Khám phá tiếng gọi đến với đức tin năng động
Khám phá tiếng gọi đến với đức tin năng động
The Word Among Us – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
“Lòng tin của anh đã cứu anh” (Mc 10:52). Nếu bạn nghĩ về điều này thì đây là một điều khá kỳ lạ đối với Chúa Giêsu khi nói ra.
Chẳng phải sẽ chính xác hơn nếu Ngài nói, “Ta đã cứu con” sao? Hoặc có thể “Cha trên trời đã cứu con”? Nhưng đó không phải là điều Chúa Giêsu nói. Thay vì chỉ vào chính Ngài hoặc Cha Ngài, Ngài chỉ thẳng vào những người kiên trì tìm kiếm Ngài. Rõ ràng, đức tin của chúng ta đóng một vai trò rất quan trọng trong phép lạ cứu rỗi!
Bạn có thể thấy sự thật này được minh họa trong một câu chuyện khác. Thánh Máccô kể cho chúng ta về thời gian Chúa Giêsu không thể làm nhiều phép lạ tại quê hương Nazareth của Ngài, vì dân chúng thiếu lòng tin (Mc 6:1-6). Dường như Chúa Giêsu muốn làm nhiều hơn nữa cho người dân trong thị trấn, nhưng Ngài không thể, đơn giản vì không có nhiều đức tin hiện diện. Người ta đã biết Chúa Giêsu. Họ biết gia đình Ngài. Họ biết rằng Ngài là một người đàn ông tốt bụng và một thầy dậy tài năng. Nhưng nhiều người trong số họ không thể thực hiện bước tiếp theo để tin rằng Ngài có quyền năng chữa lành hoặc xua đuổi ma quỷ. Máccô thậm chí còn nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “kinh ngạc” trước sự thiếu đức tin của họ (6:6).
Sức Mạnh Của Niềm Tin. Từ hai ví dụ đó, chúng ta có thể kết luận rằng chính đức tin của chúng ta và chỉ có đức tin của chúng ta mới giải phóng quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Chúng ta đều biết những người có đức tin mạnh mẽ không bao giờ nhìn thấy phép lạ. Và tất cả chúng ta đều biết về những người hầu như không tin nhưng cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi một phép lạ từ Thiên Chúa.
Ngay cả các sách Phúc âm cũng kể về những lần Chúa Giêsu thực hiện phép lạ mà không đề cập đến đức tin nơi người mà Ngài chữa khỏi. Chẳng hạn, hãy nghĩ về người mù bẩm sinh trong Gioan 9 hoặc người bại liệt trong Gioan 5:1-9. Cũng có những câu chuyện về cách Chúa Giêsu thực hiện phép lạ bất chấp lòng tin yếu kém của mọi người. Ngài đã làm yên cơn bão trên biển Galilê (Mc 4:35-41) và khi Ngài giải cứu một cậu bé bị quỷ ám mặc dù Ngài vừa mới than trách dân chúng là “dòng dõi bất trung và đồi bại” (Lc 9:41).
Rõ ràng, Chúa Giêsu có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn và Ngài có thể làm bất cứ khi nào Ngài muốn. Ngài không “cần” đức tin của chúng ta, và Ngài không từ bỏ tình yêu của Ngài vì chúng ta thiếu đức tin. Đồng thời, Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng đức tin quan trọng biết bao trong việc giúp chúng ta tiếp xúc với sự hiện diện, tình yêu và cả quyền năng của Ngài hoạt động trong đời sống chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu rất hài lòng với đức tin của viên đại đội trưởng La Mã (Lc 7:9). Đó là lý do tại sao Ngài ca ngợi đức tin của những người đàn ông đã thả người bạn bại liệt của họ xuống từ mái nhà để đến với Ngài (Mt 9:2). Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu bảo chúng ta phải có loại đức tin có thể dời núi dời non (Mt 21:21). Vậy loại đức tin mà Chúa Giêsu đang tìm kiếm là gì?
Đức tin là gì? Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể nói rằng đức tin liên quan đến sự hiểu biết của chúng ta. Cùng với những dòng này, chúng ta có thể nói: “Vâng, tôi tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,” hoặc “Vâng, tôi tin rằng Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi,” hoặc “Vâng, tôi đồng ý với những chân lý được liệt kê trong Kinh Tin Kính Nicea.” Ở cấp độ này, đức tin là cách chúng ta đồng ý với các giáo lý mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh và trong những lời dạy của Giáo Hội. Nhưng đây không phải là định nghĩa đầy đủ về đức tin.
Ngoài việc là một sự đồng ý về trí tuệ với các chân lý và giáo lý, đức tin còn là một sự đáp trả nồng nhiệt đối với Chúa Giêsu. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, “Đức tin luôn là sự đáp lại tình yêu.” Đó là quyết định của chúng ta, mong muốn của chúng ta, theo đuổi Chúa Giêsu vì cách Ngài yêu thương chúng ta. Ở mức độ này, nếu chúng ta nói rằng chúng ta tin vào Chúa Kitô nhưng niềm đam mê thực sự của chúng ta lại nằm ở chỗ khác, thì điều đó cho thấy đức tin của chúng ta cần được củng cố.
Còn bạn thì sao? Đam mê của bạn ở đâu? Thường không khó để trả lời câu hỏi này. Tất cả những gì chúng ta phải làm là hỏi điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui nhất hoặc điều gì chiếm nhiều thời gian và sự chú ý của chúng ta. Dĩ nhiên, đam mê với gia đình, bạn bè, công việc của mình là một điều tốt—ngay cả việc bảo vệ thời gian giải trí và thư giãn của mình. Nhưng đồng thời, điều quan trọng hơn nữa là say mê Chúa Giêsu và đào sâu niềm tin của chúng ta vào Người.
Một cách sống. Trong phân tích cuối cùng, đức tin là một cách sống. Đó không phải là điều chúng ta tuyên xưng vào các ngày Chúa nhật rồi để sang một bên cho đến hết tuần. Đó là điều chúng ta sống hàng ngày. Trên thực tế, Chúa muốn chúng ta xem đức tin của mình như một thứ gì đó có quan hệ mật thiết với nhau. Ngài muốn chúng ta xem nó như một điều gì đó có ý nghĩa lớn lên khi chính chúng ta lớn lên trong kinh nghiệm về tình yêu, ân sủng và lòng thương xót của Ngài. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng nói, “Đức tin lớn lên khi nó được sống như một kinh nghiệm của tình yêu được đón nhận.”
Chính đức tin đã thúc đẩy Batimê kêu cầu Chúa Giêsu ngay cả khi những người khác cố gắng yêu cầu anh ta im lặng. Rồi khi gặp Chúa Giêsu và được Người chữa sáng mắt, đức tin của Batimê càng tăng thêm. Trên thực tế, Máccô cho chúng ta biết rằng sau khi được chữa lành, Batimê đã đi theo Chúa Giêsu “trên con đường” Ngài đi (Mác 10:52).
Tương tự như vậy, cả mười người phong cùi đều gọi Chúa Giêsu là “Thầy” và van xin ngài “xin thương xót chúng tôi” (Lu-ca 17:13). Tất cả họ đều hành động trong đức tin. Tất cả họ đều tin rằng Chúa Giêsu có thể giúp họ, và họ đủ tin cậy nơi Ngài để kêu cứu. Nhưng người trở lại thì sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và không ngớt lời ngợi khen cảm tạ (Lu-ca 17:15-16). Vì vậy, trong khi cả mười người đều có một mức độ đức tin, thì đức tin của người đàn ông này thậm chí còn gia tăng hơn nữa.
Hai câu chuyện này cho thấy đức tin có thể thôi thúc chúng ta hành động. Chúng cũng cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta hành động dựa trên đức tin của mình, khi chúng ta theo đuổi Chúa Giêsu trong đức tin, thì cuối cùng chúng ta cũng đào sâu đức tin của mình. Chúng cho chúng ta thấy rằng mục tiêu cuối cùng của đức tin là đưa chúng ta đến gần điểm mà chúng ta có thể yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực (Mc 12:30).
Chỉ Cần Tin? Chính loại đức tin này—đức tin theo đuổi đến cùng, đức tin bền bỉ—đã đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Đó là một đức tin muốn hướng dẫn cuộc đời chúng ta và thôi thúc chúng ta sống cho Chúa. Và đó là loại đức tin giúp chúng ta tiếp xúc với tình yêu, lòng thương xót, ân sủng và thậm chí cả quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta càng khao khát Chúa Giêsu, càng sốt sắng tìm kiếm Ngài, thì chúng ta càng tìm thấy Ngài cách sâu xa hơn.
Thưa anh chị em, đây là một đức tin tích cực! Khi người ta hỏi Chúa Giê-su “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Ngài đáp: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6:28-29). Tin vào Chúa Giêsu là một điều rất tích cực. Nó thay đổi nhiều hơn quan điểm của chúng ta; nó thúc đẩy chúng ta hành động khác đi, nói năng khác đi, yêu thương trọn vẹn hơn và sẵn sàng tha thứ hơn.
Chúa Giêsu hứa với mỗi người chúng ta điều tương tự như Ngài đã nói với dân chúng trong Tin Mừng: “Đức tin của anh đã cứu anh”. Đây không phải là một lời hứa rằng nếu chúng ta “chỉ cần tin” thì chúng ta sẽ tự động lên thiên đàng. Đó là một lời hứa rằng những ai tìm kiếm, những ai theo đuổi, những ai liều mạng vì tình yêu của Ngài sẽ được đền đáp xứng đáng. Đó là một lời hứa rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức để “hoàn thành công việc của Thiên Chúa” bằng hành động, sự tin cậy và tình yêu của mình, thì chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu.
Xin cho tất cả chúng ta sống theo niềm tin này. Xin cho tất cả chúng ta biết được vẻ đẹp của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.
- Tổng Hơp: