Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT

 

            Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bộc bạch về phận người

 

            Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

            Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

            Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

            Rọi suốt trăm năm một cõi đi về !

 

            Đời người là thế thôi ! Cùng lắm cũng chỉ là trăm năm nhưng chưa chắc mấy ai được trăm năm. Con người, loay hoay đó rồi cũng cố nhạc sĩ họ Trịnh chợt thấy : Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ đời người như gió qua. Không còn ai đường về ôi quá dài những đêm xa người chén rượu cay một đời tôi uống hoài ...

 

            Sáng hôm nay, một Thầy trên vài lớp nhắn cho tôi dòng tin : Mấy nay bỗng nhiên suy nghĩ về đời tu, những anh em cứ làm bề trên hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ kia, những anh em cứ sống một mình làm cha xứ.... rồi sau khi tuổi già ập đến, lại sống cô độc và cô đơn !

 

            Chả lẽ nói Thầy buồn chứ điều này tôi nghĩ đã rất lâu. Cứ ngoảnh mặt nhìn Nhà Hưu Dưỡng, ta sẽ thấy thấp thoáng hình bóng của ta một ngày nào đó cũng về “chốn xưa”.

 

            Cũng là một mối duyên hay định mệnh ! Nhà Hưu Dưỡng của Dòng Chúa Cứu Thế nằm rất gần nhà “chờ đợi”. Chỉ vài bước thôi thì từ Nhà Hưu Dưỡng sẽ đến Nhà Chờ Phục Sinh thôi.

 

            Nhìn Nhà Hưu thì thấy bao mái đầu xanh đã bạc đi rất nhiều và thân xác cũng tàn phai theo năm tháng. Quy luật của con người và của vòng sinh tử mà !

 

            Bước xuống Nhà Chờ Phục Sinh, dãy “nhà mặt tiền” là dãy của các Cha, các Thầy trong Dòng đã về với Chúa trước. Cạnh đó trong “hẽm” một chút là nơi chờ anh em kế tiếp. Và cứ như vậy lần lượt “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ ! Ôi cát bụi phận người ! Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Rồi một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng về !”.

 

            Một Thành Tâm từng ngang dọc với sức hút của một linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế của thiếu nhi và giới trẻ. Thế nhưng rồi giờ đây lững thững cùng với chiếc xe 4 bánh ra vô Nhà Nguyện và nhà cơm.

 

            Một Anphongsô Phạm Gia Thụy cả đời gắn bó với công việc đào tạo trong trọng trách là Tập Sư nay cũng hao mòn.

 

            Một và một ... nhiều lắm chứ ! Từng là cha Xứ và đã xây dựng Ngôi Thánh Đường khang trang cho Giáo Phận. Đến khi Giáo Phận muốn nhượng lại việc chăm sóc mục vụ thì Anh về với Nhà Dòng, về với anh em sống với Chúa chìm sâu hơn trong đời sống cầu nguyện.

 

            Và như thế, tuổi già và tuổi hưu chả chờ một ai cả.

 

            Tiếp theo tâm tình của Thầy, tôi viết : “Thầy ơi ! Biết thân phận của con người mình là như thế thì khi còn khỏe, còn sức, còn chức và còn quyền thì nên yêu thương nhau một chút để đến khi già anh em còn nhìn mặt nhau ! ... Thật sự thì tu lâu năm ai ai cũng phải biết điều này để chừa lối về khi anh em sống trong Nhà Hưu Dưỡng.”.

 

            Dừng một lát, tôi nhắn thêm cho Thầy : “Hãy cố yêu người mà sống ! Lâu rồi đời mình sẽ qua !”.

 

            Thật thế ! Mới ngày nao khấn dòng mà năm nay đã ngoài hai chục năm rồi. Mới ngày nao mái tóc vẫn còn xanh nhưng bây giờ đã điểm bạc ! Mới ngày nao chưa cần dùng đến thuốc men nhưng bây giờ phải nhờ nó để sống.

 

            Chiều tối về, sau giờ Chầu Thánh Thể, một cô bé hỏi thăm về chuyện già nua tuổi tác. Cô bé có vẻ lo cho tuổi già hưu không có ai chăm sóc. Quả thật, tâm tình của Cô bé thật dễ thương.

 

            Đáp lại tâm tư của Cô bé đó tôi liền nói : “Có sao đâu T ơi ! Bây giờ còn sức thì cứ cày ! Cày đi rồi tới đâu tới ! Nếu cứ dừng lại và nhìn đến những ngày hưu dưỡng e rằng sẽ chẳng làm gì đâu !”.

 

            Cô bé an ủi : “Thôi ! Cứ nghĩ vậy đi Cha ! Phần thưởng dành cho Cha ở trên Trời khi Cha lao nhọc thời trai trẻ !”.

 

            Lời an ủi đó cũng có lý đó chứ ! Và cũng là động lực để sống trong những ngày đau bệnh và ẩn dật đó chứ ! Chúa cho bao nhiêu thì cứ làm bấy nhiêu thôi ! Cũng chả cần lo lắng nhiều.

 

            Chiều tà, ngồi tòa giải tội. Hối nhân đến có vẻ rụt rè ! Hỏi thăm sao bỏ Lễ 2 tuần thì cô bé nói : “Dạ con đi núi !”.

 

            Ở đây, cái từ “đi núi” thì không còn xa lạ ! Thường ngày thì người dân nghèo chỉ bám vào núi để trồng ít sắn khoai.

 

            Kế cô bé là mẹ. Rụt rè cũng 2 tuần bỏ Lễ. Nhẹ nhàng hỏi thì mẹ cô bé cũng nói bỏ lễ vì “đi núi”. Kèm theo lời đó là lời sụt sùi khóc không ra lời : “Dạ ! 2 tuần lên núi nhưng năm nay thấy mùa ! Khoai mì chỉ có được bằng ngón chân cái (vừa nói vừa chỉ ngón chân). Năm nay đói và nợ ! Mọi năm thu được hai mươi mấy bao. Năm nay được 6 bao thôi !”.

 

            Đố đứa nào mà yên lòng hay cầm lòng được trước mảnh đời như vậy. May quá ! Nhà còn gạo và gửi hai mẹ con bao gạo về ăn cho qua bữa. Nụ cười và nước mắt trào tràn trên hàng mi. Họ mừng đến rơi lệ và người cho cũng quắn lòng.

 

            Vậy thôi ! Chỉ vậy thôi ! Chung chia chút gì đó cho người nghèo ! Và hình như như vậy là mình đang đi đúng đường Chúa muốn đó chứ ! Thầm nghĩ nếu như chiều hôm nay Chúa có mặt ở đây chắc Chúa cũng sẽ không làm khác hơn mình nghĩa là cũng gửi gạo cho họ về ăn qua bữa.

 

            Nếu như mình cứ khư khư nắm giữ và lo vun vén thì sẽ rất mệt mỏi. Chính vì thế cứ cho đi và cho đi. Trong lòng tin thì Chúa lại cứ cho đi cái khác. Cứ nghĩ như vậy mà nhẹ lòng.

 

            Sức hèn, tài kém ! Chả làm được gì hơn vì hạn chế về ngôn ngữ, sức khỏe và tri thức. Chỉ có chút gì đó san sẻ cho những ai cần đến. Lòng nhủ lòng như vậy mà thấy đời tu mình nó nhẹ nhõm. Thôi thì cứ như thế mà sống cho đến ngày về Nhà Hưu Dưỡng.

 

            Đời là như vậy đó ! Cũng như cố nhạc sĩ họ Trịnh nói : “Sống trên đời này chỉ có thân phận và tình yêu ! Thân phận thì hữu hạn còn tình yêu thì vô cùng. Hãy nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu bạn trên cây thập giá đời !”.

 

            Vâng ! Cứ như thế, ngày mỗi ngày tôi cứ sống, cứ nuôi dưỡng tình yêu với những ai đang sống chùng, sống cùng và sống cạnh để rồi tình yêu mà tôi trao ban có thể cứu tôi trên cây thập giá đời và còn cứu tôi khỏi tội khiên nữa. Cứ yêu đi rồi muốn làm gì làm ! Ý thức như vậy để rồi dù tàn hơi kiệt sức hay nay mai gì đó về Nhà Hưu Dưỡng tôi vẫn nuôi dưỡng và sống tròn đầy tình yêu của cuộc đời tôi.

 

Lm. Anmai, CSsR