Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tham vọng hoán cải - Công cụ của Lời

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

THAM VỌNG HOÁN CẢI

 

“Tôi phải ví người thế hệ này với ai?”.

 

“Nhìn lại, tôi đã học được rằng, hoang dã là một phần của khung cảnh đức tin, và mọi thứ đều thiết yếu; chẳng hạn, núi! Trên đỉnh núi, tôi choáng ngợp trước sự hiện diện của Chúa; trong hoang mạc, tôi choáng ngợp vì sự vắng mặt của Ngài. Cả hai nơi buộc bạn và tôi phải quỳ gối; tôn thờ, cảm tạ và hoán cải. Nơi này, tôi kinh ngạc tột cùng; nơi kia, tôi hoàn toàn tuỳ thuộc!” - Dave Dravecky.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Trước Thiên Chúa, thái độ đúng đắn nhất “vẫn là tôn thờ, cảm tạ và hoán cải!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói cho người đương thời biết, họ thiếu một ‘tham vọng hoán cải’. Sự kiêu hãnh ẩn sau những suy nghĩ của họ về Gioan, “Kẻ bị quỷ ám!”; và về Chúa Giêsu, “Tay ăn nhậu!”. Họ tuỳ tiện tạo ra một Chúa riêng, một Chúa không lay chuyển họ khỏi những tiện lợi, đặc quyền và cam kết.

 

Bạn và tôi cũng đang mắc phải rủi ro này! Bao lần chúng ta chỉ trích điều này điều kia, dù Giáo Hội nói như vậy hay vì Giáo Hội đã nói như vậy, hoặc ngay cả khi Giáo Hội nói ngược lại! Chúng ta có thể tìm ra mọi kẽ hở và sai lỗi khi đề cập đến Giáo Hội hoặc người khác. Tuy nhiên, trên thực tế, cách vô thức, chúng ta chỉ muốn biện minh cho sự lười biếng và thiếu ‘tham vọng hoán cải’ thực sự; chúng ta bào chữa cho sự an thân và thiếu cam kết của mình. Thánh Bernard nói, “Còn gì hợp lý hơn việc thừa nhận những vết thương và vết sẹo của mình, đặc biệt khi người ta cố che đậy để không ai nhìn thấy! Cuối cùng, cả khi có người nhìn thấy, chúng ta vẫn ngoan cố bảo rằng, đó không phải là vết thương và bỏ mặc trái tim mình cho những lời dối trá!”.

 

Lời Chúa chạm tâm hồn có khả năng hoán cải và biến đổi; nhưng trước tiên, bạn và tôi phải khiêm nhượng. Bởi lẽ, ân sủng chỉ có thể đọng lại ở những ‘vùng trũng khiêm hạ’. Vì thế, hãy xin Ngài đến gần bạn như đã đến với “những người thu thuế” và “các tội nhân!”. Khốn cho ai nghĩ rằng, tôi không cần thầy thuốc! Điều tồi tệ nhất đối với bất kỳ bệnh nhân nào là tin rằng mình khoẻ mạnh, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và không bao giờ có thể phục hồi. Bạn và tôi đều bị bệnh đến chết, chỉ Chúa Kitô mới có thể cứu, dù bạn nhận ra điều đó hay không. Hãy “tôn thờ, cảm tạ và hoán cải” trước Đấng Cứu Độ, chào đón Ngài như vậy! Đồng thời, xin cho mình có một ‘tham vọng hoán cải’.

 

Anh Chị em,

“Tôi phải ví người thế hệ này với ai?”; nói như thế, khác nào Chúa Giêsu nói, “Bạn muốn gì?”. Và với thái độ của mình, những người biệt phái dường như đã trả lời, “Chúng tôi muốn sự cứu rỗi được thực hiện theo cách của mình!”. Và như vậy, họ “đóng cửa” cách thức hoạt động của Thiên Chúa. Và đó là “một bi kịch” mà mỗi người chúng ta cũng đang mắc phải! Vì lý do này, bạn và tôi nên tự hỏi, “Tôi muốn được cứu như thế nào? Theo cách của tôi, không có rủi ro? Hay theo cách của Chúa, đi con đường Chúa Giêsu đi, Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Đấng luôn mở cửa cho chúng ta đi vào mầu nhiệm quyền năng toàn thánh của Thiên Chúa, và đó là lòng thương xót và sự tha thứ?”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cho con biết choáng ngợp trước sự hiện diện của Chúa; và biết cảm nhận sự hụt hẫng khi vắng bóng Ngài. Nhờ đó, con biết “tôn thờ, cảm tạ và hoán cải” trước Đấng cứu độ con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*********

 

CÔNG CỤ CỦA LỜI

 

“Ông đứng dậy đi theo Người”.

 

Một thương gia rất hài lòng với chiếc phong vũ biểu tốt nhất vừa sưu tầm; nhưng về đến nhà, ông vô cùng thất vọng khi thấy chiếc kim của nó có vẻ bị kẹt; nó chỉ vào ‘khoản bão’. Lắc nó vài lần, chiếc kim vẫn kẹt! Ông bực bội ngồi xuống, viết một thư phàn nàn gửi cho cửa tiệm. Tối hôm sau, từ văn phòng trở về, ông không tìm thấy chiếc phong vũ biểu; ngôi nhà cũng không! Thì ra, chiếc kim của nó chỉ đúng; rằng, đã có một trận cuồng phong!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng lễ thánh Matthêu không nói đến một ‘phong vũ biểu’; nhưng cách nào đó, nói đến một ‘la bàn!’. Người tậu nó, không là một thương gia hoài nghi, nhưng là một quan thuế cả tin! Matthêu luôn tin vào la bàn vốn luôn chỉ về Giêsu, người gọi ông, để ông trở nên một công cụ của ân sủng, ‘công cụ của Lời!’.

 

Với ơn gọi của Matthêu, rõ ràng, sự thánh thiện của một người không đơn thuần là rời bỏ một quá khứ xấu, nhưng còn là tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa; cũng không chỉ là dứt mình ra khỏi một cái gì đó, nhưng được biến đổi để trở nên một ‘ai đó’, một công cụ mà Thiên Chúa nhắm đến khi tạo dựng mỗi người để họ trở thành.

 

Cũng thế, khi gọi bạn và tôi, Thiên Chúa không bao giờ đưa ra một tấm bản đồ; thay vào đó, một la bàn. Bạn không nhìn thấy toàn bộ đường đi; đơn giản, chỉ biết phương hướng, và nó luôn chỉ về Giêsu. Mỗi ngày, Giêsu mời gọi chúng ta để mắt vào Ngài; từ đó, đi theo, chìm sâu hơn và tham phần vào tình yêu Ngài. Matthêu quả không biết đời mình thực sự sẽ ra sao, nhưng biết chắc nó phải bắt đầu từ đâu, và nó phải thay đổi! Matthêu tin rằng, Giêsu là người đáng để tin; tin đến nỗi, ông sẽ phó mình cho Ngài, mặc cho tương lai đùn đẩy. Matthêu đâu biết, rồi đây, ông sẽ là một công cụ sắc bén của Ngài, ‘công cụ của Lời!’.

 

Niềm vui của Matthêu phớn phỡ qua bữa tiệc mừng ‘vĩnh khấn’. Ở đây, lời Khải Huyền thật thâm trầm, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với nó”. Matthêu có thể nói ‘không’, ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’; và nếu đã có một sự từ chối, hẳn đã không có tiệc tối nào và do đó, bạn bè ông đã bỏ lỡ cuộc gặp thân mật với Chúa Giêsu, một lần gặp biết đâu đã thay đổi vĩnh viễn một số cuộc đời trong họ. Bằng việc thưa “vâng” của Matthêu, Giêsu đã có thể chạm vào cuộc sống của ông và của những người khác mà ông đã là ‘công cụ của Lời’ ngay từ phút đầu.

 

Anh Chị em,

 

“Ông đứng dậy đi theo Người”. Lời gọi đi theo Chúa Giêsu, trước hết, là một lời mời hoán cải; tiếp đến, tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Đấng mời gọi. Matthêu đã trải nghiệm tiến trình đó suốt cả đời mình; đã trở nên một phong vũ biểu, một la bàn chính xác cho hậu thế với chiếc kim luôn ‘kẹt’ ở ‘khoản Giêsu’. Không chỉ báo cho người khác có một trận cuồng phong, nhưng với Phúc Âm do tay mình viết ra, Matthêu còn chỉ ra Đấng có uy quyền trên cả cuồng phong, cuồng phong thiên nhiên, cuồng phong tâm hồn. Như Matthêu, bạn và tôi được gọi để trở nên một phong vũ biểu, một la bàn, một ‘công cụ của Lời’ cho tha nhân, cho thế giới, với một điều kiện duy nhất, luôn chỉ đúng hướng!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, Chúa gọi con để trở nên một công cụ yêu thương của Lời. Đừng để con trở nên một công cụ tồi, rẻ tiền; và tệ hơn, chỉ bậy!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)