Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hêrôđê, Philatô trong vụ án Chúa Giê-su và...

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

HÊRÔĐÊ - PHILATO TRONG VỤ ÁN CHÚA GIÊSU VÀ ...

 

Đọc lại Tin Mừng Luca, để ý kỹ ta thấy có một chi tiết nói về ý định của vua Hêrôđê giết Đức Giêsu: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông” (Lc 13, 31). Có lẽ ông muốn khử trừ vì tưởng đó là Gioan, người mà ông đổi lấy cái đầu bằng một vũ điệu của con gái bà Hêrôđia, đã chỗi dậy từ cõi chết: “Ong Gioan chính ta đã chém đầu rồi. Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế” (Lc 9, 9).

 

Thế nhưng rồi sau đó chúng ta không gặp thêm một chi tiết nào nói về Hêrôđê muốn giết Đức Giêsu nữa. Philatô đã giải nộp Đức Giêsu cho Hêrôđê vì thuộc quyền, nhưng vua chỉ hỏi mấy câu rồi trả lại cho Philatô. Đàng khác những lời tố cáo của các thượng tế về Đức Giêsu trước tổng trấn Philatô như: tự xưng mình là vua (Mc 15, 2), sách động dân chúng và chống nộp thuế (Lc 23, 2) đều không đủ sức thuyết phục, bởi ông biết rõ vì ghen tị mà họ nộp Người (Mt 27, 18). Dầu sao Philatô đã trở thành con bài cho giới chức sắc dùng trong “trò chơi” đánh đổ Đức Giêsu, cũng như Đức Giêsu bị lợi dụng, nên cái cớ cho giới chức sắc Do thái thách thức quyền lực Philatô.

 

Và rồi ta thấy khi đứng trước thượng hội đồng, Đức Giêsu mang tội danh phạm thượng (Ga 10, 36); còn trước dinh tổng trấn thì bị tố cáo tự xưng mình là vua (Mc 15, 2).

 

Và như thế, trong vụ án này không có sự nhất quan của giới chức sắc Do thái. Những lý chứng đưa ra trái ngược nhau cho thấy cái chết của Đức Giêsu khởi đi từ lòng nghen tị, như Philatô đã nói. Tội danh lớn nhất mà họ có được khi tra vấn dựa trên lời Đức Giêsu tự xưng mình là con Thiên Chúa (Lc 22, 70). Đức Giêsu là một người phàm mà tự đặt mình ngang hàng với thần thiêng: ngự bên hữu Thiên Chúa (Lc 22, 69). Nhiều lần Ngài hành động trái với lề luật, tập tục, thẩm chí còn dùng tới lý lẽ và “quyền năng” khiến cho giới thượng tế và kinh sư bao phen bẽ mặt trước đám đông. Vậy họ có quyền xử tử Đức Giêsu không?

 

Họ cho là không (Ga 18, 31), nhưng sau này họ lại ném đá Stephano (Cv 7, 58) và xử tử Giacôbê (Cv 12, 2). Vậy ta phải lý giải thế nào về cái chết Đức Giêsu. Ơ đây xin mượn lời Felip Gomez: “Trong trường hợp Đức Giêsu, có lẽ họ muốn đóng đinh Ngài vào thập giá để tận diệt trọn bộ phong trào từ trong trứng nước; nhưng quyền đóng đinh lại nằm trong tay một mình Philatô; vì thế, họ nộp Ngài cho tòa dân ngoại”. Các tông đồ khi rao giảng Tin Mừng cũng xác quyết dân Do thái đã nộp Đấng công chính cho quan Philatô (Cv 2, 23; 3, 13; 13, 28).

 

Như vậy nguyên cớ dẫn tới cái chết của Đức Giêsu là do mâu thuẫn về mặt tôn giáo chứ không phải chính trị. Diễn tiến cuộc khổ nạn đều do các thượng tế xếp đặt. Thậm chí, khi đã chôn trong mồ, chính các thượng tế và kỳ mục đã cắt cử lính canh (Mt 27, 62- 66). Chúng ta có thể xác quyết, trong vụ án này vai trò của trượng hội đồng do thái là vai trò quyết định chính yếu.

 

Và ta thoáng qua nhìn thái độ Philatô : Giới lãnh đạo Do thái trao nộp Đức Giêsu cho Philatô vào sáng ngày thứ 6 tuần lễ vượt qua với tội danh tự xưng mình là vua (Mt 27, 1- 2. 11- 14; Mc 15, 1- 5; Lc 23, 1- 5; Ga 18, 28- 38). Tội này trái với tội phạm thượng ở thượng hội đồng Do thái. Tại sao vậy? Có lẽ, nếu giới chức sắc tôn giáo tố cáo về tội phạm thượng thì không đủ áp lực khiến Philatô kết án tử Chúa. Tội này thuộc phạm vi tôn giáo chứ không mang tính chính trị. Như thế, trong vụ án này, Philatô chẳng khác nào “một thông dịch viên” hơn là đóng vai trò thẩm phán.

 

Điều mà ta thấy rõ là Philatô không có ý bắt Đức Giêsu: “Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi” (18, 35). Dưới áp lực của dân chúng và giới chức sắc tôn giáo Do thái, Philatô trở nên kẻ thụ động và nhát đảm, mặc dù ông ta không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu (Ga 18, 38; 19, 12). Ơ đây, chúng ta có thể nói kẻ tố cáo cũng là kẻ xử án. Các thượng tế và kỳ mục tìm mọi phương cách để loại trừ Đức Giêsu với những tội: xúi dục dân nổi loạn (Lc 23, 5), ngăn cản dân nộp thuế cho Xêda (Lc 23, 2).

 

Thế nhưng rồi ta thấy Philatô vẫn tìm mọi cách tha Đức Giêsu ( 19, 12), vì ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà họ nộp Người (Mt 27, 18); nhưng ông lại sợ dân chúng. Chính thái độ “tiến thoái lưỡng nan” này đã đặt Philatô vào tình thế khó xử: nếu tha thì sợ dân chúng nổi loạn, còn kết án thì không tìm ra tội đáng chết. Sự xung khắc này đã nằm trong nội bộ Do thái và mang tính tôn giáo, nhưng vì người Do thái không có quyền xử tử ai (Ga 18, 31) nên nhờ đến bàn tay của Philatô.

 

Sau khi suy nghĩ, ta thấy phương án tối ưu nhất Philatô dùng là cho giải Đức Giêsu đến Hêrôđê, vị vua cai quản miền Galilê (Lc 23, 6- 12). Vị vua này mừng rỡ vì danh tiếng của Người bấy lâu, và ông cũng muốn chứng kiến vài phép lạ Ngài làm. Tuy nhiên, Hêrôđê đã thất vọng vì Đức Giêsu im lặng trước những câu hỏi của vua, nên đành trả lại cho Philatô. Một chi tiết đáng nói là kể từ ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù (Lc 23, 12). Đức Giêsu, một tội nhân đã trở nên trung gian giao hòa giữa hai thế lực đối kháng. Họ thân thiện với nhau không phải vì một hiệp ước, nhưng nhờ bởi Đức Giêsu.

 

Trong vụ án mang tên Giêsu, ta thấy dưới áp lực ngày một lớn của các thượng tế và dân chúng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda” (Ga 19, 12), Philatô đành trao nộp Đức Giêsu cho dân Do thái. Như vậy, đây không phải là một cuộc xử án đúng nghĩa, vì Philatô không chủ động trong việc xét hỏi và kết tội. Ong chỉ là dụng cụ và trung gian cho các thượng tế cùng kỳ mục kết án Đức Giêsu. Chính Philatô cũng không mặn nồng gì trong vụ án này. Việc xét xử là điều phải làm khi bị một áp lực mạnh tấn công. Bởi đó ông nói: “Các ngươi cứ đem ông này đi mà đòng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19, 6); và Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá (Ga 19, 16).

 

Qua vụ án Đức Giêsu, ta thấy Philatô là một con người “yếu nhược”, thiếu lập trường, nên bị dư luận và áp lực quần chúng chôn vùi trong sợ hãi. Ong đã trở nên phương tiện cho giới chức sắc Do thái dùng để xử tử Chúa. Nói theo ngôn ngữ của Ngô Quang Trung thì “ông là một con người nhu nhược, sẵn sàng thỏa hiệp với ý muốn của giới lãnh đạo Do thái chứ không dám quyết đoán trong lập trường của mình”. Mặc dầu biết rõ Đức Giêsu vô tội và muốn tha nhưng ông vẫn trao cho dân Do thái xử tử theo ý họ muốn; một người có quyền lực nhưng không có chí khí. Bởi đó, khi ông trao Đức Giêsu cho giới chức sắc tôn giáo giết chết, thì chính tâm hồn ông cũng bị băng giá bởi sơ hãi và âu lo.

 

Giới chức sắc tôn giáo đã dùng khổ hình thập giá để kết án tử Chúa và đẩy sự nghiệp của Ngài vào cõi dĩ vãng. Họ tưởng rằng với khổ hình này sẽ khiến cho công cuộc của Đức Giêsu tan thành mây khói và không người tưởng nhớ; nhưng họ đã nhầm. Họ quyên đi từ cạnh sườn bị đâm thủng đã khơi sinh Giáo hội và trở nên chất xúc tác giúp Giáo hội không ngừng lớn lên trong yêu thương và phục vụ. Cũng trong ý nghĩa đó, chính cây thập giá mà giới chức sắc dùng để treo Đức Giêsu, lại trở nên cây mang quả trường sinh đem lại sức sống mới cho nhân thế (Ga 19, 36; Kh 22, 2. 14- 19). Chính vì thế, ngang qua sự điên rồ của dân ngoại và sỉ nhục nơi người Do thái, thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin (1Cr 1, 18. 22- 24).

 

Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta xác tín rằng Đức Giêsu đi vào nhân thế không phải để làm chính trị. Chúa Giêsu đến trần gian này là để yêu thương, phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

 

Và như thế ta thấy con đường đưa tới cái chết Đức Giêsu đã được kết nối bởi một chuỗi móc xích của hiểu lầm, hờn nghen và “thách đố”. Giới chức sắc Do thái đã khoác vào Đức Giêsu một lớp áo chính trị nhằm che đậy sự hiềm khích và oán ghét đang ẩn tàng bên trong. Họ muốn giết Ngài để khỏi “vướng mắc” trong sự nghiệp, nhưng chính cõi lòng họ lại rối bời như tơ vò. Có thể nói, khi họ giết được Đức Giêsu thì tâm hồn cũng ra băng giá hay nên như sa mạc hoang vu bởi thiếu nhựa sống là yêu thương, cảm thông và tha thứ.

 

Và chúng ta thấy rất rõ rằng không có gì ngăn cản được chương trình tình yêu của Thiên Chúa, một kế hoạch mà Ngài đã định từ trước muôn đời. Chính vì thế ta thấy qua thập giá, Thiên Chúa đã hoán chuyển lòng ghen tỵ của các thượng tế và kỳ mục thành niềm hy vọng và nguồn ơn cứu độ cho con người.

 

Điều đáng buồn là những nhà cầm quyền đẩy qua đẩy lại để dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu. Cạnh đó là sự vô cảm và ác độc của chức sắc tôn giáo.

 

Ngày hôm nay, bên cạnh giới cầm quyền phủi tay để Chúa Giêsu bị giết chết, ta thấy Chúa Giêsu lại bị giết thêm một lần nữa bởi các chức sắc tôn giáo.

 

Ngày hôm nay, sự im lặng của các chức sắc tôn giáo làm cho “đám đông” kinh ngạc và có khi là niềm tin vào Chúa bị lung lay. Thôi thì chúng ta tiếp tục cầu nguyện để cho Chúa Giêsu khỏi phải chết một lần nữa do sự vô cảm của con người, nhất là sự vô cảm của giới chức sắc.

 

Lm. Anmai, CSsR