Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Tác giả: 
Lm Phạm Hồng Thái

 

 

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM A

 

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ trọng và là lễ kết thúc Mùa Phục sinh. Chúa Thánh Thần có vai trò rất quan trọng đối với Giáo hội cũng như đối với mỗi người chúng ta.

 

Trong lịch sử Cứu độ, Chúa Thánh Thần đã hiện diện ngay từ thuở ban đầu như sách Sáng thế cho biết khi Thiên Chúa dựng nên trời đất thì Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (St 1,1)  vì thế chúng ta gọi Ngài là Thần Khí tác sinh. Khi Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ, và sau khi đáp lại Xin Vâng, Đức Mẹ đã chịu thai Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được phúc này là thân mẫu Chúa tới đến với tôi như vậy. Vì này tai tôi vừa nghe lời em chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi (Lc 1, 43-44)”

 

Ngày Chúa Giêsu Phục sinh, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa đã ban Thánh Thần cho các môn đệ khi Chúa thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20, 23)”

 

Có thể nói Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các môn đệ ngay từ ngày Phục sinh khi Chúa thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ, nhưng Chúa Thánh Thần còn hiện xuống một cách ngoạn mục và hữu hình trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, nhưng khi Hiện Xuống Chúa lấy hai hình ảnh biểu tượng là Gió và Lửa: Chúa Thánh Thần lấy luồng gió ào ào thổi vào nhà các môn đệ đang tụ họp có Đức Mẹ nữa. Tiếp theo là  hình lưỡi lửa ngự trên đầu mọi người hiện diện.

 

 Gió vốn là biểu tượng cho hoạt động của Thiên Chúa có khi là làn gió hiu hiu thổi như tiên tri Elia đã được cảm nghiệm, có khi là cuồng phong ào ào thổi lùa vào nhà như các môn đệ được trải nghiệm hôm nay. Nhưng Chúa Giêsu Phục sinh còn dùng biểu tượng Hơi Thở nữa. Như Thiên Chúa Gia vê khi dựng nên con người đã dùng hơi thở hà vào lỗi mũi nhờ đó con người mới được sống động thì Chúa Giêsu cũng làm cử chỉ sáng  tạo tương tự như vậy khi Chúa thổi hơi trên các tông đồ và ban Chúa Thánh Thần.

 

Nhưng Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần để trao cho các môn đệ sứ mạng loan báo Tin Mừng và ban ơn tha tội cho nên Chúa mới nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”. Các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Thần không chỉ là ích lợi cho mình mà còn để đi truyền giáo rao giảng cho muôn dân đem lại ơn tha tội cho mọi người đến tận cùng thế giới và cho đến ngày tận thế.

 

Chúng ta ý thức sự cần thiết của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội cũng như cho mỗi người chúng ta, vậy chúng ta hãy có lòng ao ước cầu xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta như Đức Mẹ và các môn đệ đã cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống với họ khi xưa. Tiếp đến chúng ta hãy biết cộng tác với Chúa Thánh Thần trong mọi sinh hoạt của đời sống.

 

Thi hào Tagore Ấn độ đã dùng hình ảnh chiếc ống sáo bằng tre tuy đơn sơ nhưng thổi lên được những điệu nhạc réo rắt làm mê lòng người. Nhưng ống sáo chỉ phát ra được âm thanh khi nó là ống tre rỗng nếu là tre đặc thì không tạo ra được âm thanh nào. Trong ý nghĩa đó, chúng ta muốn trở nên khí cụ tốt đẹp của Chúa Thánh Thần, thì  phải biết từ bỏ con người cũ với những ích kỉ và đam mê tội lỗi để có thể nên như ống sáo rỗng khi thổi lên tạo ra được âm thanh du dương vi vu réo rắt.

 

Ngày nay ít thấy có thuyền buồm nhưng chúng ta vẫn còn thấy những cuộc đua thuyền buồm vượt đại dương trên màn ảnh. Con thuyền muốn chạy được với sức gió thì phải căng buồm lên hứng lấy gió. Cũng vậy nếu cuộc đời chúng ta muốn tạo nên được những thành quả tốt đẹp như lời Chúa Giêsu chúc “để các con ra đi mang lại kết quả và kết quả đó còn mãi (Ga 15,16)” thì chúng ta luôn luôn phải “bước đi theo Thần khí (Gal 5,16)” như thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta.

 

Hình ảnh thứ ba là cây đàn. Chẳng hạn như đàn Guitar muốn phát ra âm thanh thì phải căng giây trên chiếc đàn, giây đàn mà chùng xuống thì không còn tác dụng nữa. Cũng vậy muốn cho cuộc đời ta đem lại những gì tốt đẹp thì chúng ta phải nỗ lực gắng sức và tích cực cộng tác với Chúa  Thánh Thần.

 

Câu chuyện:  Cụ già Thomas sống trên 100 tuổi, những năm tháng cuối đời,  cụ buồn và cảm thấy cô độc vì bạn bè cùng trang lứa đã ra đi hết, thế rồi cụ cũng chết, đám tang cụ lại trúng vào ngày trời mưa gió nên rất ít người đi đưa đám. Một linh mục tiễn đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng, cha ngạc nhiên vì có một người mặc quân phục theo linh cửu tới phần mộ. Khi hạ huyệt, quân nhân này đưa tay lên trán chào theo kiểu nhà binh cách trang trọng. Nhìn vào bộ quân phục, linh mục nhận ra đó là một sĩ quan cao cấp. Sau đó cha hỏi thì sĩ quan cho biết hồi còn là học sinh đã được cụ Thomas là thầy dạy và là học sinh nghịch ngợm hay phá phách thầy, nhưng nhờ thầy kiên nhẫn dạy bảo mà sĩ quan này mới được như ngày nay và ông không quên ơn cụ nên đã đi đưa đám tang và tiễn biệt cụ cách kính cẩn. Hiểu theo lòng đạo thì đó chính là ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn sĩ quan này qua sự cộng tác và đức tính kiên nhẫn của cụ Thomas.

 

 Chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn, ý chí và hành động của mỗi người chúng ta được trở nên tốt đẹp như các tông đồ xưa sau khi được Chúa Thánh Thần hiện xuống. Amen