Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cần cả những bất lực - Lớn lên trong sự thánh thiện

Tác giả: 
Lm Minh Anh

CẦN CẢ NHỮNG BẤT LỰC

 

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”.

Một thiếu nữ được bác sĩ cho biết, “Cô không bao giờ có thể thoát khỏi ngục tù đau đớn tật nguyền của mình!”. “Ồ, không!”, cô trả lời, “Còn rất nhiều cách để sống trong những giới hạn, nếu tôi không mệt mỏi chiến đấu với chúng!”. Thiếu nữ đó là Helen Keller, một nhà văn vừa mù, vừa điếc, người đã viết, “Hãy đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng! Thiên Chúa không chỉ cần những tài năng bạn dâng hiến; Ngài ‘cần cả những bất lực’ của bạn nữa!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài ‘cần cả những bất lực’ của bạn nữa!”. Đồng quan điểm với nữ văn sĩ mù loà tài hoa, Tin Mừng hôm nay tiết lộ một quan điểm mới mẻ ‘không thể tin được’ về ơn cứu độ! Tại nhà Matthêu, Chúa Giêsu tự nhận là một thầy thuốc; nhưng thầy thuốc sẽ làm gì nếu không có bệnh nhân? Ông sẽ phá sản! Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc cần bệnh nhân! Thầy thuốc Giêsu ‘cần cả những bất lực’ của bạn nữa!”.

 

Giêsu, Cứu Chúa của thế giới. Nhưng nếu thế giới không có tội nhân thì sao? Cái chết của Con Thiên Chúa sẽ lãng xẹt và lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô tích sự! Như vậy, theo một nghĩa nào đó, với tư cách Đấng Cứu Độ, Chúa Giêsu cần những tội nhân. Ngài cần những người chống lại Thiên Chúa, vi phạm lề luật, vi phạm phẩm giá họ, vi phạm phẩm giá người khác. Tắt một lời, Ngài cần các tội nhân! Thật sao? Bởi Ngài là Đấng Cứu Rỗi vốn cần phải cứu, một Đấng cần những ai ‘cần được cứu’ để cứu; ‘cần cả những bất lực’ của con người!

 

Thật quan trọng để bạn và tôi hiểu được sự thật này; để từ đó, chúng ta sẽ bất chợt nhận ra rằng, việc tội nhân đến với Chúa Giêsu đem theo bao ô uế của tội lỗi nơi họ sẽ là cơ hội cho Trái Tim Rất Thánh của Ngài thi thố lòng thương xót. Nó mang cho Ngài một niềm vui tròn đầy; vì qua đó, Ngài hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha trao, với tư cách là Đấng Cứu Rỗi duy nhất.

 

Đồng bàn với Matthêu thu thuế, đại diện cho mọi tội nhân, Chúa Giêsu chịu tiếng mang lời; Ngài phản ứng, “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Tuyệt vời! Đó là một tuyên bố dành cho một nhân loại tổn thương đang cần cứu, một nhân loại tả tơi mà Ngài đang cần để Thiên Chúa có thể cứu nó. Ngài không loại trừ ai, Ngài cần mọi tội nhân! Ngài muốn tiếp cận mọi người, tha thứ cho mọi người. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa!”, đường lối ‘tìm kiếm để tha thứ!’.

 

Đường lối Chúa là thế, khác với đường lối của con người, vốn “đầy cử chỉ đe doạ và lời nói hại người”, bài đọc Isaia cho biết. Với Chúa, khi ai đó phạm tội nhiều hơn, Ngài cần người đó nhiều hơn! Ngài nỗ lực để tiếp cận họ, ban cho họ ân sủng và tha thứ. Qua đó, Ngài dạy chúng ta nhẫn nại, yêu thương, xây những nhịp cầu, thay vì những bức tường bất cứ khi nào có cơ hội.

 

Anh Chị em,

“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Thiên Chúa cần chúng ta, các tội nhân! Nhưng Ngài cần chúng ta “biết cách để sống trong những giới hạn”; “không mệt mỏi chiến đấu với chúng”. Ngài cần chúng ta biết “đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng”; và nhất là đem ‘cả những bất lực’ của mình đến cho Ngài. Phải, Ngài đang chờ đợi từng người. Chúng ta là niềm vui của Chúa Giêsu, là đối tượng sứ vụ của Ngài. Hãy đến với Ngài trong tình trạng tổn thương và tội lỗi; hãy đến với Ngài theo cách này, và cho phép Ngài biểu lộ lòng thương xót của trái tim rất thánh của Ngài! Chúa Giêsu “cần” chúng ta, hãy làm cho niềm vui của Ngài tròn đầy! Đó là quà tặng bạn và tôi mang đến cho Ngài. Bạn có tin điều đó không?

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, con cần Chúa; con không biết, Chúa “cần” con, ‘cần cả những bất lực’ của con! Cho con biết làm cho niềm vui của Chúa nên trọn khi con thật lòng trở về!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

LỚN LÊN TRONG SỰ THÁNH THIỆN

“Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa!”.

 

C. S. Lewis nhận xét, “Không ai biết mình xấu xa như thế nào cho đến khi đã ‘hết sức cố gắng để trở nên tốt’. Chỉ những ai cố gắng chống lại cám dỗ mới biết nó mạnh làm sao. Chúa Kitô, người duy nhất không bao giờ khuất phục trước cám dỗ, nên cũng là người duy nhất biết đầy đủ ý nghĩa của nó. Với Ngài, cám dỗ còn là cơ hội để mỗi người ‘lớn lên trong sự thánh thiện!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Lewis được gặp lại qua Lời Chúa Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay. Ađam Eva, và cả Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Lời Chúa muốn chúng ta noi gương Chúa Giêsu; qua các cám dỗ, có thể ‘lớn lên trong sự thánh thiện’. Để được vậy, hãy chỉ cậy trông vào Chúa, Thánh Vịnh đáp ca là một lời nhắc nhở sâu sắc, “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa!”.

 

Cám dỗ có tốt không? Không tốt cũng không xấu, nhưng chắc chắn bị cám dỗ không phải là một tội; nếu không thì Chúa Giêsu đã không bao giờ bị cám dỗ. Vậy mà, như nguyên tổ, Ngài đã chịu; và cả chúng ta cũng vậy. Nếu câu chuyện Ađam Eva trong bài đọc Sáng Thế giống với câu chuyện của chúng ta, thì Phaolô trong bài đọc hai nói với chúng ta rằng, câu chuyện về Chúa Giêsu cũng có thể là câu chuyện của chúng ta! Mùa Chay, mùa chúng ta được kêu gọi chuyển từ hình ảnh Ađam sang hình ảnh Chúa Kitô; Mùa Chay, mùa cho phép cuộc sống chúng ta được câu chuyện về Chúa Giêsu định hình nhiều hơn là câu chuyện Ađam. Chúa cho phép chúng ta bị cám dỗ, không phải để sa ngã, nhưng để bạn và tôi ‘lớn lên trong sự thánh thiện’.

 

Cám dỗ buộc chúng ta đứng dậy và lựa chọn hoặc theo Chúa hoặc theo ma quỷ. Mặc dù lòng thương xót và sự tha thứ luôn được ban khi chúng ta thất bại, nhưng các “phúc lành” đang chờ đợi những ai vượt qua cám dỗ thì rất nhiều. Sự cám dỗ của Chúa Giêsu không làm tăng sự thánh khiết của Ngài, nhưng cho Ngài cơ hội để bày tỏ sự hoàn hảo trong bản tính nhân loại của Ngài. Đó là sự hoàn hảo chúng ta tìm kiếm và cố gắng bắt chước. Hãy nhìn vào Ngài, cùng xem “năm phúc lành” có thể đến từ việc chịu cám dỗ. Hãy suy gẫm cẩn thận và chậm rãi:

 

Thứ nhất, chịu đựng và chiến thắng cám dỗ giúp chúng ta nhìn thấy sức mạnh của Chúa trong cuộc sống; vạch trần ‘một chuyển động bên trong’ như một cơn cám dỗ đơn giản là đã chiến thắng được một nửa. Thứ hai, cám dỗ hạ thấp chúng ta, tước bỏ sự tự hào khi nghĩ rằng, chúng ta đủ sức tự chủ và tự lập. Thứ ba, việc từ chối ma quỷ có giá trị rất lớn; điều này không chỉ cướp đi khả năng lừa dối liên tục của nó, mà còn làm rõ tầm nhìn của chúng ta về bản chất của nó để có thể tiếp tục từ chối nó và các công việc của nó. Thứ tư, việc chiến thắng cám dỗ củng cố chúng ta trong mọi nhân đức. Và thứ năm, ma quỷ sẽ không cám dỗ nếu nó không ‘quan tâm đến sự thánh thiện’ của chúng ta. Vì vậy, cám dỗ là dấu hiệu cho thấy ma quỷ đang ‘mất dần quyền kiểm soát’ đời sống chúng ta; và đó là cơ hội để bạn ‘lớn lên trong sự thánh thiện’.

 

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa!”. Cậy trông vào Chúa, chúng ta vượt qua cám dỗ! Việc nhận ra điều này, củng cố chúng ta đến cốt lõi linh hồn. Khi làm vậy, chúng ta làm tất cả trong khiêm nhượng; nhận ra rằng, chúng ta không tự mình hoàn thành mà chỉ nhờ ân sủng Chúa. Điều ngược lại cũng đúng. Mỗi khi thất bại, chúng ta nản lòng và có xu hướng đánh mất những đức tính ít ỏi mình có. Hãy biết, mọi cám dỗ đều có thể vượt qua. Không có gì là quá tuyệt vời cũng không có gì là quá khó khăn. Chúa Giêsu đang đợi chúng ta, hãy hạ mình xưng tội, tìm kiếm sự giúp đỡ của một người bạn, quỳ gối cầu nguyện, tin tưởng vào quyền năng Chúa. Vượt qua cám dỗ không chỉ là điều có thể, mà còn là một trải nghiệm vinh quang và biến đổi về ân sủng. Như vậy, cám dỗ là dịp may để bạn ‘lớn lên trong sự thánh thiện’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con đừng bao giờ ‘hết sức cố gắng để trở nên tốt’. Xin ban cho con ân sủng cần thiết để vượt qua cám dỗ và chỉ trông cậy nơi Chúa để ‘lớn lên trong sự thánh thiện!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)