Tìm một lối vào - Không phải là một phần của cảnh quan
TÌM MỘT LỐI VÀO
“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp!”.
Thế kỷ 17, Oliver Cromwell, lãnh chúa nước Anh, đã kết án xử bắn một người lính trọng tội. Giờ hành quyết dự liệu diễn ra vào lúc chuông giới nghiêm đổ. Thế nhưng, đêm hôm ấy, chuông không đổ! Vị hôn thê của người lính đã ‘tìm một lối vào’ trại binh, leo lên tháp, bám vào chiếc chuông để ngăn nó ngân lên. Lãnh chúa triệu tập cô, buộc cô giải trình về hành động của mình. Cô đã khóc và cho ông thấy hai bàn tay bầm tím đầy máu. Phép lạ đã xảy ra, trái tim lãnh chúa thổn thức; ông nói, “Tình yêu của cô sẽ tồn tại vì những hy sinh của cô. Chuông không đổ, và máu cũng không!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chuông không đổ, và máu cũng không!”; bởi lẽ, vị hôn thê của người lính đã ‘tìm một lối vào’,khiến cho một con tim thổn thức, và tình yêu tồn tại ! Cả hai bài đọc hôm nay cũng nói đến một lối vào; đúng hơn, một con đường mang tên “Khổ Đau”; trên đó, Giêrêmia của Cựu Ước và Giêsu của Tân Ước sẽ phải bước đi. Giêrêmia sợ hãi ‘tìm một lối ra’;Giêsu khí khái‘tìm một lối vào!’.
Bị dân mình tẩy chay, Giêrêmia thở than, “Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con! Vì họ đào lỗ chôn con!”; Giêrêmia cầu Chúa hầu ‘tìm một lối ra’. Với Chúa Giêsu, Tin Mừng tường thuật cuộc hành hương trẩy lên Giêrusalem của Thầy trò Ngài. Không ‘tìm một lối ra’, Ngài ‘tìm một lối vào’; không cho riêng mình,nhưng còn cho các môn đệ, “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp!”.
Vậy mà, dù đang đi lên với Thầy, các môn đệ xem ra những chỉ muốn đi xuống! Bằng chứng là cuộc đối thoại không đáng có đã xảy ra giữa họ vì sự xuất hiện của ‘môn đệ mười ba’,bà Zêbêđê; và điều này đã khiến “nhóm mười người tức tối với hai anh em”. Xót xa thay! Đang khi Thầy nói chuyện đi lên, trò nghĩ chuyện đi xuống; Thầy ngưỡng chuyện trên trời, trò vọng chuyện dưới đất; Thầy lo chuyện bị nộp, trò tính chuyện trị vì; Thầy tìm vui lòng Cha, trò tìm thoả dạ mẹ. Rõ ràng, Thầy trò Chúa Giêsu lệch pha! Thầy ‘tìm một lối vào’, trò ‘tìm một lối ra!’.
Vậy đâu là phản ứng của Đấng Kitô? Với một nhân cách hiếu hoà, bản lãnh và tự tin,Chúa Giêsu khoan thai chỉ cho họ sự thật gai gốc Ngài sắp trải qua, nói cho họ chén thù chén tạc mà cùng Ngài, họ sắp uống; và cuối cùng, dạy cho họ bài học khiêm nhường phục vụ. Ngài kết luận, “Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”. Như vậy, Chúa Giêsu đã đối diện sự thật; chấp nhận nó mà không do dự.Ngài không nhìn chén đắng và thập giá dưới lăng kính tiêu cực, không coi nó là bi kịch; thay vào đó, nhìn nó dưới ánh sáng cứu độ; đau khổ và cái chết là hành động của tình yêu. Vì thế, không chỉ đón nhận, Ngài ôm lấy nó. Ngài quyết ‘tìm một lối vào’ vì cuối đường hầm, một chân trời mới sẽ mở ra, một đại lộ ánh quang phục sinh rạng ngời, “Nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.
Anh Chị em,
“Này chúng ta lên Giêrusalem!”. Tình yêu của vị hôn thê với đôi tay đầy máu đã được đền đáp bằng mạng sống của người cô yêu.Cũng thế, tình yêu của Chúa Giêsu với đôi tay, đôi chân và thân xác đầy máu của Ngài cũng đã được đền đáp bằng ‘phần rỗi của cả nhân loại’ Ngài yêu. Noi gương Chúa Giêsu, nhờ sức mạnh của Thánh Thần và biết tha thiết với Chúa Cha như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa”, bạn và tôi cũng sẽ vượt qua bất kỳ thập giá nào trong đời bằng tình yêu, lòng can đảm với một vòng tay sẵn sàng. Thay vì ‘tìm một lối ra’, chúng ta ‘tìm một lối vào’; đón nhận đau khổ trong ánh sáng cứu độ. Như Chúa Giêsu, bạn và tôi ôm chặt thánh giá đời mình; vì mọi thập giá đều có khả năng trở thành công cụ của ân sủng cho bạn, cho tôi và cho thế giới mà chúng ta sẽ được đền đáp.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng và sức mạnh,hầu con cũng có thể ‘tìm một lối vào’ trong những nẻo đường thập giá đời con; nhờ đó, cùng Chúa, con cũng cứu cả thế giới!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHẦN CỦA CẢNH QUAN
“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.
“Hãy trân trọng từng phút giây bạn có; chia sẻ cho người khác khi còn kịp! Ngày kia, bạn sẽ thấy của cải vô dụng như thế nào. Người nghèo luôn có đó, họ ‘không phải là một phần của cảnh quan’ tô điểm cuộc sống bạn, nhưng là một phần định mệnh của bạn! Hãy nhớ, chiếc đồng hồ không ngưng nghỉ, không đợi bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Đồng tình với ý tưởng của nhà tu đức, cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy, tha nhân ‘không phải là một phần của cảnh quan!’. Đó là những con người cần được tôn trọng, yêu thương và đỡ nâng. Chúa Giêsu từng ví họ là Ngài. Họ là ‘Nhà Tạm di động’ của Ngài!
Bài đọc Giêrêmia tiết lộ, Thiên Chúa ghi nhận và ân thưởng cho mọi hành vi bác ái của bạn, “Ta là Chúa, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”. Đó là những con người nương ẩn nơi Chúa,Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.
Trái với ai ‘nương ẩn’nơi Chúa, Tin Mừng thuật chuyện một người ‘nương nơi’ của cải! Đó là một phú hộ xa hoa, sống cách biệt, đam mê thời trang và những món ăn ngon. Tuy thế, ông không làm hại ai; không tước đoạt Lazarô; không ngại việc Lazarô lảng vảng; cũng chẳng miệt thị Lazarô không chịu làm việc. Vậy thì đâu là tội của ông? Tội của ông là không coi Lazarô như một con người; ông không biết rằng, Lazarô ‘không phải là một phần của cảnh quan’ nhà ông. Một người mù đã từng nói, “Tôi thấy người ta như cây cối!”. Đúng thế, người giàu kia xem ra cũng chỉ nhìn thấy Lazarô ‘ngang mức cây cối!’.
Như vậy, tội của ông là tội không xót thương! “Xót thương” bắt nguồn từ tiếng Latin và Hy Lạp, có nghĩa là “cùng chịu đựng”. Thua cả người nghèo, nhà phú hộ ‘không biết đến chịu đựng!’. Đang khi việc chịu đựng đau khổ có thể khiến một con người nên ‘người’ hơn, nhân đạo hơn, cởi mở hơn trước cảnh ngộ của đồng bào. Nhờ trải nghiệm khổ đau, tầm nhìn của một người sẽ mẫn cảm hơn trước khó khăn của người khác, và trái tim người ấy dễ hoà nhịp hơn với nhịp đập trái tim của tha nhân.
Lazarô, một biểu tượng cho mọi ‘tiếng kêu thầm lặng’ thời hiện đại và những mâu thuẫn của một thế giới mà của cải và tài nguyên vô ngần đang nằm trong tay một số người. Điều này giúp chúng ta hiểu, bỏ qua một người nghèo, hoặc chỉ coi họ ‘ngang mức cây cối’ đích thị là khinh miệt Thiên Chúa! Họ ‘không phải là một phần của cảnh quan’ trong cuộc sống! Họ là ‘một phần định mệnh’ của bạn và tôi, như Lazarô là một phần định mệnh của ông nhà giàu!
Anh Chị em,
“Người nghèo, một phần định mệnh”của bạn và tôi! Như thế, họ không phải là một điều gì chúng ta muốn, hoặc không muốn. Người nghèo là những món quà Chúa gửi đến cho bạn và tôi! Quả thế, nhờ họ và qua họ, chúng ta lãnh nhận bao phần phúc của Chúa. Đừng quên, Thiên Chúa không bao giờ xem chúng ta là một phần cảnh quan có cũng được không cũng được đối với Ngài, nhưng là những con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài, những con cáiđáng được máu châu báu của Con Một Ngài đổ ra để cứu chuộc. Mùa chay, mùa chúng ta ý thức, ngày kia “của cải sẽ vô dụng như thế nào”; mùa sử dụng của cải để “làm những gì có thể khi còn kịp”; mùa mỗi người không còn coi anh chị em mình ‘ngang mức cây cối’ nhưng là ‘những Nhà Tạm Giêsu di động’, hầu có thể yêu, trân trọng và cứu giúp!Vì họ ‘không phải là một phần của cảnh quan!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết rằng, con luôn luôn mắc nợ người nghèo. Cho con biết yêu mến và phục vụ Chúa trong những Nhà Tạm di động này!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: