Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cơn đói của linh hồn - Yên tâm về một sự hiện diện

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CƠN ĐÓI CỦA LINH HỒN

 

“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời!”.

 

Allen Gardiner, một nhà truyền giáo, trải qua nhiều gian khổ khi phục vụ tại đảo Picton, cực nam Nam Mỹ. Năm 1851, ở tuổi 57, ông qua đời. Thi thể ông được tìm thấy với cuốn nhật ký; trong đó, ghi lại những trải nghiệm về đói, khát và cô đơn. Dòng cuối cùng cho thấy sự vật lộn của bàn tay run rẩy khi ông cố sức để viết cho dễ đọc, “Tôi choáng ngợp với cảm giác về sự tốt lành của Thiên Chúa, điều duy nhất thoả mãn ‘cơn đói của linh hồn!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

‘Cơn đói của linh hồn’ Gardiner được gợi lại trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu nói, “Hãy ra công làm việc…vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Vậy bạn đang nỗ lực làm việc cho của ăn nào? “Của ăn hay hư nát?”,“Của ăn tồn tại cho sự sống đời đời?”. Hay ngược lại?

 

Nhìn chung quanh, bạn và tôi nhận ra rằng, có rất nhiều nguồn cung cấp ‘của ăn’ không đến từ Thiên Chúa và xem ra, chúng có vẻ hấp dẫn. Một số người nuôi dưỡng bản thân bằng tiền bạc; số khác, bằng thành công và danh tiếng; số khác nữa, bằng quyền lực và sự kiêu hãnh.Vậy mà,‘của ăn’ thực sự thoả mãn ‘cơn đói của linh hồn’ chỉ có thể là ‘Của Ăn’ đến từ Thiên Chúa!

 

Chúa Giêsu coi trọng “của ăn hay hư nát”, nhu cầu thể chất; Ngài không chịu được cảnh hàng ngàn người phải đói giữa đồng vắng. Ngài cho kẻ đói ăn, chữa người bệnh lành; Ngài kêu gọi người giàu chia sẻ cho người nghèo. Tuy thế, Chúa Giêsu cũng tiết lộ cho chúng ta một chân trời khác, một chân trời không thuộc về thế giới này; Ngài muốn chúng ta đi đến cuối chân trời đó, ở đúng vị trí của Ngài, để có thể nhìn thấy vinh quang “Con Một của Chúa Cha”, cũng là “của ăn tồn tại cho sự sống đời đời”; ‘Của Ăn’ đó chính là Ngài! Ngài kêu gọi những kẻ kiếm tìm Ngài hãy để cho mình đói một cơn đói sâu xa hơn, cơn đói tinh thần, ‘cơn đói của linh hồn’ mà chỉ mình Ngài có thể thoả mãn. Đó là tin vào Ngài.

 

Têphanô trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là người đã được Chúa Giêsu dẫn đến tận cuối chân trời đó. Kìa! Ông ngước mắt lên và nhìn thấy vinh quang “Con Một của Chúa Cha”; cũng ở đó, ‘cơn đói của linh hồn’ vị phó tế được no thoả; người ta thấy “mặt ông như mặt thiên thần”. Chỉ việc tin vào Chúa Giêsu mới có thể thoả mãn linh hồn; đó là cơn đói cho lẽ thật, cuộc sống và tình yêu. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện!”.

 

Anh Chị em,

 

“Hãy ra công làm việc!”. Hết thảy chúng ta đều tất bật với công việc, nhưng hãy làm tất cả “vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Như thế, dù phải làm mọi bổn phận dưới đất nhưng chúng ta hướng đến một của ăn vĩnh cửu trên trời, ‘Của Ăn’ đến từ Thiên Chúa! Của ăn đó chính là Thịt Máu Chúa Giêsu. Càng nên một với Ngài, chúng ta càng đói khát tinh thần, đói khát Thiên Chúa; để rồi, chính Thiên Chúa lấp đầy chúng ta!Thú vị thay, chính Thiên Chúa cũng đang thực sự đói con người; Ngài mong chờ tình yêu của chúng ta. Ước gì, bạn và tôi không ngừng tìm đến với Giêsu Thánh Thể, chuyên cần rước lấy Ngài; bởi lẽ, chỉ nơi Thánh Thể Giêsu, chúng ta mới thoả mãn ‘cơn đói của linh hồn’; và cũng chỉ nơi Giêsu Thánh Thể,‘cơn đói của Thiên Chúa và của con người’cùng được no thoả!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, nguồn no thoả cho ‘cơn đói của linh hồn’ con. Ước gì, mỗi khi con rước Chúa là mỗi lần thiên đàng chớm nở trong con; vì có Chúa, con có thiên đàng, no thoả tột cùng!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

YÊN TÂM VỀ MỘT SỰ HIỆN DIỆN

 

“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”.

 

Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Đứng trên đỉnh đồi, tôi nhìn từ thung lũng này đến thung lũng khác; từ ánh nắng đến sương mù, từ bóng tối nhất của đêm. Bước theo Ngài trên con đường quanh co cuộc đời, bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác, tôi nhìn thấy sự hiện diện của Ngài như tia chớp, nghe tiếng Ngài như sấm ran.Nhưng Ngài lại dẫn tôi trong yên ắng bằng tiếng thì thầm của Thánh Thần.Và tôi ruổi theo Ngài ! Dù mạnh mẽ hay dịu dàng, tình yêu Ngài vẫn luênh loáng, và tôi ‘yên tâm về một sự hiện diện’ liên lỉ!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Và tôi ‘yên tâm về một sự hiện diện’ liên lỉ!”.Cùng với William Cowper, Lời Chúa lễ kính thánh Marcô cho thấy sự hiện diện liên lỉ của Chúa Phục Sinh nơi những kẻ được Ngài sai đi!

 

Marcô, tác giả cuốn Phúc Âm ra đời sớm nhất, cũng là cuốn ngắn nhất, ghi lại mệnh lệnh“Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Đó là mệnh lệnh cho một sứ mệnh có tên là “Vô Biên!”.Vô biên vì lẽ, nó không có biên giới,vô thời gian, và quá sức người!Giao cho một nhómnhỏ quá đỗi bình thường,sứ mệnh đó xem ra không tưởng! Tuy nhiên, các môn đệ vẫn ra đi làm chứng về một Giêsu Vô Hình, sống chết cho Đấng ấy, bởi lẽ họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ tràn đầy của “Đấng cùng hoạt động với họ”. Nhờ đó, họ đi đến với mọi người khắp hang cùng ngõ hẻm tận cùng thế giới. Và đó là một sự thật!

 

Sứ mệnh “Vô Biên” không chỉ dành riêng cho nhóm nhỏ đầu tiên, nhưng còn cho bạn và tôi ! Trong “Memoirs of St. Peter”, “Hồi Ký Của Thánh Phêrô”, Michael Pakaluk có một cái nhìn khá sâu sắc, “Việc ‘loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’ ngụ ý rằng,sự khéo léo cũng như sự chăm chỉ của chúng ta cần được Tin Mừng thắm đượm; từ đó, ngang qua những nền văn hoá khác nhau và một sự chủ động tốt  ,Kitô hữu chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, thiết lập lại những nơi Satan từng ở, cũng là nơi nó bị trục xuất. Theo một nghĩa nào đó, sứ mệnh vô biên này bao gồm mọi hình thức và cách cư xử ‘có thể có’ của mọi tín hữu. Bất kể nghề nghiệp, đấng bậc, tuổi tác… họ được sai đi rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa cho thế giới. Và ở đó, họ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ quyền năng của một Đấng Vô Hình đang đồng hành!”.

 

Trong thư của mình hôm nay, Phêrô bảo đảm với các Hội Thánh rằng, mặc dù đang đau khổ, nhưng “Chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”; Ngài đang ở với những ai đang gặp khó khăn, giữ cho họ trung thành. Hãy ‘yên tâm về một sự hiện diện’ của “Đấng chăm sóc anh em”, Đấng mà tình yêu Ngàisẽ được ngợi khen như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng!”.  

 

Anh Chị em,

 

“Các tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Nhờ ‘Đấng Ở Cùng’ đó, bao con người kế tiếp nhau đã ra đi rao giảng Đấng Vô Cùng hơn 2.000 qua. Họ sống và chết cho Đấng ấy. Phần chúng ta? Đừng quên, đây là công việc của Đấng đang dẫn dắt “bằng tiếng thì thầm của Thánh Thần”; Ngài soi rọi để chúng ta ra đi “rao truyền tình yêu và lẽ thật của Thiên Chúa”. Vì vậy, dẫu khó khăn đến đâu, bạn cứ “ruổi theo Ngài”; dù khó khăn đến mấy, “bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác”, cứ ‘yên tâm về một sự hiện diện’ liên lỉ của Ngài. Vấn đề là chúng ta “phải được Tin Mừng thắm đượm”, hầu “chỉnh đốn lại những gì hỏng hóc, thiết lập lại những nơi Satan từng ở”. Và như thế,bạn và tôi trở nên ‘một Giêsu khác’ cho thế giới!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cho con mãi được nung đốt bởi sứ mệnh vô biên đã nhận. Như Marcô, chớ gì con là một khí cụ sắc bén của Lời, một vũ khí lợi hại trong tay Chúa mà quỷ ma phải run khiếp!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)