Một thực tế rất thực - Vị tha và hy sinh
MỘT THỰC TẾ RẤT THỰC
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”.
Robert Short đặt vấn đề về sự tha thứ của Thiên Chúa. Khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu phải tha mấy lần; Ngài bảo, “Bảy mươi lần bảy!”; nghĩa là tha “vô hạn”. Thật thú vị, ông nói, “Vậy nếu Chúa đã ra lệnh như thế, thì làm sao Ngài ‘thoát khỏi’ việc phải tha vô hạn?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay nói đến một Thiên Chúa ‘không thoát khỏi’ việc phải tha “vô hạn”; đồng thời, nói đến ‘một thực tế rất thực’ con người phải đối diện nếu nó “có hạn” trong việc tha cho người khác. Và ngày kia, sẽ không tránh khỏi những lời nghiệt ngã, “Tên đầy tớ ác độc kia! Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”.
Ôi! Tin tốt lành là, Chúa Giêsu khao khát tránh một cuộc đối đầu kinh khủng như vậy. Ngài không muốn bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm về sự xấu xa của tội lỗi mình. Ước ao cháy bỏng của Ngài là tha thứ, thương xót và xoá sạch nợ nần. Thế nhưng, hành động xót thương này chỉ được ban cho ai biết tha thứ cho anh em mình. Đây là một đòi buộc nghiêm túc! Chúng ta thường nghĩ Thiên Chúa sẽ rất thụ động, hiền lành, luôn mỉm cười và lờ đi khi chúng ta phạm tội. Không đâu, ‘một thực tế rất thực’ là Ngài rất nghiêm khắc về việc chúng ta cứ cố chấp phạm tội hoặc chối từ tha thứ cho tha nhân!
Tại sao Chúa Giêsu quyết liệt đến thế? Ngài quyết liệt vì “Bạn không thể nhận những gì bạn không sẵn sàng cho!”. Có thể ban đầu, điều đó không mấy ý nghĩa, nhưng đó là ‘một thực tế rất thực’ của đời sống thiêng liêng. Nếu muốn hưởng lòng thương xót, bạn phải cho đi lòng thương xót; muốn được tha thứ, bạn phải cho đi tha thứ; muốn khỏi bị phán xét nghiêm khắc, bạn đừng phán xét nghiêm khắc! Thiên Chúa sẽ đáp lại những hành vi đó một cách ‘sòng phẳng’ và nghiêm túc.
Trong cuộc sống, nhiều lúc tha thứ cho người khác là điều không thể như việc dân Chúa vượt sông Giorđan sách Giosuê hôm nay nói đến. Ấy thế, với sức mạnh và uy nghi của hòm bia Giao Ước, dân Chúa đi bộ qua sông. Hòm bia là hình ảnh tiên báo Chúa Giêsu; với Ngài, mọi sự đều có thể. Như Israel ráo chân vượt sông tiến vào Giêricô, bạn và tôi vượt qua chính mình để tha thứ cho người khác; và cũng có thể hát lên “Halleluia!” Thánh Vịnh đáp ca như họ. “Halleluia!”, reo mừng chiến thắng thần chết của đêm Vọng Phục Sinh, còn là tiếng reo mừng của một tâm hồn vượt qua chính mình để tha thứ!
Anh Chị em,
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”. Đó là lập luận giản đơn của Thiên Chúa! Và “Nếu Chúa đã ra lệnh cho chúng ta phải tha thứ vô hạn thì làm sao Ngài thoát khỏi việc phải tha vô hạn?”. Đúng thế! “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ!”. Thế nhưng, tréo ngoe ở chỗ, bạn và tôi chỉ có thể hưởng được sự tha thứ vô hạn của Ngài khi biết hết lòng xót thương và tha thứ cho anh chị em mình. Đó là sự phi lý của Thiên Chúa nhưng cũng là ‘một thực tế rất thực’ của con người. Nếu đó là một cuộc đấu tranh thực sự của bạn và tôi, hãy ăn năn thống hối ngay hôm nay và xin Chúa trút bỏ nó giúp chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa tha cho con “vô hạn”, đừng để con “có hạn” khi phải tha cho anh chị em con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Vị tha và hy sinh
“Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy!”.
Khi Mẹ Têrêxa qua đời, một bức thư ‘dài một dòng’ gửi cho biên tập viên một tờ báo ở một thị trấn nhỏ có nội dung: “Nếu Mẹ Têrêxa không có vé bay thẳng lên thiên đàng, thì không ai có chiếc vé nào cả!”. Hồng Y John O’Connor thì nói, “Nếu Mẹ không ở trên thiên đàng vì lối sống vị tha và hy sinh của Mẹ, thì tôi thực sự sợ chết!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Vị tha và hy sinh”, một chủ đề được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Chúa Giêsu giải thích về tính bất khả phân ly của hôn nhân, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”. Ngài kết luận, “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy!”. Bởi lẽ, hôn nhân và mọi ơn gọi, đều đòi hỏi ‘vị tha và hy sinh’ hết lòng!
Khi hy sinh vắng mặt, khi lối sống vị tha trở thành ích kỷ, mọi mâu thuẫn đều trở thành gánh nặng, một gánh nặng không thể gánh nổi nếu không có ân sủng. Tình yêu là gì? Tình yêu nào được đòi hỏi trong hôn nhân và mọi ơn gọi khác? Cha mẹ và ông bà cần có tình yêu nào? Những câu hỏi này có chung một câu trả lời: Phải yêu một cách hoàn toàn ‘vị tha và hy sinh!’.
Chỉ có ân sủng mới có thể giúp chúng ta sống một cuộc đời dựa trên tình yêu đích thực. Bản chất con người sa ngã luôn có xu hướng “quy ngã”. Trong cuộc sống, rất khó để chuyển ánh mắt từ chính mình sang tình yêu của người khác. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, lối yêu thương này chỉ có thể được chấp nhận bởi “những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu”. Và những ai được ban cho chiều sâu của tình yêu này là những người biết mở lòng đón nhận ân sủng biến đổi của Ngài trong cuộc đời họ.
Một lý do khiến chúng ta rất khó yêu thương cách hoàn toàn vị tha là vì nó đòi hỏi mỗi người phải sống theo ân sủng. Tâm trí con người yếu ớt, không thể tự mình đạt được tiếng gọi cao cả của lòng bác ái; chỉ với ân sủng, bạn mới hiểu sống vị tha không chỉ tốt nhất cho tha nhân, mà còn tốt nhất cho chính mình. Và trong đời sống hôn nhân, các ơn gọi khác và mọi tình huống khác, nếu tình yêu của chúng ta luôn tập trung vào lợi ích của người khác, rập khuôn sự hy sinh hoàn toàn của Chúa Kitô, bạn và tôi sẽ thấy qua chúng ta, Thiên Chúa sẽ làm những điều vĩ đại.
Anh Chị em,
“Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy!”. Bạn có hiểu được lời Chúa Giêsu? Khi xem xét cuộc sống và các mối tương quan của mình, đặc biệt, với những người gần gũi nhất, bạn cân nhắc xem đã hành động như Chúa Kitô đối với họ tốt như thế nào! Liệu bạn có tha thứ, có tìm kiếm lòng thương xót, trắc ẩn, sự hiểu biết, sự dịu dàng và mọi hoa trái khác của Chúa Thánh Thần? Thấy mình thiếu sót, ích kỷ, bạn đừng ngần ngại cầu xin ân sủng của Chúa hầu không chỉ hiểu tiếng gọi tình yêu cao cả của mình, mà còn nắm lấy nó trong hành động ở mức độ trọn vẹn nhất. Vì chỉ khi đó, bạn mới có thể sống ơn gọi của mình, dù ở bậc sống nào, cách ‘vị tha và hy sinh!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, vé lên thiên đàng không thể mua được với giá chợ đen. Nó chỉ có thể đặt trước ngay hôm nay bằng tình yêu ‘vị tha và hy sinh’ của con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: