Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thách thức - Không để hỏng cuộc gọi

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

THÁCH THỨC

 

“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”.

 

Một thiếu nữ đến gặp một linh mục, đặt một câu hỏi đầy thách đố, “Xin cha cho biết sống đời dâng hiến là gì?”. Đầy thách thức, vị linh mục đưa ra một tờ giấy trắng và nói, “Đó là ký tên bên dưới và để cho Chúa điền vào bên trên bất cứ điều gì Ngài muốn!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Liệu không biết thiếu nữ kia có ký bên dưới tờ giấy hay không, nhưng sự thật là, con người luôn muốn ‘thách thức’ Thiên Chúa! Đó là một sự thật khó tin; nhưng điều khó tin hơn là, Thiên Chúa luôn chiều con người. Hai bài đọc hôm nay sẽ cho thấy điều đó.

 

Sách Xuất Hành kể chuyện con cái Israel ‘thách thức’ Thiên Chúa và Môisen. Sau 430 năm đậu nhờ đất khách quê người, đất mà dường như Israel chỉ hạnh phúc vỏn vẹn hơn kém ‘30 năm lẻ’, để 400 năm còn lại hầu như là nô dịch; nhưng cuối cùng, cũng được giải thoát. Ấy thế, vừa ra khỏi đó, dân ‘thách thức’ Chúa và tôi tớ Ngài, “Ở Ai Cập không đủ đất để chôn chúng tôi sao?”; hoặc đau đớn hơn, “Hãy mặc chúng tôi làm nô lệ cho Ai Cập!”. Một nhà thần học nói, “Chỉ cần 4 ngày, Israel ra khỏi Ai Cập; nhưng phải đợi đến 40 năm, Thiên Chúa mới có thể lấy ‘Ai Cập’ ra khỏi lòng nó!”. Môisen trấn an, “Đừng sợ! Chúa sẽ chiến đấu cho anh em!”. Và quả Ngài đã chiến đấu thật; người Ai Cập chìm lỉm như chì giữa biển Sậy, để Israel có thể cất lên, “Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng!” như thánh ca Xuất Hành chúc khen.

 

Xu hướng ‘thách thức’ đó, một lần nữa, lộ rõ trong bài Tin Mừng khi một nhóm luật sĩ, biệt phái kéo đến thưa Chúa Giêsu, “Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”. Quan hệ của họ với Chúa Giêsu là quan hệ một chiều; nếu Ngài muốn có sự tôn trọng, hãy làm theo ý họ. Lòng kiêu hãnh của họ đã đưa ra những yêu sách mà họ nghĩ là bất khả thi đối với Ngài, và nó sẽ không được thoả mãn cho đến khi được đáp ứng! Kiêu hãnh là nguyên nhân của bao chia rẽ, oán hận và cay đắng trong các mối quan hệ. Bài học ở đây là, thay vì ‘thách thức’ Thiên Chúa, bạn và tôi hãy để Ngài ‘thách thức’ mình; chính những ‘thách thức’ đối với bản thân lại là nhân tố để mỗi người có thể lớn lên trong khiêm nhường, vị tha và thống hối.

 

Anh Chị em,

 

“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”. Hãy thôi ‘thách đố’ Thiên Chúa, hãy thôi than trách Ngài; nhưng vững tin! Ngài là Cha chúng ta, Đấng luôn làm những điều khó tin để chúng ta hiểu Ngài hơn. Và gì nữa? Hãy bắt đầu bằng sự ăn năn chứ không bằng những thách đố. Khi tôi ăn năn, tôi tin nhận Giêsu, Đấng Ngài sai đến, Đấng xứng với tất cả tình yêu của tôi. Tôi cảm thấy hối hận vì đã yêu Ngài quá ít hoặc đã xúc phạm Ngài quá nhiều. Sự thống hối tràn đầy tình yêu bao hàm một sự uốn nắn ý chí của tôi đối với Ngài và đối với người khác. Đây là một hình thức của tình yêu tự hiến mà tất cả chúng ta có thể đạt được vào bất cứ thời điểm nào trong đời. Và đó chính là phép lạ mà Thiên Chúa đang ‘thách thức’ bạn và tôi!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chớ gì con dám ký tên bên dưới ‘tờ giấy’ ngày sống của con mỗi ngày, và Chúa có thể viết bên trên bất cứ điều gì Chúa muốn!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

 

*********

 

KHÔNG ĐỂ HỎNG CUỘC GỌI

 

“Để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”.

 

Anthony Fortosis nói, “Chúa các chúa trở nên tôi tớ hèn hạ để phục vụ một nhân loại khốn cùng! “Con Người Của Các Nỗi Buồn” làm quen với vực thẳm của đau buồn để trở thành niềm vui cho thế giới. Chúng ta đến với thế giới để sống; Ngài đến với thế giới để chết!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng lễ thánh Giacôbê mô tả bức tranh nội tâm rất thật của người môn đệ! Hai người xin chỗ nhất, mười người ghen tức; họ “đến với thế giới để sống!”. Con Thiên Chúa hiến dâng mạng sống, Ngài “đến với thế giới để chết!”. ‘Không để hỏng cuộc gọi!’, bạn và tôi quyết nên giống Ngài!

 

Con người luôn đặt quyền lợi và cái tôi trên hết; Chúa Giêsu thì ngược lại, “Tôi đến để phục vụ!”. Được gọi để nên tông đồ, bạn và tôi lẽ ra phải nên giống Ngài; vậy mà, chúng ta thường quên phục vụ là sứ mạng trọng tâm của mình! Cuộc sống chúng ta đang tiêu hao bởi một dòng chảy không ngừng của những công việc ‘quan trọng và khẩn cấp’; giữa những điều này, xem ra chúng ta thực sự đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phục vụ. Và như thế, sứ vụ của chúng ta bị gạt sang một bên. Nếu phục vụ không là một yếu tố bình thường trong cuộc sống của bạn và tôi với tư cách người môn đệ, chắc chắn một điều, chúng ta đã không thắng nổi việc tự lừa dối mình hoặc đã lạc đường. Và như thế, đã làm hỏng ơn gọi!

 

Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô xác tín, “Sứ vụ chúng tôi mang nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành”, sứ vụ hiến mình không dè giữ cho người khác, một ‘sự tiếp nối Đức Kitô’. Vì thế, nếu việc phục vụ nơi tôi không là sự kéo dài, mở rộng tình yêu Chúa Kitô; cũng như không trao Chúa Kitô cho người khác; hoặc nếu những người tôi phục vụ không khám phá ra Chúa Kitô trong tôi, thì sự phục vụ của tôi đơn giản không phải là phục vụ! Nó có thể là từ thiện, đồng cảm, nhưng không có nghĩa phục vụ đích thực. Như Gioan Tẩy Giả, bạn và tôi phải nên ‘ít hơn’, để Chúa Kitô có chỗ ‘nhiều hơn’, hầu tha nhân không bị lừa dối khi gặp gỡ một Đức Kitô họ thầm ao ước trong bạn và tôi.

 

Anh Chị em,

 

“Đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống!”. Đúng như Fortosis nói, “Ngài đến với thế giới để chết!”, và Ngài đã chết thật! Không chỉ chết chiều thứ Sáu, Ngài đã chết từng ngày qua phục vụ, qua nhẫn nhục… và Ngài đã phục sinh cho thế giới được sống! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan!”. May thay, những con người như Giacôbê, như các tông đồ, vốn chỉ “đến với thế giới để sống” đã được Chúa Phục Sinh kịp biến đổi, và họ đã nên giống Thầy mình. Họ đã “phục vụ những con người đáng thương”, “trở thành niềm vui cho thế giới”. Không chỉ đến với thế giới để chết; Giacôbê và các tông đồ cùng những ai tiếp nối các ngài còn đến với thế giới để sống và cứu rỗi nó. Cũng thế, chúng ta sẽ ‘không để hỏng cuộc gọi’, bạn và tôi hãy cho phép mình được biến đổi.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, để có thể trở thành niềm vui cho thế giới, giúp con trước hết, dám chết cho nó! Để được vậy, xin ‘vẽ lại’ bức tranh nội tâm của con như Ngài đã vẽ nơi các tông đồ!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)