Khát khao và mong muốn - Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!
KHAO KHÁT VÀ MONG MUỐN
“Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”.
Charles Swindoll nói, “Hãy coi Thánh Kinh như một bản đồ chính xác tuyệt đối. Nó cho bạn biết cách đi đến một điểm nhất định. Nhưng nếu chỉ nhìn bản đồ, bạn không thể biết Arizona, Anh quốc hoặc Peru. Để đến được đó, có thể khám phá nó, bạn phải trả chi phí, dành thời gian cho việc di chuyển, ở lại; đồng thời, phải ‘khao khát và mong muốn’ nó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng ‘Khao khát và mong muốn’ của Charles Swindoll cũng là những gì chúng ta rút ra từ câu kết của Tin Mừng hôm nay.Nói đến những việc Chúa Giêsu đã làm,Gioan viết, “Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Đây là một câu nói không thường xuyên được nghe, nhưng là một câu nói tiết lộ một số hiểu biết rất thiết thực!
Trước hết, Phúc Âm không bao giờ cung cấp đủ kiến thức về Chúa Giêsu và các mầu nhiệm Thiên Chúa; vì lý do đó, chúng ta cần phải‘khao khát và mong muốn’ nhiều hơn! Tất cả những gì chúng ta biết về Chúa Giêsu đều có trong Phúc Âm; nhưng với chỉ bốn cuốn vắn gọn,làm sao có thể mô tả toàn bộ con người Ngài? Đó là điều không thể!Thực tế là chúng ta chỉ biết ‘một phần rất nhỏ’ về cuộc đời thực sự của Ngài. Dẫu điều này đã là tuyệt vời! Nhưng bên cạnh đó,‘còn rất nhiều điều’chúng ta chưa biết !Nhận thức này sẽ lấp đầy tâm trí chúng ta bằng những khắc khoải,‘khao khát và mong muốn’ nhiều hơn. Ý thức sự ít ỏi trong việc hiểu biết này đòi buộc chúng ta phải tìm kiếm và học biết Chúa Giêsu nhiều hơn, và nhiều hơn nữa !
Cái nhìn sâu sắc thứ hai có thể rút ra từ nhận định này là, mặc dù vô số sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu không thể chứa đựng trong vô vàn cuốn sách; nhưng chúng ta vẫn có thể khám phá Ngài. Có thể không biết mọi chi tiết về Ngài; nhưng chúng ta vẫn có thể gặp Ngài, nghe Ngài trong Thánh Kinh, Thánh Thể ! Ngài sẽ ban tất cả những gì chúng ta cần! Điều chúng ta cần, là một kiến thức ‘ngày càng đào sâu hơn’ trong cầu nguyện, trong việc sống Lời Ngài và nên giống Ngài hơn. Đồng thời, với Thánh Thần, chúng ta tiếp tục công việc của Chúa Phục Sinh với tư cách một chứng nhân. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, Phaolô đã sống và chu toàn trách vụ chứng nhân đó,“Suốt hai năm, Phaolô tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ nhiều điều về Chúa Giêsu Kitô cách dạn dĩ”.
Anh Chị em,
“Cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra!”. Và cho dù cả thế giới có thể chứa hết các sách viết về Chúa Giêsu thì việc bạn biết Ngài sâu sắc chừng nào? Một câu hỏi thú vị! Điều quan trọng là chúng ta có dành đủ thời gian để đọc Thánh Kinh và suy gẫm những gì đọc được không; quan trọng hơn, Lời Chúa có tạo nên một sự khác biệt nào nơi chúng ta không? Nghĩa là, bạn và tôi có sống Lời Chúa, được biến đổi bởi Lời không? Đó là những câu hỏi vô cùng quan yếu! Ước gì, chúng ta ngày càng yêu mến Lời Chúa; ý thức sự cần thiết được hiện diện thường xuyên hơn, ở lại lâu hơn với Ngài, nghĩa là ‘khao khát và mong muốn’Ngài! Không được như thế, chúng takhác nào một người cầm tấm bản đồ trên tay mà chẳng đi đến đâu cả!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con chỉ khát khao Chúa; và quan trọng hơn, biết kinh ngạc khi nhận ra rằng, Chúa cũng đang rất khao khát con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
TỘI LỖI CÓ THỂ TRỞ NÊN ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU
“Con có yêu mến Thầy không?”.
Năm 1795, Joséphinephải lòng Napoléon; năm sau, họ thành hôn! Napoléon đắm đuối, nhưng xem ra Joséphine chẳng mấy rung động với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi. Sau đám cưới, Napoléon viễn chinh Italy; Joséphine gần như công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng,là Trung Uý HippolyteCharles. Năm 1804, tức 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, Joséphine được triệu vào cung với sắc phong“Hoàng Hậu”. Tại sao một người phản bội đến thế lại được yêu ? Một học giả chuyên môn về Napoléon nói, “Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu quên hết quá khứ của Phêrô! Trong Tin Mừng hôm nay, đến ba lần, Ngài hỏi ông, “Con có yêu mến Thầy không?”. Hẳn Ngài không cần Phêrô hối lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ‘gấp ba lần’.Thông điệp Lời Chúa thật rõ nét, ‘Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!’.
“3”, con số của sự hoàn hảo. Chẳng hạn,khi tuyên xưng“Thánh, Thánh, Thánh!”, biểu thức này nói lên rằng, Thiên Chúa là Đấng thánh khiết nhất. Trả lời Chúa Giêsu ba lần, “Con yêu mến Thầy”,Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo cách thánh khiết nhất; ba lần ‘tỏ tình’thay cho ba lần ‘chối tình!’. Điều này tiết lộ nhu cầu của bạn và tôi,là chúng ta phải yêu mến Chúa, tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để Chúa Giêsu hỏi bạn ba lần với một câu hỏi, và biết rằng, Ngài không hài lòng với một câu trả lời qua quít, “Con yêu mến Chúa”.Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa một cách thánh khiết nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự;Chúa biết con yêu mến Chúa!”. Đây phải là câu trả lời cuối cùng!
‘Ba lần với một câu hỏi’ cho chúng ta cơ hội biểu lộ khát khao cháy bỏng đối với lòng lân tuất của Chúa. Còn hơn cả Joséphine, tất cả chúng ta đều phạm tội; phủ nhận Thiên Chúa khi cặp bồ với đủ loại hình ‘ngẫu tượng!’. Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, ‘Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!’.Ngài không ghê tởm, cũng không viết tội của ai trên trán người ấy. Ngài đòi chúng ta chỉ một điều: đau buồn chân thành và hoán cải thực sựtừ con tim; Ngài muốn chúng ta từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa. Vì lẽ, Ngài đã hiến thân chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; Ngài đã sống lại và vẫn sống! Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, Phaolô, tù nhân, đã xác tín điều đó! Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”.
Anh Chị em,
“Con có yêu mến Thầy không?”. Hãy dành thời giờ, lặp đi lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần! Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho bạn và tôi thấy được chiều sâu tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Ngài. Hãy bày tỏ tình yêu của bạn đối với Chúa Giêsu theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để nó trở nên sâu sắc, thánh khiết và không đổi thay. Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng ‘gấp “n” lần!’. Đừng sợ vì sự bất xứng của mình. Trước Thiên Chúa, nào có ai xứng! Hãy đến với Chúa,kín múc ân sủngthứ tha của Ngài, dù bạn có thế nào đi nữa; cặp bồ ‘công khai hay chùng lén!’. Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài. Bởi lẽ, ‘Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và Chúa biết con yêu mến ‘những gì ít hơn Chúa!’. Xin biến đổi con, hầu con dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: