Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Khai sinh niềm tin

Tác giả: 
Lm Phan Văn Lợi

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A : GA 20,1-9

            Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.

            Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

                         

KHAI SINH NIỀM TIN

            Sáng sớm ngày 17-10-1833, một đội lính đưa một tội nhân ra pháp trường (ở đầu cầu ngăn chia kinh thành Huế khỏi khu ngoại ô Bãi Dâu). Bốn người lính đỡ bốn góc chiếc gông đang đè nặng trên vai tử tội, quan quân áp tải hai hàng và dân chúng theo xem rất đông. Nổi bật giữa đám lính là một người giương cao bản án có chữ : “Dương nhân Hoài Hóa mang tội truyền đạo Gia-tô tại nhiều tỉnh nước ta, nên phải xử giảo”. Cứ đi chừng một trăm bước, người lính dừng lại, đánh mấy tiếng cồng rồi đọc bản án như trên. Đến pháp trường, lính trói tội nhân vào cột, lấy dây vòng quanh cổ, rồi cuốn hai đầu dây vào hai cọc hai bên. Nghe hiệu lệnh, quân lính kéo mạnh dây. Tội nhân liền trút hơi thở và thi hài được phép đưa về an táng tại Phủ Cam. Vị tử đạo này là thừa sai Isiđôrô Gagelin Kính (phiên âm hán tự là Hoài Hóa, 1799-1833).

            Vì nghi ngờ người môn đệ Chúa Giê-su sẽ sống lại sau ba ngày, vua Minh Mạng truyền khai quật mồ vị tuẫn giáo, khám nghiệm kỹ lưỡng, rồi mới yên lòng cho chôn lại. Thế mà vẫn không bớt phân vân, vua truyền cho dân làng Phủ Cam phải canh giữ mồ, nếu vị tử đạo sống lại hay người ta lấy mất thi hài, họ sẽ phải đền mạng.

            Vua Minh Mạng đã vô tình đặt dân Công giáo Phủ Cam trước niềm tin của họ về sự sống lại. Dẫu trong thực tế đã chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng thái độ coi thường gian khổ và cái chết để bảo toàn đức tin của vị thừa sai cũng như của biết bao nhiêu tín hữu trong những cơn bắt đạo mọi thời đã là một bằng chứng hùng hồn nói lên niềm tin vào Chúa phục sinh.

            1. Đức tin : tình yêu của con người, dấu chỉ của Thiên Chúa.

            Niềm tin phục sinh ấy đã chào đời vào chính vào lúc bình minh của “Ngày thứ nhất trong tuần” sau khi Đức Giê-su chết trên thập giá. Vốn thường khá khác biệt nhau, cả bốn Tin Mừng đã bắt đầu chương cuối cùng, chương Chúa sống lại, với cùng một câu như ta vừa thấy. Với sự Phục sinh của Đức Giê-su, không gian và thời gian (tức lịch sử) đã lật sang một trang hoàn toàn mới, cái chết chẳng còn là điểm cuối cùng của một đời người mà là điểm khởi đầu cho một cuộc sống bất diệt.

            Trước tiên chỉ là những kinh ngạc trong bóng đêm (“Khi trời còn tối” : Gio-an, con người chính xác và chuyên tìm biểu tượng, đã ghi chú như vậy), rồi đến sự bồn chồn của tình yêu. Riêng Gio-an, “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, lại chăm lo làm nổi bật một kẻ được ưu ái khác, Ma-ri-a Mác-đa-la, con người trong đó đức tin và tình yêu liên kết với nhau chặt chẽ. Đọc hết bốn Tin Mừng, nếu có một cái gì rõ ràng và chắc chắn đối với chúng ta, đó chính là niềm xác tín : tất cả cuộc đời chúng ta dựa trên nhị thức “đức tin-tình yêu” ấy.

            Ma-ri-a Mác-đa-la thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ, bà chạy về báo cho Phê-rô và Gio-an, rồi nói với hai ông một chuyện quá kinh khủng về Đức Giê-su đến nỗi ý tưởng Thầy đã chết càng nặng nề thêm nữa : “Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Bà chỉ còn nghĩ đến một tử thi, một sự vật. Tuy rất gần gũi với cái sẽ trở thành đức tin chúng ta, chúng ta vẫn còn đứng trước một vực thẳm bất khả vượt.

            Nhưng Phê-rô và Gio-an thì chạy, họ khám phá ra những dấu chỉ đầu tiên của “một chuyện khác” : mồ trống, băng vải và khăn che đầu (tức tấm khăn liệm dài lót dưới phủ trên và những dải vải cột khăn liệm vào xác chết) được xếp lại cẩn thận. Một cú sốc ! Nhưng Phê-rô vẫn còn ngần ngừ (Lu-ca thì bao giờ cũng vậy, nói cách dè dặt : “ông ngạc nhiên”). Trực giác hơn bạn mình, Gio-an bước cái bước mênh mông của niềm tin : “Ông đã thấy và đã tin”. Thánh sử nhấn mạnh sự kiện “ông đã tin” tuyệt vời này, sự kiện từ nay sẽ tách đôi hai thế giới, trước và sau biến cố Phục sinh : “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

            Thấy, hiểu, tin, đó là những từ chủ chốt diễn tả việc khai sinh đức tin chúng ta. Thánh sử nói về chính mình : “Ông đã thấy và đã tin”. Ông sẽ kể rằng Ma-ri-a Mác-đa-la có nói : “Tôi đã thấy”. Đoạn các môn đệ “thấy” rồi cuối cùng Tôma “thấy và tin”.

            Nhưng Đấng Phục sinh bấy giờ liền công bố đại phúc : “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Đó là may mắn tặng ban cho chúng ta, một con sông đức tin dài liên kết chúng ta với buổi sáng đầu tiên của Ngày Sống lại ấy. Đức tin không phải là một suy niệm về Thiên Chúa, song là một ân huệ của Người nhằm mở lòng ta đón nhận những gì các tín hữu đầu tiên đã thấy và hiểu : mồ trống, những lần hiện ra của Đấng Phục sinh, chứng từ của Kinh Thánh ; và rồi cả chứng từ cuộc sống của những ai từng thấy Chúa sống lại. (Biết mầu nhiệm nhờ tin chứng nhân).

            2. Đức tin : ân huệ của Thiên Chúa, chiến đấu của con người.

            Một ân huệ của Thiên Chúa, nhưng là một cuộc chiến của con người. Ngay từ đầu, đức tin phải thoát ra khỏi bóng tối, nghi ngại và chậm hiểu. “Tôi không biết”, Ma-ri-a Mác-đa-la nói thế, tiếng đầu tiên của buổi sáng đức tin. “Họ đã chẳng hiểu”, Gio-an thở dài; còn Đức Giê-su thì sẽ mắng hai lữ khách Em-mau : “Người đâu mà tối tăm ngu muội thế ! Lòng trí các anh sao mà chậm tin như vậy ?” Phần các vị tử đạo thì phải bảo vệ đức tin đó bằng máu, bằng vượt thắng nỗi sợ hãi.

            Cuộc chiến đấu để có đức tin như thế đồng thời đòi hỏi tình yêu, bởi lẽ chính tình yêu là động lực giúp khám phá Đấng Phục sinh hoặc đi mau hơn và xa hơn trong cuộc khám phá này (hãy so sánh Gio-an với Phê-rô, rồi nhìn Ma-ri-a Mác-đa-la trong câu chuyện). Chính nó làm cho ta thực sự biết đáy sâu của các biến cố để tiến tới một niềm tin vững mạnh. Cuộc chiến đấu ấy cũng là của mọi tín hữu dù cao hay thấp, lớn hay nhỏ,. Nắm giữ một quyền bính trong Giáo Hội không miễn cho ta đào sâu đức tin và chẳng ban cho ta đặc quyền giỏi hơn người khác trong chuyện này. Có lắm môn đồ, dầu không quyền cao, vẫn có thể là những kẻ đứng đầu trong lòng mến và rất mau mắn nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh trong biến cố lạ thường nào đó.

             Đa số chúng ta đều đã lãnh nhận đức tin dễ dàng và vẫn ở trong sự dễ dãi thụ động ấy : “Vâng, tôi là một Ki-tô hữu, đi lễ đọc kinh đàng hoàng”. Nhưng không khí chúng ta thở thì độc hại đối với các tin tưởng và việc hành đạo của chúng ta. Trong một bầu khí tìm lợi nhuận và thích hưởng thụ, trong sự tấn kích thường xuyên của các triết gia, khoa học gia, chính trị gia, của các dư luận quần chúng, của các phương tiện truyền thông xã hội, việc tin vào sự Phục sinh đòi hỏi một nền văn hóa của đức tin, ít nhất trong các gia đình và các cộng đoàn. Nhiều cha mẹ buồn lo trước sự rời bỏ đức tin nơi con cái, nhiều mục tử băn khoan trước cảnh suy thoái lòng đạo nơi người trẻ, và tự hỏi làm thế nào để chuyển đạt đức tin cách hiệu quả hơn. Câu trả lời đầu tiên là một câu hỏi : chúng ta phải chuyển đạt sức mạnh niềm tin nào, nhận thức đức tin nào ? có phần nào như các thánh nhân và tiền bối anh dũng của chúng ta không ?

            Suy nghĩ về điểm này có lẽ sẽ giúp ta khao khát tìm hiểu Kinh Thánh hơn và theo dõi việc cập nhật đức tin trong giáo huấn của Giáo hội. Đó vẫn là đức tin của sáng ngày Phục sinh, nhưng không ngừng được phong phú hóa qua những cách sống đức tin ấy trong những nền văn hóa và hoàn cảnh đa dạng. Mừng hát “Đức Ki-tô đã phục sinh” không đủ, còn phải xem việc ấy kéo theo những hậu quả gì trong toàn thế giới và trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Bởi lẽ một sự hiểu biết thuần túy ngôn từ hay tri thức về Thánh Kinh không đủ để có đức tin thật. Phải thể hiện Thánh Kinh trong cuộc đời đã.

            Điều này đòi hỏi phải đọc biến cố lẫn Thánh Kinh dưới ánh sáng Thánh Thần. Chính Người cho ta sự hiểu biết chắc chắn và như là trực giác về mối liên lạc giữa cả hai. Chính chứng từ bên trong của Người, chứ không phải những hiển nhiên của giác quan hay trí tuệ mới là nền tảng chắc chắn của đức tin Kitô hữu hôm nay cũng như của các Tông ngày trước.