Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cuộc đánh bắt kỳ diệu - Một lịch sử có tên Emmanuel!

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CUỘC ĐÁNH BẮT KỲ DIỆU

 

“Họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới!”.

 

Rừng Bắc Âu, Bắc Mỹ nổi tiếng với “Chồn Ermine” tuyệt đẹp; bộ lông của nó trắng như tuyết. Ermine bảo vệ ‘áo’ mình bất cứ giá nào. Tận dụng bản năng này, thợ săn không bẫy; thay vào đó, tìm chỗ ở của Ermine. Họ bôi bẩn lối vào ổ của chúng; sau đó, thả đàn chó để săn đuổi. Những con vật sợ hãi chạy ‘về nhà’, nhưng không vào, vì sợ bẩn! Thay vì để lấm lem chiếc áo trắng tinh của mình, Ermine nộp mạng để gìn giữ sự thanh khiết.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay không nói đến kiểu đánh bắt độc đáo loài Ermine xinh đẹp, nhưng nói đến các ‘cuộc đánh bắt kỳ diệu’ của Thiên Chúa trong lịch sử. Những cú đánh bắt này cho thấy, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!” như Thánh Vịnh đáp ca tán dương.

 

Thư Côlôssê nói đến ‘cuộc đánh bắt kỳ diệu’ lớn lao nhất từ tạo thiên lập địa; qua đó, Thiên Chúa đã biểu dương ơn cứu độ và lòng thương xót của Ngài khi “Giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái!”. Câu chuyện ‘đánh bắt’ của Tin Mừng hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu và Phêrô, một người đã chứng kiến những điều lạ lùng từ nhân vật ‘huyền bí’ có tên “Giêsu” mới xuất hiện. Ông đã chứng kiến mẹ vợ mình được Ngài nâng lên; các bệnh nhân và nhiều người quỷ ám được chữa lành. Để sau đó, “Giêsu” này bước xuống thuyền ông, xin ông chống ra xa để đánh cá. Ông đã vâng lời và đã bắt được rất nhiều cá, nhiều “đến nỗi hầu như rách cả lưới!”.

 

Đó là cú đánh bắt thần kỳ trong đời các ngư phủ miền Galilê, nhưng điều thần kỳ không phải là ‘cá’, nhưng là ‘những người đánh cá’ vốn đã bị đánh bắt! Phép lạ không ‘thuộc về vật chất’, nhưng ‘hoàn toàn tinh thần’; Giêsu đã giúp họ không trở thành nạn nhân của chán nản khi đối mặt với thất bại, nhưng trở nên tuyệt vời khi họ để mình ‘bị đánh bắt’ và trở nên những ngư phủ sẽ đi khắp thế giới ‘vung chài’ đánh bắt các linh hồn.

 

Vậy thì điều gì đã dẫn đến cú đánh bắt ngoạn mục mang tính cứu độ này? ‘Cứu độ!’, vì đó là mục đích của mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. Những con người này đã để Đấng Cứu Độ bước xuống thuyền mình; ngoan nguỳ chèo ra chỗ nước sâu, thả lưới. Cũng thế, Ngài yêu cầu bạn và tôi đón Ngài vào thuyền đời mình, giữ Ngài ‘đủ lâu’, đi với Ngài ‘đủ xa’, đến những vùng biển mới đầy bất ngờ! Hãy đón Ngài, đừng để Ngài lớ ngớ! Hãy nhớ, Ngài giỏi ‘đi trên nước!’; hãy ‘cột chân’ Ngài bằng ‘dây yêu mến’ và đừng quên tỏ ra háo hức, tập thích thú lắng nghe câu chuyện dài ‘Nghìn lẻ một đêm’ Ngài sẽ kể!

 

Anh Chị em,

 

“Họ bắt được rất nhiều cá!”. Sẽ không có ‘cuộc đánh bắt kỳ diệu’ nào nếu bạn và tôi không để Giêsu bước xuống lòng thuyền đời mình và mạnh dạn chèo ra xa bờ! Bờ của những tính toán hơn thiệt, bờ của những suy nghĩ tục hoá. Và sẽ là cú đánh bắt Chúa Giêsu mong đợi nhất, tuyệt vời nhất, trước nhất, là cuộc đánh bắt linh hồn bạn và tôi! “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi!”. Bạn và tôi hãy để mình ‘bị đánh bắt’ theo cách này; và Ngài cũng sẽ nói với chúng ta, “Đừng sợ!”. Những lời an ủi này của Ngài tất yếu cũng cần được đáp lại khi bạn và tôi “bỏ hết mọi sự mà theo Ngài!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, sẽ không có cú đánh bắt nào nếu Chúa sẩy mất linh hồn con! Chúa cứ bước xuống lòng thuyền con, con sẽ làm tất cả những gì Chúa muốn, hôm nay và mỗi ngày!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

MỘT LỊCH SỬ CÓ TÊN EMMANUEL

 

“Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.

 

Ngoài gia phả của Chúa Giêsu, Thánh Kinh còn có gia phả của Ađam. Không tin, bạn mở Sáng Thế chương 5! Cả hai tạo nên một tương phản vô cùng độc đáo. Gia phả của Ađam là hồ sơ về những cái chết; gia phả của Chúa Giêsu, hồ sơ về những cuộc sinh ra! Một bên, các từ “rồi chết”, “rồi chết”; bên kia, “sinh ra”, “sinh ra” lặp đi lặp lại hàng chục lần. Và dẫu ai cũng chết, nhưng từ “chết” tuyệt đối không có trong gia phả Chúa Giêsu!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tường thuật mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại với gia phả Chúa Giêsu; trong đó, Con Thiên Chúa mặc lấy lịch sử tốt xấu của tổ tiên. Vậy mà nhờ Ngài, lịch sử đó được định hình để làm nên lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’.

 

Đó là một lịch sử được báo trước! Mikha, trong bài đọc hôm nay, nói đến ‘cái kết cứu độ’ của gia phả với lời tiên tri về một trinh nữ sẽ sinh con, “Ngài sẽ bỏ dân Ngài, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Với khôn ngoan thế gian, không ai hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn trở thành một con người. Trong gia phả của Chúa Giêsu, xuất hiện kẻ tốt, người xấu; hạng trung thành, kẻ bất tín; người hữu dụng, kẻ vô dụng. Thật khó hiểu, khi Thiên Chúa lại chuốc lấy những gì là lầm lỗi, kém cỏi để biến nó thành của mình!

 

Gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu với Abraham, một con người đầy niềm tin; nhưng qua thời gian, lịch sử dòng dõi của vị tổ phụ vấy bao tội lỗi. Vì thế, khi mang lấy huyết thống của dòng tộc này, Con Thiên Chúa muốn cứu lấy không chỉ dòng dõi Abraham, nhưng cả nhân loại trước và sau Abraham; cả những ai thuộc về Abraham hay không thuộc về ông. Tắt một lời, Ngài sẽ ôm lấy kiếp người trọn vẹn với buồn vui của nó; một kiếp nhân sinh đang bị xâu xé bởi tội nguyên tổ. Ngài đi vào trong chính lịch sử của nó, một lịch sử mà Ngài sẽ định hình nên lịch sử cứu độ. Và để làm được công việc này; Ngài phải đi vào nhân loại này, và Con Thiên Chúa nhất định cần có một người mẹ.

 

Sinh Nhật Maria báo trước Sinh Nhật Chúa Giêsu. Ngài đã làm người; có cha, có mẹ, có huyết thống. Ngài khiêm nhường chen mình vào dòng tộc con người đầy khiếm khuyết này, hầu cứu độ nó. Để làm được điều đó, Ngài phải ở với, ở cùng con người; và nhờ Ngài, lịch sử của nó trở nên một lịch sử mang tên “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.

 

Anh Chị em,

 

“Tên con trẻ là Emmanuel!”. Nhiệm Cục Cứu Độ sẽ thế nào nếu không có Đức Maria? Chiêm ngắm con người tuyệt vời của Mẹ, đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta thấy Mẹ như hòn đất trong tay người Thợ Gốm tài hoa. Mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta nhớ đến sinh nhật thiêng liêng của mình ngày được rửa tội. Chớ gì, bạn và tôi cũng biết ngoan nguỳ và khiêm hạ như Đức Mẹ, thuộc trọn về Thiên Chúa và Ngài cũng sẽ nắn đúc chúng ta nên một kiệt tác của Ngài; và lịch sử mỗi người cũng được định hình để trở nên một lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’. Và rồi đây, như Đức Mẹ, bạn và tôi có thể reo lên, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ngày sống của con làm nên lịch sử đời con, ước gì nó cũng là lịch sử cứu độ. Đừng để con làm ‘chật chỗ’ địa cầu và ‘thừa mứa’ trong dòng dõi của Chúa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)