Không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do! - Lại trong Lời
KHÔNG CÒN BỊ RÀNG BUỘC VÀ HOÀN TOÀN TỰ DO
“Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”.Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo,“Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!”.
Trong một bài giảng, Giám mục John Fisher nói, “Có lẽ một số tội nhân sẽ bảo, ‘Tôi không nhận thấy và cũng không cảm thấy bất kỳ một trọng lượng nào trong tôi, tôi đâu có phạm tội nhiều đến thế!’. Và tôi trả lời người ấy rằng,“Nếu một con chó với một hòn đá lớn buộc quanh cổ bị ném từ trên tháp cao xuống, nó không cảm thấy sức nặng của hòn đá đó chừng nào nó đang rơi. Nhưng một khi tới đất, nó vỡ ra từng mảnh bởi chính sức nặng đó. Vì thế, bao lâu con kịp, bạn hãy chạy xa khỏi tội lỗi, để mình ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bao lâu con kịp, bạn hãy chạy xa khỏi tội lỗi!”.Cái chết của Lazarô trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được coi là một hình ảnh biểu tượng cho một linh hồn đã chết vì tội trọng. Bởi lý do đó, phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu tiết lộ cho chúng ta cách thức phản ứng đối vớinhững tội trọng trong cuộc sống; để cuối cùng, chúng ta ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do!’.
Đối mặt với cái chết của Lazarô, Chúa Giêsu “thổn thức trong lòng và xao xuyến”;“Ngài khóc”;“Ngài lại thổn thức và kêu lớn tiếng”.Dẫu là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chọn mang lấy bản chất nhân loại,Ngài trải nghiệm những cảm xúc và đau khổ một cách ‘rất người’ của con người để dạy chúng ta cách thức phản ứng trước tội lỗi. Trong trường hợp này, Ngài bồi hồi xao xuyến, khóc lóc và kêu lớn tiếng. Bởi lẽ, Chúa Giêsu biết, tội lỗi giết chết tinh thần, giết chết linh hồn! Và kết quả là chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề nếu phạm tội trọng hoặc chứng kiến một tội trọng.
Bài học chúng ta có thể rút ra ở đây là khi bạn hoặc một người thân yêu phạm một tội trọng, thì chúng ta không được bỏ qua điều đó. Việc không ăn năn một tội lỗi, hoặc không có sự hối hận thích hợp về nó; để rồi, phản ứng với nó một cách tuỳ tiện... thì đây không thể là phản ứng của chúng ta. Hãy bắt đầu bằng cách xem xét giá trị to lớn của việc nhìn nhận tội lỗi một cách nghiêm túc, phản ứng với nó bằng tâm tình hối tiếc,u buồn như Chúa Giêsu, và cầu xin Ngài thứ tha.
Với chi tiết “Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải”, thánh Augustinô dạy, “Một phần, điều này tượng trưng cho quá trình ‘xưng tội và tha tội’. Thứ nhất, không ai có thể tự mình xưng tội. Hẳn là họ được đánh động bởi ân điển và mệnh lệnh của Chúa để bước ra ánh sáng;nhưng họ vẫn ở trong tình trạng bị ràng buộc. Việc Lazarô vâng theo lời truyền của Chúa Giêsu tượng trưng cho phản ứng của Kitô hữu khi họ được kêu gọi ăn năn. Ngài nói, “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!”, điều này tượng trưng cho hiệu quả vô song của Bí Tích Giải Tội và sức mạnh của nó. Nó giải thoát một người không chỉ khỏi tội lỗi mà còn khỏi những hậu quả liên tục của tội lỗi đó ; từ đó, họ ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do’ thực hành các nhân đức”.
Anh Chị em,
“Hãy ra khỏi mồ!”.Hôm nay, hãy suy gẫm về tính biểu tượng phong phú được tìm thấy trong câu chuyện về sự sống lại từ cõi chết của Lazarô. Khi bạn làm thế, hãy lắng nghe tiếng nói đầy nhiệt huyết của Chúa Giêsu đang gọi bạn, “Hãy ra khỏi mồ!”. Ngài kêu gọi bạn giải thoát khỏi tội lỗi nào? Hãy gọi tên tội lỗi đó và ăn năn với cùng một sự dằn vặt mà chính Chúa Giêsu đã thể hiện. Từ đó, hãy xem xét bất kỳ cám dỗ nào đang diễn ra mà bạn phải vật lộn, bất kỳ sự gắn bó nào mà bạn vẫn có đối với một tội cụ thể. Chúa Giêsu mong muốn bạn ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do’. Hãy cởi mở với ân sủng Ngài và làm tất cả những gì có thể để chấp nhận nó!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi ràng buộc, để con vững bước trên con đường nhân đức,hầu dẫn đến một niềm vui vĩnh cửu!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*************
Ở LẠI TRONG LỜI
“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.
Hudson Taylor, một Phaolô của thế kỷ 19, truyền giáo 51 năm tại Trung Hoa lục địa; ông đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn. Những ngày cuối đời, ông nói với một người bạn, “Tôi rất yếu, tôi không thể đọc Thánh Kinh; thậm chí, không thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé, và hạnh phúc‘ở lại trong lời’ của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Ở lại trong lời’ của Ngài!”, trải nghiệm của Taylor, cũng là trải nghiệm của những bạn trẻ thời Đaniel hoặc trải nghiệm của chính Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay sẽ cho thấy điều đó!
‘Ở lại trong lời’ của ai, giả thiết bạn phải tin vào người ấy! Niềm tin sẽ không có thật cho đến khi nó chạm đến một thái độ; và trên hết,chạm đến một lựa chọn cụ thể của một con người. Bài đọc Đaniel cho thấy thái độ anh hùng và sự lựa chọn anh dũng không phải của một, nhưng của những ba người. Họ chọn chịu ném vào lò lửa khi tỏ thái độ bất tuân lệnh vua,người buộc họ bái lạy tượng thần. Thật tuyệt vời, như vua nhận xét, “Con của thần minh” đã đến, ‘cùng đi với họ’ giữa lửa; Ngài giải thoát họ,đến nỗi Nabucôđônosor đã phải ngưỡng mộ và hẳn, đã cùng họ ca khen, “Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Nếu các ông ‘ở lại trong lời’ của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.‘Ở lại trong lời’của Chúa Kitô là làm cho cuộc sống của bạn và tôi phù hợp với cuộc sống của Ngài; là nên giống Ngài, nói như Ngài, làm như Ngài và nhất là làm những gì Chúa Cha muốn Ngài làm. Chúa Giêsutừng nói, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tắt một lời, ‘ở lại trong lời’ của Chúa Giêsu là thuộc về Ngài, nên môn đệ Ngài.Nó còn là một điều gì đó thánh thiêng, một điều gì đó kiên trì bền bỉ mỗi ngày và biết cách đứng dậy, ‘phủi bụi’ bản thân để bắt đầu lại mỗi khi chúng ta chùn bước hay vấp ngã trên đời.
Chúa Giêsu còn nói, “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông!”. Sự thật ở đây chính là tự do Ngài ban; nó sâu xa hơn nhiều so với tự do thế gian. Tự do ở đây không chỉ đơn giản là tự do chính kiến, tự do chọn bất cứ điều gì tôi muốn, khi nào tôi muốn và theo cách tôi muốn. Tự do ở đây là tự do làm điều lành, đạo đức, nội tâm và chính trực; và nhất là được ‘tự do hy tế’, nghĩa là sẵn sàng hiến mình làm một lễ dâng như Ngài đã nên một “Lễ Dâng!”.
Anh Chị em,
“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. Nếu xác tín Lời Chúa là Ánh Sáng, là Sự Sống, và là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, thì khi ‘ở lại trong lời’của Ngài, chúng ta ở lại trong cung lòng Cha; như Taylor, “Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé”. Quả vậy! Bởi tình yêu vô điều kiện, “Lời” đã làm người, làm một người phàm như bạn và tôi; “Lời” như “Con của thần minh” đã ‘cùng đi với’ các bạn trẻ giữa lửa, Chúa Giêsu cũng sẽ đồng hành, dẫn chúng ta tự do bước đi trong cuộc đời này. ‘Ở lại trong lời’ của Ngài, coi Lời Ngài như “nhà” của mình, bạn và tôi sẽ tự do thoát khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi bị ràng buộc bởi bản năng hầu sống theo các phẩm tính thần linh; chính xác hơn, tự do để nên giống Chúa Giêsu, làm theo ý Ngài. Lúc đó, dù đi qua lửa hay lao vào giông bão cuộc đời, chúng ta vẫn bước đi ung dung, tự do, với phong thái của một người con trai, con gái của Cha trên trời!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con luôn muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa thích; đó chính là khôn ngoan của con khi con biết ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: