Bí ẩn của tự do - Bước vào một kinh nghiệm sống mới
BÍ ẨN CỦA TỰ DO
“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”.
Ngày kia, ảnh Nữ Thần Tự Do xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí, một ký giả nhận xét, “Thấy đỉnh đầu của bức tượng, tôi rất ngạc nhiên với mái tóc! Nhà điêu khắc phải khá chắc chắn rằng, đôi mắt duy nhất có thể nhìn thấy những chi tiết này sẽ là đôi mắt tinh tường của loài mòng biển. Anh không mơ về một ngày, ai đó sẽ bay qua đầu cô ấy; tuy nhiên, với lương tâm chính trực đối với nghệ thuật, cũng là ‘bí ẩn của tự do’ nơi người nghệ sĩ, anh đã dành cho mái tóc cô ấy những gì đã dành cho khuôn mặt, vóc dáng, và ngọn đuốc trên tay Nữ Thần!”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Bí ẩn của tự do’, một điều gì đó sẽ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Một khi đối diện với Chúa Giêsu,lắng nghe Ngài, ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu!’. Họ tự do chọn tin vào Ngài, một sự tự do có phần bí ẩn, hoặc loại trừ Ngài; đi về phía sự thật nơi Ngài, hoặc giết chết Ngài!
Bối cảnh Tin Mừng là phép lạ Chúa Giêsu cho Lazarô trỗi dậy sau bốn ngày trong mồ. Gioan ghi nhận, “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”; nhưng những người khác thì không! Trong thực tế, những người này tìm gặp nhóm Pharisêu để ‘đổ dầu vào lửa’; họ tìm thêm lý do hầu kết án Ngài bất cứ giá nào. Hậu kết của những toa rập này là cái chết thảm khốc của Con Thiên Chúa mà Giáo Hội sắp tưởng niệm khi Tuần Thánh đã đến ngoài ngõ.
Với các nhà lãnh đạo tôn giáo, phải chăng ‘bí ẩn của tự do’ nơi họ chính là quyền lực! Chúa Giêsu đang nổi tiếng và họ sợ rằng, sự nổi tiếng này sẽ khuấy động mọi thứ cùng với tác động bên ngoài của người La Mã. Bên cạnh đó, họ ghen tị vì Ngài đã quá thu hút. Trước tình thế đó, Caipha đã đưa ra một lập luận ‘không thể khôn ngoan hơn’, “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Nói cách khác, tốt hơn, nên “loại bỏ vấn đề” để mọi việc trở lại theo cách của nó! Họ quan tâm đến bản thân và địa vị hơn là lẽ thật. Mâu thuẫn biết bao, họ gán cho Chúa Giêsu là Ngài đã làm quá nhiều dấu lạ! Thì đã sao? Nếu quan tâm đến lẽ thật, thấy vinh hiển và quyền năng Ngài; lẽ ra, họ đã tin nhận và đi theo Ngài. Đàng này, họ không thể nuốt trôi niềm kiêu hãnh, cũng như không thể buông bỏ quyền lực, ‘bí ẩn của tự do’ nơi họ!
Vậy mà, thú vị thay, ý đồ đen tối của họ vẫn được tận dụng cho kế hoạch của Thiên Chúa! Vì thế, sự từ chối của con người dẫn đến việc Chúa Giêsu chết thay cho dân, là logic dẫn đến ơn cứu độ cho cả nhân loại! Và logic đầy tính tiên tri này là một logic có thời hiệu vĩnh viễn, “Không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về một mối”. Thật tuyệt vời, qua bài đọc Êzêkiel hôm nay, Thiên Chúa hứa, “Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại!”; Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!”.
Anh Chị em,
“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”.Với phép lạ Lazarô, có kẻ tìm giết Chúa Giêsu nhưng lại nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Mang lấy phận người, Con Thiên Chúa cũng rất tự do, Ngài tự do khỏi mọi ràng buộc của xác thịt để hoàn toàn làm theo ý Chúa Cha kể cả chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trong những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, cùng Ngài bước vào cuộc thương khó, để yêu mến Ngài nhiều hơn, và nhất là để hiểu được ‘bí ẩn của tự do’ nơi Con Chúa Trời. Ước mong sao, bạn và tôi có được sự tự do nội tâm như Chúa Giêsu,chọn đi theo Ngài và nhất là ôm lấy thánh giá đời mình một cách mạnh mẽ, kiên định thay vì ta thán, càu nhàu hay chạy trốn nó!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con nắm lấy ý muốn của Chúa với niềm thanh thản tuyệt đối, bất cứ giá nào. Bởi lẽ, đó là ‘bí ẩn của tự do’ nơi người môn đệ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
BƯỚC VÀO MỘT KINH NGHIỆM SỐNG MỚI
“Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ rơi con?”.
Richard L.Evans nói, “Bi kịch của cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó!”.Một nhà giáo dục khác lại nói, “Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều chúng ta không ngờ tới. Mỗi ngày sống là một ngày bạn ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cử hành phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta không chỉ tưởng niệm một biến cố, dâng lời tạ ơn ; nhưng cùng Chúa Giêsu, chúng ta ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới!’.Đây là một câu chuyện có thật, không đơn thuần là những tình cảm tôn giáo đạo đức, ngoan nguỳ và sùng mộ.
Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá cho thấy những gì Chúa Giêsu đã trải qua biểu hiện rõ nhất tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Vì thế, bằng cách đồng hoá mình với mầu nhiệm khổ đau, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm một sự giải thoát vĩ đại, một ‘cuộc vượt qua’ khỏi tội lỗi và sự nô lệ để ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới’, một cuộc sống vui tươi, tự do. Phụng vụ hôm nay kết hợp cả cảm giác chiến thắng và bi kịch. Sẽ rất khó để nhận ra Vua Giêsu trong tàn dư của một con người bị hành hạ, đánh đòn, đội mão gai, đóng đinh.Tại sao Ngài chịu như thế? Trước hết,vì vấn đề chính trị,Ngài trở nên đối tượng bị ghét bỏ bởi những ai coi Ngài là mối đe doạ đối với quyền lực tôn giáo và vị thế của họ. Ngài phải bị loại bất cứ giá nào! Thứ đến, những gì đã xảy ra cho Ngài đều phù hợp với ý muốn của Chúa Cha.
Đúng thế, Chúa Cha muốn ! Ngài chuốc lấy khổ đau của Người Tôi Tớ, vốn được tiên báo hàng trăm năm trước; bài đọc Isaia hôm nay cho biết, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu”; như bị Chúa Cha bỏ rơi, Thánh Vịnh đáp ca thổn thức, “Ôi Thiên Chúa! Sao Chúa đã bỏ con?”. Và Phaolô, qua thư Philipphê hôm nay, kết luận, “Ngài đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá!”.Thế nhưng, từ góc độ thần thánh, những gì Chúa Giêsu gánh chịu là khởi đầu của một hành động vinh quang nhất chưa từng được biết đến! Bởi lẽ, thập giá là ‘ngai ân sủng mới’ của Ngài, và vinh quang Ngài nhận được hôm nay khi vào thành thánh sẽ được thực hiện trọn vẹn lúc Ngài chịu treo lên trên nó, để chiếm lấy Vương Quyền vĩnh cửu.
Khi làm thế, Chúa Giêsu đã đồng cảm với ý muốn của Cha, để mọi người nhận biết tình yêu vô điều kiện Chúa Cha dành cho họ. Như vậy, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, cuối cùng, không phải là dấu của thất bại; đó là khoảnh khắc khải hoàn của Ngài. Điều tương tự cũng có thể nói về hàng dài các vị tử đạo và nhân chứng của Ngài thuộc mọi thời hơn 2.000 năm qua.
Anh Chị em,
“Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ rơi con?”. Tham dự phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta đừng chỉ tập trung vào sự bị bỏ rơi, hoặc những đau khổ Chúa Giêsu chịu như thể đau khổ có điều gì đó tốt đẹp; đau khổ của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa vì chúng dẫn đến sự sống lại, sức sống mới và niềm vui mới. Cũng thế, đau đớn và thống khổ trong cuộc đời chúng ta không phải là sự trừng phạt của Chúa, càng không phải là sự trừng phạt của chính mình. Đau khổ, bệnh tật tự nó không được mong muốn; tuy nhiên, chúng vẫn có thể trở thành nguồn thiện ích khi nhờ đó, chúng ta trưởng thành hơn, yêu thương hơn, quan tâm hơn, cảm thông hơn. Nói cách khác, khi chúng dẫn chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu hơn; dẫn chúng ta ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới’ với Ngài. Từ đó, chúng dẫn chúng ta đến sự giải thoát chính mình và giải thoát người khác.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã trải qua giây phút bị bỏ rơi hoàn toàn để ‘nên một với con’ trong mọi sự. Cho con nhớ rằng,con không đơn độc mỗi khi thấy mình đi vào ngõ cụt, không ánh sáng và không lối thoát, khi mà dường như chính Thiên Chúa cũng lãng quên con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: