Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Không thể thấp hơn - Chiều sâu của tình yêu

Tác giả: 
Lm Minh Anh

KHÔNG THỂ THẤP HƠN

“Ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên!”.

 

Ngày kia, khi còn trai trẻ, Benjamin Franklin, ông tổ lập quốc Hoa Kỳ, tràn đầy nhiệt huyết, chân bước sải đến thăm một bậc vị vọng. Vào nhà vị tiền bối, Franklin vấp đầu vào một khung cửa khá thấp, đau điếng. Chủ nhà thấy bộ dạng nhăn nhó của người bạn trẻ, liền xuýt xoa, “Đau lắm? Tuy nhiên, đây là thu hoạch lớn nhất của cậu khi đến thăm tôi! Một người muốn bình an, hãy luôn ghi nhớ một điều, “Hạ mình xuống!””.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Muốn bình an, hãy hạ mình xuống! Lời Chúa hôm nay nói đến hạ mình, không chỉ để bình an, nhưng để cứu được mình và cứu cả người khác. Và sẽ rất bất ngờ khi chúng ta khám phá ra rằng, Giêsu, Con Thiên Chúa lại là con cháu của một goá phụ trẻ ‘mót lúa’. Ngài đã tự hạ thấp đến mức ‘không thể thấp hơn’; cũng là Đấng tiết lộ trong Tin Mừng hôm nay, “Ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên!”.

 

Thánh Bernard Clairvaux sánh người khiêm nhượng như lũng sâu bên dưới, kẻ kiêu hãnh như đỉnh núi bên trên. Xuân về, tuyết tan; nước không chảy ngược lên đỉnh. Người kiêu căng đặt mình vào vị thế không có khả năng giữ lấy ân sủng của Chúa; đang khi, ở chân núi, vì ‘không thể thấp hơn’, người khiêm nhượng nhận được trọn vẹn ân điển của Ngài. Họ có thể sinh hoa kết trái bốn mùa. Chỉ ai khiêm nhượng mới có thể thực sự trầm mình trong Ngài, để cho ân sủng Ngài làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời họ.

 

Bài đọc thứ nhất cống hiến một chi tiết thú vị khi nói về gốc gác ‘Bà Tổ’ của Chúa Giêsu. Đó là một nàng dâu ngoại kiều hiếu thảo, một goá phụ trẻ xinh đẹp, có tên là ‘Cô Rút’. Nàng dâu ấy được Thánh Kinh coi “đáng quý hơn bảy người con trai”. Cô đã không bỏ quê chồng mà về ngoại theo sự rộng lượng của mẹ chồng. Ngày kia, cô được mẹ chồng cho đi mót lúa, và cô ‘mót luôn’ trái tim ông Bôát; về sau, làm bạn với ông, sinh “Obed, vốn sẽ là thân phụ Giessê, ông nội Đavít”, tổ tiên của Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay công bố, “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài!”.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến các luật sĩ và biệt phái, những người “nói mà không làm!”. Ở đây, Ngài dạy sự khiêm nhượng. Khi ai đó chỉ ra một sự thật, chúng ta nên đón nhận, cả khi người ấy không sống điều họ dạy. Việc đi theo sự thật không phụ thuộc vào việc người khác có sống nó hay không, nhưng phụ thuộc vào việc sự thật giúp bạn nên thánh hơn đến mức nào! Ngược lại, nếu ở vị thế phải dạy dỗ người khác, chúng ta cần chân thành sống điều mình giảng dạy; vì lẽ, các giáo huấn không phải của bạn và tôi, mà là của Thiên Chúa.

 

Anh Chị em,

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên!”. Con Thiên Chúa vào trần gian, nhập đoàn với cháu chắt của một “Bà Tổ” ngoại giáo goá bụa; chấp nhận hết khinh khi này đến khinh dể nọ cũng vì gia tộc không chút tiếng tăm của mình. Cuối cùng, Ngài tự hạ thấp đến nỗi ‘không thể thấp hơn’ khi chết trên thập giá để trở nên căn nguyên cứu rỗi đời đời cho thế giới. Rõ ràng, “Khiêm hạ của Ngài là quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng!”. Ngài mời chúng ta trân quý ân sủng Bí tích Rửa Tội khi mỗi ngày một ý thức hơn, tôi đã được nâng lên phẩm trật vô cùng cao quý, con cái Chúa. Hãy cố mà giữ lấy ân sủng của Bí tích này!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khiêm hạ là quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng. Đừng để kiêu căng đẩy con xa Chúa, xa anh em! Như thế, chẳng cứu được mình, không cứu được ai!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

CHIỀU SÂU CỦA TÌNH YÊU

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất?”.

 

Qua ống nhòm, một nhóm các nhà thực vật học phát hiện một loài phong lan quý hiếm dưới khe núi, hai bên là vách đá! Để có nó, ai đó phải thòng mình xuống. Một cậu bé tò mò đang ở gần; họ nói, cậu sẽ được tưởng thưởng hậu hĩ nếu giúp họ gỡ được gốc hoa. Cậu nói, “Tôi sẽ quay lại!”. Một chốc, cậu trở lại, theo sau là một người đàn ông; cậu nói, “Tôi sẽ xuống núi lấy gốc hoa, nếu người này nắm sợi dây. Ông ấy là bố tôi!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến chiều sâu của một vách núi, nhưng nói đến ‘chiều sâu của tình yêu’. Trả lời câu hỏi của một thông luật, Chúa Giêsu nói, “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”, “Và yêu người thân cận như chính mình”. Không chỉ nói đến ‘sức mình’; nhưng như cậu bé, Ngài còn nói đến sức Trời, ‘một Ai đó’, Chúa Cha!

 

Vậy ‘chiều sâu của tình yêu’ là gì? Trích dẫn Sallust, một sử gia La Mã, Bênêđictô 16 cho thấy nội dung đích thực của tình yêu: “Muốn cùng một thứ và từ chối cùng một thứ; cái này nên giống cái kia, và điều này dẫn đến ‘một cộng đồng’ của ý chí và tư tưởng”. Tình yêu đích thực có hai chiều kích: tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân. Cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia!

 

Yêu Chúa đòi hỏi phải yêu người khác. Điều này không hề dễ dàng, đặc biệt trong một thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân và cho phép dẫm đạp người khác để tiến thân. Nếu yêu thương người khác theo Cựu Ước “như yêu chính mình” đã khó, thì việc yêu người khác theo yêu cầu của Chúa Kitô “như Thầy đã yêu các con” lại khó biết bao. Đây là công việc không phải của sức người, nhưng của sức Trời, ‘một Ai đó!’.

 

Đây là một trong những đổi mới quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu, nó giúp chúng ta hiểu rằng, điều không được thể hiện trong tình yêu thương đối với tha nhân không phải là tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa. Tương tự như vậy, những gì không rút ra được từ mối quan hệ của con người với Thiên Chúa thì không phải là tình yêu đích thực đối với tha nhân!

 

Câu chuyện bà Rút hôm nay là một minh hoạ. Naomi có một nàng dâu, ‘cô Rút’ ‘yêu mẹ chồng như chính mình’; Rút quên bản thân để lựa chọn đi hay ở, “Mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con!”. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra, chính Rút, người phụ nữ ngoại giáo này, sẽ là ‘Bà Tổ’ của Giêsu, Đấng Cứu Thế. Để từ đó, muôn dân có thể cất lời ngợi khen, “Ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi!” như Thánh Vịnh đáp ca mời gọi.

 

Anh Chị em,

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Trong lịch sử Giáo Hội, thế giới chứng kiến những con người noi gương Giêsu Thầy mình, và với sức mạnh của Ngài, họ sống đến cùng điều răn này. Họ là những con người đã khám phá ‘chiều sâu của tình yêu’ nơi Thiên Chúa, hiện sinh nơi Chúa Giêsu. Hãy để Ngài ‘nắm lấy sợi dây’, bạn và tôi cũng hãy đi và làm như vậy, bằng cách gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, chăm sóc người anh em!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng nắm giữ sợi dây đời con. Cho con đừng cậy sức mình, nhưng cậy sức Chúa để cũng có thể ‘thòng xuống’ mà khám phá ‘chiều sâu của tình yêu!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)