Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tội không được tha - Yêu kẻ thù

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

TỘI KHÔNG ĐƯỢC THA

 

 

Là người Công giáo, chúng ta biết rằng có một trọng tội gọi là “tội không thể tha thứ,” đó là tội chống lại Chúa Thánh Thần, được mặc khải cho chúng ta như một phần của mặc khải trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu cho biết: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3:28-29)

 

Xúc phạm Chúa Thánh Thần là “tội không thể tha thứ,” tội đời đời sẽ không bao giờ được Chúa tha thứ vì nó liên quan quyết định có chủ ý và tự do để từ chối tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Chúa mà Ngài muốn ban cho chúng ta. Đó là khi một cá nhân kiên quyết phủ nhận quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Là người Công giáo, người ta hiểu rằng khi chúng ta có tâm hồn thống hối và nhận được sự xá giải trong Bí tích Hòa Giải – xưng tội bất kỳ tội trọng hay tội nhẹ nào với một linh mục Công giáo – chúng ta được Chúa Kitô tha thứ, vì Ngài là thừa tác viên chính của bí tích này.

 

Khi chúng ta từ chối sự tha thứ của Chúa Thánh Thần, đó là với sự hiểu biết đầy đủ và hoàn toàn không phải là tình cờ, chúng ta không tin những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh. Chính Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích Giải Tội: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho a, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:21-23)

 

Trong Mt 18:18 cũng vậy: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”

 

Chúng ta được kêu gọi trở nên giống như Phêrô sau khi ông chối bỏ Đức Kitô ba lần, và ăn năn trở lại với Ngài. Giuđa rơi vào tình trạng vô vọng và tuyệt vọng, không thể nào đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đang chờ đợi ông nếu ông chỉ tìm kiếm sự tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26:24)

 

Điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải hiểu ý nghĩa của việc xúc phạm Chúa Thánh Thần, và làm thế nào chúng ta có thể tránh phạm “tội không thể tha thứ.” Chúng ta không muốn bám vào tội mình và chống lại quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 

Cách chúng ta có thể tránh được tội bằng cách này:

1. Đào sâu mối quan hệ của chúng ta với Chúa Thánh Thần bằng cách đào sâu Kinh Thánh và để cho Lời Chúa chảy vào tâm hồn chúng ta. Chúng ta không nên đọc Kinh Thánh như thể đang đọc một cuốn tiểu thuyết, nhưng hãy suy tư và suy ngẫm khi chọn những câu Kinh Thánh để Chúa có thể nói với chúng ta trong sự thinh lặng của lòng mình.

 

2. Chấp nhận sự thúc giục của Chúa Thánh Thần khi Ngài hướng dẫn chúng ta trên hành trình tâm linh hướng tới cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa trên Thiên Đàng. Chúng ta đã được ban cho ý chí tự do để chấp nhận hoặc từ chối sự trợ giúp thiêng liêng của Ngài, điều đó luôn dẫn dắt chúng ta tuân theo Thánh Ý Ngài.

 

3. Bảo vệ tâm trí chúng ta khỏi những lời nói hoặc hành động có thể xúc phạm đến Chúa Thánh Thần. Chúng ta muốn cố gắng tránh bất kỳ sự khinh thường hay bất kính nào đối với Ngôi Ba Thiên Chúa.

 

4. Lãnh nhận Bí Tích Giải Tội ít là mỗi tháng một lần. Theo Giáo Luật, là người Công giáo đến tuổi khôn, chúng ta được mời gọi lãnh nhận bí tích này mỗi năm ít nhất một lần để xưng các tội trọng. (GLCG 989) Nhưng đối với chúng ta, những người tham dự Thánh Lễ hằng ngày hoặc Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần và muốn rước lễ, chúng ta cần phải xưng tội bất cứ khi nào chúng ta ý thức mình đã phạm tội trọng. (GLCG 1385)

 

Thánh Phaolô cho biết: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:27-29)

 

Bằng cách sống trong tình trạng ân sủng, chúng ta gần gũi với Thiên Chúa và nhận thức rõ hơn về sự xấu xa của tội lỗi, và cố gắng không xúc phạm đến Ngài. Các ân huệ của Chúa Thánh Thần triển nở trong chúng ta, và trổ sinh hoa trái giúp xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

 

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, những người phạm tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, để họ được hoán cải tâm hồn, và tin vào tình yêu, lòng thương xót và những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ nếu họ chỉ tin vào quyền năng tha thứ của Ngài.

CHRISTINA M. SORRENTINO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

 

YÊU KẺ THÙ

Thiên Chúa nói với Môsê: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19:2)

 

Sách Lêvi tóm tắt các giới răn khác theo giới răn này: Như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta cần nên thánh. Sự thánh thiện mô tả mọi thứ mà Thiên Chúa đặt lên trên sự sáng tạo sai trái. Sự thánh thiện là điều gì đó hơn cả việc giữ trọn lề luật như nô lệ. Nên thánh là vào trong ý nghĩ và trái tim của Chúa, phân xử như Chúa phân xử, hiểu như Chúa hiểu.

 

Khi những câu trong sách Lêvi mở ra, chúng ta bắt đầu đánh giá hố ngăn cách giữa thói quen tội lỗi của con người và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nhiều người coi sự thù hằn là cách phản ứng tự nhiên nhất đối với sự thiệt hại mà chúng ta chịu. Sự thánh thiện mà chúng ta được mời gọi đòi hỏi cách phản ứng khác, đó là cách phản ứng có vẻ đi ngược với bản chất. Bạn không được thù ghét anh em, bạn không được trả thù, bạn không được đố kỵ.

 

Một trong các hậu quả của tội là xu hướng phê phán thù hận. Sách Lêvi loại trừ điều này bằng giới răn, được Chúa Giêsu lặp lại, rằng chúng ta phải yêu người như chính mình. Giới răn quá quen thuộc đến nỗi chúng ta có thể dễ dàng làm ngơ sự thay đổi cơ bản của con tim mà giới răn ám chỉ. Tội lỗi khiến chúng ta tự nhận là “trung tâm vũ trụ,” vô tình xác nhận rằng mọi thứ phục vụ chính mục đích của chúng ta. Yêu người như chính mình đảo lộn ý nghĩ này. Đây là sự thánh thiện mà Thiên Chúa đặt chúng ta lên trên tội lỗi, đưa chúng ta vào ý nghĩ và trái tim của Thiên Chúa.

 

Tiếp theo Bài Giảng Trên Núi, Phúc Âm nhấn mạnh hố ngăn cách giữa sự thánh thiện và thái độ tội lỗi thâm căn cố đế (ingrained attitudes of sin). Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” có vẻ rất cân xứng. Điều gì đó trong chúng ta bắt đầu nổi loạn khi chúng ta được khuyên không chống lại kẻ độc ác, đưa má cho người ta vả, không chỉ đưa áo trong mà đưa luôn cả áo ngoài cho kẻ áp bức mình.

 

Sự không thoải mái mà chúng ta cảm thấy đã ăn rễ sâu trong chúng ta. Chúng ta bị giằng co: sự công thẳng và ân sủng. Đức Kitô không đến thế gian này để đối xử công thẳng với chúng ta. Ngài đến để mặc khải tình yêu của Chúa Cha, một hồng ân vượt trên mọi thứ mà chúng ta đáng hưởng. Bài Giảng Trên Núi mời gọi chúng ta đạt đến sự thánh thiện để đối xử với tha nhân bằng sự độ lượng mà chúng ta đã lãnh nhận. Chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể nên thánh như Chúa Cha là Đấng Thánh, và hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện.

 

Chỉ là tự nhiên để cảm thấy bất xứng trước các yêu cầu của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta có thực sự yêu kẻ thù và làm điều tốt cho những người làm hại mình? Thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô đặt yêu cầu của Chúa Giêsu ngược với những ân sủng mà chúng ta lãnh nhận.

 

Bạn không nhận ra mình là đền thờ của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần sống trong bạn sao? Đó là tặng phẩm của Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể nên thánh như Chúa Cha là Đấng Thánh, độ lượng như Ngài. Thánh Phaolô tiếp tục làm tương phản sự khôn ngoan của thế gian với sự điên dại của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của thế gian đòi hỏi sự công bình. Sự điên dại của Thiên Chúa là ân sủng vị tha. Đây là tính thánh thiện mà chúng ta được mời gọi.

 

DAVID McGOUGH

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)