Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mù mờ - Chúa là nguồn vui

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MÙ MỜ

 

“Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị!”.

 

Socrates, ông tổ triết Tây, không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được lưu truyền qua đồ đệ Platô. Không nhận mình là thầy,Socrates chỉ nhận là bà đỡ ‘giúp đứa trẻ tự chào đời’, “Không dạy ai điều gì; tôi chỉ khiến họ suy nghĩ!”;“Mẹ tôi đỡ đẻ cho các bà, tôi đỡ đẻ cho các bộ óc!”. Cuối đời, Socrates bị cáo buộc đã làm hư hỏng giới trẻ, bất kính Athêna; và ông đã bị buộc phải uống thuốc độc. Socrates để lại một câu nói bất hủ, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả, tôi mù mờ về mọi sự!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúahôm nay nói đến việc ‘biết và không biết’, nói đến sự ‘mù mờ!’.Một trùng hợp thú vị,là chính dân thành Athêna thời Phaolô, nơi 400 năm trước đã giết Socrates, biết có thần minh; nhưng họ ‘mù mờ’, không biết vị thần đó là ai. Cũng thế, bạn và tôi biết Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng ‘mù mờ’ về Ngài; không bao giờ chúng ta biết Ngài trọn vẹn.

 

Bài đọc Công Vụ Tông Đồtường thuật chuyến dừng chân của Phaolô ở Athêna, nơi ông thấy một bàn thờ “Kính Thần Vô Danh”.Lập tức,Phaolô lên tiếng, “Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người”.Ngài là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải trong cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất”. Thánh Vịnh đáp ca gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa”.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ ‘biết và không biết’, “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con”. Là Kitô hữu, chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu; tuy nhiên, chúng ta vẫn ‘mù mờ’ và sẽ không bao giờ biết Ngài hoàn toàn. Bao lâu còn trên dương thế, chúng ta chỉ đang trên hành trình hướng tới sựhiểu biết Ngài mà thôi! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói về một Đấng Chúa Cha sẽ sai đến, “Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. Nói cách khác, cần có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.Chính Thánh Thần là Đấng làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Ngài lại hướng chúng ta đến sự hiểu biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.

 

Anh Chị em,

 

“Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả!”.Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì nếu biết Ngài, chúng ta đã nên thánh từ lâu. Biết Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá! Biết Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không biết Ngài khao khát chúng ta đến chừng nào, Ngài ẩn mình trong Thánh Thể, chờ đợi chúng ta mỗi ngày! Biết Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không nhận ra Ngài trong anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ. Như thế, sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu nơi chúng ta vẫn rất ‘mù mờ’; và sự hiểu biết này sẽ chỉ tiến triển nếu mỗi người biết ngoan nguỳ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính sự hiểu biết được soi sáng bởi Thánh Thần này mới có thể biến đổi bạn và tôi tự bên trong!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Thánh Thần, con ‘mù mờ’ về Chúa, ‘mù mờ’ về cả bản thân con. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con! May ra nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

CHÚA LÀ NGUỒN VUI

 

“Các con sẽ lại thấy Thầy!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay nói đến buồn vui lẫn lộn đan xen nơi người môn đệ Giêsu; nhưng rồi, ‘Chúa là nguồn vui’ vẫn chiếm ưu thế một cách tất yếu. Vì lẽ, “Một ít nữa các con sẽ lại thấy Thầy!”.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn vì sự ra đi của Ngài; nhưng ngay sau đó, Ngài nói đến niềm vui, “Các con sẽ lại thấy Thầy”. Câu chuyện bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ. Lần đầu tiên đến Côrintô,Phaolô được đôi vợ chồng Do Thái Aquila và Priscilla tiếp đón. Họ dành cho ngài một chỗ ở, một việc làm. Về sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ, họ đã dọn một phòng nguyện ngay trong nhà mình ở Êphêsô, ở Rôma, nơi các tín hữu họp nhau để chia sẻ Lời Chúa,cử hành Thánh Thể và dạy giáo lý. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ rằng, lễ “hai thánh dệt lều Aquilla và Priscilla”được mừng vào ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô XVI gọi họ là “các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức tin”.Nhờ họ, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.Phaolô hẳn đã trải nghiệm nỗi mừng ‘Chúa là nguồn vui’ nơi những con người này!

 

Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một cộng đồng các kẻ tin, sẵn sàng nâng đỡ nhau,đặc biệt những lúc khó khăn; một sứ vụ mà tất cả chúng ta,trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là một sứ vụ mà Chúa Thánh Thần sẽ luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên ‘sự hiện diện và ủi an’ của Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’ qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.

 

Trong cuốn “Niềm Vui Của Các Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta một bí quyết để xua tan nỗi buồn và lắng lo. Ngài viết, “Hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa;‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi bằng việc trung thành với ân sủng mỗi ngày. Và như thế, nhất định, bạn sẽ trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’ như các thánh đã trải nghiệm!”.

 

Anh Chị em,

 

“Các con sẽ lại thấy Thầy!”. Chúa Giêsu luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài là nguồn vui! Ngài không cất đi những khốn khổ chúng ta gặp trên đường, nhưng ban ơn trợ lực để bạn và tôi đi trọn lối Ngài đã đi. Vấn đề là, chúng ta có nhận ra Ngài trong các biến cố, trong những con người; điều này tuỳ vào đức tin của mỗi người. Nhận ra Chúa Phục Sinh cùng đồng hành, bạn và tôi không thể để cho mình đánh mất niềm vui vì bất cứ lý do gì. Đó là trải nghiệm của Phaolô, của các tín hữu sơ khai, của các thánh; đó còn là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Nếu Chúa Phục Sinh vẫn ‘chiếm chỗ’ ở trung tâm cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ ‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời. Và nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ; đó là những thành viên của Hội Thánh hay chưa gia nhập Hội Thánh. Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cho con nhận ra ‘sự hiện diện và ủi an’ của Chúa qua anh chị em con, qua các biến cố; nhờ đó, con có thể chia sẻ ‘Giêsu nguồn vui’ cho những ai vui ít, buồn nhiều!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)