những chuyện trái ý trong cuộc đời của mình để vâng theo Thánh ý của Thiên Chúa. Mà, ý Chúa thì thẳm sâu cũng như nhiệm mầu nào ai có thấu.

 

Tất cả những biến cố trong cuộc đời, đã, đang, và sẽ xảy ra mỗi chúng ta là môn đệ đích thực của Đức Kitô cũng phải chìm đắm trong thinh lặng, dìm mình trong cầu nguyện và kết hiệp với Chúa một cách thẳm sâu thì mới hiểu được. Càng ồn ào, càng náo nhiệt và càng tự cao tự đại thì không thể nào hiểu được Thánh ý của Chúa trên đời mình.

 

Ngay cả Chúa Giêsu, khi tột cùng của đau khổ mà Ngài còn thốt lên lời ai oán : “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Lc 15, 34). Còn trước đó, trong cau đắng của cuộc đời, Chúa Giêsu đã nói với Cha của mình : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34).

 

“Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

 

“Người sấp mặt xuống đất, cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được, xin Cha cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

 

Và trong mọi sự, Chúa Giêsu đã không sử dụng tư do của Ngài, Chúa Giêsu thậm chí không dùng quyền được sống của Ngài (vì Chúa Giêsu có quyền bước chân xuống khỏi thập giá hay kêu 12 cơ binh) nhưng hoàn toàn vâng theo ý của Cha. Tư tưởng của Chúa Giêsu đã không còn nữa trên Chúa Giêsu mà nhường lại cho tư tưởng của Chúa Cha.

 

            Là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chắc có lẽ ta cũng phải học và sống bài học bỏ đi cái tư tưởng của mình đi để sống cái tư tưởng, cái Thánh ý của Chúa trên cuộc đời. Có như thế ta mới nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu được. Bằng không tất cả lời nói, tư tưởng của ta đều vô ngĩa vì như trời xa hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng xa tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu.

 

            Và ngôn sứ Isaia cũng dạy ta chí phải trong chương 55 câu 6 và câu 7

 

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

 

Mỗi chúng ta hãy nghe lời Isaia để mỗi chúng ta bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa. Để khi ta từ bỏ tội lỗi thì ta sẽ được Thiên Chúa xót thương và rộng lòng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

 

Lm. Anmai, CSsR