Sứ mệnh bất di bất dịch – Kính trọng
SỨ MỆNH BẤT DI BẤT DỊCH
“Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”.
Hudson Taylor, 1832-1905, nhà truyền giáo vĩ đại người Anh truyền đạo tại Trung Quốc 51 năm. Ông xây 125 trường học, lập hơn 300 cứ điểm Tin Mừng với hơn 500 người giúp việc, đem về cho Chúa 18.000 linh hồn trong những năm đầu. Nhật ký ngày đầu tiên của ông ghi, “Cho một sứ mệnh bất di bất dịch, chúng tôi có 25 xu, và tất cả những lời hứa của Chúa!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa kính Hai Thánh Phêrô - Phaolô hôm nay cho thấy, Giáo Hội không phải là công trình của loài người, nhưng là của Thiên Chúa; không phải bắt đầu “với 25 xu”, nhưng là với “12” con người hèn yếu “và tất cả những lời hứa của Chúa!”. Chúa Giêsu trao cho họ một ‘sứ mệnh bất di bất dịch’; Ngài nói với Phêrô, “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”.
Qua mọi thời, Giáo Hội gặp nhiều khó khăn, ghét bỏ, hiểu lầm, vu khống, chế giễu; thậm chí, bách hại đến đổ máu. Mặc dù đôi khi điều lố bịch và đáng trách là do lỗi cá nhân của các thành viên; nhưng thông thường, Giáo Hội vẫn đang tiếp tục bị đàn áp do chính sứ mệnh của mình. Và vì đã là công trình của Thiên Chúa thì dấu chấm hết là điều không bao giờ xảy ra! Sứ mệnh đó được rao truyền một cách rõ ràng, nhân ái, chắc chắn, và có năng quyền. Đó là lý do đầu tiên Giáo Hội bị ghét bỏ và chịu công kích!
Vậy sứ mệnh của Giáo Hội là gì? Là giảng dạy một giáo lý đức tin tinh tuyền về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng tuôn đổ ân sủng và bình an của Ngài qua các Bí Tích. Giáo Hội chăn dắt dân Chúa, dẫn đoàn chiên Ngài đến vui hưởng sự sống đời đời. Phêrô và Phaolô không chỉ là hai trong số những tấm gương lớn nhất về sứ mệnh đã được nhận lãnh, nhưng còn là nền tảng cụ thể, mà trên đó, Chúa Kitô đã bắt đầu với ‘sứ mệnh bất di bất dịch’ này. Với Phêrô mà “chìa khoá” Chúa Giêsu trao cho ngài, tượng trưng quyền lãnh đạo và giáo huấn. Đây là món quà thiêng liêng được gọi là không thể sai lầm cho người kế vị và các đấng kế nhiệm. Cho dẫu Phêrô và các đấng đến sau có nhiều yếu đuối, nhưng chìa khóa Nước Trời đã lãnh nhận vẫn được bảo tồn và thi hành đúng chức vụ và năng quyền của nó.
Thứ đến, Phaolô, người được gọi để trở nên Tông Đồ Dân Ngoại. Thư Timôthê hôm nay nói đến ‘sứ mệnh bất di bất dịch’ Phaolô đã lãnh nhận và chu toàn, “Có Chúa phù hộ cha; để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng Tin Mừng”. Như lời Thánh Vịnh đáp ca, Phaolô xác tín, “Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng”. Đó cũng là tâm sự của Phêrô khi Chúa sai thiên thần đến giải thoát ngài khỏi ngục tối như bài đọc một cho biết. Cả Phêrô và Phaolô đều đã trả giá cho sự trung thành với sứ vụ bằng việc tử đạo.
Anh Chị em,
“Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời!”. Trong sức mạnh Thánh Thần, các đấng kế vị Phêrô tiếp tục nhận chìa khoá Nước Trời và thi hành ý muốn của Thầy mình. Yếu tố con người không thành vấn đề, cho dù “chỉ với 25 xu”, nhưng điều quan trọng là “những lời hứa của Chúa”. Chớ gì ân sủng và những tố chất thần linh được ban qua phép Rửa Tội cũng thổi lên ngọn lửa tông đồ trong bạn và tôi; đồng thời, chúng ta nỗ lực hết mình để thi hành bổn phận theo đấng bậc một cách trung thành để nhiều người được tiếp cận Tin Mừng! Chúa Kitô đã đến trần gian, thi hành sứ mệnh cách âm thầm, kết thúc cách đau thương nhưng sống lại cách rạng rỡ; vì thế, việc ngưng thi hành sứ mệnh này là điều không bao giờ xảy ra!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con có nhiều hơn “25 xu, và tất cả những lời hứa của Chúa”. Đừng để con chểnh mảng trong việc vui sống ‘sứ điệp’, yêu mến ‘sứ vụ’ và chu tất ‘sứ mệnh’ của mình!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
KÍNH TRỌNG
“Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt theo Ngài. Một người cùi đến bái lạy Ngài!”.
Winston Churchill, người được tiếng là chính trực và tôn trọng những người đối lập. Năm cuối cùng tại vị, ông dự một buổi lễ. Sau ông vài hàng ghế, có hai người đang thì thầm, “Đó là Churchill!”. Họ nói, “Ông ấy đang già đi”; “Ông ấy nên từ chức”. Buổi lễ kết thúc, Churchill quay về phía hai người; đầy trân trọng, ông nói, “Thưa quý ông, họ cũng nói, ông ấy bị điếc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hơn cả sự trân trọng thủ tướng Anh dành cho những người đối lập, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự trân trọng thú vị tương tự, “Một người cùi đến bái lạy Chúa Giêsu”. Thật bất ngờ, chi tiết này giúp chúng ta khám phá sự ‘tôn kính’ của con người đối với Thiên Chúa; và bất ngờ hơn, sự ‘kính trọng’ của Thiên Chúa đối với con người!
Điều đầu tiên chúng ta lưu ý là Chúa Giêsu “chạm vào” người cùi. Đây là điều cấm kỵ, vì như vậy, Ngài bị coi là nhiễm uế. Nhưng Chúa Giêsu đã phá vỡ chuẩn mực đó để bày tỏ công khai sự ‘kính trọng’ hầu nói cho anh cùi và mọi người ‘phẩm giá bẩm sinh’ của anh. Thật thâm thuý khi chúng ta tự hỏi, “Vậy thì hành động nào được coi là ‘kính trọng’ hơn?”; “Việc anh ‘bái lạy’ Chúa Giêsu hay việc Ngài ‘chạm vào’ anh?”. Và dẫu không cần so sánh hai hành vi này, nhưng sẽ rất hữu ích khi bạn và tôi suy gẫm về một sự thật sâu sắc rằng, Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, đã bày tỏ sự ‘kính trọng’ đối với con người; ở đây, một người ô uế bị cộng đồng loại trừ. Không nghi ngờ gì nữa, Ngài không chỉ ‘kính trọng’ khi chạm vào anh, nhưng còn công khai bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho anh.
Thật trùng hợp! Sự ‘kính trọng’ này còn được bộc lộ ở bài đọc thứ nhất. Thiên Chúa đã giữ lời hứa với Abraham, “Sara, vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một con trai”. Nhưng “Abraham cúi mặt cười, và nghĩ trong lòng rằng: ‘Già đã trăm tuổi mà còn có con được sao? Sara đã chín mươi tuổi sẽ sinh con ư?’”. Ôi, trước một Đấng “Không ai nhìn thấy mà không chết”; vậy mà Abraham dám cười! Phải chăng, vì Thiên Chúa đó quá yêu thương, quá ‘kính trọng’ vị tổ phụ? Và Ngài đã giữ lời với miêu duệ của kẻ kính tôn Ngài cho đến muôn đời như xác tín của Thánh Vịnh đáp ca, “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài!”.
Anh Chị em,
“Một người cùi đến bái lạy Ngài”. Mỗi ngày, chúng ta bái lạy Chúa, bái lạy Thánh Thể; tất nhiên, sự tôn kính chúng ta dành cho Thiên Chúa là phải lẽ. Tuy nhiên, còn phải nhận ra rằng, Thiên Chúa luôn ‘kính trọng’ mỗi người chúng ta, dẫu bạn và tôi bất xứng hơn cả anh cùi! Mỗi ngày, Ngài đang chạm đến chúng ta qua các Bí Tích; đặc biệt, Bí Tích Thánh Thể. Vậy mà, không chỉ cúi mặt cười như Abraham, chúng ta còn ‘bôi mặt’ Ngài khi chúng ta phạm tội; khi chúng ta miệt thị, nhục mạ Ngài trong anh chị em mình. Chúng ta quên rằng, tha nhân là chính Ngài. Người cùi hôm nay chỉ là ‘biểu tượng’ của nhiều loại người mà thế giới coi là ô uế và bị loại trừ, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi ‘kính trọng’ họ đúng mức và triệt để. Khi làm vậy, chúng ta không biện minh cho khiếm khuyết hoặc tội lỗi của họ; nhưng vượt qua vẻ bên ngoài, chúng ta chân nhận ‘phẩm giá bẩm sinh’ của họ, vì họ cũng là con cái Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết ‘kính trọng’ Chúa trong anh chị em con, dù họ thế nào, chỉ vì một lý do duy nhất, Chúa quá trân trọng và yêu thương con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: