Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một mùa bội thu - Không bao giờ sai lầm

Tác giả: 
Lm Minh Anh

MỘT MÙA BỘI THU

“Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.

 

Trong “The Complete Disciple”, tạm dịch, “Thợ Lành Nghề”, Paul W. Powell mô tả một tình trạng khá buồn: “Nhiều nhà thờ nhắc tôi về một nhóm thợ ngồi xuống đứng lên trong kho nông cụ. Mỗi Chúa Nhật, họ đến nghiên cứu, mài cày, tra dầu vào máy; sau đó, đứng dậy, ra về. Chúa Nhật, họ trở lại, nghiên cứu, mài cày, tra dầu vào máy; sau đó, đứng dậy, ra về. Tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, cũng ngần ấy việc! Không ai còn nhớ đến chuyện ra đồng. Vì thế, với họ, ‘một mùa bội thu’ là những gì thuộc về các giấc mơ!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại ‘cánh đồng’ đời mình. Đúng hơn, nhìn lại những vụ mùa, năm tháng… xem đâu là thời điểm tốt nhất, đâu là mùa bội thu khi Danh Chúa được nhận biết như Thánh Vịnh đáp ca hát khen, “Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.

 

Hãy nhìn lại cuộc sống theo từng thập kỷ, từng năm và thậm chí, từng tháng; nhìn lại những vụ mùa ‘được’ nhất, ‘mất’ nhất! Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một phương thức tối đơn giản, “Xem quả thì biết cây!”. Hãy lục lọi trong các quãng thời gian khác nhau đó, đâu là ‘mùa được’ khi Danh Chúa rạng sáng; đâu là ‘mùa mất’ khi Danh Ngài bị che khuất. Thực tế, có khi thập giá và khó khăn dồn dập lại là thời điểm ‘được mùa’; có khi xem ra thành công, nhưng thực chất, chúng ta ‘mất trắng!’.

 

Qua thư Timôthê hôm nay, Phaolô nhận ra ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho nhân loại và cho bản thân mình, “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. Phaolô nghiệm ra rằng, quãng thời gian Chúa Giêsu đau đớn nhất, chết chóc nhất lại là lúc Ngài mang về ‘một mùa bội thu’ cho Chúa Cha nhất! Từ đó, Phaolô dâng đời mình cho sứ vụ giữa cánh đồng dân ngoại và đã bội thu, khi Danh Chúa được nhận biết, “Kính dâng Ngài danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời!”.

 

Anh Chị em,

“Chúc tụng Danh Thánh Chúa!”. Cũng thế, cuộc đời của bạn và tôi tựa hồ một cánh đồng hứa hẹn những vụ mùa gặt hái cho Danh Chúa. Có những quãng thời gian; trong đó, những quyết định được thực hiện, những hoạt động được tham gia, khi đời sống cầu nguyện trở nên sâu sắc, dẫu đó có thể là những tháng ngày bi đát… nhưng chúng ta đã có ‘một mùa bội thu’. Tạ ơn Chúa vì Danh Ngài được hiển vinh! Đang khi bên cạnh đó, có thể có những vụ mùa mà bên ngoài là thành công với sự kiện này, sự kiện khác… nhưng đôi khi, bên trong, chỉ là trống rỗng, hão danh, vụ lợi và thực chất là chúng ta ‘mất trắng!’. Mất cả giống lẫn công, cả chài lẫn chì. Đó là những vụ mùa mà danh bạn và tôi ‘rạng sáng’, đang khi Danh Chúa thì ‘tắt ngủm!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống ‘văn hoá nhàn rỗi’, suốt ngày đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vào; cho con biết nghiên cứu, mài cày, tra dầu vào máy và ‘lái xe ra đồng’, hầu có thể có ‘một mùa bội thu’ đúng nghĩa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

KHÔNG BAO GIỜ SAI LẦM

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là tha đến bảy mươi lần bảy!”.

“Chỉ khi tha thứ, người ta mới không bao giờ sai lầm!” - Rustand.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi bạn và tôi nhân hậu, từ bi, xót thương như Thiên Chúa; nên những con người tha thứ. Vì khi tha thứ, chúng ta sẽ ‘không bao giờ sai lầm!’.

 

Bài đọc Huấn Ca cho thấy những cám dỗ nuôi lòng oán hận là điều Thiên Chúa ghê tởm, “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!”. Đó là cám dỗ “sống cho chính mình” mà Kitô hữu phải tránh xa như Phaolô lưu ý trong bài đọc hai.

 

Nghĩ đến tình yêu, lòng tốt, sự dịu dàng, lòng thương xót… là điều dễ hiểu; chúng truyền cảm hứng cho chúng ta trở nên thánh thiện. Nhưng đôi khi, bạn và tôi cần nhiều hơn thế. Đây là một trong những lý do dẫn tới dụ ngôn hôm nay, bạn và tôi ‘không bao giờ sai lầm’ khi tha thứ! Chúa Giêsu nói với Phêrô, “Tha đến bảy mươi lần bảy!”.

 

Linh Thao của Ignatiô trình bày một cấu trúc, trong đó, vị linh hướng dẫn người tĩnh tâm đi trọn 30 ngày. Điều thú vị là Ignatiô không bắt đầu bằng việc mời gọi mỗi người suy gẫm về các nhân đức cao đẹp; thay vào đó, tuần đầu tiên, họ được yêu cầu suy gẫm sự khủng khiếp của tội và những hậu quả tàn khốc của nó. Bằng cách này, mắt họ mở ra trước tội lỗi mình; để trong ba tuần kế tiếp, họ sẽ có thái độ đúng đắn khi chiêm ngắm Chúa Giêsu.

 

Theo một nghĩa nào đó, Tin Mừng hôm nay thật lý tưởng để suy gẫm trong tuần đầu tiên với Ignatiô. Và vì lý do đó, bài Tin Mừng này thật quý báu để suy gẫm bất cứ lúc nào bạn và tôi muốn sắp xếp lại đời sống thiêng liêng. Bởi lẽ, chúng ta rất dễ trở nên tự mãn; cũng như dễ trở nên hâm hẩm trong cầu nguyện và lơi lỏng trong đời sống luân lý. Nếu đó là bạn ở bất kỳ mức độ nào thì Lời Chúa hôm nay đáng để chú ý thật cẩn thận và kỹ lưỡng.

 

Tội lỗi Chúa Giêsu đề cập hôm nay là tội không tha thứ. Rõ ràng, cơn thịnh nộ của Chúa sẽ giáng xuống những ai không biết tha thứ. “Đầy tớ độc ác” được tha “một món nợ rất lớn”. Người này là tất cả chúng ta! Bạn và tôi được tha một món nợ lớn bằng mạng sống Chúa Kitô. Hậu quả tội lỗi của chúng ta là cái chết của Ngài. Mỗi chúng ta đáng nhận án tử hình! Nhưng giờ đây, cái chết đã hoá nên phương tiện của sự sống mới qua việc tha tội. Và nếu muốn nhận sự tha thứ và sự sống mới đang chờ đợi, chúng ta phải thông phần trọn vẹn vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Không chỉ nhận sự tha thứ, chúng ta còn phải tha thứ cho những người đã có lỗi với mình. Hoàn toàn! Thảy thảy! Không dè giữ!

 

Anh Chị em,

“Tha đến bảy mươi lần bảy!”. Mọi tội chúng ta phạm dù nặng đến đâu trước mắt Thiên Chúa, cũng chỉ là một món nợ nhỏ so với món nợ chúng ta nợ Ngài, “Đấng từ bi nhân hậu” như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng. Do đó, đừng bao giờ ngần ngại “Tha đến bảy mươi lần bảy!”. Không bao giờ! Vì chúng ta sẽ ‘không bao giờ sai lầm’ khi tha thứ! Nếu điều này khó khăn và nếu việc suy gẫm về lòng thương xót, nhân hậu, từ bi và tình yêu của Thiên Chúa không buộc bạn phải hoàn toàn tha thứ cho tha nhân đến mức tối đa, hãy dành thời gian cho dụ ngôn này! “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”. Đó là những lời yêu thương Chúa Giêsu đang thức tỉnh chúng ta.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trẻ em thường không giận lâu. Đừng để oán hờn gặm nhấm linh hồn con! Xin giải thoát con khỏi những dày vò đến từ sự không tha thứ!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)