Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ý nghĩa vĩnh cửu - Ân phúc và sứ vụ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

Ý NGHĨA VĨNH CỬU

 

“Dù chỉ cho đi một ly nước lã… người ấy không mất phần thưởng đâu!”.

 

Nhà thờ cẩm thạch Milan nổi tiếng với ba dòng chữ trên ba ô cửa. Ô thứ nhất, một vòng hoa hồng, “Những gì làm hài lòng, chỉ là tạm thời!”; ô thứ hai, một cây thánh giá, “Những gì gây phiền nhiễu, chỉ là phút chốc!”; và ô cửa chính, “Chỉ vĩnh cửu mới quan trọng!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Chỉ vĩnh cửu mới quan trọng!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bất ngờ khai triển ý lực này. Không phải trong những gì to tát, nhưng trong những gì nhỏ bé nhất, chẳng hạn một ly nước lã được cho đi, thì hành vi nhân linh này vẫn mang một ‘ý nghĩa vĩnh cửu!’.

 

Trao cho ai một ly nước lã sẽ không gây chú ý! Nhiều khả năng chỉ có người cho và người nhận mới biết điều đó. Tuy nhiên, Chúa Giêsu xem hành động tử tế này có một giá trị vô song. Việc cho đi một ly nước lã có thể ‘đại diện’ cho bất kỳ hành động tử tế nào vốn có thể mang lại sự sống và niềm vui cho người khác. Gioan Kim Khẩu nói, “Nếu tình yêu được lan toả khắp nơi, thì một điều tốt lành vô biên sẽ được sinh ra từ đó!”. Như vậy, với một hành động đơn giản nhất bạn và tôi hy sinh cho người khác luôn mang một ‘ý nghĩa vĩnh cửu’.

 

Trong một bài giảng nói về tình yêu vốn có thể được biểu lộ bằng những cách thức đơn giản, Đức Phanxicô khuyến khích hãy chắt chiu những gì mà tình yêu cần, đó là những hành động đơn sơ nhỏ bé; chẳng hạn, một lời chúc ngủ ngon trước khi đi ngủ, một cái ôm sau một ngày làm việc. Ngài nói, “Tình yêu được thể hiện bằng những điều nhỏ nhặt, bằng sự quan tâm đến những dấu chỉ nhỏ khiến chúng ta cảm thấy ấm áp”. Tình yêu không có thời gian để chờ đợi một vườn hồng hay một cánh đồng đầy hoa hồng; tình yêu chỉ cần những nụ hồng hàm tiếu được trao nhiều lần trong ngày!

 

Ngày nay, con người hiện đại luôn có khuynh hướng coi những gì lớn lao mới có giá trị; tuy nhiên, với Chúa Giêsu thì không. Ngài dạy chúng ta rằng, những gì bé nhỏ chúng ta thường có xu hướng coi là rất ít ý nghĩa lại có một ý nghĩa lớn lao. Bằng đủ mọi cách, trên thế giới này, người ta đang trao cho rất nhiều người cần một ‘điều gì đó’ tương đương với một ly nước lã. Và thật bất ngờ, Chúa Giêsu chỉ ra rằng, nếu chỉ ngần ấy thôi, ‘một ly nước lã’, vẫn có nhiều điều xảy ra hơn là chúng ta có thể nhận ra lúc đó, “Ai tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy; và ai đón tiếp Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy!”.

 

Anh Chị em,

 

“Người ấy không mất phần thưởng đâu!”. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta như thế! Cách chúng ta liên hệ với nhau biểu hiện cách chúng ta liên hệ với Ngài và với Chúa Cha, cho dù chúng ta ý thức hay không ý thức. Khi tiếp xúc với nhau, chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trên đất thánh mọi lúc vậy! Ở đâu có lòng tốt, sự quan tâm và lòng hiếu khách; ở đó, Thiên Chúa hiện diện, Ngài hiện diện theo nhiều cách khác nhau. Những cuộc gặp gỡ như vậy có một phẩm chất bí tích thực sự; bởi lẽ, chính chúng ta đang làm cho Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trên thế giới. Chính những hành động tử tế đối với người khác, dù nhỏ bé đến đâu, vẫn mang ‘ý nghĩa vĩnh cửu’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để con vuột mất những cơ hội khi con có thể sờ đụng vĩnh cửu!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

ÂN PHÚC VÀ SỨ VỤ

 

“Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi!”.

 

Trong “You Were Born An Original, Don’t Die A Copy!”, tạm dịch, “Sinh Ra Là Một Bản Gốc, Đừng Chết Như Một Bản Sao!”, John Mason viết, “Chúa cho bạn tất cả những gì bạn cần để bắt đầu một tương lai tốt; thế mà bao lần, bạn đã bỏ qua các cơ hội. Không bao giờ Ngài đòi điều gì quá sức bạn, chỉ có điều, bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Bạn quên rằng, ‘ân phúc và sứ vụ’ luôn song hành!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay nói đến ‘ân phúc và sứ vụ!’. Môisen được phúc cứu sống; về sau, mang sứ vụ giải phóng dân. Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum được phúc chứng kiến bao phép lạ Chúa Giêsu làm, cần nhận ra con người của Ngài; đồng thời, ý thức trách vụ của mình là đón nhận Con Thiên Chúa và rao truyền Ngài!

 

Bài đọc Xuất Hành tóm tắt một phần cuộc đời của Môisen, một cậu bé lẽ ra phải chịu chung số phận ‘ném sông’ với các bé trai Israel khác; nhưng Chúa quan phòng đã cho cậu một bà mẹ tuyệt vời. Bà đem con thả sông, để sau đó, được vớt lên, làm con nuôi của công chúa. Lớn lên trong triều, Môisen được đào tạo như một thái tử, được chuẩn bị cho sứ vụ giải phóng dân. Cuộc đời Môisen là một cuộc đời của ‘ân phúc và sứ vụ!’.

 

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự cứng lòng của các thành được Con Thiên Chúa viếng thăm. Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum có thể được coi là biểu tượng của tất cả chúng ta, những người Công Giáo được sinh ra và lớn lên trong đức tin của Hội Thánh; thế nhưng, không ít người dẫu được nuôi dưỡng trong sự thánh thiện Kitô giáo vẫn từ chối đức tin và làm ngơ trước Tin Mừng. Tất nhiên, sự từ chối này không phải lúc nào cũng tuyệt đối và toàn bộ; nhưng thường xuyên, đó là một sự từ chối theo cấp độ. Đầu tiên, từ chối dưới hình thức bỏ lễ Chúa Nhật, sau đó là các thoả hiệp về mặt đạo đức; và rốt cuộc là lầm lạc, nghi ngờ và mất đức tin hoàn toàn.

 

Anh Chị em,

 

“Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi!”. Với ‘điệp khúc’ này, cùng với Đức Thánh Cha, bạn và tôi thử kiểm điểm lương tâm! “Ta đã cho con quá nhiều, Ta cho con chính Ta, Ta chọn con là Kitô hữu, Ta kỳ vọng rất nhiều vào con! Thế mà con thích sống một nửa, một cuộc sống hời hợt: một chút Kitô hữu và nước thánh, ngoài ra không có gì hơn!”; “Khi sống theo kiểu đạo đức giả Kitô này, cuối cùng, chúng ta ném Chúa Giêsu ra khỏi lòng mình. Giả vờ có Ngài, nhưng kỳ thực, chúng ta đã đuổi Ngài ra ngoài. ‘Chúng tôi là Kitô hữu!’, ‘Chúng tôi tự hào là Kitô hữu!’, nhưng chúng ta sống như người ngoại đạo!”.

 

Hãy khiêm cung, thống hối và tìm kiếm Thiên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Hỡi những ai nghèo hèn, hãy kiếm tìm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi!”. Bạn và tôi sẽ mãi phấn khởi vui tươi khi ý thức để sống ‘ân phúc và sứ vụ’ của mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, sinh ra là một bản gốc, đừng để con chết như một bản sao! Cho con biết chỗi dậy, đứng lên và đi tới!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)