Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bắt đầu bằng cầu nguyện - Để nên Thánh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

BẮT ĐẦU BẰNG CẦU NGUYỆN

 

“Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”.

 

Charlie Riggs chia sẻ, “Tôi luôn cầu xin Chúa đặt tôi trên đầu Ngài. Như vậy, khi có việc khó khăn, hoặc là Chúa phải giúp tôi, hoặc tôi sẽ chìm nghỉm”. “Rất nhiều người trong chúng ta chỉ cầu nguyện cho những gì mình có thể giải quyết. Đáp lại, là những gì thật nhỏ bé vì lời cầu nguyện của chúng ta nhỏ bé. Hãy xin Chúa đặt chúng ta trên đầu Ngài. Và sau đó, hãy xem Ngài giữ chúng ta nổi, ngay khi bạn và tôi nghĩ mình sắp chìm!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Tôi luôn cầu xin Chúa đặt tôi trên đầu Ngài”. Cách nào đó, Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã được Chúa Cha đặt trên đầu Ngài. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã ‘bắt đầu bằng cầu nguyện’ suốt đêm một mình trước Chúa Cha.

 

Những lời giới thiệu như thế này có thể không được chú ý trong việc đọc Tin Mừng hàng ngày của chúng ta; trong khi trên thực tế, chúng có tầm quan trọng khôn lường! Cuộc đời của Chúa Giêsu hẳn là một lời cầu nguyện liên lỉ, tín thác tuyệt đối vào Chúa Cha và luôn được hỗ trợ bởi Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, Ngài mới đủ sức mạnh và ánh sáng cần thiết để tiếp tục bước đi. Cuộc tuyển chọn các tông đồ - như thánh Cyrillô Alexandria nói, “Chúa Kitô quyết định trao cho họ cùng một sứ mệnh Ngài đã nhận từ Chúa Cha” - cho thấy Giáo Hội là kết quả của lời cầu nguyện, và là công việc của Ba Ngôi, “Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”.

 

Mặc dù đã dành cả đêm để cầu nguyện với Chúa Cha trước khi chọn nhóm Mười Hai, nhưng Chúa Giêsu vẫn bị một người trong họ phản bội. Dâng quyết định của mình lên Thiên Chúa không có nghĩa là mọi việc sau đó sẽ xuyên suốt. Tuy nhiên, khi mở lòng với Chúa trong cầu nguyện nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, vào những thời điểm quan trọng, chúng ta để Thiên Chúa trở thành trung tâm của những quyết định và là trung tâm của tất cả những gì xảy ra sau đó, cả khi không phải là những gì đáng mong đợi.

 

Qua thư Côlôssê hôm nay, Phaolô viết, “Như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Ngài!”. “Sống kết hợp với Ngài” là cầu nguyện và tạ ơn liên lỉ. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời”, vì “Chúa tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”.

 

Anh Chị em,

 

“Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Ước gì cuộc đời Kitô hữu của chúng ta luôn có thể đắm mình trong cầu nguyện và được lời cầu nguyện hướng dẫn trong mọi sự. Nhất là trước các quyết định quan trọng, khi chúng ta phải ‘bước ra những vùng nước sâu’ mà bạn và tôi biết chắc, không có Chúa, chúng ta sẽ chìm nghỉm. Vì thế, tất cả phải được ‘bắt đầu bằng cầu nguyện’. Trong cầu nguyện, chúng ta cố gắng cởi mở hơn với những gì Chúa muốn và đừng quên mời Chúa Thánh Thần hướng dẫn, định hình khả năng nhận thức và đưa ra những quyết định quan trọng thay cho mình!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con nhận được những gì nhỏ bé vì lời cầu nguyện của con nhỏ bé. Con sẽ chìm vì nước quá sâu, nhưng đáy sông ở dưới chân Ngài. Xin dạy con tín thác vào một mình Chúa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

 

****

 

ĐỂ NÊN THÁNH

 

‘Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, đang phải đói, phải khóc và bị khai trừ!’.

 

“Số phận của một Kitô hữu không phải là hạnh phúc vật chất hay thậm chí, sức khoẻ thể chất, mà là ‘sự thánh thiện!’. Thiên Chúa không phải là cỗ máy ban phước vĩnh cửu; Ngài đến không để cứu chúng ta vì chúng ta tội nghiệp, Ngài đến để cứu chúng ta vì Ngài đã lỡ tạo dựng chúng ta để nên thánh!” - Vima Dasan.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ngài đã lỡ tạo dựng chúng ta để nên thánh!”. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu công bố các mối phúc, mối hoạ vốn rất nghịch thường trong Tin Mừng hôm nay. Phải chăng đây là những nghịch lý của Tin Mừng Ngài đã sống và muốn chúng ta sống ‘để nên thánh!’.

 

Nghèo đói tự nó không đủ ‘để nên thánh!’; nhưng khi tuyên bố người nghèo có phúc theo nghĩa đen, Chúa Giêsu muốn nói, của cải tự nó không phải là tội lỗi, nhưng luôn mang theo cám dỗ hướng tới sự gắn bó, cậy mình và buông thả. “Đói” là một trạng thái may mắn, và “no” là một trạng thái nguy hiểm. Khi thực sự đói, bạn dễ hướng về Chúa và sự quan phòng của Ngài. Thức ăn ngon thường cám dỗ háu ăn khiến bạn khó đói khát Thiên Chúa và thánh ý Ngài. Vì vậy, nếu kiềm chế được sự mê ăn, bạn sẽ được ban phước để thoát khỏi thói háu ăn và thậm chí, không bị cám dỗ bởi nó.

 

“Cười” và “khóc” ở đây không ám chỉ niềm vui và sự tuyệt vọng; đúng hơn, ám chỉ những kẻ luôn tìm kiếm thú vui và sống buông thả. “Khóc” ám chỉ những ai đã phát hiện ra rằng, các thú vui sẽ không bao giờ có thể thoả mãn. Do đó, ăn chơi liên tục sẽ dẫn tới cám dỗ, trong khi việc thiếu đi các niềm vui này sẽ giúp loại bỏ chước cám dỗ đó.

 

Cuối cùng, phúc thật khi bị ghét bỏ, loại trừ… vì Chúa hơn là được khen ngợi. Ở đây, đề cập những lời khen đến từ những gì vô nghĩa ‘theo quan điểm đời đời’. Khi người ta khen lao những đức tính ‘không phải là nhân đức Kitô giáo’, bạn sẽ bị cám dỗ dựa vào chúng để thoả mãn. Hình thức thoả mãn này là kiêu ngạo vốn không bao giờ thực sự thoả mãn. Tuy nhiên, khi mọi người nhìn thấy và ca ngợi các nhân đức của Chúa trong bạn, Chúa được ca ngợi trước hết và chúng ta được phúc chia sẻ vinh quang của Ngài.

 

Trong thư Côlôssê hôm nay, Phaolô cho biết, ‘để nên thánh’, “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới!”. Bởi lẽ, “Ngài đã lỡ tạo dựng chúng ta để nên thánh!”. Thánh Vịnh đáp ca cho biết, “Chúa tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên!”.

 

Anh Chị em,

 

“Phúc cho anh em!”. Tin Mừng mời gọi chúng ta suy gẫm về ý nghĩa sâu xa của đức tin, hệ tại ở việc chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Đó là việc phá huỷ các thần tượng trần thế để mở lòng ra với Thiên Chúa. Chỉ Ngài mới có thể ban cho cuộc sống sự viên mãn mà chúng ta vô cùng mong muốn nhưng lại khó đạt được. Bạn và tôi rất dễ vô tình lỗi phạm điều răn thứ nhất: đó là thờ ngẫu tượng, thay Thiên Chúa bằng một ngẫu tượng. Đây là lý do Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi con đường Ngài đi ‘để nên thánh’ ngay từ bây giờ, theo mức độ chúng ta đặt mình về phía Chúa, về Vương Quốc, về phía những gì không phải là phù du mà là trường tồn cho sự sống vĩnh cửu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin mở mắt con để có thể nhìn thấy sự lừa dối của thế gian này. Nhờ đó, con có thể sống những nghịch lý của Tin Mừng ‘để nên thánh!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)