Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nói với và nói cho mình

Tác giả: 
Lm Nguyễn Minh Hùng

NÓI VỚI VÀ NÓI CHO MÌNH

LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH 2023

 

Ngày lễ Chúa Chiên lành, ngày mà Hội Thánh cầu nguyện cho ơn gọi tận hiến, tôi muốn nhìn về ơn gọi của mình hơn là viết một bài dạy giáo dân.

 

Từ những kinh nghiệm qua nhiều năm sống ơn gọi linh mục, với vài đúc kết từ suy tư chưa đầy đủ của bản thân, tôi muốn nói với chính mình hơn là nói với và nói cho bất kỳ ai.

 

Bởi khi nói với chính mình, người linh mục mới có thể có giây phút nhìn mình, không chỉ nhìn mà còn nhìn rất thật về chính suy nghĩ, việc làm, sự thể hiện, cũng như tương quan mà trong đời một người làm linh mục luôn có...

 

Tôi luôn xác tín, đã làm người, mỗi ngày sống, là mỗi ngày đong đầy khó nhọc, mồ hôi, nước mắt, gánh nặng, lo toan, nhiều thứ phải đối đầu, phải chống chọi với thử thách, và nhiều gian nan khác…

 

Dù là linh mục, cũng như mọi anh chị em của mình, tất cả những điều nói trên không hề xa xôi. Ngược lại, có khi rất gần, có khi như đang phải đối mặt...

 

Vì thế, để có thể tự củng cố ơn gọi của mình trong sự trung thành tuyệt đối, người linh mục cần lợi dụng những dịp quan trọng như tĩnh tâm, kỷ niệm ngày chịu chức, khi tham dự lễ phong chức, tham dự lễ tạ ơn, hay lễ an táng anh em linh mục của mình... để hồi tâm thực sự bước vào cõi lòng của chính mình.

Ít khi nào ta thấy mình rõ ràng bằng những lúc được chìm vào thinh lặng. Vì thế, dịp mừng lễ Chúa Chiên lành cũng là một trong những dịp tốt để bản thân người linh mục tìm không gian tĩnh nhằm tự soi rọi chính mình.

 

Hãy khám phá mình để tìm ra mấu chốt gây nên đổ vỡ mà chỉnh đốn, mà biến đổi bản thân. Nếu phát hiện ra những gì tốt, những gì tích cực nơi bàn thân, hãy cố gắn vun bồi để ngày càng phát huy hơn.

 

Nếu chạm phải những phát hiện vẫn thường xảy ra trong đời như:

- Một chút ngậm ngùi nhớ về những tổn thương mà ai đó gây ra cho mình, hoặc mình gây ra cho người khác;

- Sự cay đắng cho thói đời mạnh được yếu thua; hay xót xa cho những ai là nạn nhân của bạo quyền, nạn nhân của kẻ nhân danh quyền lực, không phải để cứu người mà là để hại người…

- Một niềm yêu muốn gởi tặng những anh em vẫn luôn cùng ta chung xây lý tưởng ơn gọi, cùng ta quyết đi đến cùng trên con đường phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân…

- Hay sự cảm thông lớn cho nhiều anh em linh mục của mình đang đối diện cùng khổ đau, đang phải chiến đấu từng ngày với nhiều thử thách, hay vì một lý do riêng tư nào đó của bản thân mà không còn thi hành công tác mục vụ;

- Một niềm da diết dành cho những ai đã từ giã cõi đời, nhất là những đấng sinh thành, người thân yêu, những đồng nghiệp, bạn bè… Đặc biệt, trong ơn gọi làm linh mục coi xứ, còn có biết bao nhiêu anh chị em tín hữu mà mình đã tiễn đưa, đã cử hành nghi thức để gởi gắm họ vào lòng Chúa xót thương.

- Một nỗi xót xa trước những cảnh đời vô định, không có ngày mai của biết bao nhiêu trẻ em, hay người trẻ bị bán đứng, bị rơi vào vòng lao lý, bị làm nhục, bị tổn thương tinh thần…

- Một dạ bâng khuâng dành cho những nơi mà bản thân đã đi qua, đã từng phục vụ, đã để lại dấu ấn, đã ghi vào trái tim vô vàn kỷ niệm…

- Một chút xót xa cho những gì mà mình đã từng suy nghĩ, đã từng ước mơ nhưng chưa làm được, chưa hoàn thành, chưa đạt đến đích; hay nuối tiếc vì đã bỏ qua cơ hội, đã không làm được gì tích cựa hơn, mạnh mẽ hơn…

 

Thì hãy đặt tất cả vào tay Chúa, nguyện xin dâng lên Chúa, phó thác cho Chúa. Chúa là Chúa của niềm bình an. Hiến dâng cho Chúa, tâm hồn sẽ bình an. Chúa là Nguồn ơn hiệp thông, phó thác cho Chúa để hiệp thông với Chúa bền và chặt hơn. Nhờ hiệp thông với Chúa, ta sống tình hiệp thông với con người hoàn bị hơn.

 

Tin vào Lời Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28), người linh mục cần ngã mình, tín thác đời mình trong vòng tay yêu thương, từ ái của Chúa.

 

Chỉ có một thứ an bình mà thôi: An bình trong Chúa mới làm nên điều kỳ diệu: xóa hết mọi mặc cảm, mọi thương đau, mọi oán hờn, mọi rát buốt…, nhưng tăng niềm vui sống, tin yêu sống, hy sinh, và phục vụ…

Cảm tạ Chúa vì ơn an bình Chúa ban.

Cảm tạ Chúa vì tất cả. Làm sao chúng ta có thể kể hết ơn của Chúa. Chỉ xin hiến dâng một tâm hồn cảm tạ.

Xin cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa vô cùng. Muôn đời cảm tạ Chúa.

Tình yêu của Chúa ngàn trùng, lòng đại lượng của Chúa muôn đời bền vững. Xin chân thành cảm tạ.

 

Hạnh phúc Chúa ban là hạnh phúc thật. Hạnh phúc Chúa ban là được hiệp thông với Chúa, là được chia sẻ sự sống bất diệt nơi lòng Chúa. Ước mong lòng cảm tạ của người trần thế có thể bay cao ngút ngàn và được Chúa thương đón nhận.

- Biết bao nhiêu lần lầm lỗi, Chúa đã tha thứ.

- Biết bao nhiêu lần sống không tròn chữ hiếu, Chúa chẳng nặng lời quở trách.

- Biết bao nhiêu lần, thay vì hiệp thông, lại gây chia rẽ, Chúa đã không kết tội.

- Biết bao nhiêu lần chểnh mãn trong lý tưởng ơn gọi, Chúa lại ban ơn nâng đỡ.

- Biết bao nhiêu lần, thay vì mang bình an, lại làm cớ cho sự dữ, sự xấu có cơ hội diễn ra, Chúa vẫn tiếp tục đón nhận.

- Biết bao nhiêu lần Chúa âm thầm gìn giữ, mà không cảm tạ Chúa, không lo sử dụng đầy đủ nhất, tốt nhất hồng ân của Chúa, nhưng Chúa vẫn không nản lòng, lại vui lòng chờ đón …

 

Không thể kể hết. Không thể đếm hết tình yêu của Chúa. Để đáp trả tình yêu nghìn trùng ấy, người linh mục hãy làm mới lại chính mình. Biết mình còn yếu chỗ nào, lo khắc phục. Đồng thời tìm cách phát huy những điều đã tốt.

 

Hãy có một quyết tâm sống với Chúa trong suốt đời ơn gọi của bản thân.

Phải tự tìm một quyết tâm, và cố gắng thi hành bằng được quyết tâm, để nói lên lòng biết ơn Chúa, để tự giáo dục và rèn luyện bản thân thường xuyên.

Quyến tâm trong ơn Chúa là cách tốt để giữ cho mình "CHẤT LINH MỤC", dù năm tháng có trôi xa, dù có lúc phải đối đầu cùng bão táp...

 

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG